KHÔNG THAM ĐẮM ĐIỀU THẾ TỤC
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 02 Tháng ba 2011 12:55
Đại sư Tinh Vân - Đạt Ma Chí Hải dịch
Hạnh phúc luôn là điều mong mỏi của tất cả mọi người. Người thế gian lấy ngũ dục, lục trần làm vui. Ngũ dục là tài, sắc, danh, thực, thùy. Lục trần, là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Còn người xuất gia học đạo lấy “không tham muốn” làm niềm an vui. Vậy thế nào là không tham muốn mà an vui?
Là khi sống đời thanh đạm không đắm nhiễm dục lạc, không dính mắc bởi sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, không dính mắc giữa ta và người, không còn phiền não thị phi, không bị lòng tham thúc đẩy, không bị vô minh che mờ. Không tham vọng để gây tội ác. Đó gọi là không tham mà được an vui.
1. Thiền là niềm vui khi không tham
Quý vị khi xuất gia học đạo, có cảm nhận được thiền duyệt trong sinh hoạt không? Nếu như không có niềm vui thì thân tâm sẽ không thể ở yên trong Phật pháp. Thiền duyệt là một loại tịch tĩnh an vui. Tự nội tâm của tôi vui thích, vui thích tịch tĩnh, vui thích phát tâm. Nếu không có được thiền duyệt quý vị sẽ xem dục lạc thế gian là vui thích.
Trong các sinh hoạt tu tập như tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật mà quý vị cảm nhận đuợc sự diệu mật trong công phu là quý vị đã nhận được thiền duyệt, được pháp lạc. Trong kinh Duy Ma nói: “Tôi có niềm vui trong pháp Phật, không vui pháp thế gian”. Pháp lạc là thiền duyệt. Anh không có thiền duyệt, tiền bạc ở thế gian sẽ áp đảo anh, tình cảm như nước lũ sẽ dìm chết anh, có thiền duyệt, tự nhiên không còn tham mà vẫn an vui.
2. Tâm Phật là niềm vui khi không tham
Tâm Phật, không phải là chúng ta xưng niệm danh hiệu Phật, ca ngợi Phật, mà tâm của chúng ta chính là tâm Phật. Lấy tâm Phật ấn tâm chúng ta, tâm tôi và tâm Phật như nhau, có đầy đủ tánh giác, từ bi, quang minh, thanh tịnh. Tâm tôi như trăng sáng, tâm tôi như hoa sen, nên gọi là “Tâm tâm tương ứng, quang quang tương chiếu”. Cho nên tâm Phật, tâm Bồ-tát, tâm tôi như nhau, trong tôi có Phật nên tự tại an lạc, giải thoát. Đây là tâm Phật, tâm này vượt lên khái niệm nhân ngã, đối đãi, dần dần dứt trừ sinh tử, có và không. Nên nói tâm Phật là từ bi, trí tuệ, bình đẳng, là không tham muốn mà an vui.
3. Xả là niềm vui khi không tham
Nói đến hỷ xả là nói đến bố thí. Người Phật tử lấy tài thí làm chủ yếu, người xuất gia lấy pháp thí làm trọng tâm.
Thế nào là bố thí pháp?
Chủ yếu là dùng tâm, pháp, lý, lực, dùng ngôn ngữ làm lợi ích cho mọi người.
Bố thí cũng cần phải có phương tiện. Có tiền thì cho tiền. Có sức thì giúp sức. Có miệng thì giúp lời. Có tâm thì giúp tâm. Tôi không có tiền của, tôi có thể dùng sức của mình để giúp đỡ. Tôi không có sức lực, tôi có thể dùng lời nói để thuyết pháp. Nếu không thể thuyết pháp, tôi có thể tùy hỷ mà tán dương chúc phúc cho quý vị. Đây là hương tâm thí xả. Không ngừng lấy giáo lý đạo Phật chỉ dạy cho người, không ngừng lấy tâm chúc phúc cho người. Tôi hy vọng anh tốt, ước muốn anh được phát triển, anh thành đạt, đây là hỷ xả.
Người trên thế gian, mặc dù có bố thí, kết duyên, nhưng họ vẫn hy vọng có sự quan tâm báo đáp, còn có tâm tham, chưa phải là hỷ xả. Hỷ xả là một tấm lòng rộng lớn không chút mảy may mong cầu báo đáp.
Người thời nay thường có tâm đố kỵ, không hoan hỷ với người tốt, người tài giỏi, người an lạc. Tôi không hoan hỷ, tôi sân hận, tôi đố kỵ, đây là một thói quen xấu. Phật pháp dạy cho quý vị nên có tâm từ, chúng ta khéo dùng tâm từ này, làm điều thiện, bố thí, làm lợi ích cho mọi người. Đây gọi là không tham muốn mà được an vui.
4. Vô vi là niềm vui khi không tham
Quốc sư Mộng Song từng nói rằng:
Biết đủ là giàu nhất,
Không bệnh là quý nhất,
Bạn lành là thân thiết nhất,
Niết-bàn là an lạc nhất.
