KHẮC KHOẢI
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 18 Tháng Hai 2011 14:08
Pháp sư Thánh Nghiêm - Hạnh Đoan dịch
Cuộc sống quân nhân khiến tôi mệt mỏi, cạn kiệt sức lực. Tôi bắt đầu nghĩ tới chuyện đào ngũ. Lòng tôi rất rối, không biết sau này chuyện gì sẽ xảy ra, cũng chẳng biết mình có khôi phục được thân phận tu sĩ hay không?
Hồi xưa tôi nghĩ đi lính đỡ vài năm, sang Đài Loan rồi tôi sẽ có cơ hội làm hòa thượng lại. Nhưng ở trong quân ngũ mấy năm ròng, tôi mới hiểu ra mộng ước này tưởng đơn giản nhưng thực sự rất khó với tới. Thời gian cứ trôi qua, một năm, hai năm, ba năm...
Chính phủ quốc dân hiện đang thiếu nhiều vũ khí lẫn nhân viên quân sự. Nếu xảy ra đánh nhau, tôi không biết mình có còn sống để mà tu tiếp nữa không? Tôi tuy là người khoác áo lính, nhưng tâm tư toàn là hoài vọng đời sống thoát tục. Ước mơ cháy bỏng này luôn nung nấu tôi. Tư tưởng đào ngũ cứ ám ảnh mãi. Nhưng... áo tu tôi không còn, tôi cũng chẳng có đủ dũng khí để chạy trốn. Đã có người thực hiện việc chạy trốn đến ba lần: Lần nhất thất bại, anh bị đánh đập tới nỗi thịt da tét ra. Lần hai, anh bị bắt lại. Họ trói anh vào cọc, phạt anh đứng phơi ngoài trời suốt hai ngày, không cho ăn uống. Đại tiện tiểu tiện gì cũng tại chỗ đó. Lần ba, anh bị xử tử.
Mặc dù cảm thấy mình đang khốn quẫn, nhưng là sĩ quan, tôi vẫn có thời gian để viết bài cho tạp chí Phật giáo.
Trước năm 1956, tôi sáng tác rất nhiều thơ, đoản văn và tiểu thuyết... không dính tới chủ đề Phật giáo, chẳng ai lưu ý đến văn tôi. Mùa xuân năm đó, các quân nhân từng là bạn đồng tu trước đây, góp ý khuyên tôi nên chuyển hướng, thế là tôi bắt đầu viết về triết học và tôn giáo. Tôi gởi bài đến báo Phật giáo, nội dung bình luận ý nghĩa cuộc sống, vô thường, khổ và cô độc... Tôi đề xướng chúng ta cần phấn đấu, nỗ lực để tiêu trừ nghiệp lực, ra khỏi tam giới, thoát vòng sinh tử luân hồi, đời đời kiếp kiếp không còn bị trôi lăn.
Tôi cũng tham khảo quan hệ giữa tôn giáo và văn học, để mắt tới ảnh hưởng kinh điển Phật giáo đối với văn học. Tôi cho rằng Phật giáo đồ đối với văn học nên tôn trọng và lưu tâm nhiều hơn, vì sáng tác văn học nghệ thuật có ý nghĩa sẽ rất trân quý và ảnh hưởng cực lớn đối với xã hội và nhân loại.
Tôi viết cho báo Phật giáo rất được hoan nghênh, thế là tôi tự chọn một bút danh. Tôi dùng họ “Trương” của mình và lấy tên “Thái Vi” thay cho Bảo Khang.
