BUỔI ĐẦU TU TẬP CỦA ĐẠI ĐĂNG
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 15 Tháng năm 2011 11:23
Kenneth Kraft - Thuần Bạch dịch
Bản đầu tiên về cuộc đời Đại Đăng là một tự truyện kết hợp với truyền thuyết và thánh sử. Người viết tìm cách lột tả tính cách và tinh thần chủ đề, tán dương Sư là một vị tổ khai sơn của tông môn, một gương sáng mẫu mực, một cuộc đời cống hiến cho sự tu thiền. Dù có hay không ý thức đến mối liên quan với một thể loại, họ vẫn kết cấu tác phẩm của mình theo đúng quy định của một tự truyện Phật giáo. Công việc của họ được thuận lợi rất nhiều do vì Đại Đăng đã sống một đời gương mẫu, tiếp nối những bậc tiền bối kiệt xuất.
Theo tự truyện Sư ra đời có điềm tốt, và phúc ân gọi theo đạo Phật rất sớm. Tiếp theo là đỉnh cao sáng chói trên bước đường tu tập: Khởi đầu, được tham kiến với một thiền sư, được triệt ngộ, có một thời quy ẩn và cuối cùng thành đạt ở cương vị một bậc thầy. Bài khuyến văn tối hậu của Sư và giây phút thị tịch ngọai hạng của Sư đã thành tựu một khuôn mẫu theo đúng truyền thống đạo. Hầu hết những người viết và đọc những giai thọai này là những tu sĩ tự xem mình là hậu duệ của Đại Đăng và họ cũng chẳng quan tâm lắm đến vấn đề chính xác lịch sử. Dù có ai nhận ra những yếu tố thánh sử cũng sẽ hài lòng vì cuộc đời của Đại Đăng đã truyền ngấm với ý nghĩa siêu thoát vượt ra ngoài chân lý phàm tình.
Đại Đăng thời niên thiếu
Đại Đăng chào đời năm 1282. Mặc dù ngày sanh không được ghi chép nhưng bản tiểu sử sau này cho rằng Sư sanh vào ngày mùng 7 tháng chạp, buổi chiều trước ngày Phật thành đạo. Song thân của Sư sống trong một ngôi làng theo nghề nông ở Okay, khoảng 70 dặm phía tây Tokyo. Vào thời đó vùng này tên là Isei thuộc tỉnh Phiên Ma, ngày nay là thị trấn của Tatsuno (Lôi Dã) gần thành phố Himeije thuộc hạt Hymògo. Triều đại Thiên Văn (1532 – 1555), nơi chôn nhau cắt rốn của Sư được vinh dự xây một ngôi chùa nhỏ, ngày nay là Bảo Lâm Tự. Có một cái giếng cũ trong đất chùa nơi gia đình của Sư thường hay lấy nước.
Thân phụ là Bồ Thượng Tảo Bộ, con cháu trong gia tộc họ Kỷ, có thế lực trong vùng Thiên Ma nhiều thế kỷ. mặc dù gia đình Bồ Thượng thuộc giai cấp chiến sĩ nhưng nghề chính của ông không biết là gì. Thân mẫu thuộc gia tộc họ Quản. Cậu của Sư là đại tướng thống lĩnh Xích Tòng Tắc Thôn, về sau làm lãnh chúa hạt Phiên Ma. Lớn hơn Đại Đăng 5 tuổi, Xích Tòng xuất gia tu thiền hồi còn nhỏ, cạo tóc và được pháp danh là Viên Tâm. Ông tu một thời gian tại chùa Thiếu Lâm ở Đình Lại (Niwase). Xuân Tác tả chuyện Sư chào đời trong Hành Trạng như là một thánh sử.
