GÌ CŨNG LÀ TA- GÌ CŨNG KHÔNG LÀ TA
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 04 Tháng năm 2013 08:15
Hòa thượng Tinh Vân - Biên dịch: Hạnh Đoan
Cả đời tôi đều trưởng thành trong khổ nạn.
Năm 1927, khi tôi còn mới biết bò trên đất thì chiến tranh cách mệnh Bắc phạt đã tiến hành như lửa bỏng dầu sôi. Trong cảnh khói lửa mù trời, cả nhà tôi phải trải qua tháng ngày lang bạc kỳ hồ; hầu như suýt mạng vong trong nội chiến.
Năm 10 tuổi, chiến tranh Trung-Nhật bùng nổ, chúng tôi bắt đầu chạy tứ xứ.
Năm 12 tuổi xuất gia xong, tôi đi khắp các tùng lâm tham học tại các ngôi danh lam cổ sát.
Lúc 23 tuổi, hai bên đánh nhau, Thần Châu khói lửa, tôi từ Thê Hà Sơn đến Nghi Hưng rồi đi Nam Kinh. Thời cuộc đẩy đưa tôi trôi dạt tới Đài Loan, sau đó trải qua tháng ngày lang bạt, tha hương ngàn dặm. Kinh nghiệm thường xuyên bôn ba đó đây, khiến tôi ở độ tuổi thanh niên cảm ngộ được rằng: Trên thế gian, "Gì cũng là ta, gì cũng không là ta!"
Vì vậy sau này, bất kể là tôi đi đến đâu, đều có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh, tùy hỷ hành sự. Bời vì trong thế gian, chỉ cần bạn dung nó, thì nó chính là bạn. Bạn không dung nó, nó tất nhiên không phải là bạn.
Tất cả là ta - Tất cả cũng không là ta
Bất ngờ quay đầu nhìn lại, thấm thoắt đã vượt qua vạn trùng sơn. Tôi từ miền Bắc vào đến miền Nam Đài Loan, suốt lộ trình toàn là phơi mình dưới nắng nóng mưa cuồng. Kinh nghiệm đối với vũ trụ vạn vật, tôi nhận thấy rằng: Nếu nhìn theo nhãn quan nhập thế thì: "Gì cũng là ta, mà gì cũng không là ta!". Còn nếu dùng thái độ xuất thế mà nhìn thì: "Gì cũng không là ta! Mà gì cũng là ta". Nhân sinh do chấp trước vào có, nên mới khổ, nhân sinh qusa buông bỏ, qusa không vô? Thì cũng chẳng thoát khỏi mù mịt. Tốt nhất là nên dung hoà điều độ hai mặt này. Dùng tư tưởng xuất thế làm sự nghiệp nhập thế, dùng quan điểm hưởng có mà chẳng khởi ý chiếm hữu để phụng hiến xã hội, như vậy mới có thể vì mình, vì mọi người, mở ra một con đường lớn kiện toàn trong nhân sinh.
Có thanh niên xin tôi thế phát xuất gia. Trước tiên, tôi thường hỏi:
- Phật Quang Sơn là của ai?
Nếy như y chẳng chút do dự đáp: Sư phụ! Nếu như con xuất gia tại Phật Quang Sơn, thì Phật Quang Sơn là của con rồi!
Câu nói này là để thông qua khảo hạch đầu tiên của tôi. Bởi vì có cảm thấy chùa là bản thân mình, thì mỗi cá nhân mới chịu đem tâm phụng hiến, ở an tu đạo, việc chùa mới có thể ngày càng hưng long. Có cảm thấy sư huynh, sư đệ là mình, mới có thể bao dung khuyết điểm họ, thành tựu ưu điểm (trường tài) cho họ và mọi người mới có thể ở chung, sống vui hoà với nhau.
Mỗi lần tôi tản bộ đi tuần quanh Phật Quang Sơn, khi dừng chân bên bờ suối Tây Lai, lắng nghe tiếng nước chảy róc rách, tôi thấy phảng phất hình ảnh lúc hồng triều bạo phát hồi xưa, thầy trò cùng hợp lực đem thân chống đỡ với nước lũ cuồn cuộn tràn dâng. Khi tôi đi đến đại lộ "Thành Phật" trước Đại Hùng Bảo Điện, lại thấy mường tượng cảnh năm xưa mọi người ở dưới nắng nóng mưa dầm, cầm thướt sắt, ở trước bùn chưa khô, khắc hoạ văn lộ (hoa văn).
