Phá Ngã
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 28 Tháng bẩy 2011 13:59
Chân Hiền Tâm
Đến với thiền, ta thường nghe đến hai từ “Phá ngã”. Đó là phá ngã chấp và pháp chấp. Ngã, hiểu nôm na theo kiểu bây giờ là cái tôi. Người xưa dùng nó với ý nghĩa sâu hơn.
Tu Phật thì phải đặt vấn đề phá ngã. Bởi muốn thành Phật thì ngã phàm phu phải hết, ngã thánh nhân không còn, mới có thể thành Phật. Vì thế, thiền mà không phá ngã thì không phải là thiền Phật giáo. Đó là chỗ khác nhau giữa thiền Phật giáo và thiền ngoại đạo.
Song phá ngã là phá cái gì và làm thế nào để phá ngã khi ngã là một khái niệm rất trừu tượng?
Mỗi người có một thân thể, những suy nghĩ, thú vui, ý thích v.v… khác nhau. Trong mớ hỗn tạp đó xuất hiện một cái tôi. Bình thường, trong những điều kiện thuận lợi, là đứng ở mặt thuận duyên mà nói, thì cái tôi ấy dường như chan hòa. Nhưng khi không thuận duyên thì cái tôi này xuất hiện rất rõ rệt. Tranh cải, đấm đá, thù hằn v.v… xuất hiện đều do có cái tôi. Vậy phá ngã là phá cái gì trong mớ hỗn tạp đó, là phá thân hay phá tâm?
I. Mối liên hệ giữa ngã và tập
Bài pháp đầu tiên đức Phật dạy cho anh em ngài Kiều Trần Như là Tứ Đế, còn gọi là Tứ Diệu Đế hay Tứ Thánh Đế. Theo bài pháp này mà tu thì phá được phần ngã chấp.
TỨ ĐẾ là khổ, tập, diệt, đạo. Trong đó TẬP là nguyên nhân đưa đến KHỔ. ĐẠO là con đường dẫn đến niết bàn, đó là DIỆT.
TẬP, là chỉ cho sự nhóm họp hay tích tụ. Sự nhóm họp của 5 uẩn, gọi là tập. Thói quen cũng gọi là tập. Vì thói quen là kết quả của việc lặp đi lặp lại, đó cũng là một loại tích tụ. Có thói quen ở hành động, có thói quen ở cách suy nghĩ mà ta hay gọi là quan niệm, định kiến. Ngã nương vào sự tích tụ đó mà hình thành. Có tập thì có ngã. Không tập thì không ngã. Như vậy, muốn phá ngã thì phải phá tập. Phá được tập thì ngã sẽ không.
Tóm lại, tu hành chính là phá đi sự tích tụ hay thói quen từ suy nghĩ cho đến hành động, cũng là phá đi sự nhóm họp của 5 ấm.
II. Phá đi các thói quen
1. Thói quen về ăn, uống, ngủ, nghỉ v.v…
Ăn, uống, ngủ, nghỉ v.v… nói chung là tất cả mọi hành tác ở đời, thứ gì thành thói quen rồi, nó cũng khiến mình không tự tại với những gì không thuộc thói quen. Ăn cơm nhão quen rồi, giờ gặp phải cơm khô, thấy phiền não. Đi xe hơi hạng sang quen rồi, giờ bảo mình đi xe hơi tồi chút, mình thấy mắc cỡ. Trưa nào cũng phải nghỉ nửa tiếng mà giờ phải thức liên tục là thân muốn bệnh. Nói liên tu, giờ phải nín một ngày giống như ai cầm dao chặn ngang cổ. Ngủ nệm quen rồi, giờ nằm đất chịu không được v.v… Đó đều là tình trạng bị thói quen trói buộc.
Giải thoát chính là không còn bị các thói quen chi phối nữa. Ở đâu, làm gì mình cũng thấy không vướng bận. Trong nhà thiền có nói đến hai chữ ‘tùy duyên’. Tùy duyên, là trong bất cứ hoàn cảnh nào mình cũng sống được. Cảnh dù trái nhau, mình vẫn thấy bình thường và an ổn. Đó là do không bị thói quen chi phối.
