BUỔI ĐẦU TU TẬP CỦA ĐẠI ĐĂNG (tt)
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 21 Tháng năm 2011 02:19
Kenneth Kraft - Thuần Bạch dịch
Một thiền sư có thể đòi hỏi một thiền tăng chứng minh thể và dụng của một công án nào đó hay của Phật tánh. Trong đối đáp kể trên không những gió lớn chỉ hiển hiện diệu dụng của Phật tánh mà gió lớn còn đủ sức xô ngã một cội cây và cũng hiển thị tính chất cơ bản “không trói buộc” của Phật tánh ra ngoài tầm với của đầu óc lý luận phân tích. Câu đáp chót của Đại Đăng là quạt cho mình. Khi đại dụng hiện hành tự nhiên thì đồng thời mỗi người cũng là tác giả của nó. Dù dù nó vốn sẵn ở đây, ta cũng phải xác minh hoặc chứng tỏ.
Cơn gió mà Đại Đăng nêu lên, ngoài việc minh họa cho đại dụng, có thể cũng ám chỉ mối tương quan với vị thầy trong trường hợp này cây bách trước cổng chùa tượng trưng cho Cao Phong, người bị gió thổi ngã bởi một vị tăng táo tợn là Đại Đăng. Cao Phong hiểu ý liền hỏi: “Cái gì là gió lớn?” Đại Đăng không nói và tự bày tỏ bằng cách quạt mình. Cao Phong im lặng là một trắc nghiệm tiếp theo. Và lần này rõ ràng ngài nắm bắt được Đại Đăng đang cố ngôn ngữ hóa chủ ý của mình nhưng lại lộ ra còn thiếu một điều chắc chắn. Đại Đăng đã gần đạt nhưng chưa đạt: “Người gần thấy được nhưng lại qua mất rồi.”
Đến chùa của Cao Phong chẳng bao lâu, Đại Đăng thọ giới làm tăng. Tác giả tự truyện bỏ qua sự kiện ý nghĩa này vì chính Đại Đăng hoặc vì vai trò của Sư trong giáo hội Thiền tông. Thế phát gồm có nghi thức cạo tóc, phát nguyện đi tu và nhận pháp hiệu. Pháp hiệu đầy đủ của Đại Đăng là Tông Phong Diệu Siêu, tuy trong ngữ lục không nói rõ làm thế nào và vào lúc nào tên này được đặt cho Sư. Diệu Siêu, sự siêu vượt vi diệu là tên húy của Đại Đăng, là tên lần đầu tiên thầy đặt cho. Có lẽ Sư nhận tên này khi thọ giới với Cao Phong. Tông Phong (đỉnh cao trong Thiền tông) là hiệu của Sư đôi khi do chính mình lựa chọn. Sư thường dùng pháp hiệu này vào khoảng 1326. Tên Đại Đăng là tước hiệu do Nhật hoàng Hoa Viên Phong tặng sau này qua sự nghiệp tu hành của Sư.
Vào thời gian này một vị nổi tiếng nhất đồng thời với Đại Đăng là Mộng Song Sơ Thạch cũng đến tham kiến Cao Phong. Buổi tham kiến đầu tiên với Cao Phong của hai thiền sinh trẻ cũng được đề cập và so sánh. Khác với Đại Đăng, Mộng Song đã có kinh nghiệm tu thiền chính thức nhiều năm trong một tu viện lớn ở trung tâm thành phố nhưng Mộng Song làm thầy của mình là Nhất Sơn Nhất Ninh thất vọng và đang cố thử đến tham kiến Cao Phong.
Theo quyển Niên Phổ đầu tiên về cuộc đời của Mộng Song, Cao Phong chào đón vị thiền khách mới đến với một câu hỏi thử thách: “Nhất Sơn Nhất Ninh dạy cho ngươi điều gì?” Mộng Song đáp, viện dẫn thầy mình: “Tông môn của tôi không ngôn cú, không phá để dạy người.” Cao Phong nói: “Sao ngươi trả lời nhiều giáo ngôn thế?” Vừa nghe xong Mộng Song hoát nhiên có tỉnh. Ngài phát nguyện trong lòng sẽ đến gặp thầy nữa cho đến khi nào triệt ngộ. Rồi ngài lui đi.