Cách doanh trại không xa, lưng chừng núi có một ngôi chùa, từ doanh trại nhìn lên có thể thấy tượng Phật vĩ đại trên núi. Nhân đó tôi thường đến trước tôn tượng này lễ bái, không ai quấy rầy tôi. Trong
đội lính có nhiều tín đồ Cơ đốc giáo, họ thường tụ hội đọc Phúc âm. Tôi cũng dành riêng thời gian đả tọa. Tôi và mấy người ở chung một gian phòng, ngủ trên sạp. Đây cũng là chỗ tôi ngồi thiền. Các bạn biết tôi ngồi, nên không quấy rầy tôi. Vì tôi là sĩ quan, cho nên có chăn bông. Tôi dùng nó để ngồi. Nhưng do công tác bất thường nên tôi không có thời gian cố định để tĩnh tọa và không thể ngồi được lâu. Vì có lúc tôi ngồi được một, hai tiếng thì các quân nhân vào phòng, phá tan bầu không khí yên tĩnh. Cho nên ngồi thời gian ngắn mới không bị quấy rầy. Sĩ quan thì được quyền tự do đi lại, nên khi nghĩ phép tôi đi viếng chùa. Phật giáo Đài Loan hiện đang có nhiều chuyển biến. Trên đảo chỉ có số ít chùa, (suốt thời gian 50 năm Nhật Bản chiếm lĩnh), Đài Loan bị ảnh hưởng sâu nặng, ngay cả giới Phật giáo cũng mang phong cách Nhật Bản. Khi người Nhật rút đi rồi, trụ trì cũng đi theo, chùa thuộc cư sĩ tiếp quản lo liệu. Trong chùa chỉ có thực hành hình thức tôn giáo, đám sám... chứ không có Phật học viện tiến tu. Đối với các hoạt động hoằng pháp bên ngoài (như hướng dẫn tu hành) thì người phụ trách chùa chỉ có một số ít được học qua khóa huấn luyện Tăng già, nhưng chính yếu vẫn là tổ chức đám sám, làm nghi thức siêu độ cho người chết theo tín ngưỡng dân gian.
Thế nhưng, tình hình này đã bắt đầu thay đổi. Khi tôi mới đến Đài Loan, Đài Loan chỉ có khoảng từ hai ba mươi vị tu sĩ chân chánh. Sau đó có thêm bốn năm mươi vị tu sĩ từ Đại Lục chạy qua. Có một số người sau đó hoàn tục, bởi vì họ không thể nói tiếng Đài, nên chẳng cách chi truyền dương Phật pháp. Đến sau này chính phủ yêu cầu nhân dân học quốc ngữ, mới phát hiện những vị tăng đến từ Đại Lục rất tài giỏi, kiệt xuất. Một số từng là bậc thầy của các giáo sư tôi, sau khi đến Đài Loan đã lưu lại, họ là Nam Đình lão nhân, trưởng lão Đạo Nguyên, trưởng lão Bạch Thánh và Diệu Nhiên...
Nam Đình lão nhân và tôi thường liên lạc, ông rất quan tâm giúp đỡ và thường tặng vật thực cho tôi. Bởi ông biết trong quân đội chẳng có gì ăn, mà tôi lại ăn chay nên dinh dưỡng càng thiếu thốn. Có lần ông cho tôi sữa bò (đây là thực phẩm được xem là rất quý vào thời đó). Tôi chế nước nóng pha sữa, ăn với cơm, thấy hết sức ngon miệng, mùi vị thơm ơi là thơm. Các bạn tôi rất đố kỵ, nói tôi là quý tộc, mới có sữa bò uống.
Nam Đình lão nhân thường viết thư động viên tôi. Tôi nhớ có lần viết thư cho ông, tôi kể lể mình chán nản tột cùng và than van đời sống quân ngũ không có tự do. Trong thư hồi âm, Nam Đình lão nhân viết: “Trong thế giới này, ai có được tự do? Chỉ có thân xác chứ không có tự do”. Ông khuyến khích tôi quán sát phản ứng của mình đối với hoàn cảnh. Dùng thân làm dụng cụ để tu. Ông viết: “Chúng sinh sống trên thế gian này giống như ở trong nhà lửa, ngay lúc Phật còn trụ thế, lúc ngài hóa độ chúng sinh, thì đây là Phật quốc tịnh độ. Anh hãy biến người trong quân trại thành thiện tri thức của mình, tiếp tục dụng công. Đó chính là vì sao Phật đạt đến giải thoát rồi, mà vẫn trụ thế giáo hóa, bởi vì Ngài muốn giúp đỡ chúng sinh”... Phong thư này đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi y theo đó mà giữ tâm.
