headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 26/11/2024 - Ngày 26 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

BỒ TÁT NHƯ LAI LÂM NÓI KỆ

Chân Hiền Tâm việt dịch 

BẢN KINH này, được trích dịch từ phẩm ‘Bồ-tát thuyết kệ tại thiên cung Dạ-ma’ thuộc kinh Hoa Nghiêm (bộ 60 quyển). Còn phần GIẢI THÍCH thì được dịch từ bộ ‘Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký’ của ngài Hiền Thủ (Pháp Tạng) – Tổ thứ ba tông Hoa Nghiêm.       

Lúc ấy, Bồ-tát NHƯ LAI LÂM nương uy thần của Phật, quán khắp mười phương, rồi dùng kệ tụng rằng :

Do quán tâm chân như nên gọi là Như Lai Lâm.

10 bài kệ phân làm hai : 6 kệ đầu nói tâm tạo phàm. 4 kệ sau nói tâm khởi thánh. 

I. TÂM TẠO PHÀM : Từ kệ (1) đến kệ (6).

4 kệ ½ đầu là nêu ví dụ.

½ kệ (5) và (6) là hợp với pháp.

A. Nêu ví dụ : Kệ (1) đến ½ kệ (5).

Thí như công họa sư

Phân bố các ảnh sắc

Hư vọng thủ dị sắc

Tứ đại không sai biệt                 (1)

Tứ đại phi ảnh sắc

Ảnh sắc phi tứ đại [1]

Không lìa thể tứ đại

Mà riêng có ảnh sắc                  (2)

Hai bài kệ này là ví dụ, nói họa sư tạo tranh, dụ cho vọng pháp y nơi chân.

Đây nói về môn chân như. Kệ (1) và ½ kệ (2) là tùy sự huân mà có sai khác.

Hư vọng thủ dị sắc, là hiển dị sắc còn vọng tình.

Tứ đại không sai biệt, là nói tướng tận thì đồng với chân.

Tứ đại dụ cho chân tâm. Ảnh sắc dụ cho tướng duyên khởi hư vọng.

Tâm phi ảnh họa sắc [2]

Ảnh họa sắc phi tâm

Lìa tâm không họa sắc

Lìa họa sắc không tâm               (3)

Tâm đó không thường trụ

Vô lượng khó nghĩ bàn

Hiển hiện tất cả sắc

Mỗi mỗi không biết nhau           (4)

Giống như công họa sư

Không thể biết họa tâm

Phải biết tất cả pháp

Tánh chúng cũng như thế          (5)

Tâm như công họa sư

Họa các thứ ngũ ấm

Trong tất cả thế giới

Hết thảy pháp đều tạo               (6)

Kệ (3) (4) là ví dụ nói về họa tâm tạo tranh, dụ cho vọng y nơi tâm.

2 câu đầu kệ (5) : Ví dụ họa sư không biết họa tâm, dụ cho duyên khởi vô tri. Ý là : Tất cả chúng sinh đều y nơi chân mà duyên khởi. Bản thức của tâm theo danh ngôn, hữu chi, ngã kiến v.v… huân tập mà hiện thân ở sáu đường. Duyên khởi thì hư vọng, vô ngại, không gì không hoại có. Cho nên, hội nhiếp thì có hai môn : Nếu hội duyên theo thật thì tướng sai biệt hết, chỉ là nhất chân như. Nếu nhiếp ngọn về gốc thì dị hình của sáu đường chỉ từ tâm chuyển. Ứng vào sơ, thì duyên khởi không tồn tại, là môn chân như. Ứng vào hậu, tồn và hoại không hai, chỉ là nhất duyên khởi, hai môn vô ngại, chỉ là nhất tâm. Luận Khởi Tín nói: «Y nơi nhất tâm pháp mà có hai môn. Một là môn tâm chân như. Hai là môn tâm sinh diệt. Hai môn này đều tổng nhiếp tất cả pháp». Nay ở văn đây, họa cũng có hai nghĩa :

. Y trên vách nên như nhau.

. Y nơi tâm họa sư khéo nên tợ như có cao thấp.

Kệ (3) và ½ kệ (4) : Chân vọng bất tức (chẳng phải).

Tâm phi ảnh họa sắc (tâm không phải là ảnh họa sắc), là nói năng tạo không phải là sở tạo : Nhiếp vọng là chân, chẳng phải là vọng, vì tánh chân.

Ảnh họa sắc phi tâm (Ảnh họa sắc không phải là tâm), là nói sở tạo không phải là năng tạo : Y nơi chân là vọng, không phải chân, vì tánh hư vọng.

Lìa tâm không họa sắc, lìa họa sắc không tâm, là nói vọng không lìa chân. Vì vọng suốt với chân, vọng hết chân hiện, nên nói lìa tâm không họa sắc v.v… Cho nên bất ly, bất dị, bất tức (chẳng lìa, chẳng khác, chẳng phải).

