Nguyện lực của Địa Tạng Vương
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 23 Tháng ba 2013 13:53
Chân Hiền Tâm
Ngày còn nhỏ, tôi được ông bạn già tặng cho một bức tranh mực tàu, hình Bồ tát Địa Tạng, tay cầm tích trượng, ngồi trên lưng sư tử rất đẹp. Bức tranh được lồng kính rất lớn. Tôi đã thờ nó giữa nhà để mỗi lần thấy ai gặp tai họa gì, mà tự mình nhận thấy phần nhân quả hiện rõ trong đó, tôi liền đến đảnh lễ khuôn mặt hiền từ của ngài với một câu thủ thỉ: «Xin Phật hộ trì nhắc nhở để con thấy được những lỗi lầm của mình mà tránh đi những cái quả kinh hãi…». Lời thủ thỉ ấy được hứa khả rất chuẩn. Dù chỉ là một ý niệm manh nha chưa thành hành động, nhưng nếu không kịp thấy đó là lỗi mà sám hối, tôi liền thấy cái quả của nó hiện ra. Có lẽ đó là lý do vì sao tôi hay nói về nhân quả. Tại bị trả quả nhiều quá!
Vì lấy nhà cho thuê, chỗ ở phải dọn gọn lại, nên tranh được cắt nhỏ vừa đủ để đưa lên bàn thờ. Ngài vẫn ngồi đó nhưng không còn bề thế uy nghi như xưa.
Thờ tự và siêng cúng dường hương hoa, nhưng tôi không trì danh cũng không tụng kinh vì cuộc sống bận rộn. Đến khi cuộc sống hết bận rồi, thì tôi cũng không có thời gian tụng niệm, vì tôi … tu thiền. Kinh kệ và danh hiệu của ngài, càng không có thời giờ để ý. Nhưng ngài vẫn là ông Phật trong tâm tôi. Một ông Phật với hạnh nguyện độ sinh không mệt mỏi, không sợ hãi chốn hiểm nguy, không bỏ rơi những người khốn khổ. Tôi quí kính hạnh ấy của ngài vô bờ, như quí kính hạnh nguyện của Bồ tát Quán Âm.
Công phu được ba năm mười ngày, tâm thức có một sự chuyển biến nhỏ. Tôi mộng thấy mình gãy một cánh tay và Hòa thượng Trúc Lâm thay cho tôi chiếc áo mới. Tôi cũng mộng thấy ba đức Phật đứng trên mây, từ hư không đi xuống. Đức Địa Tạng đến trước tôi và bảo: «Nhờ niệm thanh tịnh ấy, con thoát được chốn địa ngục». Địa ngục! Trần gian này đã đủ đầy dẫy, không cần phải chết mới gặp địa ngục. Tôi lạy tạ và choàng tỉnh trong trạng thái yên bình.
Từ đó đến nay, phần công việc nhiều, phần cuộc sống cũng không còn sóng gió, lại cũng cần tự tập đối diện với những âu lo hay khó khăn trong chính mình, không thể cứ ỉ ôi hoài với Bồ tát, nên tôi không còn thở than với ngài như trước, nhưng mỗi lần thay hoa bàn thờ, tôi vẫn ngắm nhìn khuôn mặt ngài một lúc rồi mới thôi.
Vừa rồi, tôi nhận được thư của cô em họ từ xa gởi về. Nó nói «Ba em đau đớn lắm, rên la hằng đêm, tội nghiệp quá … Chị, tụng kinh cầu an giùm ba em, cầu cho ông bớt đau và giải thoát khỏi cõi bụi trần đau khổ này. Cám ơn chị». Chỉ vài câu ngắn ngủi nhưng chứa đủ tình cảm yêu thương và nỗi đau da diết trong đó. Cái da diết ấy khiến mình động lòng, nhập thất một tuần chuyên làm cái việc mà từ lâu đã không làm : Tụng kinh Địa Tạng cho ông.
Nghe nói ung thư đến thời kỳ cuối rồi, bác sĩ báo chỉ còn một tháng. Nó bảo cầu an mà lại nói giải thoát khỏi cõi bụi trần đau khổ này. Khó!
Tôi mang tiền cúng dường Tam bảo mong tìm thêm lực hộ trì cho ông. Thầy hỏi an hay siêu, tôi không biết trả lời. Thầy hỏi còn sống hay chết. Tôi nói đau đớn quá thầy. Thầy nói vậy cầu an, Dạ. Cũng dự định tụng một ngày một quyển Địa Tạng cho ông.