Ba mươi năm nay, nhờ chúng tôi xem Phật Quang Sơn là mình, nên mọi người mới có thể đồng tâm hiệp lực, tạo nên sức mạnh vững như thành đồng; nhất chí đoàn kết, đem vùng hoang sơn chưa khai phá, biến thành cõi Tịnh độ thù thắng trang nghiêm. Nếu cảm thấy tất cả đều là mình, mới có thể sản sinh suối nguồn động lực bất tuyệt. Hy vọng đồ chúng của tôi thời thời đều có thể đem " Phật Quang Sơn là của ai?" Làm câu thoại đầu, nỗ lực tham cứu.
Phật Quang Sơn là của ta, đương nhiên cũng thuộc về cái ngã mỗi người. Bởi vậy từ khai sơn đến nay , tất cả thiết kế đều tuỳ thuận nhu cầu tín đồ mà xây nên. Tất cả quy hoạch trọng đại một khi đã tính thì đại chúng cùng nhóm họp quyết định, cả đến điển chương chế độ, mỗi một quy tắc văn điều, không gì mà chẳng dựa vào quyết định chung, cùng hội họp rồi công bố thông qua.
Năm 1985, khi tôi thực thi theo chương trình, thoái vị, đem chức trụ trì giao cho đời thứ hai tiếp gậy, nhiều tín đồ tiến đến quỳ khóc thỉnh cầu tôi ở lại, nhưng vô phương vãn hồi ý kiên quyết của tôi. Kinh nói: " Y pháp bất y nhân", mọi người đều có thể tại trong pháp bình đẳng, nhìn thấy được bản chất Phật giáo trong tương lai hay không?
Đúng vậy, Phật giáo chủ trương " Pháp bất cô khởi", thế nên đã chẳng chấp trước nhất pháp, nhất nhân, thì cũng không bỏ một pháp một người, chính bởi vì bản chất Phật giáo như thế,nên mới có thể nhân đây kết hợp chúng duyên, không ngừng đột phá, tạo dáng vị lai viễn đại.
Tôi mặc dù đã thoái vị, chẳng là trụ trì nhưng tôi vẫn là Sư phụ trong miệng đồ chúng, vẫn là một phần tử Phật Quang Sơn, đã là Sư phụ thì vĩnh viễn không thể thoái vị, thế nên ngay lúc thường trụ cần, tôi vẫn "nghĩa bất dung từ", sẵn sàng vì việc nghĩa không từ nan, thốt lời xây dựng. Khi đệ tử thỉnh cầu, tôi cũng vui vẻ chỉ cách gở rối, giải quyết cho.
Đối với sự nghiệp Phật giáo, tôi cũng có sẵn tinh thần bất chấp bất xả, trợ lực giúp đỡ. Xuất gia mấy mươi năm, từ tuyển văn viết bài, đến làm các loại hình báo chí, từ kiến thiết đạo tràng đến xây dựng trường học, từ diễn thuyết nơi đầu đường xó chợ đến giảng kinh tại Cung điện quốc gia, từ hoạt đông hình thức nhỏ, một hội chỉ mấy mươi người tọa đàm cho đến mấy vạn người đại quy mô... Hể là công tác có ít cho việc chấn hưng Phật giáo, thì bất luận là phải hay không phải, tôi điều chủ biện; chỉ cần có người mời thỉnh, tôi nhất định vui vẻ đi ngay đến đó, ra sức phù trợ.
Bất kể một nhà nào, một Phật học viện nào mời tôi dạy học, tôi điều xem học sinh là mình, cho nên quan tâm chỉ bảo, chẳng chút giấu che. Khi các chùa khác mời tôi chủ trì " Hội Giảng Tập Tăng Già ", tôi cũng chưa từng xem học viên là người ngoài, mà xem đồng như chúng của mình, hành vô lượng pháp thí không để thiếu sót.
Các đệ tử của tôi nói : Sư phụ luôn đem tất cả bí kíp truyền trao hết cho mọi người!
Nhớ lại trong " Lục Tổ Đàn Kinh " có kể một vị đạo hữu đồng tham chất vấn Đại sư Huệ Năng : - Thượng toạ có mật ý chăng?