Tôi có cái tật là không thích ăn gạo dẽo. Vì có tật đó nên đến đâu có gạo dẽo là nuốt không vô. Để giải quyết tình trạng đó tôi tìm đến chỗ không nấu gạo dẽo, hoặc ăn bù qua mì bún v.v… Tu rồi, nhưng vì không tỉnh với những tích tụ thuộc tư tưởng «Thích thì nhào tới, không thích thì tìm cách né đi», nên cứ theo cái thói ấy mà làm.
Trời bất dung nhan, gạo dẽo bây giờ là thứ đâu đâu cũng có. Nhà nhà đều ăn gạo dẽo. Phường phường đều bán gạo dẽo. Thế là dù muốn dù không cũng phải ăn gạo dẽo. Bị gài trong tình thế đó, mới nhận ra cái tưởng vị ngã của mình. Thật ra, chẳng có gì nghiêm trọng nếu phải ăn gạo dẽo thường xuyên.
Nghiệm cho cùng, dẽo hay không thì cũng là gạo. Có ăn là may lắm rồi. Đói thì lấy gì để kén chọn? Đưa cơm thừa cơm cặn gì đến cũng lạy mà ăn, nói là gạo dẽo. Suy nghĩ thế rồi, ta sẽ dễ dàng từ bỏ thói quen ấy. Suy nghĩ như thế, gọi là QUÁN. Dừng dần thói quen ấy, gọi là CHỈ. Làm một việc bình thường thế thôi, là ta đang tu Chỉ và Quán. Chỉ và Quán là nhân thì quả là Định và Tuệ.
Định tỉnh, bình thường, không tìm cách chống trái khi gặp phải một duyên trái nghịch với thói quen của mình, chính là góp phần phá đi thói quen ấy. Đây chính là pháp tu trong khi tiếp duyên.
2. Thói quen mang tính Phật pháp
Hỏi: Với những hành tác mang tính Phật pháp như đọc học kinh luận, ngồi thiền, niệm Phật v.v… thì thế nào?
Đáp: Thứ gì thành thói quen rồi, nó cũng mang tính trói buộc. Vì thế các thói quen Phật pháp cuối cùng rồi cũng phải bỏ. Đây nói THÓI QUEN chứ không nói những việc làm đó. Nghĩa là, không phải không làm nhưng làm mà không bị trói buộc trong thói quen. Vấn đề là khi nào mới có thể bỏ những thói quen mang tính Phật pháp?
Do THÓI QUEN ĐỜI được huân tập quá sâu vào tạng thức, nên ta phải lập những thói quen mang tính Phật pháp để đối trị. Vì loay hoay động nhiều nên phải tập tọa thiền. Vì cái đầu của mình chứa toàn hắc ín mà phải tập đọc học kinh luận. Vì ngủ nghỉ ăn uống luông tuồng nên phải tập ăn ít, ngủ ít v.v… Do tính đối trị đó mà ta chỉ có thể bỏ chúng khi các thói quen đời đã hết. Khi còn các thói quen đời thì nhất định vẫn cần dùng các thói quen thánh làm pháp đối trị. Tùy duyên mà ta gia giảm hay tăng thêm. Như pháp ‘Biết vọng buông đi’ hay Niệm Phật, một khi vọng niệm còn thì ta vẫn cần phải dùng chúng làm pháp đối trị. Nếu vọng không thì không cần dùng các pháp ấy nữa v.v…
3. Thói quen tham và sân
Tham và sân là một trong các thói quen của người đời. Thứ gì thấy hợp ý, liền tìm cách chiếm hữu là một dạng của THAM. Thứ gì không vừa ý liền muốn đẩy đi, muốn tiêu diệt, bực bội, nổi trận lôi đình, đó là những dạng của SÂN. SI, là chỉ cho vô minh. Nó là nền tảng để tham và sân xuất hiện. Phần tham sân này thuộc phiền não chướng.
Muốn trị bệnh này thì làm thế nào?
Phải đọc học kinh điển, tham khảo thêm luận ngữ của các bậc cổ đức, để hiểu thực lý Duyên khởi chi phối thế giới này thế nào, để hiểu nhân nào cho ra quả nào v.v… Đó là phương tiện đầu tiên dùng trị bệnh SI.
