headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Lời Đại sư Hám Sơn dạy chúng

toathien2Ns Hạnh Huệ trích dịch

Dạy Thiền Nhân Khánh Vân
Người xuất gia cầu sáng việc lớn:
1- Cần chân thật vì sanh tử, tâm phải tha thiết.
2- Cần nhất chí quyết định ra khỏi sanh tử.
3- Cần liều một đời đến chết không đổi tiết tháo.
4- Cần thật biết thế gian là khổ, hết sức nhàm chán xa lìa.
5- Cần gần gũi bậc tri thức cao tuyệt, đủ tri kiến chân chánh, luôn luôn thưa hỏi, vâng lời dạy dỗ, theo lời mà làm. Siêng năng chẳng lười, không bị ngũ dục phiền não ngăn chướng, chẳng bị thói quen xấu ác sai khiến, chẳng bị bạn ác lay chuyển, chẳng bị duyên ác cướp đoạt, chẳng cho căn cơ ngu độn mà sanh lui sụt. Phát tâm như thế, dốc lòng như thế, lâu dần sẽ thuần thục, tự nhiên ăn khớp với chỗ nguyện cầu xưa như hộp với nắp.

 

 

Dù đời này chẳng liễu ngộ, thấy rõ tự tâm, thì trăm kiếp ngàn đời cũng lấy hôm nay làm nhân đầu tiên. Nếu không thế mà chỉ dùng tri kiến hẹp hòi, tập khí hèn nhát, rụt rè cầu an, muốn đem thiền đầu môi, tâm cuồng vọng, hơi dơ dục, gốc rễ tà kiến toan cho là chánh nghiệp xuất gia, lấy đây mong ra khỏi biển khổ thì vẫn là ưa nước Việt mà đến nước Yên, không chịu bước mà đòi tiến đến trước.
Than ôi! Đời mạt pháp người chánh tín hiếm hoi, thiền nhân đã biết được chỗ hướng về, nên xét biết bổn tâm, lấy quyết định chân thật làm nghĩa đệ nhất. Cố gắng! Cố gắng!

Dạy thiền Nhân Như Thường
Phật dạy: “Từ thân xuất gia, biết được tâm, đạt được gốc, hiểu pháp vô vi gọi là Sa-môn thường hành 250 giới”.
Lại nói: “Đoạn dục, trừ ái, biết nguồn tâm của mình, đạt lý sâu của Phật, ngộ pháp vô vi”.
Lại nói: “Cắt bỏ râu tóc mà làm Sa-môn, thọ nhận pháp Phật, bỏ tài sản thế gian, khất thực biết đủ, ăn ngày một bữa, ngủ dưới cây một đêm, cẩn thận không trở lại. Điều khiến người trở thành ngu tệ là ái và dục vậy”.
Những lời dặn dò tha thiết như thế đều là những điều thiết yếu để làm đệ tử Phật.
Khi xuất gia, việc đầu tiên là lấy ly dục làm hạnh đệ nhất.
Con cháu đời sau, thân tuy xuất gia mà tâm say trong ngũ dục, chẳng biết cái hại nào cần phải xa lìa, đạo nào là đạo ra khỏi khổ, cứ triền miên mê muội chẳng tự tỉnh giác, rồi lại giả bộ oai nghi, làm vẻ đạo đức, ngoài dối người, trong dối lòng, che đậy tỳ vết không chịu tự giác. Người này muốn được niệm chân chánh thật khó vậy!
Ngài Tịnh Danh nói: “Trực tâm là đạo tràng”.
Như Thường đã có chí cầu pháp xuất ly, nên lấy trực tâm làm điều trên hết. Trân trọng.

Dạy Thị Giả Huệ
Phật vì một đại sự nhân duyên nên xuất hiện ở đời. Đó là muốn cho chúng sanh khai thị ngộ nhập tri kiến Phật. Mà tri kiến của Phật tức là tri kiến của chúng sanh, tri kiến chúng sanh tức là tri kiến sanh tử. Nên nói: “Trên tri kiến lập hiểu biết tức gốc vô minh. Trên tri kiến không có hiểu biết tức là Niết-bàn” (Tri kiến lập tri tức vô minh bổn. Tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn). Thế thì tri kiến của phàm và thánh không phải là hai, mà có mê ngộ chẳng đồng, lỗi ở lập hay là chẳng lập. Tổ sư nói: “Nếu lập một trần, nước mất nhà tan”. Vì tri kiến vốn không phàm thánh, nếu có lập, tức có ngã. Có ngã thì các chướng chóng nổi lên, không ngã thì muôn pháp lặng lẽ. Vậy ngã là gốc rễ sanh tử. Đâu phải riêng phàm phu tạo tham, sân, si mà bị ngã làm chướng, tất cả thánh nhân, những người tu hành nếu tri kiến chưa quên đều thuộc ngã chướng. Hơn nữa, vì gốc sanh tử khó nhổ, nên trong hai chướng có thô tế chẳng đồng. Thô thì dễ đuổi, tế thì khó trừ. Vì rễ tri kiến trong tâm khó nhổ, nên kinh nói: “Còn ngã giác ngã đều là chướng ngại”. Đây chính là Tri kiến lập tri tiềm ẩn sâu xa như tính mạng, chẳng thể đoạn dứt. Do đó cổ nhân hai ba mươi năm tham học, dù cho ngộ được tự tánh đầy đủ như trăng sáng nơi đầm lạnh, tiếng chuông đêm vắng tùy ý gõ đánh không hề khuyết, chạm ba đào mà không tan, cũng vẫn là việc đầu bờ sanh tử. Đây là chỗ người xưa thật chẳng tự dối. Nếu tự dối mình dối người thì tự mình bị hoại và làm hoại người vậy.
Thị giả Phước Huệ sớm theo hầu lão nhân xuất gia. Lúc mới gặp lão nhân, ông là một người xuẩn xuẩn, biệt đi mười năm lại càng xuẩn xuẩn thêm, nhưng thường vui vì trong cái xuẩn xuẩn có chỗ tỉnh tỉnh không xuẩn. Đây là thị giả đem cái “xuẩn không xuẩn” này làm mạng căn. Nay đã được năm năm, cái xuẩn này ngày càng tăng, cái không xuẩn cũng âm thầm lớn lên. Do đây, người ta thấy thị giả xuẩn, thị giả cũng tự thấy mình xuẩn càng thêm xuẩn, mà người người chẳng tự biết đó là xuẩn. Hạ năm nay, lão nhân từ Tây Việt trở về núi, thị giả chợt ra khỏi tình trạng xuẩn, lão nhân cả cười. Cái xuẩn này không còn có lúc ló ra được nữa. Nếu bảo đây là người xuẩn lập xuẩn là đã lỗi rồi. Nếu có thể lấy xuẩn này làm chỗ thọ dụng cũng có lẽ tự đủ, cũng có thể liễu thoát sanh tử, cũng không phụ việc xuất gia hành khước. Còn nếu lấy đây để lập thêm cái xuẩn thì bệnh chẳng khác gì Tri kiến lập tri. Thị giả nếu có thể đẩy ngã cái xuẩn này thì chẳng lo gì không được cùng lão nhân kết chặt lông mày.