Đại sư Huệ Năng đáp: Mật ý ở cả bên ông.
Đối phương nghe nói đại ngộ, xấu hổ đảnh lễ mà lui.
Chân lý biến đầy pháp giới hư không , không chút mật ý đáng nói, chỉ là chúng ta có chịu lưu tâm quán sát hay không thôi.
Từ Đại Lục đến Đài Loan, mỗi khi tôi tới đâu, đều xem tất cả là mình, nơi nào có thể học hỏi, tôi đều đến thỉnh cầu chỉ dạy. Nơi nào cần trợ giúp, tôi cũng dốc lòng hết sức phục vụ. Thế nên 48 chức sự tùng lâm, tôi mỗi mỗi am tường, về phương tiện tham thiền niệm Phật, tôi cũng trải qua cảnh giới vạn vật tiêu vong. Đối với nghĩa lý oai nghi, thanh quy Tông, Giáo, Luật, tôi cố nhiên hiểu rõ, đối với các giáo phái đạo tràng lịch sử uyên nguyên, tôi xem quý như trân bảo. Nhưng những sở hữu này điều riêng không phải cá nhân tôi, cho nên chỉ cần có cơ hội, tôi rất vui được chia sẻ cho mọi người cùng hưởng.
Thờ một Bổn Sư là Đức Phật
Giúp chùa bạn không hề phân biệt
Đến như thể chế các chùa bạn, tôi một bề tôn trọng nguyên tắc, một khi họ cầu cứu tôi, tôi nhất định giúp giải quyết. Bởi vậy khi Triều Nguyên Tự xây " Triều Sơn Hội Quán " tôi đích thân đến hướng dẫn thiết kế, Linh Nham Sơn Tự tát nước be bờ, tôi phái đệ tử đến phụ, những chùa khác như Đông Tịnh Tự, Song Lâm Tự, có tổ chức hoạt động pháp hội gì, tôi đều đốc thúc đồ chúng nhiệt tình ủng hộ. Đệ tử tình cờ hướng tôi than: "Hoạt động chùa mình làm không hết, thầy còn bao thầu thêm việc của người"...., Tôi rất không vui khi nghe những câu nói như vậy, bèn hỏi ngược lại: Gì là việc "của người khác"?
Đức Phật xem tất cả chúng sinh như La-hầu-la, chúng ta đã tôn Phật làm bổn sư, thì phải noi theo gương Ngài. Gần trăm năm nay, Phật giáo sở dĩ suy, bại; chẳng phải là do giữa các hệ phái vọng phân biệt, gieo lầm lạc cho hậu nhân hay sao? Thực tế, chúng ta sống trong thế gian này, khởi một niệm, một mầm mống, thì vạn pháp cũng theo đó mà sinh. Vì vậy nếu ta người bất nhị, (không phân biệt, phân hai) thì nhân ngã nhất như. Việc của người khác thật ra cũng là việc của mình!
Nếu như chúng ta có thể thường làm như mình nghĩ, thì còn có chỗ nào phân biệt bận, rãnh, tốt, xấu? Vạn pháp nhất như, chúng duyên nhất thể, vốn là bổn hoài của Đức Phật mà!
Xem tất cả bình đẳng như nhau
Cứu khổ ban vui, báo đáp thâm ân.
Từ xuất gia đến nay, tôi từng gặp nhiều người đến vấn nạn, họ dựa vào thuyết nhà Nho mà bắt bẻ thế này: " Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại!" Nào là: "Thân thể râu tóc là thọ nhận của mẹ cha, không được huỷ cắt, đây là hiếu đầu tiên"...
Những lý luận dùng từ kiểu này, nhằm để bày bác chỉ trích người xuất gia. Hiển nhiên là họ dùng từ hại nghĩa, (dĩ từ hại nghĩa) không rành lý lẽ (bất minh lý) sẽ tạo nên nhận thức thiên lệch sai lầm.
Nhớ lại năm 1962, Viện Cứu Tế Lan Dương nhân vì kinh phí không đủ, phải đóng cửa. Tôi lúc đó mặc dù hoàn cảnh đang giật gấu vá vai; bản thân nghèo rớt mồng tơi; nhưng động lòng trắc ẩn, nên đưa tay trợ giúp, chấp nhận tiếp quản Viện Cứu Tế Lan Dương.
