headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 25/11/2024 - Ngày 25 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Thời gian ai bán mà mua

banthoigianLiên Loan

Lớp chúng tôi có một cô giáo là người Việt gốc Hoa, gia đình cô rất nghèo, chị em lại đông mà cô là chị cả, nên phải phụ giúp cha mẹ lo cho mấy đứa em. Việc học hành của cô cố gắng lắm mới học hết cấp 3. Sau đó đi làm, vừa đi làm vừa đi học thêm ngoại ngữ. Cô học Anh văn, học Hoa văn. Có một thời gian cô là nhân viên, sau đó cô đi dạy học ở trường tiểu học. Cô dạy tiếng Việt cho người Hoa và dạy tiếng Hoa cho người Việt. Thời gian của cô không bao giờ nhường chỗ cho việc bù khú vô bổ. Cô được cái duyên là làm việc nơi nào cũng được chủ thương nên cô mới có thể học được như thế. Cô sắp xếp thời gian làm việc và học hành lúc nào cũng sát nhau không bao giờ có khoảng trống.

 

Những năm 60 đối với gia đình nghèo như vậy cũng là vất vả lắm.

Cô nói: “Nếu như mình có điều kiện thì bây giờ mình cũng không thua kém bạn bè”.

Cô nói tiếp: Mình lấy chồng rất trễ vì phải lo giúp cha mẹ nuôi em ăn học.

Tôi nói đùa: “Lúc đó chắc là cô cứ đi làm rồi đi học, đi thẳng không dám ngó quanh co nhìn người khác phải không? Sợ người ta theo rồi cô động lòng bỏ gia đình mình cực khổ phải không cô?”.

Không ngờ câu nói đùa của tôi lại đúng. Cô gật đầu. Nhìn vẻ mặt gật đầu của cô tôi thấy cảm thông làm sao ah!

Cô nói tiếp: “Mình thật sự là không dám nhìn ai, vì mình lúc đó gần như là vai chánh trong gia đình rồi, thương cha mẹ thương em nên phải cố gắng”.

Tôi hỏi: “Vậy gia đình cô mấy chị em?”.

Cô trả lời: “8 chị em lận”.

Tôi hỏi: “Chắc là cô quý thời gian lắm hả?”

Cô trả lời: “Đúng đó. Mình không bỏ sót một giây nào cả”.

Tôi hỏi tiếp: “Vậy bây giờ các em cô như thế nào?”

Cô nói: “Tụi nó đều thành tài hết, chỉ có mình là dỏm thôi. Nhưng mình rất vui, vì chúng nó rất thương chị hai”.

Hồi xưa người ta sanh nhiều vậy đó. Má tôi nếu đầy đủ hết cũng là 12 người con chứ không phải ít đâu.
Tôi học ngoại ngữ, cô là người đầu tiên ủng hộ tôi đấy. Buổi nói chuyện này là cô muốn luyện chúng tôi nói tiếng Hoa, nhưng nói quanh nói quất lại nói chuyện của cô. Lớp chúng tôi học chưa có nói được nhiều, vả lại đến tiết học của cô không phải là tiết luyện nói. Cô phụ trách môn “Đặt câu tiếng Hoa” mà không hiểu sao hôm đó cô lại tập chúng tôi nói nữa. Nói tiếng được tiếng không, một lát thành nói chuyện của cô luôn.

Không biết có phải vì hôm trước tôi làm bài có 3 câu tiếng Hoa: Trong cuộc đời chúng ta có 3 điều không thể lấy lại được, đó là:

1. Mũi tên đã bắn đi.
2. Lời nói đã nói ra.
3. Thời gian đã qua đi.

3 Câu này có một lần tôi đọc hay nghe được ai nói, chứ không phải tự mình nghĩ ra. Có thể là trúng tâm sự của cô cho nên hôm nay cô mới nói chuyện. Không biết hôm đó các bạn trong lớp nghe câu chuyện của cô có cảm thông không, nhưng tôi thì rất hiểu được tình cảnh đó.

Bây giờ xã hội phát triển, tuổi trẻ thời nay rất đầy đủ chắc hẳn là không thể hiểu nỗi cái khổ này đâu. Thời đại bây giờ con trẻ muốn gì được nấy không biết cực khổ nên chúng nó không hiểu cũng phải.