Không biết do không tụng kinh đã lâu hay do buông vọng quen rồi mà việc tụng niệm bây giờ không được an lạc như xưa. Ngay ngày đầu, vừa tụng vài trang, đầu tôi đã đau và tê buốt xuống tận vai và lưng. Lại còn thêm chiêu buồn ngủ. Tụng kinh mà buồn ngủ! Đó là điều rất lạ với tôi. Ngồi thiền suốt mười mấy năm nay, duy nhất chỉ ngủ một lần, vì thân đi xa về quá nhọc. Vậy mà bây giờ trời đang sáng, mọi thứ đang hoạt động ì xèo, chuông, mõ, chữ, thân và đầu đang đau, vậy mà hai mắt muốn nhắm lại, buồn ngủ quá sức.
Buồn ngủ quá phải đứng dậy đi kinh hành một lúc mới có thể tụng tiếp, nhưng vào vài trang thì đâu cũng vào đó, cơn buồn ngũ vẫn tiếp tục. Tuy cố gắng không ngủ nhưng tôi thấy mình tụng kinh trong trạng thái không được sáng suốt, dù vẫn cố giữ chánh niệm.
Tối, thiền xong, ngã lưng xuống ngủ thì cơn hoảng sợ bỗng nhiên bao trùm. Đối diện với cái sợ để tìm nguyên nhân thì thấy khung cảnh chung quanh không có gì để sợ. Đúng là không một nguyên nhân nào khiến mình sợ hãi, mọi thứ vẫn yên lắng thanh bình, chẳng có con ma nào le lưỡi hay thắt cổ tòn ten. Cũng không một âm thanh ghê rợn nào hiện diện. Mọi thứ đều thanh bình như xưa. Vậy mà nỗi sợ hãi vẫn lớn. Nhưng do biết vọng quen rồi, nên sợ thì sợ mà ngủ thì ngủ.
Ngày thứ hai cũng như thế.
Tôi bắt đầu cảm nhận việc tụng niệm của mình hình như không … đúng duyên. Có lẽ do không đúng duyên nên mọi sự mới thành như thế. Tôi quyết định ngừng việc tụng niệm và tuyên bố: «Mai không tụng kinh nữa. Ngừng!». Câu nói ấy vừa dứt thì mọi sợ hãi đều lắng sạch, yên bình trở lại như mọi khi.
Song sáng hôm sau, tôi vẫn tiếp tục việc tụng niệm như chưa từng nói điều gì.
Việc tụng niệm vẫn không có gì khả quan, nhưng tối đến thì xảy ra một việc để tôi hiểu hơn về nghiệp lực và nhân quả báo ứng, cũng hiểu hơn về tác dụng của việc trì kinh và quyết tâm.
Khoảng 7 giờ tối, ngồi trên giường, chuẩn bị hành thiền, tôi nghe mùi hương thơm rất lạ thoảng quanh chỗ tôi ngồi. Nó đến bất chợt và khi hết cũng rất mau. Tôi chỉ có thể diễn tả sự cảm nhận của mình như thế. Hương thơm không phải từ cửa sổ vào mà nó xuất hiện ngay chỗ tôi ngồi và cũng ngay đó mà hết.
Mùi thơm qua đi, liền sau đó là mùi máu ngâm xăng. Tôi biết đó là mùi máu ngâm xăng, vì tôi đã ngửi nó suốt ba ngày liền khi ngâm chiếc mũ của cha vào chậu xăng, hy vọng giặt sạch máu đọng trong ấy. Ông bị bắn vào đầu khi còn đang đội nó, nên nó chứa đầy máu của ông.
Vì đó là dấu tích đau đớn của cha, nên 40 năm rồi tôi vẫn nhận ra nó mau chóng. Lúc ấy tôi thật sự kinh hoàng và thương cảm.
Một thứ gì đó hiện ra lờ mờ không rõ ràng trong đầu tôi. Mùi hương vừa dứt lại đến mùi máu, hiện tượng ấy báo hiệu điều gì?
Trong khi đang tự hỏi chuyện gì đã xảy ra, thì tất cả quá khứ quay lại trong đầu tôi như một cuốn phim. Từ những việc cha đã làm cho người bệnh trước đây, mà do việc đó tôi nghĩ cha phải lãnh một nghiệp quả khá nặng, rồi đến những hành động bất kính trong ngày giỗ cha v.v… Rất nhiều việc đã diễn ra trong quá khứ hiện ra như một cuốn phim được chiếu lại vào đêm ấy. Những thứ mà sau này tôi đã quên hết do công phu buông bỏ của mình.
