headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Phật giáo nhân gian

caunguyen2Lâm Thanh Huyền - SC Hạnh Đoan biên dịch

Năm 1983 bị tư tưởng Phật giáo ảnh hưởng gây chấn động, tôi buông bỏ hết mọi việc, lên ẩn cư ven dòng suối cạnh triền núi cao, vui cùng chim hót.

Hằng ngày tôi ở trên núi đọc kinh, viết lách, tản bộ, nghiền ngẫm đạo lý. Tôi bỏ hết các sách văn học, chỉ đem theo vài bộ kinh Phật mình ưa thích nhất, như “Hoa Nghiêm”, “Pháp Hoa”, “Kim Cang”, “Pháp Bảo Đàn”, “Duy Ma Cật”. “Lăng Nghiêm”.. Lúc đó trong lòng tôi thật sự là:

 

 

                             Tự tùng nhất độc Lăng Nghiêm hậu,
                       Bất độc nhân gian tào phách thư

 

                    Dịch:

 

                    Từ khi vừa đọc Lăng Nghiêm,
                    Bao nhiêu sách thế lem nhem không màng

 

Đặt nằm cạnh những bộ kinh này là cuốn “Tinh Vân Đại Sư Diễn Giảng Tập”, đây cũng là cuốn sách gối đầu nằm của tôi.

 

Mỗi khi xem kinh thấy có gì thắc mắc, tôi chỉ cần giở tác phẩm của Đại sư ra đọc là tự nhiên thông suốt hết, hiểu được đạo pháp trong cảnh cô tịch. Giở bộ sách sư phụ ra, lòng tôi lại tràn trề ý sống, hễ khi nào tôi có ý nghĩ bi quan về cuộc đời, thấy trần gian là khổ hải thì những trang sách của Đại sư lại nhắc nhở, truyền cho tôi nghị lực và niềm an lạc bất tận.

 

Những ngày tháng ở trên núi, tôi đang lưỡng lự giữa hai con đường: Một là ném hết thế tình ở nhân gian để xuất gia làm tăng sống đời giải thoát. Hai là cứ viết lách như cũ, dùng khả năng văn chương của mình tiếp tục việc hoằng dương Phật pháp”..

 

Tôi nhận được sự khai mở từ cuốn “Tinh Vân Giảng Tập” của Đại sư, khi đọc đến chỗ: “Chúng ta đón nhận tín ngưỡng Phật giáo chẳng phải là để biến Phật giáo thành một công ty bảo hiểm, rồi hoàn toàn trông chờ Phật Tổ thần linh giáng hạ phù hộ chúc phúc cho chúng ta. Sỡ dĩ tôi đặt tên: “Phật Giáo Nhân Gian” là có ý muốn thực hiện lời khai thị của Đức Phật, áp dụng theo đó mà cải thiện đời sống nhân sinh, nhằm giúp cho con người sống một đời có ý nghĩa, hữu ích và xứng đáng. Đây chính là mục đích mà tôi muốn đạt tới”. Tôi được soi sáng sâu sắc.

 

Tôi ngụ trong ngôi nhà trên núi. Tiết đông giá rét, hơi sương phả mịt mù, tôi lấy tay vạch sương bám trên cửa kính viết thành bốn chữ: “Phật Giáo Nhân Gian”. Ngày hôm sau khi mặt trời lên, hàng chữ đó tan mất. Nhưng thật kỳ diệu, khi hoàng hôn buông phủ và màn sương giá lạnh căm căm trở về, thì hàng chữ "Phật Giáo Nhân Gian" lại hiện ra thật rõ nét và nó cứ hiện tiếp diễn như thế có đến hơn mười ngày rồi mới hoàn toàn tan biến hẳn.

 

Tôi nghĩ thầm: “Mình là nhà văn, đã có diễm phúc được gặp Phật pháp, thế thì tại sao không đem những gì mình tư duy và thể hội được từ Phật pháp, viết ra để chia xẻ cho mọi người cùng hưởng? Chẳng phải làm như vậy sẽ có ý nghĩa và giá trị hơn sao ”?

 

Thế là tôi lại khăn gói về phố thị, khởi sự viết những tác phẩm văn học Phật giáo, tổng cộng sáng tác được năm mươi mấy bộ sách liên quan đến Phật giáo. Tất cả là nhờ trong đêm giá rét thấm nhuần tư tưởng khai thị của Đại sư.

 

Phật pháp lấy người làm đối tượng

 

Thật ra tư tưởng “Phật Giáo Nhân Gian” chẳng phải do sư phụ lập ra mà do Đại sư Thái Hư mạnh dạn đề xướng từ niên đại 40 đến nay. Mặc dù có nhiều người diễn thuyết về "Phật Giáo Nhân Gian", song giúp cho tư tưởng này được hoàn bị, và thực hiện được lý tưởng này mỹ mãn, triệt để và thâm thúy đến tận cùng thì ngoại trừ sư phụ ra chẳng có ai khác.

 

Hồi tưởng lại chuyện xưa, sư phụ kể:

 

Lúc tôi 12 tuổi ở Phật học viện thường được các bậc trưởng lão khuyên:

 

- Phải gấp rút tu để liễu sinh thoát tử!

 

Mặc dù lời các Ngài khuyên khẩn thiết trang trọng, nhưng đầu tôi lại dấy lên một thắc mắc: “Vì sao không khuyên tôi hoằng pháp lợi sinh mà lại thúc tôi tu gấp để thoát ly cõi đời ?

 

Khi tôi giữ chức Tri khách, gặp một vài tín đồ đến cầu đạo thường nói: “Tam giới như nhà lửa, ta bà tợ biển khổ, phải nhanh chóng thoát ra thôi..” lòng tôi lại càng thêm sầu muộn khi nghĩ: “Trách nhiệm với nhân gian chúng ta thảy đều chưa hoàn thành mà lại gấp rút lo thoát ly, nhân sinh quan như thế chẳng phải là lạ lắm sao ?”

 

Nỗi thắc mắc của Đại sư ngày càng một lớn dần, cho đến một hôm nó vỡ ra.