Ba tôi hồi còn trẻ tính khí rất nóng nảy. Chị em tôi thấy ba như thấy cọp vậy. Tôi còn nhớ hồi nhỏ có một lần vì chộn rộn nơi ba làm việc nên ông quơ tay một cái tôi té từ trên cầu thang té xuống. Vì thế nên mỗi lần có chuyện gì ba gọi đếnlà tôi trả lời bắp ba bắp bún, quên đầu quên đuôi hết, nhất là việc học hành, khi làm bài hể ba lên tiếng một cái thì chữ nghĩa của tôi nó bay đi đâu hết trơn. Không biết có phải vì thế mà ba nói với má tôi:

“Con nhỏ này đừng cho nó học nhiều, nó học nhiều nó man đó”.

Hồi nhỏtôi ở với bà nội nhiều hơn, vì bà bệnh nên ba má tôi cho về để bầu bạn với bà. Ở với bà nội, tôi học được nhiều lắm, bà dạy dỗ tôi từng chút từng chút một.Khi người làm đi chợ về, là bà nội dạy cho tôi những thức ăn này phải mua làm sao cho ngon, phải trả giá thế nào, đủ thứ hết, dạy tôi để phòng khi cô người làm về quê thì tôi lại lo cho bà, vả lại học cái gì tôi cũng muốn học hết nhất là sở thích của mình, chẳng qua là không có điều kiện học thôi, vì vậy, cho nên cái việc “hỏa đầu quân” là tôi rành lắm, và cũng vì việc “hỏa đầu quân” này mà tôi đã phải nghĩ học.

Năm Mậu Thân ba má tôi chia tay mỗi người một nơi, từ đó tôi không còn ở với bà nội nữa. Ở với má tôi vẫn được đi học,nhưng đến năm Sài Gòn giải phóng, lúc đó cuộc sống eo hẹp khó khăn má tôi kiếm tiền nuôi một đàn con vất vả nên bảo tôi:

“Con nghĩ học để phụ trông em cho má đi bán”.

Dù tôi ham học nhưng cũng phải nghe lời má nghỉ. Thời con gái cho đến khi lấy chồng việc trong nhà đối với tôi là chính, có đi làm về rồi cũng việc nhà chứ không có đi chơi, hơn nữa việc đi chơi bù khú tôi cũng chẳng hứng thú, vì vậy dân SaiGon từ nhỏ đến lớn ngoài “Thảo Cầm Viên” ra nói đến khu vui chơi này chỗ giải trí kia tôi mù tịt.

Mấy chục năm trôi qua hai đứa con tôi khôn lớn. Chúng nó bắt đầu đi làm thì nó không cho tôi làm việc nữa, hơn nữa công việc của tôi lại phải vướng víu chúng nó, một việc làm mà ba người chụm đầu vào chi bằng tôi nghỉ để lo việc cơm nước, còn chúng nó mỗi đứa một việc vẫn hơn. Thế là “hỏa đầu quân” tiếp tục. Nhưng vui một chuyện là ngoài việc cơm nước con tôi động viên cho tôi đi học.

Tôi nói: “Mẹ lớn tuổi rồi học gì mà học”.

Nó nói: “Mẹ cứ đi học đi, thông tin mẹ không biết đó thôi, bây giờ nhà nước xóa nạn mù chữ khuyến khích người dân học càng nhiều càng tốt, thời bây giờ những người lớn tuổi cũng còn đi học nữa, chớ không như hồi đó đâu. Mẹ bây giờ mới bốn mươi mấy là chuyện nhỏ, có người còn lớn tuổi hơn mẹ nhiều mà vẫn đi học đó. Mẹ nghe con đi học đi, mẹ đi học để mở mang trí óc, hiểu biết thêm thông tin, ai nói gì mẹ cũng biết, mình mẩy mẹ đầy lúa, chân mẹ dính phèn không hà mẹ không biết sao. Con gỡ lúa cho mẹ, múc nước sạch cho mẹ rửa hết phèn mà mẹ không chịu.