Ngay lúc ấy, tôi chợt hiểu ra : Việc tụng niệm của tôi trở thành khó khăn như thế, một phần là do nghiệp lực của người bệnh không tốt. Không phải chỉ mình tôi bị mà ngay cả cô em út tôi, bình thường vẫn trì tụng Địa Tạng, nhưng từ khi hồi hướng cầu an thêm cho ông, thì đêm ấy lại nằm thấy bị ma đuổi. Cha, chỉ là biểu trưng cho một dây nhân duyên không tốt mà người bệnh đã gieo trong đời. Còn bao nhiêu dây nhân duyên không tốt khác trong đời mà do không đủ nhân duyên, mình chưa thể thấy? Sau này tôi mới biết nguyên nhân chính của sự việc : Ông không tin thích Tam bảo.
Thân nhân có lòng để tụng niệm mà gặp cảnh như tụi tôi đang gặp, chắc phải bỏ cuộc. Bởi dù thương bao nhiêu mà mới tụng vài câu đã lăn ra ngủ hay đổ bệnh thì những gì kinh nói, dù có biết vẫn không thể thực hiện cho vuông tròn. Sống trong đời, nếu tạo ra nhiều việc không tốt quá thì những việc không tốt ấy sẽ cản trở việc trì tụng của người thân. Không đơn giản là khi sống cứ thoải mái tạo cho nhiều oan nghiệt, khi chết cầu vài biến kinh là có thể thoát nghiệp.
Khi tôi đến Thường Chiếu một năm, cha đã nói với tôi cha đi đầu thai. Từ ngày ấy tôi không còn thấy cha về như trước. Song trong những giấc mơ trước đó, cha luôn khuyên tôi làm lành tránh ác, lý nào cha có thể giận một người đang quằn quại trong đau đớn? Không phải thế thì mùi máu ấy là sao? Cũng có thể đó chỉ là bài học của đức Địa Tạng để tôi hiểu ra nhân quả nghiệp lực ở thế gian. Nghiệp người bệnh một khi đã xấu thì việc nghe thấu được một câu kinh hay một tiếng kệ không phải dễ, muốn tụng niệm cho tròn 49 ngày hay 3 năm cũng khó. Cũng có những trạng thái đau đớn mà người bệnh phải trả, chứ kinh kệ không thể làm gì được. Nó thuộc một loại định nghiệp. Cần nương lực hộ trì thanh tịnh của Tam bảo để người bệnh chuyển tâm. Người bệnh chuyển tâm rồi thì mới hy vọng mọi thứ chung quanh thay đổi.
Thật ra, trước đó người bệnh cũng đã chuyển tâm. Ông đã thấy hối hận về những gì mình từng đối xử không tốt với vợ con, nhưng với những gì xa hơn thì có lẽ ông không còn nhớ. Giờ trong tình trạng đau đớn mê man, thật khó nhắn nhủ gì với ông. Song khi biết tôi gặp những khó khăn như thế, bà đã thay ông mua bông trái về sám hối với cha. Khi ông mất rồi, bà cũng xin ông cho bà thỉnh thầy về àm lễ.
Chính đêm thấy mùi máu đó, tôi mộng thấy Địa Tạng Vương ngồi trên lưng sư tử tay cầm tích trượng, khuôn mặt từ ái mĩm cười, ngài không nói gì về chuyện tụng niệm, cũng không xác định hiện tượng tôi thấy đó là gì. Ngài chỉ trả lời câu hỏi về công phu tu thiền của tôi. Việc chính mà tôi phải làm trong đời này.
Tôi không tụng niệm nữa mà sau mỗi lần ngồi thiền, đều mang công đức đó cùng với tất cả những gì mình làm được trong đời, hồi hướng thêm tên ông.
Việc tụng niệm và hồi hướng chưa đâu vào đâu thì ông mất.
Suốt mấy ngày liền sau đó, sau giấc ngồi thiền sớm, tôi gọi tên ông – vì tôi hy vọng nương lực hộ trì của Tam bảo, ông sẽ nghe được tất cả những gì tôi nói khi ông đang ở thân trung ấm. Kinh nói, ngoại trừ hai trường hợp cực tốt và cực xấu là đi liền, thì trong vòng 49 ngày hầu hết người chết đều ở thân trung ấm. Thân này có tác dụng như thân của chư Thiên. Nghe, thấy v.v… rất xa và rất lẹ. Những biểu hiện của ông khi chết lại hiển thị ông chưa phải là hạng đi liền.