 

Tháng 7 năm 1946 Đại sư được cử đến dự đại hội “Nhân viên giảng tập” do Hoà thượng Thái Hư chủ trì. Lúc đó Ngài giảng về “Phật Giáo Nhân Gian”. Lời đầy nhiệt huyết, Ngài nói:

 

- Chúng ta cần phải xây dựng nên một cõi “Phật Giáo Nhân Gian”

 

Câu này bỗng làm vỡ khối nghi của chàng thanh niên 19 tuổi, giúp chàng mở sáng tâm tư.

 

Sư phụ kể:

 

Vừa nghe Đại sư Thái Hư nói, tôi chợt hiểu vì sao Phật giáng sinh ở nhân gian, 19 tuổi xuất gia, thành đạo và giảng kinh hơn ba trăm hội… Thật ra, Phật thuyết pháp chẳng phải vì địa ngục, bàng sinh, mà đối tượng quan trọng Ngài muốn nhắm đến chính là: con người!

 

Bởi thế, bản thân Phật tự đã hội đủ tính cách “Phật Giáo Nhân Gian”. Vì vậy “Phật Giáo Nhân Gian” không phải do Đại sư Thái Hư sáng lập, giảng thuyết, mà chính là hoài bão của Phật. Suy ra, “Phật Giáo Nhân Gian” không phải do chúng ta sáng tạo nhằm đặt ra những phương thức khác thường lập dị, mà chính là để phục hưng lại Phật giáo căn bản.

 

Khi chúng tôi tìm hiểu về cách thực hiện và tư tưởng “Phật Giáo Nhân Gian”. Được biết rằng tư tưởng này đã nẩy mầm từ thuở sư phụ 19, 20. Nghĩa là lần đầu khi nghe Đại sư Thái Hư giảng về “Phật Giáo Nhân Gian” thì tâm trí sư phụ giống như có tia chớp xẹt ngang đầu, hạt giống trong tâm Ngài ngay đó bỗng nẩy lộc đâm chồi rồi dần dà trở thành đại thọ.

 

Song lịch sử thật là kỳ lạ khúc chiết làm sao, vì cây đại thọ ấy chẳng trổ hoa kết trái trên đất Đại Lục mà lại khai trổ ở Đài Loan, tỏa hương vị thơm ngon đặc sắc, cống hiến cho bao người.

 

Đến Đài Loan, sư phụ nếm biết bao đắng cay, gian khổ, nhọc nhằn, rồi mới ổn định được. Buổi đầu ra công tìm hiểu khắp mảnh đất Đài Loan, Ngài phát hiện ra Phật giáo ở Đài Loan rất suy đồi, các chùa am tự viện gì đều không được xem trọng, còn tập tục thờ cúng quỉ thần lại rất thịnh hành. Thêm vào đó là trình độ hiểu biết của nhân sinh quá nghèo nàn, yếu kém.

 

Sư phụ nhớ đến lời Đại sư Thái Hư nói và Ngài nghĩ: “Muốn vực Phật giáo Đài Loan dậy thì chỉ có đường lối của "Phật Giáo Nhân Gian" mới đủ sức chấn hưng, cứu vãn được mà thôi..”

 

Sư phụ nói:

 

- Nếu như chúng ta quay trở lại thời Phật còn tại thế, có thể thấy rõ là có lúc Phật thuyết pháp cho đại thần, quốc vương, quan tướng ở hoàng cung, cũng có lúc đi khất thực tận các làng mạc hẻo lánh xa xôi, vừa hóa duyên vừa truyền đạo cho bá tánh. Phật khuyên bảo nàng Ngọc Nữ cách hiếu dưỡng với mẹ chồng, chỉ nàng cách chăm sóc phu quân và còn bày cho Thiện Sinh cách chi tiêu thu nhập, dạy chàng sống kính trên nhường dưới. Đối với vua, Ngài bày cách cai trị ích nước lợi dân, hướng dẫn vua A-Xà-Thế cai trị như thế nào để đất nước lạc nghiệp an cư. Phật còn chỉ cách ẩm thực hữu ích cho vua Ba-Tư-Nặc, rằng làm thế nào để thân thể được khỏe mạnh cường tráng, sống sao cho tinh thần được khang kiện.. Tính cách của Phật thật bình dị và gần gũi với nhân gian. Ngài quan tâm giúp mọi người giải quyết các tình huống khó khăn rối rắm trong cuộc sống đời thường. Và chính ngay trong lúc cố vấn, Ngài đã khéo léo đưa Phật pháp vào cho mọi người ứng dụng, để cuộc sống họ được hạnh phúc an vui.

 

Thế nên, Phật đi tới đâu cũng được người ta xúm xít vây quanh, tôn vinh, kính ngưỡng.

 

Qua đó, chúng ta ngẫm lại xem, thời bây giờ, hễ thấy Phật tử tới viếng chùa thỉnh giáo thì ta lại ban huấn từ bằng mấy câu đại loại như: “Vợ chồng là oan gia, con cái là nghiệp báo, là quỉ đến đòi nợ..

 

Còn nam nữ mà có tình cảm thì ta miệt thị: - “Nghiệp chướng ” ! Để rồi ai cũng là kẻ có “nghiệp tội nặng” hết, rằng:“cuộc đời này ô trọc dữ lắm!..”

 

Đây chẳng phải là bản hoài của Phật, mà hoàn toàn trái ngược.

 

“Phật Giáo Nhân Gian” là tinh thần căn bản của đạo Phật

 

Do đã nghiền ngẫm, quyết tâm trùng hưng đạo pháp, buổi đầu đến Đài Loan sư phụ đề xướng thuyết “Phật Giáo Nhân Gian” ngay, Ngài là vị pháp sư đầu tiên ở Đài Loan đã dũng mãnh đưa Phật giáo tiến lên.

 

Bây giờ chúng ta đọc “Tập Thuyết Giảng” của sư phụ, thấy Ngài diễn giảng với đề tài: “Thế giới lý tưởng trong thế giới thực tại. Bàn về cuộc sống xuất thế trong cảnh nhập thế” và “Làm sao kiến tạo cõi Phật Giáo Nhân Gian ? ” Đọc lại vẫn còn thấy nhiệt huyết tỏa ra cùng khắp.