Dạy Hành Nhân Khoan Lưỡng
Người xưa vì sanh tử đi hành khước. Người nay chỉ hành khước mà không biết sanh tử, rất đáng thương! Đó là dùng hàng ngày mà chẳng biết vậy. Lỗi tại không biết mình sẵn có, nếu người biết có, liền biết tự trọng, thì không bị vật chuyển mà có thể chuyển được vật. Có câu thơ: “Tâm ta chẳng phải đá, không thể chuyển”. Phải biết nếu không phải tâm địa kim cương thì đều bị vật chuyển, đã bị vật chuyển thì đi theo nó, còn xưng là nạp tử hành khước được sao?
Khoan Lưỡng từ Bắc đến Nam, tới đây tức là đã an ủi ta vậy. Ông không bị chuyển vì đường xá gian nan, đói lạnh khổ sở. Lão nhân chỉ biết gót chân này cứng nên gọi là CHÂN SẮT, nay thấy tâm ông chẳng đổi, nên lại đem hai chữ LÒNG SẮT khen ông. Nhưng lòng sắt là lão nhân biết, còn việc hành khước thì nhất định ông không biết. Nếu biết hành khước thì chẳng thình lình đi thẳng như thế. Lão nhân thương ông ngu, sợ ông không biết nên gửi thư này cho ông. Hành khước nữa đi! Nếu sau này rờ chẳng nhằm lỗ mũi, ngày nào đó chắc chắn khó gặp gỡ được như ngày hôm nay.

Dạy Lưu Bình Tử
Hướng về đạo chẳng khó mà khó ở phát tâm. Học đạo chẳng khó mà khó ở cầu bên ngoài. Hội đạo chẳng khó mà khó ở giản trạch (chọn lựa). Vào đạo chẳng khó mà khó ở chỗ tự cho là đủ. Ngộ đạo chẳng khó mà khó ở chỗ cầu huyền diệu. Người học đạo ở đây mỗi mỗi khám phá ra được thì chẳng bị người lừa, tâm thênh thang, thần vui vẻ, thư thái bước một mình. Đây là bậc thông huyền vậy.
“Tánh tương cận, tập tương viễn”, lời này chỉ thẳng đường tắt tu hành từ ngàn xưa. Chúng ta nếu biết tự tánh vốn gần chỉ do tập khí làm xa, thì chóng có thể chận dứt cửa bến trọng yếu. Tập khí bên trong không cho ra, tập khí bên ngoài không cho vào, ngồi dứt hai đầu, ở giữa độc lập. Chỗ một mình trơ trọi chính là “như có chỗ đứng cao vót”. Nếu được chỗ cao vót độc lập thì tánh tự khôi phục.
Tử Dư có nói: “Đạo học vấn không có gì khác, mong là buông được tâm mà thôi”. Tuy nhiên cũng có tâm chưa từng chẳng cầu mà người học hỏi vẫn chẳng sáng. Sao vậy? Bệnh tại không buông mà buông, cầu mà chẳng cầu lờ mờ phảng phất, xem nó thì bốn thước giống sáu thước. Nếu biết không buông mà buông thì tự chẳng buông, cầu mà không cầu tức là chân cầu.
Tử Dư minh tâm kiến tánh, chỗ truyền riêng chỉ thẳng chỉ là đây mà thôi. Người có chí hướng về đạo nên lấy đây làm tiêu chuẩn. Đạo ở chỗ dùng hàng ngày mà chẳng biết.
Đạo ở trước mắt mà không thấy. Vì chỉ biết việc hằng ngày mà không biết đạo, thấy cái trước mắt mà không thấy đạo. Chẳng phải đạo xa người mà người tự xa đạo, nên nói: “Đạo ở trước mắt, chẳng phải là trước mắt. Pháp cũng chẳng lìa
trước mắt, nhưng chẳng phải chỗ tai mắt đến được”. Nếu có thể thấu qua cái trước mắt, thì chẳng phải bị lôi kéo theo cảnh khen chê, thuận nghịch, xoay mình đi thẳng. Dụng tâm như thế thì thánh nhân chẳng ở ba đời, xưa nay không lìa một niệm. Ông có chí hướng về đạo, lúc mới phát tâm nên theo đây mà vào.
 

 

 

 

[ Quay lại ]