Nhờ vậy mà lần đó, đã giải quyết vấn đề lương thực, ăn ở cho biết bao người già bơ vơ không chỗ nương. Nếu như xem tất cả người già trong thiên hạ là phụ mẫu, đây chưa hẳn là không tốt?
Năm nọ, nhiều người thường xuyên nhặt được các bé bị bỏ rơi trên đường, (chẳng biết rõ tánh danh gốc gác) đem đến Phật Quang Sơn. Vì vậy tôi phải thu nhận và cho xây một ngôi Dục Ấu Viện để dưỡng nuôi chúng. Sau đó, khi đăng ký hộ khẩu, thì cơ quan Hộ chính không chịu nhận, tôi thấy thầy Quản viện đang lo thầm, sợ chuyện kế thừa tài sản ngày sau phát sinh phiền phức, khó xử.
Vì vậy tôi tình nguyện thu chúng vào hộ tịch của mình, cho đồng mang họ Lý của tôi, để tiện đến trường học, để chúng an ổn náu nương, không phải sống cảnh đầu đường xó chợ. Đến nay chúng đã trưởng thành, đều phục vụ xã hội.
Tôi thấy rằng nếu mọi người có thể xem phụ mẫu thiên hạ là cha mẹ mình, xem con cái thiên hạ là con cái mình, thì ai cũng có thể thành thân quyến chúng ta. Nếu không có ái tâm, thì ngay thân nhân mình cũng xem như kẻ lạ ngoài đường. Cho nên người trong thế gian có thể là của ta hay không, tuỳ thuộc vào quan niệm và cách ứng xử của ta.
Tôi có hơn ngàn đệ tử xuất gia, mỗi mỗi đều đối với tôi còn tốt hơn con cái ruột thịt. Lúc tôi bị mổ tim ở Tổng Y Viện Vinh Dân. Thật sự đã có mấy trăm người sắp hàng đứng chờ ở ngoài. Tôi không có con cái, nhưng lại giống như có rất nhiều.
Thế nên rất khó xác định gì là của ta, gì không là của ta. Kỳ thực, chỉ cần có tâm bao dung, thì tất cả chúng sinh, tất cả pháp giới đều là của chúng ta.
Chúng ta cho rằng thân thể này là của mình ư? Thực ra thân thể do tứ đại ngũ uẫn họp thành. Chúng ta cho rằng tài sản là của chúng ta? Thực ra tài sản thuộc "của năm nhà" (vua, quan, tai hoạ chiến tranh, nước, lửa...nhà Phật gọi là năm nhà, có thể tịch thu và phá tan tài sản của chúng ta). Ta cho rằng con cái là của chúng ta ư? Kỳ thực con trai là "của con dâu", con gái là "của con rễ",
Tôi mua một miếng đất cùng tha nhân xây dựng phòng ốc, cho tha nhân ở. Thậm chí giang sơn triều đại trải qua ngàn sinh vạn tử kiến lập còn có thể thay đổi.
Người nhìn thấu suốt thì: "Gì cũng là của ta", người nhìn không thấu suốt thì: "Gì cũng không phải là của ta!"
Tôi một bề đề xướng lấy vô làm có, tôi ủng hộ "không", xem ra gì cũng đều là không. Thực ra không tức là sắc, sắc tức là không, trong hư không chẳng phải là tất cả vạn tượng đều chứa đủ cả ư?
Năm 1949, tôi từ Đại Lục sang Đài Loan, ngay cả phục y cũng không lành lặn, xem ra "gì cũng không có", nhưng đến nay thì tôi cảm thấy "thế giới đều là của tôi".
Có người nói tiếc là tôi đã xuất gia, nếu không thì sẽ giống như Vương Vĩnh Khánh, thực ra Vương Vĩnh Khánh được tôn làm là thần kinh doanh, về mặt tài phú thì làm sao tôi có thể so sánh với ông? Có thể nói rằng ông giàu, sở hữu đủ đầy vật chất. Còn tôi, những gì tôi có là tam thiên đại thiên thế giới vô hình vô tướng...
Xa cách mấy mươi năm, tôi đối với mẫu thân hiếu tâm không hề thay đổi, đối với thân hữu luôn sẵn lòng tiếp tế, là do tôi có nguyên tắc và phương pháp riêng của mình.
