Vô Minh và Vô Dụng
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 08 Tháng mười hai 2012 00:21
H.T Tinh Vân - Hạnh Đoan dịch
Nhiều người cho vô dụng là đáng xấu hổ, nhưng tôi thì cho rằng vô dụng chính là đại dụng.
Cả đời tôi luôn cảm thấy mình vô dụng nhưng tôi không hề đổ cho đó là số trời.
Hồi trẻ tôi từng học Anh ngữ, Nhật ngữ, thế nhưng chẳng cách chi thông thạo. Xấu hổ nhất là đến ở Đài Loan 40 năm, vậy mà một câu Đài ngữ cũng không kịp giỏi.
Tôi không sành âm nhạc, khóa tụng Phạn bối thì ngũ âm không rành, còn phổ nhạc thì các âm giai đều mù trất.
Trong lúc ứng đối, tôi cũng nói năng cứng cỏi. Thời trẻ thường trượng nghĩa trực ngôn. Vì bênh vực lẻ phải mà cử tội người khác. Đến giờ tuổi gần cổ lai hy, vẫn còn do thẳng thắng bộc trực thái quá mà bị người rắp tâm xuyên tạc.
Đối với việc quản lý tài sản, tôi thường tay này nhận tiền, tay kia cho đi. Ngay cả lúc tín đồ vì Phật Quang Sơn thiếu nợ chồng chất, ngày ngày khó qua, ưu tư lo lắng, tôi vẫn chỉ biết nương vào Phật pháp, chẳng đói tới cái khổ không tiền.
Cho dù tôi “trăm không được một” (bách vô nhất dụng), tôi vẫn sáng suốt một điều – là tự biết rõ mình – dường như để bù đắp cho cái năng khiếu trời cho thiếu sót kia. Đối với từng sự việc do mình phụ trách tôi luôn ráng thâm nhập thực tế, dốc toàn lực để lo. Đối với mỗi một câu sư trưởng dặn dò, tôi hằng ghi nhớ không quên.
Nhớ lại năm 18 tuổi, do ngưỡng mộ đại sư Thái Hư đã lâu, không kiềm được thịnh tình, nên tôi đến trước ngài chấp tay đảnh lễ. Lúc đó ngài mĩm cười hồi đáp mấy câu “Hảo! Hảo! Hảo!” rồi bước đi. Thế là tôi bắt đầu chú ý đến từng lời nói hành vi của mình. Hằng ngày tôi không ngừng phản tỉnh, lưu tâm kiểm soát từng tư tưởng, cử chỉ, một chút cũng không cẩu thả, lo giữ gìn oai nghi Phật môn. Tôi chịu khó siêng năng kiên trì đọc tụng Phật học điển tích, tất cả nỗ lực này, há không phải là ước nguyện muốn trọn đời chẳng cô phụ đại sư Thái Hư từng hướng tôi mà ban cho mấy chữ hảo hảo đó sao?
Chỉ cần người chịu dùng. Tôi nhất định dốc hết sức mình.
Năm 23 tuổi, sau khi đến Đài Loan, tôi ngụ tại Trung Lịch. Nhân vì mọi người đều nói tôi là thằng to đầu, giàu sức khỏe, nên họ giao cho tôi tòan việc nặng như kéo xe, gánh nước… là các công tác cần nhiều sức. Tôi một bề nghĩ mình vô dụng, nên khi người chịu cho tôi làm thì tôi không chút chối từ. Mặc dù công việc gánh nước kéo xe, tôi không đủ sức khỏe đảm đương, nên thường lâm vào cảnh bị xây xẫm, ói mữa. Song tôi chưa từng than khổ rên mệt, bởi tôi tự biết mình vô dụng mà người khác chịu dùng, chứng tỏ tôi còn chút giá trị, sao có thể để người ta thất vọng về mình cho được.
