Có Phật pháp thì có biện pháp. (tiếp theo)
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 12 Tháng một 2013 05:10
Đại sư Tinh Vân - SC Hạnh Đoan dịch
Năm đó 21 tuổi, tôi được phái đến làm hiệu trưởng trường tiểu học, và ngụ tại tổ đình chùa Đại Giác
Một hôm Sư huynh trụ trì tiến đến, khen tôi là người thật thà. Té ra ông muốn thử tôi, đã cho cất của báu nơi cái hũ trong phòng. Kết quả thấy không thiếu thứ gì.
Thật ra tôi một bề tuân thủ giới qui “không cho thì không lấy”. Xưa nay chưa từng có ý nghĩ mở nắp hũ để thám thính. Vì vậy ngay trên hũ trang trí thế nào tôi cũng không biết, ai dè lại được Sư huynh kính trọng quá cỡ.
Hơn hai mươi năm trước, tôi thường ngồi hỏa xa, bôn ba hai miền nam bắc giảng kinh, nhân vì tại Phật môn đã quen giữ oai nghi, ngồi thẳng đoan trang, mắt chẳng nhìn nghiêng, nên suốt tám tiếng ngồi hỏa xa, tôi cứ thẳng lưng đoan tọa, niệm Phật thầm danh. Có một dạo việc này làm cảm động một sĩ quan ngồi gần đấy, ông theo tôi xuông xe, xin qui y trước Tam bảo. Chuyện trì giới cảm hóa được chúng sinh cũng nhiều vô cùng. Vì vậy “Có Phật pháp thì có biện pháp”.
Chỉ là khi hành giới luật, chúng ta rất cần viên dung thông đạt, bằng không sẽ bị giáo điều trói buộc, trở lại đánh mất tinh thần Phật pháp.
Nhớ có lần pháp sư Nam Định cùng tôi nhận lời mời của tiên sinh Ôn Lân, hiệu trưởng trường Nghi Lan Cao Trung, đến gia đình ông dùng cơm. Chủ nhân đích thân xuống bếp, bày dọn ân cần khoản đãi. Chúng tôi mặc dù biết trong thức ăn có hẹ, bánh trứng, vẫn ẩn nhẫn không nói, bình thản ăn sạch hết để tránh đường đột thất lễ.
Mười năm trước, khi dùng cơm tại hội Phật giáo Nhật Bản, lúc thị giả bưng mì lên, nghe mùi tanh nồng nặc xông khắp, mới biết canh mình dùng toàn bộ bột nêm tôm cá, vì muốn tránh cho mọi người khó chịu, chúng tôi đành nhắm mắt nuốt trọng. Trong kệ Thất Phật Tụng có ghi:
Các điều ác chớ làm
Các việc thiện nên làm
Tự tịnh tâm ý
Là lời Phật dạy
Phật pháp dùng từ bi làm nền tảng, lấy phương tiện làm cửa vào để tu đạo độ chúng. Sự thanh tịnh nội tâm mới là quan trọng nhất.
Phật pháp tu định lực, tùy duyên đều tự tại.
Các đạo tràng chi nhánh thuộc Quang Sơn, cố nhiên là xây tại vùng sơn minh thủy tú. Nhưng cũng có nhiều ngôi hiện diện nơi phố thị ồn ào.
Dưới lầu là viện Lý Dung, đêm khuya canh vắng âm thanh tạp nhiễu nổi lên rền vang. Hồi đầu mới đến, tôi chưa rõ sự tình nơi đây nên thấy lạ. Lâu dần cũng phát hiện ra điều ảo diệu.
Hoa lan u mặc sinh trưởng tại chốn thâm sâu, nên có thể tỏa hương tự thưởng thức một mình. Mẫu đơn, tánh hợp đất phương nam, nên người phương bắc không có duyên gần gũi. Nếu như quá kiên trì biểu hiện gay gắt mình ưa cảnh tịnh thì sẽ vô phương đối diện với lực lượng chính diện của tất cả vạn vật đang phát huy.
Muốn liễu giải chân đế Phật pháp thì phải hòa quang đồng trần, không chấp không cự, như hoa sen vốn xuất thân từ ô nhiễm mà bất nhiễm, giữa nóng bức lại tỏa ngát hương thơm, mới có biện pháp khiến bao người chia hưởng mỹ ý thanh hương.