Tôi nói với ông, tôi hiểu vì sao ông không thích Tăng chúng. Rồi tôi nhấn mạnh đến tác dụng của chiếc thân mà ông hiện có. Với thân tâm đó, ông có thể thấy không phải Tăng chúng nào cũng thế. Dù họ chưa phải là người hoàn hảo, nhưng tâm tu học v.v… rất đàng hoàng. Nguyện chư Phật và Long Thần hộ pháp cho ông vào được những chỗ thanh tịnh như thế để có niềm tin. Tôi nhắc đến sự hết lòng của bà và mấy nhóc đối với ông. Cũng nhắc đến những khổ não mà họ đang phải chịu. Rồi giải thích vì sao mình nên qui hướng Tam bảo. Tôi nói rất nhiều thứ đại loại như thế, hy vọng nương lực hộ trì của Tam bảo, ông kịp chuyển tâm.
Vì ông không tin thích chùa chiền và Tăng bảo, không hy vọng nhờ một câu kinh hay một tiếng kệ mà hồi tâm, nên phải giải thích dài dòng như thế. Tại ông đã hồi tâm với bà và yêu quí mấy con, nên phải nương vào tình thương đó mà xin ông hồi tâm qui hướng Tam bảo. Chỉ cần ông có một niệm qui hướng, ông sẽ nhận được lực hộ trì của Phật Pháp Tăng. Trong cơn quẫn bách, chỉ nghĩ được như thế thì chỉ biết làm như thế, còn kết quả thì … trao chư Phật.
Việc làm đó chỉ có tôi và ông xã biết.
Sau đó vài ngày, khi liệm ông xong, tôi nghe em gái điện về. Nó nói thấy ông về, đi từ phòng này sang phòng khác vui vẻ lắm. Ông còn nói với nó, nhờ nó và mấy đứa tụng kinh cho ông, bây giờ ông thích nghe kinh rồi, gia đình nhớ tụng tiếp cho ông, ông cần nghe kinh lắm. Nghe cũng thấy vui, nhưng rồi lại nghĩ “Không biết con nhỏ có bị nhập tâm mà thấy không nữa”.
Vài ngày sau lại nhận được tin: “Tui dậy tụng kinh cho ông H. Ông mới về kêu nè. Sợ quá! Ổng nói Ổng không kêu bà được. Còn nói bà biết rõ về Ổng lắm. Tôi không hiểu Ổng muốn nói gì”.
Tôi biết là nhờ nguyện lực của Bồ tát Địa Tạng, ông đã nghe được những gì tôi giải thích. Ông cũng muốn báo cho tôi biết những gì con bé nằm thấy vừa qua không phải do nhập tâm.
Tổ hay thầy, cha hay cậu v.v… cũng như mọi điều xảy ra trong cuộc đời này, với tôi đều là hiện thân của đức Địa Tạng, đều do nguyện lực của ngài mà ra. Bởi nhờ đó tôi đến với đạo Phật, nhờ đó tôi hành trì, nhờ đó tôi hiểu ít nhiều về Duyên khởi, thực lý chi phối thế giới này, nhờ đó cuộc sống của tôi được an vui trong hiện tại và sẽ an vui trong tương lai. Cũng nhờ đó tôi có thể phát nguyện và chia sẻ những điều tôi biết với mọi người, lấy đó làm chút tư lương cho con đường mình đang đi.
Dù ông không tin thích Tam bảo, nhưng nhờ ông mà một chúng hữu tình như tôi đã phát nguyện rộng lớn. Sự đau đớn và ra đi của ông cũng là nhân duyên để thân ruột ông qui hướng Tam bảo : Phát tâm ăn chay, niệm Phật, tụng kinh, và làm các việc phước thiện. Mong nhờ công đức đó, ông sinh vào cảnh giới lành, sống thiện, hành thiện và đời đời kính tin Tam bảo.
Một khi chúng ta có thể biến thuận duyên cũng như nghịch duyên thành những lợi ích tâm linh cho chính bản thân, chính là lúc chúng ta tạo công đức cho mình và người, lấy đó làm pháp cúng dường mười phương chư Phật cùng tất cả chúng sinh trong mười phương pháp giới. Đó là việc không phải khó làm, cũng không đòi hỏi phải có rừng vàng bạc biển, nhưng hiệu quả thì không nhỏ. Chỉ cần biến thuận duyên cũng như nghịch duyên thành những cơ hội giúp mình phát triển trí tuệ và lòng từ, là chúng ta đang tạo công đức cho mình và cả cho người.
Nguyện đem tất cả công đức này, trước hồi hướng cho tất cả chúng sinh khắp mười phương giới, sau là cho thân bằng quyến thuộc cùng những người hữu duyên trong ba đời (dù là thuận hay nghịch) đều được phúc lạc, đều nghĩ thiện, nói thiện và hành thiện. Nhân một khi đã gieo thì đủ duyên, quả thiện xứ và niết bàn sẽ có.