 

Có thể thấy 35 năm trước không những sư phụ đã đề xướng “Phật Giáo Nhân Gian”, mà chuẩn bị cho lý tưởng này cũng hết sức hoàn bị. Ngài dốc hết sức để đầu tư và thực hiện, đến độ hễ nhắc đến Phật Giáo Nhân Gian thì người ta nói: “Phật Giáo Nhân Gian của Đại sư Tinh Vân” mà thói thường càng được ca ngợi trọng vọng thì lời dèm chê tìm đến cũng nhiều.

 

Sư phụ nói:

 

- Thật ra, Phật Giáo Nhân Gian không phải là tư tưởng của một cá nhân nào, mà chính là tinh thần căn bản, tinh túy của Phật giáo.

 

Thuở đồng niên ở Phật học viện Thê Hà đọc sách. Một hôm, khi đọc đến chỗ: “Tăng lữ phải lấy hoằng pháp làm việc bổn phận, lấy lợi sinh làm sự nghiệp” tôi cảm động vô cùng.

 

Như vậy hoằng pháp, tại nhân gian; lợi sinh cũng ở nhân gian..

 

Để ấn chứng cho “Phật Giáo Nhân Gian”, xin trích dẫn trong kinh Phật nói: - Mười phương Như Lai đều chứng ngộ quả Phật ở nhân gian” còn Lục Tổ Huệ Năng thì nói: -“Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác, ly thế tìm Bồ đề, giống như tìm sừng thỏ” v.v..

 

Đạo Phật phải mang đến lợi ích thiết thực cho nhân sinh

 

Mới tới Đài Loan ở chưa được bao lâu, thì thầy Chữ Vân kể cho sư phụ nghe việc đi truyền giáo ở miền nam Australia, lúc thầy khuyên ngư dân ở đó từ giã tín ngưỡng Đức Mẹ để quay sang qui y Phật giáo thì bị họ kháng cự và bảo:

 

- Bao năm nay các ông luôn nói mình là đồ đệ của Phật, song trong Phật giáo có được ông pháp sư nào mò đến đây thuyết giảng, giúp ích gì cho chúng tôi chưa? Chỉ có Đức Mẹ là ban phúc cho chúng tôi thôi. Bây giờ ông vừa đến, dựa vào cái gì mà bảo chúng tôi từ bỏ Đức Mẹ chứ hả?

 

Nghe Chữ Vân kể, sư phụ cảm thấy thẹn thầm trong lòng và được mở sáng rất nhiều. Ngài chợt hiểu:

 

Hoằng pháp tốt nhất, là phải giúp người ta giải quyết ổn thỏa các vấn đề trong cuộc sống, được vậy mới có thể cảm hóa nhân tâm, khiến họ tự nguyện qui y.

 

Truyền giáo tốt nhất, là phải mang lại niềm vui tâm linh cho con người, được vậy mới có thể đưa họ vào cảnh giới đạo vị tốt lành.

 

Lợi sinh tốt nhất, là phải giúp con người giải quyết những thống khổ rối rắm, để họ được an ổn. Muốn họ vững tin vào đạo thì phải cho họ niềm tin, cho họ nguồn vui, cho họ niềm hi vọng”.

 

Những điều này về sau đã trở thành căn bản, tôn chỉ hoằng pháp của sư phụ.

 

Nhờ để tâm nghiền ngẫm, ý thức được tầm quan trọng của việc hoằng pháp, sư phụ luôn khẳng định: “Phật giáo phải mang lại lợi ích thiết thực cho nhân sinh”.

 

Để tuyên dương đường lối “Phật Giáo Nhân Gian”, sư phụ đích thân thực hành, đem mình làm gương. Ngài xúc tiến việc đổi mới tư tưởng hoằng pháp, dốc sức truyền rao. Không những trong các buổi giảng mà cả trong các tác phẩm của Ngài, khuôn mẫu và tác phong chuẩn mực của người tu sĩ đã được tô đậm, hình thành.

 

Thế là, chúng tôi thấy sư phụ bắt tay vào việc giúp người tháo gỡ những khúc mắc, giúp họ giải quyết các rối rắm trong cuộc sống, thấy Ngài chủ trì hôn lễ cho tín đồ, thấy Ngài đặt tên cho trẻ, thấy Ngài viết câu đối xuân cho chúng sinh, thấy Ngài giúp họ hộ niệm vãng sinh.. Các lễ hội người ta có mời dự, thì Ngài hoan hỉ đến khai mạc, an vị. Như Công ty Cổ Phiếu khai trương, thì Ngài đến làm lễ và khai thị cho; các công xưởng, các xí nghiệp, các tòa nhà có làm lễ Độâng Thổ hay Khánh thành gì, đều có thể mời sư phụ đến chủ trì sái tịnh.

 

Ngài đã tiên phong mở ra một hướng đi thoáng đạt, thâm nhập vào nhân gian, bất kể là cao quan, phú hộ, doanh nhân, danh sĩ hay thường nhân vô danh tiểu tốt, sư phụ chẳng hề câu nệ và luôn sẵn lòng giúp. Từ Viện Ttrưởng Viện Hành Chánh, Giám Đốc các xí nghiệp lừng danh, các thành phần trí thức.. thảy đều mến mộ, lục tục tìm đến Phật Quang Sơn tham kiến sư phụ.

 

Người không hiểu thì mỉa mai dè bỉu, miệt thị sư phụ là “Hòa Thượng chính trị”, họ không hề biết là dưới mắt sư phụ mọi người đều bình đẳng như nhau. Bản hoài của sư phụ là mong đem ánh sáng giác ngộ của Phật chiếu rọi đến mọi người, chiếu vào tận lòng người có thân phận thấp bé lẫn kẻ chức trọng quyền cao. Ngài mong ước mọi người đều được thấm nhuần pháp nhũ, muốn giúp họ chuyển ác nghiệp thành tịnh nghiệp, chuyển đời sống khổ đau thành an lạc.

 

Tôi nhớ có một lần để lo kinh phí cho “Đại Học Phật Quang Sơn”, sư phụ phải vẽ mấy bức tranh chữ để bán. Đa số các bức tranh chữ đó đều được người ta đánh giá là đáng bạc triệu trở lên. Lúc ấy, giữa hội trường có một tiểu bằng hữu ngỏ ý:

 

- Tôi cũng muốn mua một bức tranh của sư phụ!