Thường có nhiều người khen tôi định lực đầy đủ. Thực ra tôi tự biết tuyệt không có gì là toàn vẹn đầy đủ. Tất cả ích lợi đều nhờ Phật pháp đem đến.
Thời niên thiếu xuất gia tu học, tôi làm việc, kinh hành, tĩnh tọa. Nhờ niệm Phật tu tập định lực, bình tỉnh, kiên nhẫn. Thời thanh niên đến Đài Loan, tôi trong cảnh ăn ở thiếu thốn, sinh hoạt gian khổ, càng giúp tăng trưởng định lực, kiên nghị.
Thời trung niên pháp duyên dần tốt, tôi trong lúc tiếp dẫn tín đồ, đàm thoại khai thị, bồi dưỡng định lực lời nói.
Thời lão niên vân du truyền giáo, tôi ngồi phi cơ mười mấy tiếng, cùng tín đồ chụp hình một lần mấy mươi ảnh, nhận lời thỉnh mời cúng dường trai phạn, thành tựu định lực ứng với thời gian không gian.
Khéo đem Phật pháp vận dụng vào sinh hoạt thường ngày thì có “biện pháp” tùy duyên tự tại.
Nhiều người bảo tôi lý “Các hành vô thường. Các pháp vô ngã” của nhà Phật khiến họ cảm thấy rất sợ. Thực ra những điều này là thực tướng thế gian, chẳng nên né tránh, cũng không cần kinh hoàng.
Nếu chúng ta có thể thuận theo chân lý mà hành, sẽ phát hiện “Vô thường” rất tốt. “Vô ngã” rất đẹp.
Tôi nhớ lại mình vốn không thông minh nhưng nhờ thẻ hội vô thường, tôi không chán nản, càng ráng dụng công, cuối cùng còn dùng đó để bồi đáp.
Tôi trước đây vốn không có gì. Nhưng do hiểu vô thường, nên không thối tâm, nổ lực phấn đấu, nhờ thế mà có thể dùng phúc huệ trang nghiêm tất cả. Gặp phải thất bại trắc trở, nhân vì rõ lý vô thường, tôi bồi trồng nhân duyên, sau cùng đã có thể chuyển nguy thành an. Gặp đồ đệ cứng đầu bướng bỉnh, nhờ biết vô thường, nên tôi nhẫn nại chuyển hóa, giúp họ sửa tính nết bướng bỉnh ương hèn, cuối cùng thành bậc lương tài pháp khí.
Bởi vì sự đời vô thường, cho nên thế giới mới tiến bộ. Bởi vì sinh mệnh vô thường, cho nên vị lai mới chứa đầy đủ hy vọng. Đủ thấy dùng quan niệm nhìn tất cả theo Phật pháp, từ trong thế sự vô thường mà rút ra kinh nghiêm thì sẽ có biện pháp xử lý cuộc sống làm thay đổi nhân sinh.
Nói chư Pháp vô ngã, chẳng phải là không có ngã mà nhằm chỉ chư pháp thế gian đều do nhân duyên mà thành. Không có một thực thể độc lập cố định tồn tại. Hiểu được vô ngã thì có thể buông bỏ tiểu ngã, dung nhập đại ngã, mới có thể hiểu cách bố thí thành tựu, chia cho mọi người cùng hưởng thì nơi nơi đều hữu ngã.
Đưa tay đỡ hư không, cả pháp giới trong đây.
Năm mươi mấy năm trước, tôi cắt ái từ thân, xuất gia làm tăng, đem thân phụng hiến như vi trần, cho nên mới có cả tam thiên đại thiên pháp giới. Sau khi đến Đài Loan, tôi vì từ bỏ cơ hội tĩnh tu ở Bắc Đầu, đi vào trong đại chúng, cho nên mới có thể dựng nên sự nghiệp văn hóa Phật giáo.
Ba mươi mấy năm trước, tôi tránh vinh lợi thế gian, đến miền hẻo lánh Cao Hùng hoằng pháp lợi sinh, mới có thể khai mở thị trấn Phật giáo quan trọng vang danh thế giới.
Hơn mười năm trước, tôi lập chế tất cả chức vụ hành chánh của các đạo tràng trong nước, hằng nghĩ cho pháp giới, nên mới có thể đem Phật giáo phát triển khắp nơi.