Trong khi vấn đáp giữa Cao Phong với Đại Đăng kéo dài ba ngày, với Mộng Song chỉ trong vòng năm phút. Đại Đăng trả lời với nhiều tính sáng tạo trong khi Mộng Song chỉ biết viện dẫn thầy cũ của mình. Tuy nhiên Mộng Song có một phần nào đó còn Đại Đăng thì không. Hậu quả sau đó cũng khác nhau: Mộng Song ra đi tức khắc còn Đại Đăng ở lại một hoặc hai năm làm chúng đệ tử của Cao Phong. Tuy thế, rốt cuộc chính Mộng Song, chứ không phải Đại Đăng, là đệ tử nối pháp của Cao Phong.
Một sự so sánh sau này cũng đáng chú ý: Niên Phổ của Cao Phong xác nhận có cuộc đối đáp giữa Cao Phong và Mộng Song nhưng không đá động gì việc gặp gỡ Đại Đăng trong tự truyện của Cao Phong.
Một đêm Đại Đăng đang tọa thiền trong tăng đường chùa Vạn Thọ, thì nghe một người ở phòng khác đọc một bài kệ của thiền sư Trung Hoa Bá Trượng Hoài Hải:
Linh quang chói sáng
Vượt khỏi căn trần
Thể bày chân thường
Không cuộc văn tự.[1]
(Truyền Đăng Lục quyển 9)
Khi Đại Đăng nghe bài kệ này, hoát nhiên đại ngộ, và cũng trong đêm đó Sư đến gặp Cao Phong để trình kiến giải. Không thấy ghi lại vấn đáp này và cũng không có kệ chứng ngộ, nhưng Cao Phong không tiếc lời khen ngợi. Ngài bảo Đại Đăng: “Đây là kiến giải chân chính. Ngươi phải giương cao ngọn cờ Phật pháp và làm vững mạnh giáo pháp trong tông môn ta.”
Mặc dù giác ngộ đôi khi được diễn tả là một kinh nghiệm tất cả-hoặc-không-là-gì-hết, những lần chứng ngộ có thể khác xa rất lớn về mức độ sâu cạn, bừng sáng và mãnh liệt.
Tác giả tự truyện nói về lần thức tỉnh đầu tiên của Đại Đăng và Mộng Song dưới hội Cao Phong là “có tỉnh” hoặc “tỉnh ngộ” thường để chỉ một thoáng thấy hoặc chợt nếm qua lần đầu tiên hương vị của tự ngộ. Câu nói mạnh và rõ của Cao Phong “kiến giải chân chánh” nhắc lại một câu trong Lâm Tế Lục, và nói đến ngọn cờ Phật pháp là câu trả lời trong nhà thiền đối với sự đạt ngộ cao tột, một thành ngữ thường có nghĩa công nhận là đệ tử nối pháp.
Bài kệ tài tình của Bá Trượng và sự tương ưng với bài kệ nhanh như chớp của Đại Đăng chứng minh chỗ mà ngôn ngữ thiền và thực nghiệm thiền có thể hội tụ. Tác nhân thúc đẩy Đại Đăng lần đầu chứng ngộ không chỉ lời nói mà còn có bài kệ mười sáu chữ. Đối với Đại Đăng nguyên bài kệ hoặc một câu trong đó có tác dụng như một chuyển ngữ: một chữ hay một câu phát ra đúng lúc và kịp thời sẽ chuyển hóa mạnh mẽ kinh nghiệm tu hành của người nghe hay người đọc. Trong trường hợp này câu then chốt không hẳn nhắm riêng biệt vào Đại Đăng. Sau này, là một bậc thầy lão luyện, Đại Đăng dùng thi kệ và bình chú trước ngữ đầy chất thơ một cách tự tại lưu loát, tạo riêng cho mình những chuyển ngữ đặc thù. Chính trong ý nghĩa trớ trêu mà bài kệ của Bá Trượng rất được tôn trọng với câu kết thúc đề cập tới chân lý tối thượng không nói được bằng lời. Nhưng đối với hành giả có khuynh hướng thiền biệt tài, những câu như “không cuộc văn tự” có tác dụng nghịch lý và là một cách nói rất hiệu quả trong ngôn ngữ của đạo.