Ví dụ họa tượng y nơi họa tâm ở kệ (3) (4) thuộc môn sinh diệt. Tâm họa sư, là dụ cho bản thức, là tâm năng biến. Họa sắc là dụ cho thân ngũ ấm, là báo sở biến.

Kệ (3) : ½ kệ đầu nói năng và sở bất tức. ½ kệ sau hiển gốc và ngọn bất ly. Vì tâm là gốc, ảnh họa sắc là ngọn, vì thế bất tức ; Tâm biến làm báo cho nên bất ly. Đây là nói tâm hay biến cảnh, tâm thể chẳng phải là cảnh. Cảnh từ tâm biến, cảnh tướng chẳng phải là tâm. Từ tâm mà biến nên cảnh chẳng lìa tâm. Hay biến cảnh nên tâm chẳng lìa cảnh. Cho nên, tuy bất tức bất ly nhưng chủ yếu chỉ là thức, chẳng phải duy cảnh.

Hỏi : Kệ trước chỉ nói ảnh sắc không lìa tứ đại, chẳng nói tứ đại không lìa ảnh sắc. Sao không đồng với đây?

Đáp : Trước nói ‘chân’ không biến vọng, đây thì hiển tâm biến ra cảnh, cho nên không đồng.

Kệ (4) : ½ kệ đầu, nói công họa sư tâm xảo, dụ cho thức năng biến. Vô trụ là gốc nên khó nghĩ bàn. ½ kệ sau hiển họa sắc hiện ra (sở hiện), dụ cho tướng sở biến, đều từ tâm hiện, không thể tánh có thể biết nhau.

Kệ (5) : ½ kệ đầu, nói họa sư không biết các thứ họa này đều từ tâm hiện, dụ cho các chúng sinh mê tự tâm lượng. 

B. Hợp với pháp : ½ kệ (5) và kệ (6) : Có thể tự hiểu.                                           

II. TÂM KHỞI THÁNH : Từ kệ (7) đến kệ (10).

Như tâm Phật cũng vậy

Như Phật, chúng sinh vậy

Tâm, Phật và chúng sinh

Ba ấy không sai biệt                  (7)

Như tâm Phật cũng vậy, là dùng phàm để biết Phật. Như tâm tạo phàm, làm Phật cũng vậy, đều từ tâm khởi. Như Phật chúng sinh vậy, là dùng Phật để biết phàm.

½ sau kệ (7), là hội lại để hiển cái đồng. Vì tâm tạo Phật thì tâm và Phật không khác. Tâm tạo phàm phu thì tâm và phàm phu không khác. Năng sở y đồng nên nói không sai biệt.

Cũng có thể giải thích : Đây là kết luận và khuyên tu học.

Kệ (7) : Dung kết gốc và ngọn. Gốc và ngọn có ba :

. Chỉ có gốc, là chân lý, thành tựu tánh tịnh bản giác, gọi là Phật.

. Chỉ có ngọn, là chúng sinh sở biến.

. Đủ cả gốc và ngọn, là tâm năng biến. Vì y nơi chân mà hay biến.

Ba thứ trên duyên khởi, dung thông, vô ngại. Cứ có một là nhiếp hết hai thứ còn lại. Tánh chúng không khác, nên nói không sai biệt.

Chư Phật đều biết rõ

Tất cả từ tâm chuyển

Nếu hay hiểu như thế

Người ấy thấy chân Phật           (8)                

Kệ (8) : Nêu lợi ích khuyên tu. ½ kệ đầu, nói Phật đã biết. Nêu trước khuyên sau. Câu (3), là  khuyên sau đồng với trước. Câu (4) : Kết nói lợi ích của việc biết đó.

Tâm không phải là thân

Thân không phải là tâm

Làm tất cả Phật sự

Tự tại chưa từng có                   (9)

Kệ này nói ‘Thân tâm bất tức bất ly’.

½ kệ đầu nói ‘Thân tâm khác nhau nên bất tức’.

½ kệ sau nói ‘Y nơi tâm mà hiện thân nên bất ly’.

Nếu người muốn cầu biết

Tất cả Phật ba đời

Cần phải quán như vậy

Tâm tạo các Như Lai                  (10)   

Đây là khuyên tu.

½ kệ đầu, là nêu đối tượng cầu biết (sở cầu).

½ kệ sau, là khuyên ‘Y nơi lý mà quán’. Vì ở hội này, tâm nhập thật đó là Như Lai. Ngược với đây thì bỏ. Cũng có thể giải thích : Cũng do tâm biến mà Phật tướng hiện. 


 


[1] Tứ đại không phải là ảnh sắc. Ảnh sắc không phải là tứ đại.

[2] Tâm không phải là ảnh họa sắc. Ảnh họa sắc không phải là tâm.

[ Quay lại ]