Sao gọi là Niết-bàn? Ấy là pháp vô vi. Trên thế gian có nơi chốn, có tưởng tượng, có phân biệt, có tăng trưởng, đều không thể cứu cánh, chỉ có vô vi, xưa nay không tạo tác mà vẫn tịnh lạc, an vui. Niềm vui Niết-bàn, không nhất thiết chúng ta phải chờ đến một trăm năm sau này mới chứng ngộ. Đức Phật ngồi trên tòa Kim Cang dưới cội Bồ Đề, vào giữa đêm khi sao mai vừa mọc đã bừng lên ánh sáng giác ngộ, triệt chứng Niết-bàn. Niết-bàn là viên mãn, siêu việt, không còn ý tưởng sinh diệt, thoát ly trần thế phiền não đưa chúng sinh đạt đến cảnh giới an lạc giải thoát.
Hạnh phúc là Niết-bàn mà người đời mãi đi tìm nhưng nó vẫn bặt tăm. Người xuất gia không cần tìm mà nó vẫn đến thật tự tại. Tuy nhiên, chẳng phải dễ dàng để có được hạnh phúc này. Cần phải có công phu trong tu tập thì mới có thể với tới được, giống như gặp một khúc sông, chúng ta phải dò từ chỗ cạn để lần đến chỗ sâu.
Khi chưa xuất gia, lấy việc làm ăn phát đạt làm hạnh phúc. Khi tiền của nhiều rồi, lại nghĩ đến chuyện dời non lấp biển, muốn thỏa mãn những vọng tưởng điên đảo của bản thân. Tưởng chừng như có tiền là có tất cả. Lắm người vì tiền mà phải lụy thân. Chim muông vì thóc lúa mà vương phải bẫy. Cho nên có nhiều tiền của cũng chưa phải là hạnh phúc.
Tình yêu có mang lại hạnh phúc đích thực không?
Tình cảm vợ chồng, đôi lứa thường trao cho nhau những lời yêu thương ngọt ngào, hứa hẹn, nhưng trong tình cảm đó còn đầy ắp những toan tính, lo âu, buồn vui, đuợc mất, đôi khi không được như ý mình mong muốn rồi sinh ra mù quáng, chán ghét, sân hận, để rồi tự làm khổ nhau. Đó sao gọi là hạnh phúc.
Sự nghiệp to lớn, có hạnh phúc không?
Có người vì sự nghiệp, vì vợ con mà cố gắng tạo ra thật nhiều tiền của, tài sản của họ có khi đến hàng trăm, hàng ngàn hàng triệu, mà họ vẫn bị phiền não chi phối. Họ rất muốn thoát ra sự ràng buộc khổ đau đó, nhưng bảo họ đến đây xuất gia sống đời đạm bạc thì thật không dễ dàng. Vì họ đang ở trong sự mê đắm ngũ dục, khó thể xa rời, nên không thể cảm nhận hạnh phúc trong niềm an lạc.
Người bình dân hay người trí thức cũng bị phiền não trói buộc như nhau. Có tri thức mà không có trí tuệ, có tham muốn mà không có tâm đạo, thì làm sao có được hạnh phúc? Đó là lý do mà người thế tục tham muốn tiền của, tình yêu, sự nghiệp, học vấn… đều không đạt được hạnh phúc chân chánh.
Thế nào mới là hạnh phúc chân chánh? Người tu khi không còn tham dục, biết sống trong lục hòa, đó là hạnh phúc chân chánh. Nội dung sinh hoạt của tăng đoàn chủ yếu là lấy hòa kính, thanh tịnh, an lạc làm chính. Hạnh phúc an lạc là ở chỗ thanh tịnh vô nhiễm.
Đệ tử của Phật là Vương tử Bạt Đề và nhóm Kim Tỳ La (A Na Luật Đa, Bạt Đề, Kim Tỳ La), ba người quyết tâm hạ thủ công phu. Một hôm ngài Bạt Đề bỗng dưng la to:
- Hạnh phúc quá ! Hạnh phúc quá !
Bất chợt lúc ấy Đức Phật đi ngang qua, bèn hỏi ông:
- Thế nào là hạnh phúc?
Bạt Đề thưa:
- Bạch Đức Thế Tôn, trong quá khứ khi còn làm vương tử, nơi cung điện có đầy đủ cao lương mỹ vị, nhưng chẳng bao giờ con ăn mà thấy ngon, quanh con nơi nào cũng có bảo vệ canh phòng, mà con vẫn nơm nớp lo sợ. Bây giờ là tu sĩ ở chốn rừng núi hoang vắng này, thức ăn đi khất thực mang về con xem tựa hồ như cao lương mỹ vị, chung quanh con không có lính hầu bảo vệ nhưng con chẳng sợ ai sát hại. Con thật an lành và cảm nhận cuộc sống hôm nay mới là hạnh phúc chân thật!
Đây gọi là niềm vui khi không còn tham muốn. Các vị nên biết, tham muốn càng lớn, khổ đau càng nhiều ; tham muốn vơi đi, khổ đau dần ít. Chúng ta hãy trừ bỏ những tham muốn đối đãi giữa ta và người để đạt được cuộc sống an vui. Là người tu, chúng ta nên cầu tiến hướng về thiện pháp, hướng đến sự giác ngộ, trí tuệ Bát-nhã, đây mới là đời sống không tham của người xuất gia.