Đồ chúng thấy tôi đối với những người khổ nạn tìm đến cậy nhờ, khẳng khái giúp. Đối với những yêu cầu đòi hỏi của thân nhân mà vắt óc nghĩ suy, trong lòng trăm mối lo. Thế là họ tiến đến chất vấn, ngôn ngữ hàm chứa đầy bất bình.
Tôi trả lời:
- Bởi vì tôi không cho rằng thân nhân "là của tôi", càng chẳng thấy những người khổ nạn kia là xa lạ với tôi.
Cầu thí xả thì vạn kim không tiếc
Không đáng xả một hào chẳng bỏ ra
Khi chúng ta ra chợ, nhìn thấy người bần, kẻ phú, người sang, kẻ hèn; trẻ, già, mạnh yếu...họ cùng ta chạm thân mà qua. Khi chúng ta ra dã ngoại, thấy thú chạy trùng bò, chim bay, cá lội, liếc mắt nhìn ta. Nào ai biết đó không phải là phụ mẫu, là thân quyến mình trong quá khứ? Rốt cuộc thì ai là của ta? Thế nên, khi đáng xả thì vạn kim tôi không tiếc, không đáng xả thì một hào cũng chẳng bỏ ra.
Chỉ có xem tất cả chúng sinh đồng nhau, thầm muốn giải khổ ban vui, mới là hồi báo thâm ân chân chính. Vì vậy tôi phát nguyện đời đời kiếp kiếp đến thế gian này, học Phật hành đạo, độ thoát hữu tình.
Từng có người hỏi tôi: Vì sao đối với đồ đệ bướng lì, hư tệ như thế mà Ngài vẫn chịu khó lao tâm tổn trí vì họ.? Tôi nghĩ: "Chính vì bởi họ mê muội không sáng, nên tôi mới phải nhọc lòng lo hướng dẫn họ vào nẻo chính". Con cái dù bất hảo mấy, có thấy bậc làm cha mẹ nào hiềm ghét, bỏ mặc chúng không?
Lá trên cây rơi rụng vì không phải của ta, cho nên ta không cảm thấy tiếc nhưng da thịt trên thân bị thương hay ung mủ, vì là của ta, nên hằng ngày phải dốc sức băng bó cứu chữa. Nếu như chúng ta có thể xem chúng sanh như mắt, tai, mũi, lưỡi, chân, tay, thân thể của mình, thì sẽ trân quý mỗi một nhân duyên, cam tâm tình nguyện vì đối phương trao cho tất cả.
Dùng tâm vô sở đắc độ người
Mới có tất cả chúng sinh
Mấy ngày trước, có một tín đồ cung kính cầm phong lì xì cũ dâng tôi, bẻn lẻn nói: Hồng bao này nằm trong túi con đã ba năm rồi, vì lần nào con tới ngài cũng vội vàng đi, chẳng cách chi dâng lên ngài được, cuối cùng thì hôm nay con cũng được gặp ngài.
Đối với nghĩa tình nồng hậu này của tín đồ, tôi thật cảm kích bất tận. Nhưng thật sự tôi đã xem tín đồ đồng như tất cả, chưa từng có quan niệm sở hữu cá nhân riêng.
Bởi vậy mỗi khi lễ quy y xong, tôi luôn nhanh chân ra đi, vì sợ gặp cảnh người quỳ lễ ven đường. Sau mỗi lần giảng kinh đại toà (Pháp hội đông mấy vạn người), vừa xuống đài, là tôi mau mắn ra đi, chẳng kịp mang theo cả tiếng vỗ tay. Nhưng chỉ cần mọi người có khổ nạn tìm tôi, tôi quyết định vì họ giải quyết.
Chỉ cần lưu giữ một trái tim vô sở đắc độ chúng lợi sinh, chúng ta mới thực sự có tất cả chúng sinh.
Nguyện làm người toàn cầu
Đem thân tâm phụng hiến cho thế giới
"Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" tôi tuy là người xuất gia, nhưng tuyệt không "xuất quốc", vì vậy tôi chưa từng bỏ nghĩa vụ, luôn dốc sức vì nước vì dân.