 

Và chú xoè tay ra, bên trong chỉ có vỏn vẹn một trăm đồng.

 

Sư phụ mỉm cười, gói bức tranh đưa cho chú.

 

Sau đó sư phụ bảo:

 

- Một trăm hay một triệu, tôi đều xem như nhau. Tâm tư người ta đáng cho tôi quan tâm hơn là mấy con số.

 

Câu chuyện nhỏ này đủ để chứng minh về tác phong ứng xử của sư phụ, mặc dù ngàøi thiết lập “Phật Giáo Nhân Gian”, song tâm tư Ngài sớm đã siêu việt nhân gian. Nếu căn cứ vào giới hạn nhân gian để phán đoán sư phụ thì chẳng thể nào hiểu được tinh thần Ngài.

 

Song nếu nói sư phụ xem rẻ các bậc Đại nhân thì không đúng. Ngài thường nói:

 

- Tôi kính trọng các nhân vật lớn thế nào thì cũng tôn trọng các nhân vật nhỏ như thế!

 

“Phật Giáo Nhân Gian”  bao dung, tôn trọng bình đẳng

 

Năm 1988 sư phụ được mời đến Mã Lai giảng pháp, gây nên một cuộc chấn động chưa từng có. Sáu vị Bộ trưởng Mã Lai đến dự thính liên tục suốt 9 ngày. Buổi giảng nào cũng không bỏ qua. Các vị Bộ trưởng này không phải là Phật tử, hơn nữa trong hằng vạn thính chúng đó rất nhiều người không phải là tín đồ Phật giáo. Lúc chủ trì nghi thức lên đèn, làm lễ cầu nguyện, sư phụ nói:

 

- Hi vọng các Phật tử đang hiện diệân nơi đây, thắp sáng đèn tâm dâng lên Đức Phật, các vị Cơ Đốc giáo ở đây sẽ thắp sáng tâm mình dâng lên thượng đế, và chư vị tín đồ Hồi giáo sẽ thắp sáng tâm mình dâng đến đấng Allah!

 

Lời nói này đã khiến thính giả trong hội trường cảm động và hết sức hoan hỉ, nhiều người mến mộ quá, phát tâm qui y Phật.

 

Sư phụ nói:

 

- Pháp Phật thông tình đạt lý. Các Đại đệ tử cốt cán của Phật như Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp, Đề-ca-diếp, Già-da ca-diếp.. nguyên trước đó là tín đồ thờ Thần Lửa hoặc thuộc phái ngoại đạo Hoài Nghi Luận. Đức Phật thu phục họ như nhau và còn dạy họ phải tôn trọng và lưu tâm phụng dưỡngï những vị thầy cũ. Điều này chẳng những không ngăn trở Phật giáo phát triển mà còn khiến người ta cảm phục Phật hơn.

 

Hiện nay Đạo tràng Phật Quang được mở rộng khắp năm châu, từ Âu, Á, Mỹ, Úc, Phi.. sư phụ đã nới rộng các giới hạn nhân gian. Tại các nước Hồi giáo và các quốc gia Đa giáo, Ngài chấp nhận cho các nhân sĩ ở đó giữ hai tín ngưỡng, cho tụng kinh, tụ tập, đều lấy ngôn ngữ nơi đó làm chính. Tại chùa Tây Lai ở Mỹ, sư phụ cho phép người mỹ tham dự pháp hội không cần quì lạy. Ngài khuyến khích họ học giáo lý mà không ép phải xuất gia. Ngài còn lập diễn đàn giảng sư, cho phép cư sĩ tại gia được diễn giảng để khuyến khích và hướng dẫn người tu hành. sư phụ ủng hộ nam nữ bình đẳng, đả kích truyền thống “trọng nam khinh nữ”,õ đề xướng tỳ kheo và tỳ kheo ni được hưởng quyền lợi bình đẳng như nhau..

 

Sư phụ đã đưa tinh thần bình đẳng chân chánh, tôn trọng và bao dung vào “Phật Giáo Nhân Gian”

 

Sư phụ kể:

 

- Kinh Phật có tả: “Phật Tịnh Hoa Túc Vương nước Tịnh Quang Trang Nghiêm ba phen ân cần dặn dò Ngài Diệu-Âm Bồ-tát khi đến cõi Ta-Bà dâng kệ lên Phật Thích-Ca Mâu-Ni, nếu thấy cõi Ta-Bà quốc độ dơ uế thân người thấp xấu thì nên cung kính tôn trọng. Thậm chí còn nhắc Bồ-tát khi đến cõi ta bà phải thu nhiếp hương thơm trên thân, xả bỏ tướng hảo xinh đẹp để tránh cho chúng sinh cõi ta bà sự hổ thẹn vì thấy mình dơ xấu.

 

Qua điều này, có thể thấy là mười phương chư Như Lai đều tôn trọng tính chất không đồng và căn khí khác biệt của chúng sinh ở các cõi. Mỗi một nước, mỗi một địa phương đều có bối cảnh xã hội đặc thù riêng biệt. “Phật Giáo Nhân Gian” đối với những bất đồng này càng phải bao dung tôn trọng, để cùng chung sức kiến tạo nên cõi “Phật Giáo Nhân Gian” đúng nghĩa.

 

Đen, là màu đẹp nhất

 

Sư phụ kể khi Phật Quang Sơn sang Phi Châu lập chùa, có người mách với Ngài:

 

- Bạch sư phụ! Người Phi Châu hay ăn cắp đồ lắm ạ!

 

Mãi đến khi sư phụ tới Phi Châu mới vỡ lẽ ra, sự thật chẳng phải thế. Vì dân Phi Châu hoàn toàn không có ý niệm “ta người”, họ không hiểu gì về quyền sở hữu riêng.

 

Trước khi người ngoại quốc đến Phi Châu, dân Phi thường sinh sống trên thảo nguyên và chăn nuôi súc vật. Đối với họ, chim trên trời, cá dưới nước, bắt được thì là của ta. Kể cả cây trái, hái được thì có quyền ăn, thì là của mình, họ sống với tinh thần sở hữu cộng đồng. Nghĩa là của cải không thuộc riêng cá nhân nào.

