SỨC TỈNH GIÁC
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 18 Tháng bẩy 2011 09:34
NS. Như Đức
Tôi rất vui khi được về đây cùng các huynh đệ ôn lại những lời dạy của chư Phật chư Tổ. Chúng ta nên biết người xuất gia thì việc tu học rất là cần yếu. Nếu không học, không được sự nhắc nhở của chư Phật chư Tổ, tâm của mình dễ lay chuyển thối thất lắm. Cho nên khi lập ra thiền viện, quý Hòa thượng luôn đặt việc tu học của đại chúng lên hàng đầu.
Đại chúng ở đây rất có phước, được sống trong môi trường tu học đầy đủ dưới sự bảo bọc của Hòa thượng Viện trưởng cùng quý Sư cô tại viện, đồng thời lại được học tập với quý Ni sư tại các thiền viện, tự viện khác nữa. Mong rằng đối với tất cả các vị giáo thọ, đại chúng nên hết tâm hết lòng học hỏi, phát huy phước duyên sẵn có, cố gắng siêng năng tu học xứng đáng với tâm nguyện của chính mình.
Chúng ta cùng sống chung trong một ngôi chùa, cùng là con một cha và cùng được hưởng sự giáo dưỡng của Hòa thượng Ân sư. Chúng tôi là những người đi trước cũng đã trải qua thời sơ cơ như quý vị, trên đường tu có chút niềm vui hoặc chút kinh nghiệm đều muốn đem ra cùng chia sẻ. Thứ nhất là đền đáp ân đức Hòa thượng, thứ hai muốn mở rộng trường tuyển Phật, nghĩa là muốn cho mọi người trở về với tâm Phật của chính mình càng nhiều càng tốt. Đó cũng là nguyện vọng chung của những người đi dạy học. Huynh đệ có chịu khó lắng nghe học hỏi thì chúng tôi càng nhớ trách nhiệm bổn phận của mình hơn, phải ráng tu nhiều hơn, ráng chỉ dạy nhiều hơn để xứng đáng với lòng tin tưởng của quý vị. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ với quý vị một số kinh nghiệm nho nhỏ trên bước đường tôi đã đi qua.
Chúng ta được sinh trong đời này và lại biết tu để chống lại với sinh tử không phải chuyện đơn giản. Cần phải biết quá trình sinh tử từ khi được sinh làm người đến khi chết như thế nào để không sống trong mờ mịt chạy theo tình thức, theo vọng tưởng sinh diệt. Tu tập để có thể chuyển hóa từ từ như chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện hoặc cao hơn là chấm dứt cuộc sinh tử vô cùng tận này.
Phật dạy chúng sanh có mặt trên cuộc đời này là kết quả của bao lần sanh tử luân hồi mà nguyên nhân là do tạo nghiệp. Nghiệp là những hành động, thói quen lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Thói quen đó có sức mạnh dẫn dắt chúng ta tạo nghiệp thậm chí không thể cưỡng lại được. Giả sử người mắc nghiệp nghiện rượu, hễ thấy quán rượu nghe mùi rượu là thói quen thích uống rượu trỗi dậy khó cưỡng lại được, mặc dù biết say xỉn khổ sở đủ thứ. Chúng ta cũng vậy, bình thường có ai làm chủ được thân khẩu ý của mình không? Luôn luôn bị sự chi phối, bị sức mạnh của nghiệp tấn công không thể kháng cự. Đó là một khó khăn trên đường tu của mình. Chúng ta phát tâm tu tập nghĩa là đang đi trên con đường giải quyết nghiệp, đó là điều cốt lõi chính yếu. Nhận được mục đích đó chúng ta sẽ thấy rõ giá trị của việc tu tập và sẽ ý thức nỗ lực phấn đấu nhiều hơn.
Người thế gian vì không biết những thói quen xấu như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu… là nhân tạo nghiệp sẽ đưa họ tới những hệ lụy rất khổ đau cho bản thân và người khác. Chúng ta những người đã xuất gia rồi hoặc đang trong thời gian tập sự, cùng đi trên con đường giải thoát, chắc không vướng phải mấy thứ nghiệp đó, phải không? Chúng ta là người xuất gia nên mức độ nghiệp nhẹ hơn, không bị chi phối bởi những nghiệp nặng nhưng vẫn phải chịu những nghiệp vi tế.