Bà mẹ nằm mơ thấy một vị tăng đưa cành hoa trắng, hoa nở năm cánh và tặng cho bà. Bà thọ thai. Khi thọ thai bà sống trong tình trạng ngủ mê, không thức dậy. Đến ngày mãn nhụy khai khoa, bà ngủ thật sâu mê man. Bỗng chốc bà mụ nghe một tiếng trẻ la lớn. Bà mụ bước đến nhìn. Da của đứa bé đã sáng ngời ngay cả khi chưa tắm. Đứa bé sớm phát triển rất tốt. Đỉnh đầu phía trên trán phồng lên. Đôi mắt chiếu sáng như đâm vào người khác và đứa trẻ đã biết xoay đầu nhìn những chuyển động xung quanh mình.
Những ám chỉ trong đoạn văn trên rõ ràng đã tôn trí Đại Đăng vào những bậc đạo hạnh cao thượng: Theo truyền thống đạo Phật, thân mẫu của đức Thích Ca Mâu Ni cũng thọ thai qua một giấc mơ và đứa trẻ sau này là Phật cũng có những tướng tốt như thế. Xuân Tác kể lại một câu chuyện trong tuổi thơ của Đại Đăng: “Đứa bé miệng lưỡi sắc bén đặt câu hỏi ngược đời để đánh lừa người lớn.” Niên Phổ của Trạch Am thêm vào ba câu chuyện và tự đặt ngày tháng cho cả bốn. Mặc dù những câu chuyên này là không đáng tin nhưng đã giới thiệu lý Thiền và tánh tình của Đại Đăng theo sự cảm nhận của tác giả. Ví dụ điển hình là một câu chuyện của Đại Đăng khi lên 6 tuổi.
Một hôm Sư đang nô đùa gần chùa với một đứa trẻ. Sư chỉ tượng Phật trong chánh điện và hỏi một đứa trong bọn: Cái gì đó? Đứa trẻ đáp: Ông Phật. Không phải. Nếu không phải thì là cái gì? Nếu là ông Phật thì sẽ không có mặt người như mặc của mi đó. Rồi Sư leo lên vai tượng Phật. Đám trẻ sợ hãi bỏ chạy hết. Sư vẫn điềm nhiên không chút lo sợ.
Khi Sư gần 10 tuổi, song thân gửi đến chùa Viên Kính, một ngôi chùa Thiên Thai cách nhà khoảng 20 dặm. Tọa lạc trên cao trong rừng núi Shosha nhìn bao quát cả vùng xung quanh thật ngoạn mục, chùa Viên Kính có một lịch sử kỳ đặc trải qua ba thế kỷ và hưng thịnh vào thời Đại Đăng, là trung tâm của địa phương này về Phật học và sinh hoạt tính ngưỡng. Thái Bình Ký mô tả bức tượng chính trong chùa là Bồ tát Quân Âm được tạc từ một cội cây vốn là một vị Phật và Xuân Tác nói rằng song thân của Đại Đăng đã cầu tự nơi bức tượng này. Đại Đăng sống và tu học gần 9 năm trên núi Shosha. Một vị giáo thọ của Sư là Giới Tín chuyên về Luật tạng tức giới luật của tăng đoàn đạo Phật. Trong thời gian này Đại Đăng bắt đầu học kinh điển, thanh quy của viện và pháp tu thiền của tông Thiên Thai, tiêu biểu cho trào lưu chính của đạo Phật thời bấy giờ. Hầu hết những nhân vật tôn giáo thời Liêm Thương đều tiếp nhận bài học Phật pháp vỡ lòng từ tông Thiên Thai. Tuy nhiên những vị tân môn sinh của Đại Đăng đặc biệt dành cả đạo nghiệp đời mình theo Thiền tông. Đại Đăng ở ngay điểm chuyển tiếp giữa hai thời đại.
