headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 25/11/2024 - Ngày 25 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN SƯ THẦN HỘI

Hạnh Chiếu  dịch 

Thiền sư Thần Hội sanh năm 668, tịch năm 760 đời Đường.

Sư họ Cao, quê ở Tương Dương, lúc nhỏ theo thầy học Nho. Sư thông suốt Ngũ kinh, hiểu rành Lão Trang, sau nghiên cứu Phật pháp. Sư theo Pháp sư Hạo Nguyên ở chùa Quốc Xướng, tại phủ nhà xuất gia, học thông kinh luật.

Năm 14 tuổi là Sa-di ở chùa Ngọc Tuyền, Sư tìm đến yết kiến Lục Tổ Huệ Năng.

Tổ hỏi: “Tri thức từ phương xa nhọc nhằn tìm đến có đem được gốc theo chăng? Nếu có gốc phải biết chủ, thử nói xem?”.

Sư thưa: “Lấy không trụ làm gốc, thấy tức là chủ”.

Tổ bảo: “Sa-di! Ông đâu nên dùng lời đó!”

Sư thưa: “Hòa thượng ngồi thiền là thấy hay chẳng thấy?”

Tổ cầm gậy đánh Sư ba gậy, hỏi: “ Ta đánh ngươi đau hay chẳng đau?”

Ngài nói: Con cũng đau, cũng chẳng đau.

Lục Tổ bảo: “Ta cũng thấy, cũng chẳng thấy”.

Ngài hỏi: “ Thế nào cũng thấy, cũng chẳng thấy?”

Tổ bảo: “Ta thấy là thường thấy lỗi lầm nơi tâm mình, không thấy việc phải quấy của người khác. Ấy là cũng thấy cũng chẳng thấy”.

Tổ hỏi: Ngươi nói cũng đau cũng chẳng đau là sao? Nếu ngươi chẳng đau thì đồng cây cỏ, Nếu ngươi nói đau thì đồng với phàm phu, ắt khởi tâm giận hờn. Trước, ngươi nói thấy cũng chẳng thấy là hai bên, đau chẳng đau là sanh diệt. Ngươi không thấy tự tánh mà dám cợt với người”. Sư liền lễ bái sám hối.

Tổ bảo: “Nếu ngươi tâm mê không thấy, nên hỏi thiện tri thức chỉ đường. Nếu ngươi tâm ngộ liền tự thấy tánh, y pháp tu hành. Ngươi đã mê không thấy tâm mình, trở lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy. Ta thấy thì ta tự biết, đâu thế cái mê cho ngươi. Nếu ngươi tự thấy cũng không thế được cái mê cho ta. Tại sao không tự biết, tự thấy lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy?”

Sư lễ bái hơn trăm lạy, cầu xin sám hối. Từ đây Sư ở lại hầu hạ Tổ không lúc nào rời.

Một hôm Tổ bảo đại chúng: “Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không họ, không lưng không mặt, các ngươi biết chăng?”

Sư bước ra thưa: “Ấy là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội”.

Tổ bảo: “Đã nói với các ngươi là không tên, không họ, ngươi lại kêu là bản nguyên, Phật tánh. Ngươi lại đi lấy tranh che đầu. Cũng chỉ thành tông đồ của hàng tri giải”.

Sư lễ bái lui ra.

Có sáu điều nghi trong kinh tạng, Sư đem ra hỏi Lục Tổ: “Giới định tuệ dùng như thế nào? Giới vật gì? Định từ chỗ nào tu? Tuệ nhân chỗ nào khởi? Chỗ thấy của con chưa thông suốt”.

Tổ bảo: “Định là định tâm kia. Đem giới để giới hạnh kia. Trong tánh thường có tuệ chiếu, tự thấy tự biết sâu”.

Lại hỏi: “Xưa không nay có, có vật gì? Xưa có nay không, không vật gì? Tụng kinh chẳng thấy nghĩa có không, thật giống người cỡi lừa lại tìm lừa”.

Lục Tổ dạy: “Niệm trước nghiệp ác xưa không, niệm sau thiện sanh nay có. Niệm niệm thường làm hạnh lành, đời sau sanh người trời chẳng khó. Chính ngươi nay nghe ta nói, ta tức xưa không nay có”.

Sư hỏi: “Đem sanh diệt dẹp diệt, đem diệt diệt dẹp sanh, không rõ nghĩa sanh diệt, chỗ thấy y mù điếc”.

Tổ bảo: “Đem sanh diệt dẹp diệt khiến người không chấp tánh, đem diệt diệt dẹp sanh khiến người tâm lìa cảnh. Nếu lìa được hai bên tự trừ bệnh sanh diệt”.

Hỏi: “Trước đốn mà sau tiệm, trước tiệm mà sau đốn. Người không ngộ đốn tiệm trong tâm thường mê muội”.

Tổ đáp: “Nghe pháp trong đốn mà tiệm. Ngộ pháp trong tiệm mà đốn. Tu hành trong đốn mà tiệm. Chứng quả trong tiệm mà đốn. Đốn tiệm là nhân thường, trong ngộ không mê muội”.

Hỏi: “Trước định sau tuệ, trước tuệ sau định. Định tuệ cái nào sanh trước, cái nào sanh sau là đúng?”

Lục Tổ dạy: “Thường sanh tâm thanh tịnh, trong định mà có tuệ. Ở trên cảnh mà không tâm, trong tuệ mà có định. Định tuệ đồng, không trước sau, tu cả hai tự tâm chánh”.