Trong khi Cao Phong và Đại Đăng vừa triển khai một mối quan hệ đầy lợi lạc, một vị thầy kiệt xuất khác làm cho Đại Đăng quan tâm là Nam Phố Thiệu Minh, tước hiệu là Đại Ứng Quốc sư. Nam Phố tu ở Trung Hoa trong tám năm dưới hội thiền sư Hư Đường Trí Ngu (1185-1269) vừa trở về Nhật. Nam Phố trụ ở Hakata thuôc đảo Cửu Châu, nơi đây ngài giảng dạy suốt ba mươi năm. Vào tuổi 70 ngài được thỉnh làm trụ trì các thiền viện ở Kyoto và Liêm Thương. Xuân Tác nói một cách chắc chắn rằng Đại Đăng bị tiếng tăm lừng lẫy của Nam Phố lôi cuốn và Trạch Am cho biết chính Cao Phong đã khuyến khích Đại Đăng nên đến một vị thầy khác, khi trả lời câu hỏi của Đại Đăng về một công án.
Sư [Đại Đăng] trước đó đã hỏi Phật Quốc [Cao Phong] về công án “Con trâu chui qua cửa sổ”. Phật Quốc bảo: “Lão Nam Phố được Hư Đường truyền pháp. Một ngày kia hãy đến Nam Phố mà hỏi.”
Tu tập với nhiều vị thầy là một phương thức thiết lập rất hay ở Trung Hoa. Thiền sư hành khước tìm cốt tìm cho được vị chân sư cho mình hoặc để trắc nghiệm kiến giải của mình qua cuộc pháp chiến. Một số thiền tăng Trung Hoa có ghi chép hành trạng trong Truyền Đăng Lục chẳng hạn, thường xuyên lên đường từ chùa này đến chùa nọ, băng qua những con đường dài hầu như bằng chân. Thiền tông Nhật Bản trong những giai đoạn đầu cũng áp dụng cách thức tương tự. Nam Phố tu học mười năm ở Nhật với một thiền sư Trung Hoa di dân là Lan Khê Đạo Long (1213-1278) và tám năm ở Trung Hoa với Hư Đường trong cùng một hệ phái Dương Kỳ rồi học tiếp với Lan Khê ba năm sau khi hồi hương. Mộng Song khởi đầu đạo nghiệp dưới hội Nhất Sơn Nhất Ninh, rời thầy một thời gian đi tìm một thầy khác, trở lại thầy cũ rồi lại đi đến Cao Phong Hiển Nhật. Quan Sơn Huệ Hiền, một trong hai trưởng tử của Đại Đăng, đã 50 tuổi và đi tu khá lâu trước khi gặp Đại Đăng, ngài được Đại Đăng ấn chứng là đệ tử nối pháp chỉ sau ba năm. Đồng thời tính chất độc lập của người học bị giới hạn bởi đặc tính và tông phái đã nhập môn. Một trường hợp cực đoan là Trung Nham Viên Nguyệt (1300-1375) đã bị khai trừ và thậm chí cuộc đời bị bóp nghẹt vì việc ngài đi đến hết vị thầy này đến vị thầy khác bị xem là bất hợp pháp. Năm 1305 Đại Đăng rời chùa của Cao Phong ở Liêm Thương và đi về phía tây Kyoto, nơi Sư gặp Nam Phố ở Thao Quang Am.
Cuộc tham kiến đầu tiên giữa Nam Phố và Đại Đăng tương đối ngằn bắt đầu như sau:
Sư [Đại Đăng] nói:
- Con đến từ xa xin được thụ giáo, xin Thây cho con tham kiến.
Nam Phố:
- Ta đã già, sức yếu. Ngồi xuống một chốc và uống trà.
- Nếu thầy đối xử như vậy con e không thể tiếp nhận được.
- Ngươi chỉ là người khác mới đến. Làm sao biết được chuyện này.
- Đối với bậc trượng phu, phải chăng đâu cũng là một thứ gió dù ở xa ngàn dặm?