Sư tu tập theo tông Thiên Thai sở đắc trên núi, Shosha tiếp tục nuôi dưỡng Sư mặc dù về sau Sư đã hiến mình cho Thiền tông. Những năm sau, một trong những điều lệ của chùa Đại Đức có ghi: Hàng Sadi, tân tu v.v… phải dốc hết thân tâm vào sự học Phật. Trong tác phẩm của mình, Sư không cho biết gì về tuổi thơ hoặc những kinh nghiệm tu hành lúc đầu. Dù hoàn cảnh chung quanh việc Sư rời chùa Viên Kính không được rõ, Trạch Am đã tả khi Sư 16 tuổi từ Thiên Thai chuyển sang tu thiền như sau:
Cho dù tôi có học hết Tam tạng kinh điển, tôi chỉ là người học trên ngôn ngữ của người khác. Dù cho người đó được gọi là trí giả cũng cần phải có một thái độ sống [đạo] khác. Nếu tôi lý giải những câu kinh hay cho đó là Phật pháp, tôi sẽ không bao giờ có thể giải quyết được việc đại sự của mình. Tốt nhất là gia nhập Thiền tông “bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm và chỉ truyền riêng như thế”.
Những câu này là tiêu chuẩn để Thiền phê phán tông Thiên Thai và các tông phái đạo Phật khác mang nhãn hiệu “thiền” mà là ‘giáo” tông. Câu cuối ý muốn nói đến bài kệ của Thiền tổ Bồ Đề Đạt Ma. Dù cảm nhận thật sự của Đại Đăng có như thế nào, câu chuyện trên nhắc đến tiểu sử của Thiền sư Lâm Tế (? - 866) chỗ Lâm tế đề cập một câu khác trong bài kệ của Tổ Bồ Đề Đạt Ma: “Bỗng nhiên Lâm tế vừa nói vừa than: ‘Đây là phương thuốc cứu nguy cho thế gian, không phải nguyên lý giáo ngoại biệt truyền’, rồi Sư thay y phục lênh đường hành khước”.
TU TẬP VỚI CAO PHONG VÀ NAM PHỐ
Rời chừa Viên Kính, đầu tiên Đại Đăng đến Kyoto, rồi đi xa hơn về phía đông đến Liêm Thương. Trung tâm thiền của nước Nhật bấy giờ là Cửu Châu (tại Hakata) và Liêm Thương. Kyoto kém hơn ở hàng thứ ba. Theo Xuân Tác, Đại Đăng đã có dịp dự buổi vấn đáp với vị trụ trì không biết tên của chùa Kiến Trường ở Liêm Thương. Trạch Am ghi năm tham kiến đó là 1301, trong thời gian Tang Điền Đạo Hải (?-1309) làm trụ trì. Hai năm sau thiền sư Trung Hoa lỗi lạc là Nhất Sơn Nhất Ninh (1247-1317) lên làm trụ trì. Đại Đăng đã thử vị trụ trị với công án: “Gặp một con rắn sắp chết giữa đường, đừng đánh nó chết. Hãy đem nó về trong một chiếc giỏ thủng đáy.”[1] Cuối mẩu đối thoại ngắn ngủi, vị trụ trì ngắc ngứ còn Đại Đăng hét.
Năm Đại Đăng lên 19, các tác giả viết tiểu sử tả là Sư đã đối đáp thiền ngữ với học nhân trong vấn đáp, dù chưa được tu tập với một thiền sư và cũng chưa thọ giới làm đại tăng. Chẳng bao lâu sau đó năm 1303 hoặc 1304, Đại Đăng đến gặp vị thầy đầu tiên của mình là Cao Phong Hiển Nhật (1241-1316) hiệu là Phật Quốc Quốc sư. Một người con của Nhật hoàng đã từng học tại Nhật với hai thiền sư di dân và Cao Phong là một trong các nhân vật lãnh đạo Thiền tông thời đó. Lúc đó Cao Phong còn trụ trị chừa Hải Thọ ở Liêm Thương.
Cuộc diện kiến đầu tiên giữa Đại Đăng và Cao Phong kéo dài hơn ba ngày, theo tài liệu của Xuân Tác. Kiểu tham vấn như thế không ai có mặt để có thể ghi chép tỉ mỉ. Mỗi bên có thể kể lại việc đối đáp cho môn đệ của mình và đây cũng là giai đoạn truyền trao bằng miệng trong tông môn trước khi được chép thành ngữ lục. Có vài cuộc tham kiến chắc được tạo ra sau này do những người biên soạn hay sưu tập tài liệu. Những đối thoại như trên từ xưa gây tin tưởng trong nhà thiền nên đủ lý do để đánh giá là nghiêm túc, thậm chí nếu được xem xét theo văn học hơn là lịch sử.