 

Cho đến nay, quan niệm này vẫn còn tồn tại. Họ thấy vật gì ưng ý thì lấy đi. Theo cái nhìn của chúng ta, đó là ăn cắp, là trộm; còn đối với họ thì đấy là tự nhiên!

 

Bởi vậy mà ở Phi Châu đồ trong chùa hay bị lấy đi, Trụ trì có báo cảnh sát, cảnh sát đến tra hỏi xong, nói:

 

- Lấy đồ thì có sao đâu nà!

 

Té ra không phải chỉ có một số người sống không phân định “nhân ngã” mà ngay cả cảnh sát cũng vậy.

 

Vị đệ tử cảm thấy đau đầu, mách với sư phụ. Sư phụ nghe xong hổ thẹn bảo:

 

-Thiệt xấu hổ cho mình, xem ra người Phi Châu tính còn hồn nhiên tự tại biết bao! Họ chẳng giống chúng ta, lập ra hằng đống luật lệ với đủ thứ qui củ và giới hạn nhiêu khê, họ chỉ sống với bản chất vô tư ban sơ, bản chất hồn nhiên nguyên thủy mà chúng ta đánh mất đã từ lâu.

 

Buổi giảng đầu ở Phi Châu khi thuyết giáo cho người da đen nghe, sư phụ giảng về chủ đề : “Đen là màu đẹp nhất”.

 

Sư phụ đả phá những giới hạn ở nhân gian, chẳng phải là để lập ra một cõi riêng mà là cốt ý trả con người trở về với bản sắc nguyên sơ của mình. Bản sắc này đúng như Mạnh Tử nói: “Trắc ẩn chi tâm, nhân giai hữu chi” (Mọi người đều có lòng trắc ẩn). Bản sắc nguyên sơ này cũng chính là cảnh giới nhất thể (bất nhị), vô phân biệt.

 

Sư phụ nói:

 

-“Phật Giáo Nhân Gian” không riêng gì người và nhân gian đồng thể cộng sinh, mà người và tất cả chúng sinh cũng đồng thể cộng sinh, đây cũng là một khâu quan trọng trong “Phật Giáo Nhân Gian”.

 

Tư tưởng này của Đại sư đã được nuôi dưỡng từ thuở nhỏ.

 

Lòng từ bi thiên phú

 

Thuở ấu thơ của sư phụ nếu có gì khác biệt với phần đông mọi người thì chính là tấm lòng từ thiết tha thiên phú.

 

“Hồi nhỏ, khi bị muỗi mòng chích, tôi thường ngồi yên không nhúc nhích, để yên cho nó hút máu đến no bụng thì thôi, có khi muỗi hút máu đến no căng, bay không nổi.

 

Tôi nuôi hai con gà bé tí, một con đen, một con trắng. Tôi thích lắm.

 

Một hôm trời mưa, nước ngập cuốn trôi chúng, tôi vớt chúng đem vào cạnh bếp hong khô. Ngay khi đó một con nhảy loi choi rồi rơi thẳng vào bếp lửa. Tôi nóng ruột, quýnh quáng thò đại tay vào trong lửa để chụp cứu gà vì thấy nó càng hoảng càng giẫy sâu vào trong lửa, lúc tôi lôi được nó ra thì tay tôi đã phỏng nhiều. Con gà còn bị nặng hơn, lông trên mình nó cháy trụi hết, ngay cái mỏ cũng bị cháy nốt, chỉ còn lại một khối thịt tròn đỏ lòm, nó hoàn toàn không thể đứng vững.

 

Tôi chăm sóc nó ngày đêm, nghiền nhuyễn thức ăn mớm cho nó từng chút từng chút. Ai cũng bảo con gà khó mà sống nổi. Vậy mà tôi cứu nó thành công, nuôi nó lớn tới có thể đẻ trứng. Tôi nhận ra rằng: “Thành tâm ắt có cảm ứng”.

 

Năm 9 tuổi, con bồ câu trắng của tôi nuôi một hôm bay đi chơi, mấy ngày rồi mà chẳng thấy nó về. Tôi rầu rĩ lo cho con bồ câu không có người chăm sóc sẽ bị đói lạnh, buồn đến chẳng thiết sống, thế là tôi nhảy xuống sông tự vận. Nhưng số tôi chưa chết nên bị sóng đánh vào bờ. Tôi thểu não quay về nhà, cả ngày buồn bã, ruột nóng như thiêu, chẳng ăn uống gì nổi.

 

Hễ trong nhà có nuôi con thú gì, gà, vịt, chim, chó, v.v.. thì chẳng bao giờ tôi cho bán đi, tôi không thể chấp nhận cảnh người ta giết chúng ăn thịt.

 

Giàu lòng từ nên sư phụ dễ cảm thông với người và vật, dễ đồng cảm với nỗi khổ của chúng sinh; Ngài đối với mọi vật bằng tâm bi mẫn và luôn lấy niềm vui chúng sinh làm niềm vui của mình.

 

Sư phụ thường nói:

 

- Sinh mệnh là đáng quí đáng trọng, nếu có thể giúp người thoát khổ sống vui, thì cớ sao lại không làm ?

 

Hồi nhỏ, mỗi tối khi thắp đèn dầu lên mẹ tôi thường kể chuyện đời xưa. Có lần mẹ tôi kể: - “Có một ông lão cô độc đáng thương không nơi nương tựa..” Tôi nghe xong núp dưới gầm bàn khóc sùi sụt, một hai đòi người nhà phải lo cứu tế cho ông ta. Mặc dù ai cũng xúm nhau giải thích đấy chỉ là chuyện đời xưa, nhưng tôi vẫn không nín, cứ khóc ti tỉ mãi cho đến nửa đêm. Cuối cùng gia đình tôi phải soạn ra ít lễ vật, đưa cho tôi bảo ngày mai đem sang “cứu tế” ông ngoại, tôi mới chịu nín.

 

Ngay từ nhỏ sư phụ đã chẳng nỡ nhìn nhân gian thống khổ, chỉ cần nghe nói có ai đó đang bị khổ là Ngài luôn tìm cách để cưú giúp.

