Đạo giáo
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 17 Tháng mười 2011 13:21
Chân Hiền Tâm
Tôi gặp bà vào những ngày đi chùa cuối tháng. Lúc thì một mình, lúc thì thêm cậu cháu nội nhỏ … Hai bà cháu trong rất tâm đắc. Nhưng hình ảnh dễ thương ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Nghe đâu, cô con dâu người công giáo không bằng lòng để bà ở gần cậu cháu nội. Bà phải sang ở với cô con gái để thằng bé khỏi bị tẩy nảo. Nhà con gái thì xa nên bà không còn dịp để đi chùa vào mỗi cuối tháng. Vài tháng sau, tôi nghe tin bà mất.
Những lần đi chùa sau bà hay kể tôi nghe về cô con dâu người Công giáo. Cô dữ dằn, hỗn láo và không muốn bà ở gần thằng bé. Cô không muốn bà kể cho thằng bé nghe những mẫu chuyện về đức Phật nhưng bà vẫn làm những gì bà muốn.
- Bác ơi! Quan hệ căng lắm rồi. Bác làm vậy có thêm rối không.
- Sinh thằng nhỏ ra, nó đem thằng nhỏ đi chịu thánh lễ liền, đâu cho tôi đem qui y. Giờ tôi dạy cháu tôi đạo đức làm người, có gì mà tầm bậy. Thằng nhỏ nghe tôi kể chuyện đức Phật thích lắm.
Xem ra, quan hệ mẹ chồng nàng dâu ngày càng gay gắt nhờ sự trợ giúp đắc lực của tôn giáo.
Tôi chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh cơm không lành canh không ngọt chỉ vì hai chữ đạo ông và đạo tôi này. Không hiểu, đức Phật và Đức Chúa trên trời sẽ nghĩ gì về những tín đồ quá “trung thành” của họ.
Cô dâu tương lai của tôi là người công giáo.
Nhìn con bé hồn nhiên cười nói náo nhiệt, tôi không thể hình dung được hình dạng dữ dằn hay hỗn láo của nó trong tương lai. Nó kể tôi nghe về những tín đồ quá khích. Chỉ thấy đạo giáo của mình là nhất rồi phủ nhận tất cả những đạo giáo khác.
- Thiên Chúa cũng dạy người bên con ban phát tiền của cho kẻ khác, người theo Chúa phải bỏ tất cả tiền bạc ... Bên con cũng có các đức cha giảng như ở đây. Con thích đi nhà thờ lắm. Con thích nghe những câu chuyện mà các đức cha đã kể.
Nó kể cho tôi câu chuyện mà nó được nghe trong nhà thờ và cười thích thú. Nhà con thờ Đức Mẹ đồng trinh. Không! Cũng có sinh ra Thiên Chúa nhưng không phải sinh ra như kiểu của mình nên đức mẹ vẫn đồng trinh. Con không thích Đức Chúa bởi ông ta có quá nhiều râu. Con rất tin vào Đức Mẹ vì Đức Mẹ luôn cứu giúp con trong những lúc con mất hết hy vọng. Trước đây, mỗi lần buồn con lại nói chị con chở con ra nhà thờ Cứu Thế cầu Đức Mẹ, tịnh tâm rồi con mới về nhà.
- Bên bác cũng có đức Quán Thế Âm linh như Đức Mẹ đồng trinh của con.
Tôi kể cho con bé về những giai đoạn thăng trầm của tôi lúc còn trẻ, về những ngày vượt biên gian khổ, tôi đã tụng chú và được đức Quán Thế Âm hiện thân cứu tôi thế nào. Tôi giải thích với con bé về việc cầu xin linh ứng ấy. Không phải ai cầu Đức Mẹ hay đức Quán Thế Âm cũng được thành tựu như mình. Chỉ những người có lòng từ với người khác mới có thể được như ý mà thôi. Mình cầu được vậy là vì mình có lòng từ, căn lành của mình cũng lớn. Ngày nào mình còn giữ được lòng từ ấy, ngày đó mình còn được Đức Mẹ ban phước. Trong đêm tối, tôi thấy khuôn mặt nó rạng ngời, đôi mắt sáng rực như hai vì sao.