Kế là phải ngồi thiền, niệm Phật v.v… để tâm bớt tán loạn. Tâm không tán loạn là ĐỊNH. Định lực ngoài việc giúp mình dừng được tham và sân, nó còn là nền tảng để mình phát TUỆ. Có Tuệ thì không có si. Tuệ càng mở rộng thì si càng thu hẹp.
Nổi sân, biết đó là bậy mà vẫn không làm chủ được, vẫn để nó tiếp diễn vì mình đã tích tụ tập sân vào tạng thức quá lâu. Thứ gì được huân tập lâu, tự nó sẽ có cái lực dẫn mình chạy vòng vòng. Muốn dừng sân, muốn soi thấu bản chất của sân thì phải có định lực và trí tuệ mới phá được nó tận gốc.
4. Thói quen phân biệt và suy nghĩ
Đây là nền tảng để các thói quen trên sinh khởi. Phần hiện khởi tham sân nói trên thuộc phiền não chướng, phần này thuộc sở tri chướng.
Trong luận Đại Thừa Khởi Tín, khi nói về quá trình bất giác: Từ chân thể thanh tịnh, do một niệm bất giác mà nẩy sinh ra cảnh giới chúng sinh v.v… Tổ Mã Minh đã phân thành 9 TƯỚNG BẤT GIÁC để ta biết về quá trình diễn biến tâm thức của mình.[1]
TAM TẾ : Chỉ cho ba tướng đầu. Các tướng này, tâm thức bình thường của chúng sinh không thấy được, nên nói ‘tế’.
Do một niệm bất giác, chân thể vô tướng thanh tịnh động khởi mà hiện ra cảnh giới chúng sinh như ta thấy hiện nay. Việc này chỉ như ngủ mê rồi mộng. Trong mộng mọi thứ y như thật. Ta chỉ biết đólà mộng khi ta tỉnh giấc. Việc bất giác nói đây cũng như vậy.
Tướng tâm vừa động đó, gọi là Vô-minh-nghiệp-tướng, là tướng đầu trong tam tế.
Từ động niệm tối sơ đó, hiện ra cái thấy và cảnh giới bị thấy, là hai tướng Năng-kiến và Cảnh-giới-tướng. Cái biết của mình thuộc Năng-kiến. Còn thân, các căn và thế giới mà mình đang chiêm nghiệm được đây thuộc về Cảnh-giới-tướng. Đó là hai tướng sau của tam tế. Nói ‘tế’, vì với tâm thức hiện nay của mình, mình chưa thể thấy ba tướng đó. Lúc mà thân căn thế giới của chúng hữu tình xuất hiện ta còn chưa thể thấy, huống là động niệm tối sơ khi chưa có thế giới chúng sinh, làm sao thấy được.
LỤC THÔ: Là sáu tướng kế tiếp. Sáu tướng này có thể nhận biết dễ dàng hơn, nên nói ‘thô’.
Khi đã có thân căn và thế giới bên ngoài thì trên các đối tượng ấy, chúng ta bắt đầu phân biệt: Ta - người, nhiễm - tịnh v.v… Cái tướng phân biệt đó gọi là Trí-tướng. Nó là tướng đầu trong lục thô, cũng là tướng thứ tư trong chín tướng bất giác.
Nếu chỉ phân biệt như thế rồi ngừng thì phiền não không xuất hiện. Nhưng phân biệt rồi lại khởi yêu thích và không yêu thích, từ đó «Sinh ra khổ vui, khởi niệm tương tục tương ưng chẳng dứt». Tướng tương tục đó, gọi là Tương-tục-tướng.
Tổ nói về Thức-tương-tục như sau: «Gọi là tương-tục-thức vì niệm tương ưng chẳng dứt, gìn giữ nghiệp thiện ác trong vô lượng đời quá khứ khiến chẳng mất, lại hay thành thục quả báo khổ vui trong hiện tại và vị lai không hề sai lệch. Hay khiến hiện tại nhớ lại những việc đã qua, bất giác lo nghĩ vọng tưởng những việc chưa đến». Biết vọng một thời gian, thấy vọng không vơi mà nhiều vô số kể là đang chiêm nghiệm được phần nào tướng tương tục đây.