 

Thuở đầu ở Đài Loan, đời sống vất vả chật vật, có một người làm hài tăng thường vác cả bao đến chùa bán. Thoáng nhìn qua là biết ông ta rất khổ. Tôi hỏi ông ta:

 

- Một đôi hài giá bao nhiêu?

 

Ông nói:

 

- Hai mươi lăm đồng!

 

Tôi bảo:

 

- Vậy tôi trả ông ba mươi đồng!

 

Ông nghe tôi nói, ngạc nhiên:

 

- Người ta ai cũng muốn kèo nài bớt giá, sao sư phụ lại trả thêm?

 

Tôi giải thích:

 

-Tôi làm vậy chẳng qua cũng vì mình thôi! Nếâu như ông làm ăn không phát, bán buôn chẳng kiếm được tiền, rồi phải bỏ nghề thôi không làm giày nữa, thì tôi sẽ chẳng có giày để mang. Chút tiền giúp thêm đây sẽ giúp ông nâng cao tay nghề, cải thiện được phẩm chất hàng hóa. Sau này cả hai chúng ta đều có được giày tốt!

 

Nghe thế, ông ta hoan hỉ lắm, về sau ông làm giày càng đẹp và bền hơn.

 

Nếu như Phật pháp chiếu khắp nhân gian

 

Trong lòng sư phụ, nhân gian là nhất thể, có ảnh hưởng liên đới. Nghĩa là, không riêng gì mình tốt, mà nếu người khác cũng tốt, thì cõi đời này đã ưu việt lại càng ưu việt thêm. Còn nếu như có một cá nhân bất hảo, thì nhân gian chẳng thể thành tịnh độ.

 

“Hồi tôi mười tuổi, khi Nhật Bổn đánh tới Dương Châu, khắp thành lửa đạn ngút trời, thây phơi đầy đất. Tôi thường nằm ngủ cạnh các đống xác người, đăm đắm nhìn vào những tử thi vất vưởng ven đường, lòng thường dấy lên ý nghĩ: - “Đời sống sao mà tội nghiệp quá!”

 

Hai mươi lăm tuổi đến Đài Loan, dọc đường nhìn thấy xác chết nằm đầy, tôi lại nghĩ: “cuộc sống thảm làm sao! Sinh mệnh con người là quí, vậy mà họ phải chết thế này thật là tội biết bao nhiêu! Những người này lẽ ra đâu đáng chết như thế! Giá như Phật pháp được chiếu khắp nhân gian, thì những chuyện bi thảm như thế này sẽ không xảy ra”.

 

Ngày trước, khi thấy các tín đồ góp tiền góp sức ủng hộ Phật giáo, các tu sĩ thường nói: -“ Cảm tạ đạo hữu nhé! Tương lai chắc chắn Phật A Di Đà sẽ tiếp dẫn quí vị về thế giới Cực Lạc Tây Phương” !

 

Tôi luôn nghĩ thầm:-“Vì sao mà phải đợi chết rồi mới được tới tây phương Cực Lạc?

 

Hai mươi mấy năm trước, tôi cho xây dựng Tịnh xá Phật Quang tại Phật Quang Sơn để chăm sóc những người có công cống hiến với đạo, phụng dưỡng họ hoàn toàn miễn phí đến già. Xem như già thì họ được ở tại thế giới Cực Lạc Phật Quang Sơn, chết đi thì sang thế giới Cực Lạc Tây Phương. vậy chẳng phải là rất tốt ư?

 

Nhân gian có bốn cái khổ là: “sinh, lão, bệnh, tử” và muốn bạt trừ bốn cái khổ này thì chỉ có đem lòng từ bi cứu giúp cho cuộc sống.

 

Vì vậy, trước tiên sư phụ lập nhà trẻ “Dục Ấu Viện”, “Trường Mầm Non”, kế đến Ngài cho xây Trường Trung Học Phổ Môn”, rồi “Đại Học Phật Quang Sơn”. Ngoài ra Ngài còn lập các tòa soạn báo chí, cho xuất bản sách báo, tạp chí, và mở thêm tiết mục trên truyền hình.

 

Để người già có chỗ an dưỡng, sư phụ cho xây dựng “Phật Quang Tịnh Xá”, để chăm sóc người bịnh hoạn, Ngài còn lập ra “Y Viện Vân Thủy” để khám bịnh lưu động cho những người ở vùng sâu vùng xa không có cơ hội đi bịnh viện. Để an trí cho người chết, sư phụ cho xây “Tháp Xá Lợi”, “Vườn Vạn Thọ

 

“Ngày xưa trong “Hội Phật Giáo Trung Quốc” có các vị từng có công cống hiến nhiều cho đạo pháp như Tiêu Đại Lâm dành thời gian hoằng pháp ở nhà giam ngót 20 năm, Tam Tương Tài Tử, Trương Kiếm Phần, đã viết nhiều áng văn hay cho Phật giáo. Còn cư sĩ Bằng Vĩnh Trinh từng đóng góp rất nhiều công sức cho sự nghiệp Phật giáo.

 

Lúc đó lòng tôi luôn nghĩ, sau này nếu có được cơ hội và khả năng để thực hiện, nhất định tôi sẽ thay mặt Phật giáo đền đáp lại cho các vị ấy.

 

Và sau này tôi đã đón các vị ấy đến “Phật Quang Tịnh Xá” ở, cho phụng dưỡng và chăm sóc họ chu đáo đến già, hiện nay bài vị của họ được thờ phụng nơi “Nhà An Dưỡng”.

 

Còn nữa, Vương Bình, phu nhân của Thứ trưởng bộ nội vụ, hồi xưa khi đọc tác phẩm ”Vô thanh tức đích ca xướng” của tôi đâm ra cảm mộ và phát tâm mua cả ngàn cuốn để tặng không cho người. Sau này khi bà tuổi già bóng xế, thấy bà sống cô quạnh không người phụng dưỡng, nghĩ đến chút ân tri ngộ ngày xưa, tôi đón bà vào “Phật Quang Tịnh Xá” cung dưỡng suốt hai mươi mấy năm, cho đến khi bà qua đời.

 

Như Bốc Thiếu Phu, Bá Hùng, Âu Dương Thuần, sau khi họ mất gia đình thân quyến đến tìm tôi ngỏ ý xin cho họ được an phụng tại Phật Quang Sơn.