Nhìn con bé ngủ, tôi thấy cứ như là hiện thân của Đức Mẹ đồng trinh hay Bồ tát Quán Thế Âm của tôi. Dù khắc khe bao nhiêu, chắc không bà mẹ chồng nào nỡ bắt con bé xa lìa niềm tin của nó khi niềm tin ấy đang choáng đầy khuôn mặt nó như thế. Không chừng, đó cũng là một sự linh ứng nữa cũng nên. Biết đâu, con bé đã cầu nguyện với Mẹ đồng trinh rằng “Xin cho mẹ anh ấy thương yêu con như thương yêu anh ấy” và điều cầu nguyện ấy đang linh ứng.
Hình như khi thương yêu, người ta sẽ tìm mọi lý lẽ ngỏ ngách để bít đi những cái khiến sự ngăn cách xảy ra.
Đạo giáo đưa ra những phương cách để tạo điều kiện cho con người thương yêu nhau. Thương yêu để mà chịu đựng và tha thứ cho nhau. Để cuộc sống muôn người được hạnh phúc. Tôi đã đọc được vài đoạn đâu đó trong một cuốn Tân Ước “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Phải yêu thương kẻ thù và không nên trả thù. Nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má trên trái ra nữa. Ai xin thì anh hãy cho. Ai muốn vay mượn thì anh đừng ngoảnh mặt đi. Khi bố thí đừng khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội trường và ngoài phố xá cốt để người ta khen. Sao anh thấy cái rác trong mắt người anh em, mà cái xà trong mắt mình thì lại không thấy?”. Điều nào cũng dạy người buông bỏ thói vị kỷ, sống đời sống vị tha. Tinh thần ấy không khác gì tinh thần đức Phật đã dạy chúng sanh của Ngài. Nhưng hình như càng xa thời Chúa và Phật, con người càng quên đi tinh thần ấy. Mọi thứ chỉ còn là hình thức bên ngoài. Chỉ còn lại những nghi lễ và vui chơi nên thói vị kỷ ngày càng tăng mạnh. Thay vì buông ra, ai cũng muốn ôm vào, ôm luôn cả những thứ không phải là đạo giáo mà cho là đạo giáo. Con người, thay vì thương yêu nhau, lại tranh tàn ghét bỏ lẫn nhau ... Tôn giáo chẳng còn ý nghĩa gì trong đời sống mình nữa.
Có lẽ, mình nên lấy điểm chung của đạo giáo để sống với nhau hơn là cứ vin vào những hình thức bên ngoài rồi làm khổ nhau. Có lẽ, nên khuyến khích trẻ thơ thực hiện những điều Đức Phật cũng như Đức Chúa đã dạy để chúng được hạnh phúc hơn là biến tôn giáo thành một loại độc dược rồi dí vào mồm con trẻ bắt nó uống cho tới chết.
Thật đau lòng khi chứng kiến một đứa trẻ phải lấm la lấm lét vì đối diện với sự căng thẳng của hai dòng đạo, mà người của hai dòng đạo ấy đều là thân ruột của nó. Thật đáng tội khi nhìn thấy cảnh tranh dành một thây chết chỉ vì lễ đạo của tôi khác của anh. Đấng tối cao chắc chẳng mấy vui khi thấy tín đồ của Ngài chạy theo những hình thức bên ngoài mà quên đi tinh thần Ngài đã dạy. “Nếu bị ai vả má bên phải thì hãy giơ cả má trên trái ra nữa. Ai xin thì anh hãy cho”. Hãy mở lòng cho đi hơn là đòi hỏi ngươi khác phục vụ những mong muốn của mình. Đức Phật cũng dạy như vậy. Buông tất cả, ta sẽ được tất cả.