Thậm chí tôi đem tự viện của chính mình, tặng cho đồng đạo, xả cho học sinh, kết pháp duyên càng rộng. Tôi đem những hồng bao cúng dường thu được những lần xuất ngoại hoằng pháp tặng cho cả tự viện đương địa, nhân đó thành tựu việc kiến thiết đạo tràng nơi hải ngoại.
Bàn tay nắm lại luôn eo hẹp tù túng, chẳng bỏ ra được vật nhỏ thì làm sao có được vũ trụ pháp giới?
Hiểu thấu suốt chân lý vô ngã của Phật pháp, phát tâm vui vẻ bố thí mới có biện pháp hưởng thọ được nhiều thành quả phong phú tốt đẹp.
Một ngọn đèn có thể xua tan bóng tối ngàn năm, một ngọn đèn có thể mồi đến vô tận, chiếu khắp đại thiên. Có được niềm vui Phật pháp thì nên chia sẻ cho cộng đồng chúng sinh cùng hưởng.
Ngày xưa cư sĩ Duy Ma Cật thọ pháp môn “Vô tận đăng” của thiên nữ, khiến cho thiên cung đại chúng đồng thọ pháp ích. Đức Phật lúc sắp nhập diệt, nơi hội Pháp Hoa, thọ kí chư A la hán đều thành Phật. Còn dặn dò họ nên vì đệ tử hậu thế truyền pháp thọ kí. Thế nên thế giới Sa-bà mới có hy vọng vô cùng.
Tôi tuy tự thẹn tài hèn đức mọn, nhưng đối với thành giáo đại giác của đức Thế Tôn luôn ghi nhớ trong lòng, ráng sức phát dương. Vì vậy tôi cử hành hàng trăm ngàn buổi lễ qui y, nương vào công đức Tam bảo thường trụ, khai phát linh quang tự tính Tam Bảo nơi đại chúng. Tôi nổ lực hưng biện đủ dạng sự nghiệp Phật giáo, tùy theo căn cớ chúng sinh, dem trí tuệ Phật pháp truyền cho mười phương đại chúng.
Tôi đề bạt đồ chúng pháp tử làm trụ trì, cho thọ cà sa pháp y, sáng lập hội Phật Quang, lập chế độ Giảng sư đàn việt, ban chứng thư xác nhận. Đến nay thì việc “Truyền đăng”, không những là sứ mệnh thần thánh thiêng liêng mà còn là tên của một cuốn sách. Công ty Văn Hóa Thiên Hạ đem mấy mươi năm hoằng pháp lợi sinh của tôi in thành sách, dùng đây đặt tên cho ấn bản ra mắt. Giáo sư Cao Hy Quân, chủ nhà xuất bản, ngay trong buổi hội ký giả đã phát biểu: “Bốn mươi năm nay, kinh tế đài Loan phát triển là một kỳ tích mà đại sư Tinh Vân tổ chức các hội Phật Quang chẳng có chút rối ren, khiến Phật giáo phát triển xa rộng đến khắp nơi trên toàn cầu thì đây cũng là một kỳ tích đặc biệt”.
Đối với những lời khen của ông, tôi xấu hổ không dám nhận, vì tất cả chẳng phải là công lao của tôi mà là của hàng vạn người con Phật trong đạo pháp phát tâm nổ lực, cùng chung tay gánh vác, dựng lập mà chiêu cảm nên. Đây chính là lý do vì sao tôi thường nói: “Có Phật pháp thì có biện pháp”.
Tụng kinh niệm Phật là Phật pháp, thấy biết chân chánh và chánh tín là Phật pháp, phát tâm lập nguyện là Phật pháp, nhẫn nại khiêm cung là Phật pháp, tôn kính bao dung là Phật pháp, trì giới thiền định là Phật pháp, thanh tịnh trong đạo là Phật pháp, vô thường vô ngã là Phật pháp, hỉ xả bố thí là Phật pháp, truyền đăng thọ pháp là Phật pháp... Cho đến tứ vô lượng tâm, lục độ tứ nhiếp, tàm quí, tri ân, nhân duyên quả báo… đều là Phật pháp.
Lìa thế gian thì không có Phật pháp. Người hiểu được Phật pháp, dù sống trong thế gian vẫn có được hạnh phúc nhân sinh mỹ mãn. Vì vậy có Phật pháp thì có biện pháp.