 

Tôi nói: -Không sao! những vị này đều có công cống hiến đối với sự nghiệp văn hóa. Phật Quang Sơn cho họ một linh vị có hề chi!”

 

Mình vì mọi người, mọi người vì mình

 

Theo Sư phụ tính cách Phật Giáo Nhân Gian là: “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” Phật Quang Sơn là của mọi nhà, nhân duyên kết hợp thành cộng duyên.

 

Tại gia nương phụ mẫu, xuất ngoại kháo bằng hữu”. (ở nhà nương cha mẹ, ra ngoài nhờ bạn bè). Có tiền góp tiền, có sức góp sức..

 

“Phật giáo tiểu thừa có một điều thành luật là: “Người xuất gia không được lấy gì cho người tại gia”. Tôi thì chẳng quản việc này. Giới luật của tôi là: “Mọi người cho tôi, tôi phải cho mọi người”. Tín đồ cho tôi dầu hương, tôi cho họ lại dầu hương, nếu không có vật gì để cho người, thì cũng phải cho họ niềm vui, cho họ nụ cười, cho lời hay ý đẹp”.

 

Tôi hỏi:

 

- Sư phụ thấy sao về giáo lý tiểu thừa và giáo lý nhân gian?

 

Sư phụ nói:

 

-“Thánh nhân cũng không cho mình là đúng”. Những giáo lý nào có tính cách đối lập với nhân gian, nếu chẳng cải cách thì khó mà tồn tại. Bởi vì thời đại giờ đã khác rồi. Thời đại bây giờ tương đối hợp với Đại thừa. Nếu chỉ dùng thuyền nhỏ e khó qua nổi biển lớn sóng to. Phật pháp ở nhân gian cũng phải phát triển tùy thời. Ngày xưa là đi bộ, đi xe máy, xe ba bánh.. còn bây giờ hoằng pháp thì ngồi xe hơi, đi tàu ngầm, đáp máy bay. Thời đại cứ mãi tiến lên không ngừng thì Phật giáo làm sao có thể khư khư giữ khuôn phép cũ.

 

Năm ấy tôi dưỡng bịnh tại chùa Nam thiên ở Australia, thấy đồ chúng ra vào bận bịu, tôi hỏi thường trụ:

 

- Sao không cắt công tác cho tôi?

 

Thường trụ nghe qua, không nói được.

 

- Tôi cũng là tăng xin ở mà! “Làm hòa thượng một ngày thì đánh chuông một ngày”. Các ông phải phân công tác cho tôi mới được!

 

Cuối cùng tôi mới hiểu ra. Vì có một số pháp sư cho là: làm thầy thì phải ăn ngon, ngủ an, chẳng cần làm việc.

 

Làm việc cũng là tính cách của "Phật Giáo Nhân Gian"

 

Ngày xưa chẳng phải Bách Trượng cũng đã nói: “Nhất Nhật bất tác, nhất Nhật bất thực” sao?

 

Chính tinh thần này đã giúp Thiền tông tránh được pháp nạn, giúp cho thiền môn phát khởi vẻ vang.

 

Đại sư đã giải thích rất rõ: - Để kiến tạo "Phật Giáo Nhân Gian", phải:

 

Xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, một cuộc sống tài phú phong túc, một cuộc sống từ bi đạo đức, một cuộc sống quyến thuộc hòa kính, một cuộc sống đại thừa phổ độ, một cõi Phật thanh tịnh…
Thử nghĩ xem, nếu như cõi nhân gian này có được một đời sống hạnh phúc và tài phú phong túc, con người sống đạo đức từ bi, quyến thuộc đối với nhau vui hòa ái kính, pháp đại thừa bủa khắp nơi nơi, thì há chẳng phải cõi nhân gian đã biến thành tịnh độ rồi ư? Đâu cần đợi đến vãng sinh qua đến Tây phương mới là Tịnh độ?

 

Lìa nhân gian không có tu hành

 

-Bạch Thầy! Nhưng… nếu ta dốc hết tâm sức lo cho nhân gian, thì còn tâm chí và thời gian đâu để tu hành? Nếu mãi bận lo bồi dưỡng tính cách Phật Giáo Nhân Gian, đem hết tâm tư phụng hiến cho đạo thì sẽ phải tu hành theo cách nào? -Tôi hỏi Đại sư .

 

Đại sư đáp:

 

- Thì Tu từ bi quán, tu tôn kính quán, tu kết duyên quán, vun bồi nhân cách và đạo đức, tu từ tâm và bi nguyện, tu trì giới, bố thí, nhẫn nhục, thiền định, tinh tấn, trí huệ.. các công phu này này hoàn toàn có thể tu trong nhân gian mà.

 

Một số người quan niệm rằng tu hành phải lìa nhân gian, điều này là sai lầm. Có người còn cho là “Phật Giáo Nhân Gian” không có tâm tu, đúng là đã lầm càng lầm.

 

Sư phụ dẫn chứng: như Đại sư Thái Hư, cả đời Đại sư dốc hết tâm huyết phấn đấu cho Phật Giáo Nhân Gian, Ngài Là người mà sư phụ hết lòng quí kính ngưỡng mộ. Sư phụ thường nhắc về thời trẻ từng được nghe Đại sư diễn giảng qua một lần và phát biểu:

 

- Tôi kính mộ Đại sư tới nỗi giả như Ngài bảo tôi nhảy vào hầm lửa, nhất định tôi sẽ vâng lời tức thì mà chẳng cần hỏi nguyên do!

 

Đại sư Thái Hư đồng chân nhập đạo, xuất gia từ năm mười sáu tuổi. Ở chùa tây phương lúc Ngài đang duyệt tạng, khi đọc kinh Bát Nhã gần xong thì hốt nhiên thấy thân tâm thế giới đều tan mất, lệ chợt trào tuôn, linh quang trạm nhiên phát sáng, thấy thân mình trong vô số vi trần. Sau đó Ngài bế quan tại chùa Phổ Đà. Môt đêm nọ, nghe khai chuông trước chùa, hốt nhiên tâm hành dứt, bừng ngộ. Thấy cõi quang minh vô bến bờ, vô năng sở, không có trong ngoài… Rồi từ từ hồi phục lại thân tâm, khôi phục nguyên trạng..