Thức-tương-tục duy trì nghiệp thiện ác đời quá khứ, nên nó làm nền tảng cho Chấp-thủ-tướng xuất hiện, là tướng thứ sáu trong chín tướng bất giác.
Gặp người này thấy bình thường nhưng gặp người kia lại khởi tâm thương yêu hay ghét bỏ không buông được, chính là một dạng của Chấp-thủ-tướng. Sự dính mắc đó xuất hiện, là do nhân duyên đời quá khứ được lưu giữ bởi thức-tương-tục, giờ đủ duyên, trên cảnh nẩy sinh sự dính mắc.
Do sự dính mắc đó mà sinh phân biệt tướng danh ngôn hư dối, gọi là Kế-danh-tự-tướng, là tướng thứ bảy trong chín tướng bất giác. Tướng này chúng ta có thể kiểm nghiệm được ngay tâm mình, vì tướng này thô không như những tướng trên.
Đang đi trên đường, bỗng nhiên thấy có người nhìn mình như muốn ‘ăn tươi nuốt sống’. Nếu là người có công phu thì nhìn chỉ là nhìn rồi thôi. Trong đầu khởi lên niệm gì liền bỏ ngay niệm đó. Nếu không có công phu, thì trên hiện cảnh đó mình sẽ nghĩ đủ thứ chuyện, lý luận đủ thứ kiểu để biện cho cái nhìn ‘ăn tươi nuốt sống’ vừa thấy.
Khi nhìn thấy tướng mang tính ‘ăn tươi nuốt sống’ và khởi cái tên ‘Ăn tươi nuốt sống’, là mình đang rơi vào cái gọi là Kế-danh-tự-tướng. Kế-danh-tự-tướng là «Y nơi vọng chấp, phân biệt tướng danh ngôn hư dối». ‘Y nơi vọng chấp’ là y nơi những gì mình đã lưu giữ trong tạng thức: Tướng thế này là ‘ghét’, tướng thế kia là ‘thương’ v.v... rồi mang những kinh nghiệm đó ra mà nhận định thế giới chung quanh. Dù những nhận định đó là đúng hay sai thì khi đã khởi tâm định dạng các tướng trước mắt, là ta đang làm cái việc ‘Y nơi vọng chấp phân biệt tướng danh ngôn’. Đây có thêm phần ngôn, vì có tướng có danh rồi thì suy nghĩ miên man không ngừng, suy nghĩ rồi, có khi còn truyền bá tư tưởng ấy cho những thân hữu của mình cùng biết v.v…. Kinh Lăng Già nói : «Tướng và danh theo nhau mà sinh các vọng tưởng» là vậy.
Nếu không tỉnh nữa, thì có khi chỉ vì một ánh mắt như thế mà mình nhào tới mắng hay đánh người ta. Ra thành hành động như thế rồi, gọi là Khởi-nghiệp-tướng, là tướng thứ tám trong chín tướng bất giác. Nghiệp là chỉ cho hành động mắng và đánh đó. Mắng, thuộc khẩu nghiệp. Đánh, thuộc thân nghiệp. Hai thứ đó xuất hiện là nhờ có anh ý nghiệp làm nền tảng. Đánh mắng người ta như thế là tạo bất thiện nghiệp, sẽ bị quả báo không tốt. Cái tướng bị quả báo đó gọi là Nghiệp-hệ-khổ-tướng, là tướng thứ chín trong chín tướng bất giác. Hệ, là trói buộc. Bị nghiệp trói buộc nên khổ.
Như hiện nay báo có đăng mấy chàng uống rượu bị bệnh tâm thần. Có người biết rượu là hại mà không bỏ được. Đó là do bị nghiệp rượu nó trói, không còn tự tại được nữa. Thói quen hay sự tích tụ, nó nguy hiểm thế đấy.
Thói quen đó nếu không trừ được tận gốc trong kiếp này thì nó sẽ tích tụ trong tạng thức, đủ duyên lại hiện ra. Nếu không tỉnh thì ta lại tiếp tục sự tích tụ ấy. Khổ, là từ sự tích tụ ấy mà ra.
Chín tướng trên là quá trình diễn biến thay đổi ở một tâm chúng sinh. Tướng trước làm nhân cho tướng sau sinh khởi nhưng tướng sau cũng hỗ trợ làm tăng thượng cho tướng trước.