Một lần nghỉ phép, tôi ngồi xe buýt đến Đài Bắc thăm Nam Đình lão nhân. Ngài ở Thiện Đạo Tự, một ngôi chùa Nhật Bản thuộc cư sĩ quản lý. Người quản lý chùa thỉnh ngài đến ở nhưng không cho làm trụ trì. Ngài mỗi tuần giảng kinh một lần, có nhiều người đến nghe, nơi ngài ở là một gian phòng cũ kỹ, chật hẹp. Bởi vì ở Đại Lục ngài là bậc thầy nổi danh, cho nên có nhiều tín đồ cúng dường, trong số đó không thiếu các tướng lãnh và những nhân vật chính trị giàu quyền lực. Họ mặc dù có cúng dường tiền, song ngài không có người chăm sóc, nên việc gì cũng phải tự làm. Muốn viết thư cho tôi, ngài phải lặn lội đi rất xa để mua thư và tem. Cho dù là vậy, ngài vẫn là đối tượng mơ ước của nhiều tăng sĩ từ Đại Lục sang Đài Loan. Vì ở chỗ ngài ở có thức ăn, học sinh được tài trợ, còn những tăng sĩ khác không chỗ nương, phải lưu lãng long đong trên quốc đảo này vì chẳng có chỗ an thân.
Lúc tôi thăm Nam Đình lão nhân, gian phòng ngài ở quá nhỏ nên tôi phải đứng. Nam Đình lão nhân vì muốn khuyến khích tôi, mỗi khi tôi từ giã, ngài thường cho tôi một tờ năm hay mười đồng. Vào thời đó, đối với một sĩ quan nghèo như tôi, đây là số tiền rất lớn.
Tôi cũng đến thân cận các trưởng lão khác như pháp sư Bạch Thánh ở Thập Phổ Tự Đài Bắc, chùa ông công việc bề bộn nên chúng tôi không có thì giờ đàm đạo nhiều. Ông thường hỏi tôi: - Anh có vấn đề hay gặp khó khăn gì chăng? Cứ nói cho tôi biết, tôi sẽ giúp anh giải quyết... Tôi cũng đi thăm trưởng lão Diệu Nhiên, nơi ông ngụ là một vùng thôn quê nhỏ, không ai giúp đỡ nấu nướng, mà ông còn phải nấu cho người ăn. Tính ông bình dị dễ gần, luôn sẵn sàng động viên an ủi người, khiến người ngưỡng mộ.
Thỉnh thoảng tôi ghé thăm và ở lại Thiện Đạo Tự, là ngôi chùa lớn nhất Đài Bắc vào thời điểm đó. Đấy là tổng bộ Tịnh độ tông. Đại điện xây mô phỏng theo chùa ở kinh đô. Liêu phòng bên chánh điện chật chội khó kham. Phòng tôi ngủ nhờ là chỗ thờ cốt.
Tôi vẫn ở trong tâm trạng giằng co, quẫn bách, thường hoài nghi và khao khát muốn lìa quân ngũ. Một năm, rồi một năm nữa trôi qua, các bạn đồng tu ở Phật học viện trước đây (cùng nhập ngũ một lượt với tôi) lúc này đều đã trốn thoát, quay về hồi phục thân phận tu sĩ hết cả. Nhưng hồi ấy xã hội Đài Loan đang rất bất an, cho nên họ cũng chẳng được sung sướng gì. Bởi người ta phao tin đồn khắp nơi rằng: “Những người xuất gia từ Đại Lục kéo sang Đài Loan là gian tế”. Vì vậy mà nhiều tu sĩ bị chính phủ bắt bớ, tống giam. Người không bị bắt thì phải lo bôn đào, cải trang thân phận, mặc lại y phục đời, sống lẫn lộn cùng dân thường và không dám ở trong chùa nữa.
Quả tình tôi chẳng có dũng khí để đào ngũ. Vì ngụ trong quân trại xem ra vẫn tốt hơn là ở nhà giam. Tình huống Đài Loan lúc đó rất gay go. Bất kể lý do, thời gian nào, bạn đều có thể bị bắt, bị tra khảo, bị nhốt giam. Ngày nào cũng thế, chẳng cần pháp đình xuất lịnh, từ sáng đến tối họ đều có thể bắt người bất kỳ. Bởi thế nên tôi đành ở trong quân ngũ chờ đợi với tâm tư sầu muộn, rồi đâm ra hoài nghi và tự hỏi “Không biết mình còn có ngày được quay về làm hòa thượng nữa hay không?”...