Lúc chính phủ tổ chức tuyển cử, tôi bỏ phiếu. Khi Trung Ương mời thỉnh tôi đến dự đại hội toàn quốc và mời phát biểu, tôi đã đứng lên đóng góp ý kiến, thậm chí tôi còn tình nguyện làm bạn không mời để hoá giải căng thẳng hai bờ, nguyện làm sợi dây liên kết, làm cầu nối cho đôi bên. Vì muốn phát triển ngoại giao cho quốc dân, mà tôi chu du hải ngoại. Nhưng tôi không xu nịnh các nhân vật có chức quyền thế lực; cũng chẳng cúi lòn với hàng quý tộc. Bởi vì quốc gia xã tắc là của tôi, cho nên tôi cần phải tập trung hết lòng ở cương vị mình. Còn công danh phú quý giống như sương thoáng qua mắt, (quá nhãn vân yên) tuyệt không phải là của tôi, hà tất phải nháo nhào truy cầu?
Năm 1949 tôi sang Đài Loan rồi, người bổn tỉnh một mực gọi tôi là "hoà thượng Đại Lục". Năm 1987, lần đầu tiên tôi trở về gia hương sau đợt chia tay dài ngót 40 năm. Khi tôi đi thăm các nơi bên Đại Lục, mọi người đều gọi tôi là "hoà thượng Đài Loan". Trong thoáng chốc, đối với bản thân mình thuộc về đâu, tôi có cảm giác thật mơ hồ.
Sau này tôi đi hoằng pháp các nước phát giác ra rằng, mỗi khi mình đi đến chỗ nào, đều thấy chỗ đó là quê hương, cho nên ăn ngủ rất an ổn, tự tại.
Người da trắng mũi cao mắt xanh, cố nhiên thanh tú trang nhã. Người da đen da sậm, tóc xoăn; nhìn cũng mỹ lệ cao quý. Khi người ta chiêm ngưỡng những thành phố cổ ở Âu châu thì phát sinh tình hoài cổ sâu sắc (tư cổ ưu tình). Còn ngắm những khu rừng rậm của Phi châu thì có cảm giác môi trường sinh thái này phong phú sắc màu nguyên thỉ. Chỉ cần ta có một trái tim từ bi yêu thương mọi người, thì đâu cần hạn cuộc tự ngã, tự trói mình trong một khu vực hay quốc gia.
Thế là tôi nảy ra ý muốn làm người của toàn cầu, đem thân phụng hiến cho chúng sinh toàn thế giới. Vì vậy mà ở hải ngoại tôi xây dựng mấy mươi ngôi đạo tràng thân thuộc, thành lập Hội Phật Quang Quốc Tế mang tính thế giới, tôi hy vọng những người có chung cái nhìn quốc tế thông thoáng giống nhau, sẽ cùng chung tay góp sức, bảo vệ che chở địa cầu này, sẽ đồng tâm hợp tác vì hoà bình an lạc của thế giới.
Tấm lòng chúng ta có bao la rộng lớn, mới có thể dung chứa tất cả sự vật. Cho nên thân thể cố nhiên là của ta, quốc độ, chúng sinh, địa cầu này cũng đều là của ta. Thậm chí chỉ cần chúng ta có đủ từ tâm từ nguyện, lập chí ngay đây gánh vác, thì cả vũ trụ đều là của ta.
Nhưng một khi buông bỏ vạn duyên, thì một cọng lông mảy tóc trên thân của mình, thậm chí cả tam thiên đại thiên đại thiên thế giới hằng sa bảy báu...cũng đều không phải của ta. Cho nên, cần có độ lượng hỷ xả, phổ thí hồi hướng không cùng.
Xưa, người Tần đánh rớt một thanh bảo kiếm, chẳng những không áo não, buồn lo. Ngược lại còn nói: "Người trong thiên hạ mất đi một vật, thì cũng có người trong thiên hạ sở hữu được nó!"...
Có một niệm nghĩ được như thế, thì sẽ không thấy bị mình mất bảo kiếm, mà còn có trọn cả thiên hạ, thật là vui biết bao!
Mất đi và có được, bao dung và hỷ xả; thực ra chỉ là hai mặt của một thể. Nếu có cái nhìn thông thoáng, biết đem hai mặt kết hợp lại, thì sẽ nắm được tất cả. Cho nên chúng ta sống trong thế gian, nếu có thể chuẩn bị đủ nhã lượng trong tâm "Gì cũng là của ta", đồng thời "Gì cũng không phải là của ta" thì sẽ tự tại tự do, như mây bay tuỳ duyên tan hợp, như nước êm đềm trôi.