Người tu thiền đều có chung một thứ nghiệp, đó là nghiệp ngủ. Chính tôi cũng vậy, nhiều khi nghe tiếng kẻng thức chúng mà rất khó khăn mới bò dậy nổi. Luôn luôn phải tạo cho mình một sức mạnh để chống cự lại con ma ngủ, ráng dậy súc miệng rửa mặt cho tỉnh táo rồi lên lễ Phật, ngồi thiền mà ngồi cũng không yên nữa, con ma ngủ nó luôn rình rập xô tới xô lui, nhưng mà vẫn phải ngồi. Khi chúng ta ngồi thiền là đang sử dụng chất đề kháng chống cự lại với nghiệp ngủ, bởi vì ngủ là đầu mối của vô minh, là bạn bè của vô minh, là nhân duyên để vô minh tăng trưởng. Chúng ta phát tâm tu ai cũng muốn được tỉnh thức, xa lìa vô minh thì đụng đầu với nghiệp ngủ là chuyện tất nhiên rồi. Cho nên hành giả tu thiền, ai ai cũng khổ sở vì cái nghiệp ngủ này.
Tôi nói để an ủi chư huynh đệ rằng không có gì khó chịu hết, bởi trong suốt cuộc đời tu hành, mình luôn phải sử dụng chất đề kháng chống lại nghiệp này. Bất cứ lúc nào cũng phải dùng chất đề kháng, thức dậy không nổi cũng phải dậy, cố gắng tỉnh táo để ngồi thiền. Trong một giờ ngồi thiền quý vị tỉnh được bao nhiêu? Tỉnh một phân nửa, ngủ một phân nửa phải không? Tôi biết một điều rất ngộ là nhờ ngồi thiền ngủ, nên mặt người nào người nấy cũng mập mạp dễ thương. Ở Phổ Chiếu trong mấy tháng tết là thời gian huynh đệ bận rộn làm mứt, nên nhìn vị nào cũng ốm nhom, không ai mập hết trơn, mặc dù khi làm mứt nêm đường thường xuyên. Tôi hỏi và được trả lời rằng:
- Dạ tụi con phải làm mứt ban đêm nên bỏ giờ ngồi thiền.
- Bỏ giờ ngồi thiền làm sao ốm được?
- Dạ tại vì ngồi thiền còn ngủ được, làm mứt ngủ không được.
Có thiền sinh đi ngồi thiền giấu trong túi áo một chùm ớt hiểm, cay thật là cay. Khi buồn ngủ móc ra một trái cắn cái rộp, cay chảy nước mắt mà rồi vẫn ngủ. Miệng ngậm trái ớt ngủ luôn, thấy khổ dễ sợ chưa. Thành ra tôi rất thông cảm với huynh đệ, nhất là các huynh đệ ở đây đều còn nhỏ. Đó cũng là trở ngại ban đầu cho người mới tu, vì thế chúng ta phải phấn đấu thật nhiều.
Khi bước lên bồ đoàn muốn được tỉnh táo, phải lấy hết gân cốt trợn mắt nhướng mày, ngồi thẳng lưng quyết chiến với ma ngủ, là mình đang sử dụng chất đề kháng chống lại nghiệp lực. Quý vị cố gắng như vậy, dù có đau chân cũng không xả, chưa lắc chuông cũng không xả, ráng ngồi nghiêm chỉnh cùng đại chúng. Nếu ngồi một mình, buồn ngủ lúc nào mình ngã ra ngủ lúc đó, hoặc ngồi trong mùng có sẵn mền gối, buồn ngủ thì lăn đùng ra, khỏe re. Bởi vậy sức mạnh của đại chúng sẽ hỗ trợ cho huynh đệ phấn đấu tiến tu rất nhiều.
Nếu huynh đệ thực sự cố gắng sẽ tập cho mình có sức chịu đựng cao, có thể bình tĩnh trước mọi nghịch cảnh. Khi giao tiếp với huynh đệ, cọ sát với đại chúng phải xem những vui buồn giận hờn có làm chủ mình không. Hoặc khi nghe một câu nói không vừa ý, chạm tới tự ái thì mình bỏ được không, tỉnh được không. Nếu bỏ được tỉnh được là biết đã có nỗ lực, còn chưa bỏ chưa tỉnh thì phải ráng quay lại nhìn mình thêm. Chúng ta đều có những tầng tâm thức khác nhau, không ai giống ai. Hoàn cảnh, sự huân tập, nghiệp thức, mọi mặt mọi trình độ căn cơ đều dị biệt, nhưng tất cả có chung một điểm là sức tỉnh giác. Chúng ta đốt lên ánh sáng tỉnh giác bằng cách mỗi tâm niệm đều tỉnh biết rõ ràng. Sức tỉnh giác chỉ có được từ sự tha thiết nỗ lực tu tập của mỗi người. Có tỉnh sáng có trí tuệ mới đối kháng nổi với vô minh.