Nó nói mà tôi cũng tức cười. Thật tình mà nói tôi rất muốn đi học, đi ra ngoài mở mang đầu óc, ở trong nhàmấy đứa em tôi nó cứ chọc tôi là hai lúa không hà, tụi nó nói cái gì tôi cũng ngơ ngơ ngáo ngáo hết.Thằng con thứ hai tôi nó học ngành Công Nghệ Thông Tin. Có một lần tôi ngồi nhìn nó học mà nghĩ thầm: “Chắc cả đời mình cũng không biết đến cái máy vi tính nữa, phải chi mình được đi học há”. Không ngờbây giờ con mình bảo mình đi học. Có nằm mơ tôi cũng không tin là thật.

Đúng vậy, từ khi đi học tôi thấy thú vị lắm, đi ra ngoài mình biết thêm một chút cũng có lợi, em út cũng không có xem thường mình nữa. Đến trường thì học ở trường. Lớp chúng tôi có một vị thầy, hể đến tiết học của thầy là các bạn bù ngủ, phương pháp giảng dạy của thầy hơi cứng một chút, nhưng thầy dạy rất kỹ, chữ viết của thầy rất đẹp. Tôi nghĩ thầy dạy không mở rộng từ, thì mình về nhà tra từ điển học thêm từ, còn chữ viết của thầy mình nên học viết sao cho đẹp giống như chữ thầy viết là được. Đến trường trách nhiệm của thầy cô là 30%, phần còn lại là do mình đâu thể nào giao hết cho thầy cô được.Đến chùa thì học được ở chùa. Nhìn thấy quý thầy đi quét từng cọng rác, thức ăn rơi vãi, những đầu thuốc lá hút quăng ra đó, mình cũng học được một điều, biết ăn biết hút là phải biết vứt rác đúng nơi, đúng chỗ, không phải cứ ăn, hút rồi đụng đâu quăng đó để cho người khác phải dọn dẹp dùm mình, nhất là những người đã xuất gia nữa, xuất gia là hạnh đã cao hơn mình rồi, mà phải quét dọndùm mình những việc như thế. Mình đến chùa là để cầu phước nhưng lại vì chuyện nhỏ nhặt như vậy vô tình mình không biết sẽ bị tổn phước, chuyện nhỏ như con thỏ nhưng lỗi thì có thể như con voi đấy. Tất cả đều học, học được cái dở cái hay, cái dở người ta có mình cũng có thì mình sửa cho hết dở, còn cái hay thì mình học để bắt chước theo cho hay, hay dở gì tôi cũng học láng hết.

Mấy năm gần đây tôi có cơ duyên đến với Phật pháp. Đến với đạo tôi lại muốn học thêm tiếng Hoa. Tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều, biết thêm một ngoại ngữ nữa cũng tốt, vả lại mình học được tiếng Hoa thì ít nhiều cũng sẽ biết được tiếng Hán. Biết thêm một chút tiếng Hán đọc sách kinh mình cũng biết chữ đó là chữ gì.

Trong lớp tiếng Hoa mấy đứa trẻ học chung nó thấy cuộc vui nào tôi cũng không tham gia hết.

Nó hỏi:“Ở nhà cô có xem tivi hay giải trí gì không”.

Tôi nói: “Tiếng Hoa học khó nhớ muốn chết xem tivi, vui chơi nữa thì làm sao mà học”.

Nó hỏi: “Cô sống như vậy không thấy buồn sao, con như vậy buồn chết đi được. Con thấy người ta học là để thăng quan hoặc đi nước ngoài chứ không thấy ai thích mà học như cô hết, cô siêng thiệt”.

Tại chúng nó không biết thôi. Thế giới chúng nó là thế giới vui chơi, chứ trong trường Hoa Văn đó cũng có một người khoảng tuổi như tôi chị đi học là để dạy cho trẻ em mồ côi đó.

Thời gian học tiếng Hoa, đi chùa, nấu ăn là niềm vui của tôi.

Có một lần tôi đi chùa, đến giờ giảng pháp. Thầy nói về “Mấy giới hạn của đồng tiền”. Tiền có thể mua được giường, nhưng không mua được giấc ngủ. Tiền có thể mua được nhà, nhưng không mua được tổ ấm. Tiền có thể mua được đồng hồ, nhưng không mua được thời gian.v.v...

Tôi thấy những điều mình học được rất hay, khi về nhà thuật lại cho một người bạn nghe. Chị ta không đồng ý với tôi về. “Tiền không mua được thời gian”. Chị nói:

“Nếu công việc mình nhiều quá mình có thể dùng tiền thuê người giúp việc làm cho mình những việc không tên, để thời gian đó mình làm kiếm ra tiền nhiều hơn, sao lại không mua được thời gian”.