Niệm Phật, Trì chú hay ứng dụng pháp ‘Biết có chân tâm’, là đang thay các niệm thế gian bằng các niệm xuất thế.
Áp dụng pháp ‘Biết vọng không theo’ mà Hòa thượng đã dạy chính là phá thẳng vào tướng tương tục nói đây. Một lần giác biết là một lần cắt đi cái lực tương tục của dòng vọng niệm, cũng là phá lần vào phần Trí-tướng.
Nếu ngay khi đối duyên, tâm sắp khởi mà giác được liền, là ta đang phá thẳng vào phần Trí-tướng nói trên. Đó là pháp môn Bất nhị mà chư Tổ đã nói. Song đa phần dù là tu pháp Bất nhị, nhưng vì sự giác biết của mình chưa được nhuần nhuyễn, nên thường thì tâm khởi niệm đầy đủ rồi, ta mới tỉnh mà giác. Nên tuy là phá vào trí phân biệt mà trên thực tế thì vẫn còn giác ở phần tương tục hoặc ở những tướng thấp hơn.
Trong trường hợp trên, tuy chưa thoát khỏi tướng Kế-danh-tự, tức khi tiếp duyên đối cảnh vẫn bị các tướng bên ngoài dẫn chạy, tâm khởi đủ thứ danh ngôn vọng tưởng, lảm nhảm không dứt, nhưng không vì thế mà nhào tới mắng hay đánh người ta, là mình đang giác được tướng Khởi-nghiệp-tướng. Không có tướng Khởi-nghiệp-tướng thì cũng không có tướng Nghiệp-hệ-khổ-tướng, là tướng khiến chúng ta phải bị nghiệp trói buộc trong sáu đường.
III. Phá đi sự nhóm họp của 5 ấm
Phá đi sự nhóm họp của 5 ấm, chính là “Soi thấy 5 uẩn đều không” mà Tâm Kinh Bát Nhã đã nói.
Với hàng Nhị thừa, “Soi thấy năm uẩn đều không” là phá được phần ngã chấp. Ngã chấp hết thì cái khổ sinh tử phần đoạn hết, nhưng cái khổ vi tế của biến dịch vẫn còn.
Với hàng Đại thừa, “Soi thấy năm uẩn đều không” là phá luôn cả ngã và pháp chấp, đạt được niết bàn rốt ráo. Đó mới thật là “Qua hết thảy khổ ách”.
Vì sao lại có sự khác nhau như thế?
Vì việc “Soi thấy 5 uẩn đều không” này có thô và tế.
Hàng Nhị thừa chỉ mới biết đến thức thứ sáu là ý thức, còn thức Matna và Alaida thì các vị chưa biết. Nên tuy qua được tất cả khổ, mà chỉ là cái khổ của Phần-đoạn-sinh-tử, còn cái khổ của Biến-dịch-sinh-tử thì vẫn âm thầm chi phối bên trong.
Tu Đại thừa, chính là soi thấu luôn phần Alaida và Matna, thấy chúng đều không, không có tự tánh, chỉ nhân vô minh bất giác mà thành Alaida và Matna. Alaida là cội nguồn phát sinh 5 ấm. Ngã, với ý nghĩa sâu hơn là chỉ cho thức Alaida này.
Cái gọi là ‘Kiến tánh đồng chư Phật’ mà nhà thiền hay nói, chính là thấu được TÁNH THỂ bất sinh bất diệt, từ đó có Alaida. Tánh thể thanh tịnh này, do một niệm vô minh bất giác mà thành Alaida. Alaida là nền tảng để có 5 uẩn. Như biển cả thanh tịnh, nhân gió vô minh mà nổi sóng 5 uẩn. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Chẳng biết sắc thân cho đến núi sông hư không và thế giới bên ngoài đều là vật ở trong chân tâm diệu minh, thí như bỏ đi trăm ngàn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một bọt nổi cho là nước toàn biển cả”. 5 uẩn là sản phẩm của vô minh, không có tự tánh, nhưng mình lại nhận nó làm ngã của mình, nên mới không dùng được năng lực mà Phật đã có.
[1] Luận Đại Thừa Khởi Tín, phần Bất giác trang 98 - Dịch và giải Chân Hiền Tâm.