Ngôn ngữ trong lần tham kiến đầu tiên giữa Đại Đăng - Cao Phong rất súc tích, khó hiểu và đầy các quy chiếu về Phật học và thiền học. Đại Đăng chứng minh một sự hiểu biết toàn triệt thiền thư, tức là những án văn cổ điển như Lâm Tế Lục, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Bích Nham Lục. Văn phong của Sư về sau, nói cũng như viết: trực chỉ, tự tin, hầu như mạnh bạo. Ví dụ Sư trả lời: “Mỗi bước đều đạp trên đảnh Tỳ-lô-giá-na.” hoặc “Trên trời dưới trời chỉ có Ta độc tôn.”
Sau ngày thứ hai tham vấn, Cao Phong dẫn vị khách tăng đến cổng chùa và bảo:
- “Ta đã gặp nhiều vị thiền giả nhưng không ai mãnh lợi như ngươi. Hãy ở lại đây cạo tóc, xuất gia làm tăng. Ngươi sẽ là cột trụ chống đỡ tông môn ta.”
Thời điểm quyết định trong vấn đáp được ghi là xảy ra vào ngày thứ ba như sau:
Sư [Đại Đăng] viếng Phật Quốc [Cao Phong] lần nữa hôm sau. Khi Phật Quốc thấy Sư đến, liền dẫn chứng một thiền sư thuở xưa và hỏi: Khi đại dụng hiện tiền, không bị triền phược trói buộc, là sao? Sư đáp: Đã hiện tiền lâu rồi, trước khi thầy hỏi.
- Ở đâu?
- Đêm qua ngọn gió lớn đánh ngã cây bách trước cổng.
- Cái gì là gió?
Sư liền quạt với cây quạt đang cầm. Phật Quốc im lặng.
Sư hỏi:
- Không phải gió lớn đến từ cây quạt sao?
Phật Quốc cười lớn nói:
- Ngươi gần thấy được nhưng lại qua mất rồi.
Trong những buổi tham vấn như thế, người tham dự phấn đấu trong việc sử dụng ngôn ngữ sao cho cắt ngang hoặc ra ngoài phạm vi mà ngôn ngữ có thể nhận ra được. Câu đáp có giá trị nhất sẽ tạo được điểm thắng bằng sự chứng minh hơn là cãi lý và lý tưởng là vẫn duy trì một nhịp độ sinh động nhưng không cho phép suy nghĩ hay tính toán theo nhận thức riêng của mình. Ngập ngừng kéo dài quá lâu có nghĩa là một nhược điểm và hậu quả sẽ là “bại trận” (tuy nhiên trong trường hợp khác im lặng có chủ ý lại là câu đáp đúng).
Cho dù sự bày tỏ đầu tiên của Đại Đăng hướng về thiền, tầm quan trọng của ngôn ngữ hẳn đã rõ ràng. Vấn đề không bác bỏ ngôn ngữ nhưng thừa nhận tiềm năng tài tình của ngôn ngữ trong sự diễn tả chứng ngộ, phấn kích tỉnh giác và chuyển hóa một hoàn cảnh đã an bài. Những đối đáp trong cuộc tham kiến như thế có khuynh hướng chống lại những hình thức diễn giải theo thói quen, ngay cả một chú thích đơn giản nhất cũng phát sinh một số vấn đề đòi hỏi thuật lý giải tôn giáo. Có thể nguy hiểm giống như một việc làm liều lĩnh, nhưng chúng ta dù sao đi nữa cũng cố tháo gỡ cái uyên nguyên ẩn áo của ngôn ngữ truyền trao trong nhà thiền.
(Còn tiếp)
[1] Của Thiền sư Giáp Sơn Thiện Hội - Truyền Đăng Lục (D.G)