Tôi nói: “Đó là suy nghĩ của chị thôi, vì đồng tiền mua được thời gian như chịnói, theo tôi nghĩ là nó chỉ huán đổi từ dạng này qua dạng khác để cung ứng cho nhu cầu của mình thôi, chứ không phải mua được thời gian. Nếu như tuổi xuân chị qua rồi, chị có mua được thời gian son trẻ của chị không? Những gì chị muốn làm mà chưa làm được bây giờ lỡ như chị bệnh thì chị có dùng tiền mua được thời gian lúc chị chưa bệnh không? Chắc chắn là không rồi. Cũng giống như cô giáo tiếng Hoa đó, chẳng phải cô đã nói: “Nếu như hồi đó mình có điều kiện thì mình sẽ không thua ai sao”. Vậy bây giờ nếu như cô có tiền cũng không làm sao mua được mấy mươi năm về trước.Hơn nữa tôi đã từng nghe 2 câu Hán Việt này:

“Nhất thốn quang âm nhất thốn kim.
Thốn kim bất mãi thốn quang âm.”

Nghĩa là:

“ Một tấc thời gian một tấc vàng.
Tấc vàng không mua được thời gian.”

Hình như 2 câu này là thành ngữ thì phải. Không lẽ là sai?

Hai bên nội ngoại tôi không ai biết gì về Phật pháp cả. Tôi là người đầu tiên biết Phật pháp. Thấy mình có duyên tìm được con đường sáng, nên cũng nói với ba tôi khuyên ba niệm Phật. Tôi khuyên ba không nghe, nhưng không biết thằng em thứ tư của tôi nó nói thế nào mà gần một năm nay ba đã chịu niệm Phật, nhưng niệm thì niệm chứ mê tín chùm luôn. Ba tôi là con nhà giàu, từ nhỏ học trường Tây cho đến thành tài. Từ ngày ba má chia tay, ba có vợ khác ở quê, ông theo vợ về quê sau ngày giải phóng, có lẽ theo cuộc sống ở nông thônquá lâu cho nên ông nhiễm mê tín. Tôi nghĩ ba bây giờ đã bảy mươi mấy tuổi, chịu niệm Phật là tôi mừng lắm rồi,thôi thì để ba gieo duyêntừ từ mình sẽ khuyên tiếp.

Thời gian ai bán mà mua...

Theo suy nghĩ của tôi, trong cuộc sống của chúng ta thời gian quan trọng hơn tiền bạc, tiền có thể kiếm được bất cứ lúc nào, nhưng với thời gian thì không. Chúng ta nên sống và làm việc sao cho phù hợp, đừng để thời gian trôi qua lãng phí. Tôi đi ra ngoài thấy rất là nhiềubạn trẻ đa phần không biết quý thời gian. Học thì ít nhưng ăn chơi thì nhiều, không hiểu được nỗi cực khổ của cha mẹ. Điển hình là lớp tiếng Hoa tôi học. Ra ngoài đi học mới thấy thương cho con mình biết bao nhiêu. Có người nói: “Cứ vùi đầu vào học rồi làm không giải trí chắc có mà điên”. Không phải thế đâu, mình phải phân bổ sao cho đồng đều, chứ cô giáo tiếng Hoa đó bây giờ cô đã 60 tuổi rồi, điên đâu mà điên, chẳng những không điên mà còn trẻ hơn tuổi nữa chứ. Hãy làm việc vì lợi ích cho mình, vì lợi ích cho người để thời gian không qua đi lãng phí. Hãy yêu quý thời gian, vì một khi để nó qua đi vô ích ngay cả vàng bạc, châu báu cũng không mua được nói gì là tiền.

Nếu như có ai hỏi tôi: “Bạn có tiếc thời gian đã qua của bạn không?”.

Tôi sẽ trả lời: “Không. Bởi vì tôi chưa bao giờ lãng phí nó, tôi đã cố gắng hết sức mình chẳng qua là mình chưa đủ duyên để làm được những việc mình muốn làm, học được những gì mình muốn học. Nếu so với những gì thời son trẻ tôi không có được, thì hiện tại tôi thấy mình được quá nhiều”.
 

 

[ Quay lại ]