Sức tỉnh giác ai cũng có nhưng người này mạnh người kia yếu. Thật ra nghiệp nặng hay nhẹ cũng là ảo tưởng không thật. Sức tỉnh mới quan trọng, người tỉnh lực nhiều sẽ soi rõ nghiệp lực của mình hơn. Chúng ta phải tu sao để cho nghiệp lực và tỉnh lực bắt tay nhau, khi đó mới thành tựu trên phương diện chuyển hóa nghiệp. Nếu quý vị còn thấy có nghiệp này nghiệp nọ, rồi ra sức chống chọi đấu tranh với nó thì thất bại… là cái chắc. Đó là những khó khăn trong giai đoạn sơ cơ, huynh đệ cần phải nỗ lực nhiều.
Chúng ta được sống trong đại chúng, nương sức đại chúng tu tập là một phước duyên thúc đẩy tốt. Đến lúc chúng ta khám phá ra nghiệp lực chỉ là cái bóng rất buồn cười, nó không còn hại mình nhiều, ta cười với nó thoải mái. Lúc đó là tỉnh lực và nghiệp lực bắt tay nhau được rồi. Tỉnh lực đã chuyển hóa nghiệp lực. Hòa thượng luôn nhắc chúng tôi rằng sức lực tu hành là sức lực trường viễn kiên cố, chứ không phải tu ngày một ngày hai, phải luôn có niềm tin tha thiết mới có được sức tu bền bỉ lâu dài. Đến bây giờ thì tôi đã trải qua giai đoạn chiến đấu thời sơ cơ, còn quý vị mới bắt đầu thôi. Tôi rất thông cảm và biết rằng huynh đệ mới bao giờ cũng cần sự khích lệ động viên, mong quý vị đừng nản lòng.
Chúng ta sống là để tu để tỉnh, đừng bao giờ để ngày tháng trôi suông vô ích. Luôn luôn tỉnh thức trước mọi hoàn cảnh, vui tới buồn tới, công việc tới mình đều có thể tỉnh táo ứng phó được. Sức tỉnh thức này tất cả mọi người đồng nhau, có y như nhau, tùy theo mức độ áp dụng mà người tỉnh nhanh kẻ tỉnh chậm vậy thôi. Chúng ta học Phật tu tập là để buông bớt những vọng chấp kiên cố về thân và tâm của mình. Khi quán sát kỹ về thân sẽ chấm dứt những suy nghĩ cho thân mình là tốt là đẹp nên bớt những ái luyến thân mình, thân người. Được thế là đã năm chục phần trăm tiến vào đạo. Người xuất gia tu học mà vẫn còn loanh quanh luẩn quẩn với việc yêu mến thân mình, yêu mến thân người, đó là một trở ngại rất lớn.
Chư Tổ luôn nhắc nhở chúng ta phải thức tỉnh trên thân và tâm. Thức tỉnh trên thân là biết thân vô thường mong manh không có gì chắc chắn. Thức tỉnh trên tâm là biết những vọng tưởng xẹt tới xẹt lui cũng chỉ là những thứ hư ảo mà thôi, vậy thì đừng chấp vào nó. Một khi buông được kiến chấp hư ảo rồi thì chúng ta mới thấy được lẽ thật. Là một thiền sinh thì phải luôn quay lại nhìn mình, không được chạy theo bên ngoài, đó là bổn phận chính, là sự nghiệp cả một đời tu của chúng ta. Người biết tu tập tỉnh giác trong từng giây từng phút là người mạnh mẽ, người không lo tu tập, không tỉnh giác là người yếu đuối, dễ bị gạt bị lừa.
Mong rằng huynh đệ chúng ta nỗ lực tu tập để mỗi ngày qua là mỗi ngày tỉnh giác, mỗi đời qua là mỗi đời tỉnh giác. Cộng nhiều đời tỉnh giác lại chúng ta mới bước lên chỗ giác ngộ. Khi tu tập mục đích của chúng ta là mong cầu giác ngộ, món quà này không ở đâu xa xôi mà ngay hiện tiền. Mỗi ngày đều có giáo thọ nhắc nhở, mỗi thời đều có thời khóa tu tập là điều sung sướng hạnh phúc.
Chúc huynh đệ có nhiều sức khỏe, đủ thắng duyên tu suốt một mạch cho tới giác ngộ giải thoát.