 

Những điều này chẳng phải người chưa chứng ngộ nói ra được.

 

Sau khi Ngài khai ngộ, hiểu biết quảng đại, tâm đạo uyên thâm. Năm hai mươi bảy tuổi Đại sư viết ra cuốn ”Phật Pháp Đạo Luận” gây ảnh hưởng rất sâu rộng.

 

Đại sư Thái Hư vì muốn hưng long Phật giáo, muốn giáo dục tăng già, muốn Phật giáo quốc tế hoá, nên Ngài cử tăng chúng đi du học, vì muốn quảng bá "Phật Giáo Nhân Gian" Ngài đã bôn ba đi khắp biển rộng sông dài, từ bắc chí nam thuyết giảng không hề ngừng nghỉ.

 

Tư tưởng "Phật Giáo Nhân Gian" của Đại sư Thái Hư đến bây giờ vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng. Lấy Đài Loan làm thí dụ, như việc Đại sư Tinh Vân lãnh đạo Phật Quang Sơn, Chứng Nghiêm hướng dẫn Từ Tế, Thánh Nghiêm thực hiện cõi Tịnh Độ nhân gian, tất cả đều nhờ công khai thị của Đại sư Thái Hư.

 

Phật Giáo Nhân Gian chưa trọn hoài bão

 

Đối với “Phật Giáo Nhân Gian” sư phụ thấy còn có gì chưa trọn chăng? –Tôi hỏi.

 

Đại sư đáp:

 

- Còn nhiều lắm! Vì cõi nhân gian chưa thành Tịnh độ thì còn có rất nhiều việc chưa trọn. Thế nhưng có hai việc quan trọng cần làm nhất hiện thời là:

 

Một: cần cải thiện lại giới luật Phật giáo. Mặc dù giới luật đem lại sự thành tựu cho Phật giáo song cũng trói buộc Phật giáo. Vì áp dụng giới luật của mấy ngàn năm về trước vào thời buổi này, thật tình mà nói thì đối với Phật giáo hiện đại có nhiều điều rất không thích hợp - Các đoàn thể Phật giáo khắp nơi cũng do bất đồng giới điều mà xảy ra xung đột tranh đấu. Vì thế cần phải cải cách giới điều -

 

Ngay thời Đường, thiền sư Bách Trượng cũng đã nhận ra vấn đề này nên Ngài mới lập “Thanh qui Tùng Lâm” thay cho giáo điều xưa cũ, nhờ vậy mà thiền môn phát sáng, rạng rỡ trong sử xanh.

 

Đến thời bây giờ, nếu giới luật cổ xưa không được sửa đổi lại thì e là không ổn vì khó thích hợp với thời buổi đương đại.

 

Còn việc thứ hai là, cần biên soạn lại kinh điển - Bởi vì kinh điển Phật giáo quá nhiều, nhiều cực kỳ. Đây cũng là đầu mối khiến các tông phái chỉ trích, đả kích nhau -

 

Tôi hi vọng có thể biên soạn và rút gọn tám Đại Tông lại thành tám trăm ngàn từ, rồi sau đó cho biên tập lại theo tư tưởng của thế kỷ 20, có thể gia thêm thành một triệu từ, việc này nhằm giúp cho những người muốn nghiên cứu kinh, chỉ cần đọc xong một triệu từ này là coi như đã duyệt hết tam tạng. Chẳng phải đến nỗi “bạc đầu nghiên cứu kinh” hay phải tốn nhiều thời gian để duyệt tạng, và họ sẽ đểù dành thời gian đó mà tu hành chứng ngộ, làm lợi ích cho nhân gian.

 

Nói đến đây Đại sư cao hứng nói:

 

- Nếu như tôi không chết bất tử và còn có được thời gian chừng vài năm, tôi hi vọng sẽ thực hiện hoàn tất hai việâc này!

 

Tôi nghĩ Đại sư có thể hoàn thành hoài bão cao tột này nhờ vào khí phách xả ngã vì người của Ngài, chỉ cần vô tư vô trước, dốc lòng phụng hiến, thì sẽ có đủ dũng cảm để gánh vác.

 

Đại sư nói:

 

- Cảnh giới cao tột của học làm người là :”thành Phật”. Nhưng trước khi thành Phật thì phải “phất” (弗) phủi tất cả tâm niệm tư lợi chấp trước, phất sạch hết vô minh phiền não, phất hết những gì mà làm người không nên có thì mới có thể thành Phật (佛) được.

 

Đại sư cười tủm tỉm, kể lại rằng mỗi khi Ngài nhắc đến việc cần cải cách giới luật, biên tập lại kinh điểnphật thì in như là các bạn đạo và đệ tử Ngài thường nói:

 

- Uý, … không nên làm chuyện này, vì đây không phải là chuyện nhỏ, coi chừng người ta chửi… chết!

 

Đại sư đã trả lời:

 

- Ngày xưa thì sợ bị chửi chết lắm đấy, nhưng bây giờ tuổi của tôi gần.. khuất rồi, dẫu có bị người ta rủa… chết cũng không sao!

 

Câu đáp trào phúng của Đại sư làm chúng tôi bật cười, cười đến chảy nước mắt.

 

Khi màn đêm phủ trùm đồi núi, ánh trăng lại vằng vặc chiếu sáng, rọi vào song cửa kính làm nổi bật hàng chữ "Phật Giáo Nhân Gian". Tôi nhớ sư phụ thường nói: “ngã ba sông Trường Giang và Hoàng Hà hình giống như hình chữ nhân (人) tất cưu mang tính chất nhân văn vĩ đại của đất nước Trung Hoa. Trên thế gian này, hễ vùng đất nào có hai sông giao hội thành chữ nhân (人) ắt là có giao lưu hội thông, người với người giao hội chẳng phải cũng như thế hay sao? - Phật pháp và nhân sinh cùng gặp gỡ cũng giống như thế - Muôn dòng cùng gặp nhau rồi đổ về một hướng, cùng hoà nhập vào biển pháp vô tận, đây chính là chân đế của "Phật Giáo Nhân Gian".
 

 

[ Quay lại ]