Lời Đại sư Hám Sơm dạy Đặng Ti Trực
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 28 Tháng ba 2011 14:06
Ni sư Hạnh Huệ dịch
Phật Tổ ra đời thuyết pháp Bát-nhã, dạy người tu hành phải lấy Bát-nhã làm gốc, Bát-nhã là tiếng Phạn, nghĩa là trí tuệ. Trí tuệ này là Phật tánh sẵn có của chúng ta. Còn gọi là tự tâm, tự tánh. Thể này xưa nay không mờ nên nói Quang minh, xưa nay rộng lớn bao dung nên nói là Hư không, xưa nay không vọng nên nói Nhất chân, xưa nay không động không biến nên nói Chân như, Như như, xưa nay viên mãn không đâu chẳng chiếu nên nói Viên giác, xưa nay tịch diệt nên nói Niết-bàn.
Chư Phật chứng ngộ trọn vẹn nên nói Đại giác, còn gọi là Bồ-đề. Vì chư Phật sử dụng nên là thần thông diệu dụng. Vì Bồ Tát tu nên gọi là diệu hạnh. Nhị thừa đắc gọi là giải thoát. Phàm phu mê mà thànhø vọng tưởng nghiệp thức, từ đó phát ra tham, sân, si, kiêu, siểm, khi, trá, tạo nghiệp dâm, sát, vọng, trộm, kết quả là các thứ dụng cụ đau khổ: Dao, cưa, sắt, mài cho đến vạc dầu, lò than… đều từ tâm mình biến hiện.
Chính như người đang tỉnh táo vô sự, trước mắt có các việc vui vẻ, bỗng chợp mắt ngủ mê, mộng thấy chịu đủ đắng cay khổ sở ở địa ngục, với các việc khổ, khó kham, khó nhẫn. Ngay lúc muốn cầu cứu mà chẳng thể được đó, khách ngồi trước nhà vẫn còn trò chuyện huyên náo chưa dứt. Giật mình tỉnh giấc, ngáp dài mà dậy, thấy cảnh vui vẻ rõ ràng trước mắt, rượu còn ấm, đồ nhắm còn nóng. Chưa rời khỏi gối chiếu mà cảnh khổ vui đã chóng đổi khác. Điều cốt yếu là vui thì từ ngoài đến, khổ từ trong ra. Do đây mà xem thì thuyết thiên đường, địa ngục rõ ràng xuất hiện ở tâm mình, có gì là hư huyễn kỳ quái? Đó đều vì mê mờ tâm mình mà ra cả. Kinh nói: “Tự tâm giữ tự tâm, không phải huyễn mà thành pháp huyễn”. Lại nói: “Pháp trong ba cõi trên dưới đều chỉ một tâm tạo”. Xét đó thì đâu phải riêng Phật pháp nói nhất tâm, Thánh hiền từ trước cho đến cả chín dòng dị thuật cũng đều từ một tâm này mà thành, chỉ có lớn nhỏ, nhiều ít, lành ác, tà chánh, sáng tối không đồng nên chỗ dùng khác nhau. Nên nói: “Sơn hà đại địa toàn lộ thân pháp vương. Vảy vỏ, cánh lông đều hiện sắc thân tam-muội”. Đây đều là chân quang của Bát-nhã, bóng dáng của tự tâm chúng ta.
Tâm thể sẵn có của chúng ta xưa nay bao dung rộng lớn, thanh tịnh quang minh như vầy, các cảnh tượng màu sắc trước mắt xen lẫn chập chùng, bốn bề la liệt lại đều là tâm ta hiện như thế. Chúng ta có cái tâm này mà chẳng biết, thật đáng thương! Lại còn ôm giữ những thứ do tâm hiện, cho là chỗ vui thích đáng yêu. Mắt hài lòng với sắc đẹp, tai thích tiếng dâm, mũi thích mùi thơm, lưỡi thích vị ngon, thân ưa xúc chạm, tâm ưa các pháp. Chúng đều từ tâm mà ra, mình lại giữ lấy cho là sung sướng, rồi tham– sân– si, tạo các thứ huyễn nghiệp dâm– sát– trộm– vọng, chiêu lấy sự khổ kịch liệt trong tam đồ ở đời vị lai, như người mộng du không tỉnh, không rất đáng thương sao?