Hỏi: “Trước Phật sau pháp, trước pháp sau Phật, nguồn gốc Phật pháp từ đâu khởi?”.

Lục Tổ đáp: “Nói, tức trước Phật sau pháp. Nghe, tức trước pháp sau Phật. Nếu luận nguồn gốc Phật pháp, xuất phát trong tâm tất cả chúng sanh”.

Lục Tổ biết sắp đến ngày qui tịch nên họp chúng lại bảo: “Ta đến tháng tám sắp lìa thế gian các ngươi có nghi phải ra hỏi sớm, ta sẽ vì các ngươi giải nghi, khiến các ngươi hết mê lầm, sau khi ta đi rồi không có người dạy các ngươi”. Toàn chúng đều khóc dầm dề, chỉ có Sư thần tình chẳng động, cũng không ứa nước mắt.

Tổ bảo: “Thần Hội tiểu sư lại được thiện, ác, khen, chê, vui, buồn v.v… đều chẳng động, các ngươi chẳng bằng”.

Sau Sư đến Tây kinh thọ giới Cụ túc.

Niên hiệu Khai nguyên năm thứ tám 720 Tây lịch(1), vua Đường Huyền Tông thỉnh Sư về chùa Long Hưng tại Nam Dương, lại đến Lạc Dương. Sư đã thắp sáng ngọn đuốc Thiền tông đốn ngộ của Lục Tổ. Trước kia, hai kinh đô này chỉ dùng pháp thiền tiệm tu của ngài Thần Tú, đến nay mới nhận rõ đốn tiệm hai tông. Vì thế phái thiền Thần Tú trước thạnh, từ đây suy dần dần.

Khoảng niên hiệu Thiên Bảo 756 tây lịch, Ngự sử Lư Dịch a tùng cùng môn đồ Thần Tú tâu dối với vua rằng, Sư nhóm họp đồ chúng manh tâm làm phản. Vua Huyền Tông mời Sư về kinh đô để tham vấn. Ra mắt vua, Sư giải bày rất hợp lý, vua rất hài lòng. Vua mời Sư dời về ở Quân Bộ, sau vua ra sắc lệnh dời Sư ra đến ở viện Bát Nhã chùa Khai Nguyên tại Kinh Châu.

Sau vua Túc Tông xuống chiếu thỉnh Sư vào cung cúng dường và lập ngôi chùa Hà Trạch, thỉnh Sư trụ trì ở đó. Nơi đây, Sư hiển phát tông phong của Lục Tổ, đồ chúng tham học rất đông.

Sư dạy chúng: “Phàm người học đạo phải đạt tột nguồn gốc của mình. Hàng Tứ qua, Tam hiền đều gọi là điều phục. Bích-chi, La-hán chưa dứt hoài nghi. Đẳng giác, Diệu giác liễu đạt tường tận. Giác có cạn sâu. Giáo có đốn tiệm. Tiệm giáo trải kiếp a-tăng-kỳ vẫn còn luân hồi, đốn giáo chỉ khoảng co duỗi cánh tay liền lên Diệu giác. Nếu trước không giống đạo, luống học biết nhiều. Tất cả tại tâm, tà chánh do mình. Không nghĩ một vật tức là tâm mình, không phải chỗ biết của trí, không có hạnh nào riêng để ngộ vào đây. Pháp Tam-ma-đề chân thật không có đi đến, dứt mé trước mé sau. Nếu biết vô niệm là Tối thượng thừa, rộng suốt trời xanh, chóng mở kho báu. Tâm chẳng phải sanh diệt, tánh bặt đổi dời. Tự tịnh thì niệm cảnh không sanh, vô tác thì vin theo tự dứt.

Ngày xưa ta đẩy chiếc xe bất thối, nay được định tuệ song tu, như bàn tay với cánh tay. Thấy thể vô niệm chẳng theo vật mà sanh, thường liễu ngộ Như Lai thì còn chỗ nào mà khởi. Nay huyễn chất này nguyên là thường chân, tự tánh như không, xưa nay không tướng. Đã đạt lý này thì còn gì sợ, gì buồn. Trời đất không thể đổi thể kia. Tâm về pháp giới, vạn tượng nhất như. Xa lìa suy tính, trí đồng pháp tánh. Ngàn kinh muôn luận chỉ nói rõ tâm. Đã chẳng lập tâm tức thể hội chân lý, hoàn toàn không sở đắc. Bảo các học chúng không tìm cầu bên ngoài, nếu là tối thượng thừa cần phải vô tác. Trân trọng!
Có người hỏi Sư: “Vô niệm thì pháp có, không chăng?”

Ngài đáp: “Chẳng nói có, không”.

Hỏi: “Khi ấy thế nào?”

Đáp: “Cũng không khi ấy. Ví như gương sáng nếu không đối hình tượng, trọn không thấy hình tượng, nếu thấy không một vật mới là thấy gương thật".

Đời Đường niên hiệu Thượng Nguyên năm đầu 760 Tây lịch, tháng năm đêm mười hai, Sư từ biệt đại chúng, đến nửa đêm thị tịch, thọ chín mươi ba tuổi. Vua sắc ban hiệu là Chơn Tông Đại sư. Tháp hiệu Bát-nhã. Sư có trước tác bài Hiển Tông Ký, hiện giờ còn lưu hành.

 

[ Quay lại ]