Cuộc trao đổi này y theo kiểu vấn đáp trong nhà thiền. Khi Nam Phố khiêm cung đã tránh né một cách khéo léo việc dạy bảo theo yêu cầu của vị khác tăng mới đến, ngài đã biểu lộ lý thiền là căn bản, không có gì để chỉ dạy và không có gì để người học sở đắc, một khi họ vốn có sẵn. Câu trả lời của Nam Phố là một loại trắc nghiệm, một cách thăm dò kiến giải của Đại Đăng. Đại Đăng phản ứng rất táo bạo: “Thầy chớ gạt con!” Rồi Nam Phố thử nghiệm một cách trực tiếp hơn. Một lần nữa Đại Đăng yêu cầu được xử sự nghiêm túc, ý muốn nói đến câu châm ngôn của Khổng giáo về bản tính bình đẳng của một trượng phu. Câu trả lời của Sư cũng nhắc lại một câu trả lời của Lục Tổ Huệ Năng khi gặp thầy là Ngũ Tổ: “Thân man rợ của con và thầy tuy không đồng nhưng Phật tánh khác nhau chỗ nào?” Vị tân tu Đại Đăng quả là kỳ đặc, không biết sợ và rất mãnh lợi ngay cả khi đứng trước mặt một bậc thầy tôn quý trong nhà thiền là Nam Phố.
Có một lần sau buổi tham kiến Nam Phố giao cho Đại Đăng công án “Con trâu chui qua cửa sổ”, có lẽ theo yêu cầu của Đại Đăng. Công án này có nhiều trong sách thiền, kể cả Vô Môn Quan ở thế kỷ VIII.
Ngũ Tổ Pháp Diễn hỏi: “Có con trâu chui qua cửa sổ. Đầu sừng bốn chân đều qua lọt. Thế sao sao đuôi qua không lọt?”
Công án này được cho là khó nhất trong nhà thiền. Nếu lý giải theo giáo môn thì ở đây muốn nói đến dấu vết ảo tưởng hoặc kiêu căng (cái đuôi) còn sót lại sau khi chứng ngộ (con trâu chui lọt) tuy nhiên đôi khi cái đuôi được hiểu là tượng trưng cho giác ngộ hay Phật tánh. Còn theo cách khác thì nhấn mạnh rằng công án không có tượng trưng điều gì cả.
Chúng ta không biết Đại Đăng tham công án này bao lâu và mối tương của Sư với Nam Phố ra sao trong thời gian tham công án. Ngữ Lục chỉ nói rằng Đại Đăng trình lên thầy mình chỗ nhận ra trong công án bằng hai trước ngữ, và hai câu bình chú uẩn áo này về sau là đặc trưng thiền phong của Sư. Theo Xuân Tác, lần đầu Đại Đăng đáp: “Tâm vong vẹo thì dễ thấy.” Có thể Sư muốn nói với Nam Phố: “Con thấy ý định của thầy gài bẫy con với câu hỏi này, nhưng đối với con cái đuôi trâu đã lọt qua rồi.” Lời bình này cũng có thể nhắm tới Ngũ Tổ Pháp Diễn, người lập ra công án này. Câu đáp này chưa làm Nam Phố hài lòng và ngài bắt Đại Đăng phải dò sâu hơn nữa. Ba ngày sau Đại Đăng trả lời lần thứ hai: “Nghe lời rỗng của thầy bói.” Ở đây lời của thầy bói là một điều mơ màng hoặc ảo tưởng, như vậy Đại Đăng đang khẳng định rằng ai vẫn còn thắc mắc cái đuôi trâu là còn mê mờ vì một cái gì không thực hữu, vì một vấn đề do chính mình tạo ra. Nam Phố vẫn chưa hài lòng nhưng ngài chỉ nói với Đại Đăng một câu duy nhất: “Ngươi gần đạt.” Lời này của Nam Phố đã nhắc lại câu nhận xét của Cao Phong về Đại Đăng cuối buổi tham kiến về gió và quạt: “Ngươi gần thấy được nhưng lại qua mất rồi.”