Sau này khi tôi đi sâu vào xã hội, hướng dẫn chúng sinh, từng chứng kiến nhiều kẻ ỷ mình có tài mà coi khinh người, lên mặt kiêu căng cao ngạo. Mặc dù họ hữu dụng nhưng người khác lại sợ, không dám tin không muốn dùng họ, thế thi cũng giống như vô dụng thôi. Thấy vậy tôi không khỏi ngăn được mừng thầm vì mình sinh ra vô dụng.
Năm 1951, tôi được mời làm giáo sư chủ nhiệm kiêm giảng dạy Hội Giáo Vụ Phật Giáo Đài Loan, tôi cảm thấy mình Phật học, huệ giải đều chưa đủ, nên muốn từ chối. Thế nhưng tôi nghĩ đến hai điều: Một, thời đó tại Đài Loan số người được học qua nền giáo dục Phật học trường kì chính thống rất ít. Hai là mọi người cảm niệm đối với tôi có lòng tin, vì vậy mà tôi nhận lời. Từ đó tôi miệt mài ngồi bên bàn sách, rồi được mời đi các nơi giảng kinh thuyết pháp. Mỗi lần chuẩn bị bài giảng, lòng tôi luôn lo ngáy ngáy và run sợ. Tôi thầm cầu cho mọi sự toàn mỹ. Bây giờ tôi có thể ở trên đài trích dẫn kinh điển, nói thao thao bất tuyệt. Thật ra, chính là nhờ thuở ban đầu, tôi đã lo ráng hết sức bù đắp, mài luyện cho mình.
Hồi bắt đầu nhận giảng Phật học thì đồng thời tôi cũng được mời chủ biên Tạp Chí Giác Quần, Nguyệt San Nhân Sinh… Do hồi đó những người làm công việc in ấn viết lách rất hiếm, không có nhiều, nên thường chỉ có mình tôi ngoáy bút, viết bổ sung, trà trộn chen vào. Ngày nào tôi cũng phải chong đèn làm việc đến gần sáng, thường vì một từ, một chữ mà tôi phải đắng đo suy nghĩ rất lâu. Lắm khi vì một câu thoại mà tôi phải sục sạo lùng kiếm, nhọc nhằn tra cứu đến nỗi bụng khô, ruột thót, đói rả mà không hay.
Cứ thế tôi miệt mài biên soạn viết lách gian khổ hơn sáu năm. Dốc hết tâm huyết vào đó. Mặc dù vất vả không thể nói hết. Song trong vô hình đã bồi dưỡng cho tôi năng lực biên chép hữu ích. Để đến hôm nay, tôi có thể dùng nó hướng dẫn đồ chúng tốt đẹp.
Vô dụng không đáng lo. Chịu dụng tâm là quan trọng.
Năm 1956, Viện Hành Chính Cục Tân Văn ra chỉ thị cầu nguyện Nhân vương Hộ Quốc Tiêu tai Pháp Hội, Hội Phật giáo Trung Quốc ngay lúc khai hội ra quyết định giao tôi làm chủ nhiệm ủy viên. Lúc đó tôi mới 29 tuổi. Không những thiếu kinh nghiệm mà còn lâm vào cảnh không người, không tiền. Căn bản là khó có thể tổ chức tốt pháp hội trong điều kiện thiếu thốn đủ mặt như thế. Nhưng tôi nghĩ đến thỉnh tình của việc tiến cử, sự tin tưởng của các bạn đồng đạo, đành ráng gồng mình gánh vác mà không hề lượng sức, giống như lấy thúng úp voi, tận lực đảm đương trọng trách để không phụ lòng hậu ái của đại chúng.
Tôi không biết mình đã hao phí không biết bao nhiêu lời lẽ, lo đi các nơi thăm viếng, viết thư mời, đốc thúc phát động. Kết quả có thể nói là pháp hội hết sức thành công. Viện hành chính cũng tán thưởng. Đánh hết tờ trình kỷ lục, hướng thế giới truyền bá. Điều này càng giúp tôi tăng thêm lòng tin. Tôi cảm nhận sâu sắc rằng: Làm bất kỳ công việc nào, vô dụng không sao cả, chịu dụng tâm động não mới là quan trọng.