NƯƠNG MỘT CHÚT DUYÊN…
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 01 Tháng sáu 2013 11:35
Trí Hải
Ngày ấy, Nội dắt tôi đi chùa khi tôi chỉ vừa…hai tuổi rưỡi…
Chẳng biết duyên nợ thế nào với cửa Phật, tuy bé thế mà rất thích tượng Phật, thích mõ, thích chuông, cứ tìm mảnh vải vuông bắt chước chư tăng choàng lên người như một chiếc ca sa khi chưa đầy bốn tuổi…
Mỗi lần nghe tụng kinh, thích thú đến lạ, mới mấy tuổi đầu đọc chú Đại Bi không sai một chữ, mỗi lần ra chợ với Mẹ, thấy người ta đập đầu cá hay cắt cổ gà lại đứng lại chắp tay trì chú vãng sanh mà nước mắt rơi lả chả…
Lớn hơn một chút, theo Nội lên chùa và đã ít nhiều nhận thức được, mỗi lần nghe tiếng hồng chung vang lên, nhìn chư tăng y hậu nghiêm trang lên chánh điện công phu bái sám, lại kéo tay Nội khẽ “Nội ơi, con cạo tóc ở lại đây với mấy Thầy được không Nội”…Nội cười bảo “cạo tóc xấu lắm, con không mắc cỡ à” “đâu có, con thấy đẹp lắm mà”…
Và chính từ những tư tưởng ấy, tôi bị Ba tôi vút cho những trận đòn thừa sống thiếu chết, bởi lẻ tôi là con trai một, tôi là cháu đích tôn…còn nhớ, có lần cậu tôi bảo “anh chị coi lại chứ thằng nhỏ mới năm sáu tuổi đầu, mở miệng là kinh là kệ, mở miệng ra là thấy Phật ngự đài sen rồi, không khéo bị lậm rồi học hành chi nữa” thế là tôi bị đòn, bạn tôi chỉ bị rầy la vì nghịch phá, còn tôi lại bị đòn vì nói quá nhiều về kinh kệ mõ chuông!
Ngày ấy tôi sợ Ba tôi lắm, nhưng ko hiểu sao tôi vẫn cứ trốn đi chùa, có khi đi chùa với Nội hai ba ngày mà chỉ có duy nhất một bộ đồ trên người, và thế là những lúc ấy Nội là người tính chuyện ấy cho tôi!
Duyên nào đưa đẩy không biết, hai bà cháu được Bác năm Từ Hóa (giờ là Tỳ Kheo Ni Phúc Cữu tu ở Ni viện Trúc Lâm Phúc Trường) dẫn dắt, ra Chân Không đảnh lễ Hòa Thượng Trúc Lâm và theo học Pháp với người, năm đó tôi hơn ba tuổi, đến năm 1985, khi tôi tròn 5 tuổi tôi xin Nội đăng ký cho tôi được quy y với Hòa Thượng. Nơi núi đồi Chân Không, nơi dòng chảy của thiền Trúc Lâm được khơi mạch sau gần 700 năm vắng bóng giữa nhân gian, duyên Thầy trò của tôi với Hòa Thượng Trúc Lâm được bắt đầu từ đó…
Hai mươi tám năm nhẹ trôi như một giấc mộng thoáng qua, tất cả những gì còn đọng lại là lời pháp nhũ của Hòa Thượng làm hành trang, tư lương cho tôi bước vào đời, để mỗi khi chân trần vấp ngã, tôi đứng lên và chắp tay hoa cung kính hướng về Người!
Hòa Thượng là người giản dị với tấm lòng từ bi thiết tha vô bờ bến, Hòa Thượng luôn lấy tinh thần “tự giác – giác tha” làm kim chỉ nam trong cuộc đời hành đạo và hóa đạo của Người. Còn nhớ, ngày ấy mỗi lần đến kỳ về Tổ đình Thường Chiếu tu tập, xe vừa tới cổng, rẽ vào hàng dương đã thấy Thầy tay gậy tay nón lá ung dung nhẹ nhàng trong bộ vạt khách vàng, cười từ bi đón đoàn, hơn hai chục năm qua rồi, giờ Hòa Thượng già yếu đi nhiều, nhưng phong thái ấy, từ tâm ấy, nụ cười hiền hòa ấy của Thầy tôi vẫn nhớ như mới vừa đượcgặp hôm qua!
Thầy giản dị nên cách dạy của Người cũng giản dị, lấy việc tu tiến làm vật phẩm cúng dường tối thượng báo ân Phật, Tổ. Mỗi lần về Tổ đình Hòa Thượng ân cần sách tấn bằng những bài nói chuyện giản đơn nhưng hàm chứa từ tâm soi đường mở lối như “Tu là chuyển nghiệp”, “Tu trong bận rộn”, “Tu là hiền”…hạt giống ấy năm xưa Thầy gieo vào mảnh vườn tâm của tôi, để giờ đây ít nhiều có được thành tựu chí ít là trong đạo đức nghề nghiệp của tôi hiện nay. Bất chợt, khi vô tình xem được hình ảnh Thầy sau cơn trọng bệnh, khóe mắt lại rưng rưng, Cha Mẹ cho thân một đời khôn báo đáp, ơn Thầy ươm mầm Phật để một đời kết nên huệ mạng, chẳng thể lấy gì báo đáp đức ân…
Thời gian có đi qua, mây trời vẫn lồng lộng, năm tháng có bào mòn, đạo tâm Thầy vẫn vằng vặc viên dung. Trăng Lăng Già vẫn soi sáng giữa trời Không, thể Bát Nhã vẫn tròn đồng đại địa…chợt nhớ lời thơ Ni Sư Hạnh Huệ “Thân Thầy dù có lung lay, Tâm Thầy vẫn cứ tâm này ngàn năm”, nức lòng thay cho hàng môn hạ của Thầy!
Trước thềm Phật Đản, kỷ niệm lần thứ 2637 Thế Tôn vì một đại sự nhân duyên giáng hạ hồng trần , trước mùa an cư năm Quý Tỵ Phật lịch 2557, nhớ về Thầy nên phương xa thảo đôi dòng xúc cảm, đốt trầm hương lòng quy ngưỡng mãi một phương trời…