Bản chất đặc thù trong pháp tham công án của Đại Đăng vẫn còn chưa rõ bởi vì tư liệu do tác giả tự truyện cung cấp quá rời rạc. Trước ngữ đã đóng vai trò then chốt trong buổi đầu tu tập, tuy không bao giờ rõ nghĩa dù cho Sư có trả lời thành công trong công án “Con trâu chui qua cửa sổ”. Tác giả tự truyện thuộc thế kỷ XVIII là Cự Hải Tông Như có lẽ cảm nhận được kẻ hở này, quả quyết rằng Đại Đăng “tham cứu và giải mã gần hai trăm công án” vào năm kế tiếp. Dù sao đi nữa nhịp cầu giữa thầy và trò càng đậm đà và sâu sắc. Nam Phố bảo Đại Đăng: “Ngươi là một ông tăng chân chất. Chắc chắn ngươi đã tu hơn một hoặc hai đời.” Khi Nam Phố lâm bênh mười ngày, ngài cấm cửa tất cả các đệ tử trừ Đại Đăng. Năm 1305, khi Nam Phố rời Thao Quang Am về một ngôi chùa khác ở Kyoto là Vạn Thọ tự, ngài mang Đại Đang về làm thị giả. Một lần trong thời gian hai năm ở chùa Vạn Thọ, Đại Đang được giao công án chữ “Quan”, toàn bộ tắc công án là “Thúy Nham lông mày” trong Bích Nham Lục.
Cuối hạ, Thúy Nham nói với hội chúng: “Suốt mùa hạ dài, Thúy Nham này đã thuyết thoại. Hãy nhìn và xem lông mày Thúy Nham có còn không?”
Bảo Phước nói: “Làm cướp tâm bất an (tác tặc nhân tâm thư).[2]”
Trường Khánh nói: “Vẫn mọc.”
Vô Môn nói: “Quan.”
Thúy Nham Lệnh Tham, một thiền sư thụoc thế kỷ X rất có uy tín, ý muốn nói đến một cách ngôn cho rằng lông mày sẽ rụng, nếu ai nói quá nhiều hoặc chỉ dạy sai lầm. Đã dạy chúng suốt mùa an cư kiết hạ, ngài như muốn hỏi: “Tôi có hủy phạm Phật pháp khi đã giảng dạy như thế không?” Ý nghĩa thiền ở đây không phải là Thúy Nham đặc biệt quan tâm đến việc có sai lạc trong khi thuyết pháp hay không; ý định thực sự căn bản của ngài là nêu ra để trắc nghiệm đệ tử. Dùng một vật rất cụ thể và quen thuộc là lông mày, ngài đã bố cục vấn đề về hiện hữu và phi hiện hữu.
Vị đệ tử thứ nhất gợi ý (một cách gián tiếp) là lông mày không còn nữa. Vị thứ hai đáp là vẫn có lông mày. Nhưng câu nào cũng chỉ nghiêng một bên. Đến Vân Môn Vân Yển (862-949) đáp: “Quan”, nghĩa là cửa ải để đi qua. Một chữ của Vân Môn (Vân Môn nhất tự) là sức mạnh mệnh lệnh: Dừng lại! hoặc Đứng lại. Trong sự tu thiền, chữ “quan” này được xem như diễn bày cảnh giới siêu vượt nhị nguyên bằng cách gạt bỏ không nắm giữ một câu nào cả. Vân Môn thoát khỏi lồng bẫy của Thúy Nham. Theo Xuân Tác, lần đầu Đại Đăng trả lời công án với trước ngữ: “Đã lầm còn thêm lầm.” (tương thố tựu thố). Câu đáp này ngụ ý câu hỏi của Thúy Nham đã sai, nhưng câu đáp của Vân Môn cũng thế, và một cách nào đó làm tình hình xấu thêm.
Ngôn ngữ thiền, vì đặc tính muôn màu muôn vẻ của nó, có thể biểu lộ cả chê lẫn khen. Trong trường hợp này, cái lầm của Vân Môn cũng là đính chính cái lầm của Thúy Nham, qua đó giải quyết toàn bộ tình hình. Nam Phố bảo Đại Đăng phải tham cứu thâm sâu hơn nữa: “Được đó, nhưng ngươi còn phải nắm cho được cốt lõi của chữ “quan”. Rồi một ngày kia toàn thể sinh mạng của ngươi sẽ đổi khác.”
[1] Bài kệ đủ có thêm 4 câu: Tâm tánh không nhiễm. Vốn tự viên thành. Chỉ lìa vọng duyên. Tức như như Phật (D.G)
[2] Tục ngữ có nghĩa là: có tật giật mình. (D.G)