Vì tâm này cùng chư Phật đồng thể không hai, Lịch đại Tổ sư ngộ rõ chẳng khác. Riêng có chúng ta đầy đủ mà chẳng biết. Như đứa con thơ bỏ trốn quên đường trở về, cha mẹ nhớ thương tìm kiếm. Do đó, đức Thích-ca ra đời, tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang, cho đến ba mươi năm thuyết pháp û Tào Khê, rồi chư Tổ có một ngàn bảy trăm công án đầy đủ để chỉ dạy người, đều là việc này vậy.
Kinh nói: “Chỉ một việc này là thực, có cái thứ hai thì chẳng phải chân”. Như vậy, ngoài một việc này, tất cả đều là lời của ma, là hý luận. Thế thì chư Phật chứng đủ mà không xuất thế thì cô phụ chúng sanh, chư Tổ ngộ mà không thuyết pháp thì cô phụ chư Phật, còn người có nghe mà không tin, không hiểu, không nhận, không hành thì cô phụ chính mình. Phụ chúng sanh thì kiêu mạn, phụ chư Phật thì đọa, phụ chính mình thì ngu si. Vậy thì có thể phụ Phật Tổ mà không thể phụ chính mình, vì sẵn có mà chẳng cầu, đầy đủ mà chẳng khéo dùng, ví như cầm châu báu mà đi ăn mày, không rất đáng thương sao?
Nay Ti Trực thân chạm biển trần, tâm đọa đường mê, bỗng nhiên mãnh tỉnh, quay đầu tìm cầu việc này, giống như đứa con cầm châu báu hổ thẹn sống chung với bọn ăn mày, cứ hướng về người để cầu no đủ. Lão nhân vội đem pháp này chỉ thẳng cho, rõ ràng chỉ cho thần châu trong áo, nguyên là Ti Trực đã có sẵn, chứ chẳng phải lão nhân nắm đưa để lấy cảm tình. Nhưng bảo châu như ý này, tùy chỗ cầu mà ứng, các thứ sự nghiệp, hoàn cảnh nhận dùng chẳng chút thiếu thốn. Đến như cầu phương pháp để được đáp ứng thì cũng ở tự tâm của Ti Trực, nhờ sức khéo léo siêng năng, khắc khổ. Nếu quả có thể tự nhận, cực lực tự cầu, một ngày nào đó hoát nhiên đại ngộ thì một miệng có thể hớp hết sông núi, đất đai, các loài vảy, vỏ, lông, cánh cùng chư Phật ba đời, Lịch đại Tổ sư và cả sự nghiệp của Nghiêu, Trăn, Chu, Khổng chẳng nhờ vào sức ai khác. Nếu không thì y như cũ, chỉ là một chúng sanh mộng tưởng điên đảo, lấy cái gì mà xưng là đại trượng phu?
Ti Trực! Ti Trực! Ông thà có thể trên phụ Phật Tổ, dưới phụ lão nhân, muôn vạn lần chớ phụ chính mình, phụ vua, phụ người thân. Lão nhân hôm nay thuyết Bát-nhã, đều là pháp môn tâm địa của chư Phật Tổ ngàn xưa, tức là cùng với lời đại sư Lục Tổ thuyết đầu tiên không sai một chữ, và chỉ một mình ông là người nghe đầu tiên. Đã đem một người sánh với một ngàn hai trăm chúng ngày xưa, lão nhân hoan hỷ khôn cùng nên cũng vì ông thuyết Bát-nhã. Như Phật Tổ của chúng ta đã nói: “Như vì một người, vì chúng đông cũng thế”. Đặng Sinh giữ lấy điều này để tự lợi mình, lợi người, chưa chắc không phải là lưỡi rộng dài đâu nhé!