headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Phật pháp khó nghe

botat2Liên Loan

Lúc tôi chưa biết gì là tu, vô tình tôi đã nghe được đĩa giảng pháp “phóng lao”. Nghe thấy cũng hay hay, nhưng rồi thì lỗ tai bên này lọt qua lỗ tai bên kia, nghe xong là quên hết trơn. Hai năm sau, khi nghe lại một lần nữa đó cũng là lúc tôi cảm thọ rất rõ ràng về cái khổ thực sự của cuộc đời thì mới thấy nó thấm vào tâm trí dễ dàng. Thật sự là “Phật pháp khó nghe”.Khi đã đủ duyên và cái cảm thọ của khổ đến đỉnh điểm mình mới thấm được những lời quý báu của Giáo pháp!

 Hòa Thượng Trúc Lâm nói:
-  Tỉnh và mê như trở bàn tay, bàn tay úp xuống là mê, bàn tay ngửa lên là tỉnh.
Khi mê nghe pháp giống như “đàn gãy tay trâu”. Khi tỉnh nghe pháp giống như người đang khát mà gặp được nước, nghe xong lại lần mò tìm đường đi đến chùa. Khi mê thì Tam Bảo sát một bên cũng không thấy. Khi tỉnh đi đến đâu cũng thấy có Tam Bảo. Khi mê thấy người tu ăn chay mình nghĩ: “ăn chay như vậy làm sao mà ăn nỗi ta, nếu mà gặp mình thì chắc chắn ăn không nỗi.” Khi tỉnh không những ăn chay trường mà những thứ như tương hột không khi nào mình ăn mà bây giờ ăn một cách ngon lành mà còn “tấm ta tấm tắc” nữa chứ. Khi mê chữ “tu” mình thấy rất bình thường và cũng chẳng bao giờ để ý đến nó. Khi tỉnh thì nghe chữ “tu” rất đặc biệt và cứ muốn thực hành theo nó. Quả nhiên về mặt Tâm linh thật là kỳ diệu.
Chữ “tu” chỉ cần ghép hai chữ cái lại sẽ thành một vần “tu” không mang thanh điệu, đọc dễ dàng, nghe nhẹ nhàng nhưng ý nghĩa của nó không phải ai cũng hiểu rõ hoặc có hiểu nhưng thực hành cũng quá khó. Vì sao lại quá khó như vậy? Vì tập khí chúng ta đã huân tập lâu đời, nhiều kiếp nên bây giờ muốn tu sửa lại làm sao mà dễ.
Học làm người là bước đầu cơ bản để tiến sâu hơn vào thực hành tu sửa, thanh lọc thân tâm của mình trên con đường tâm linh. Nếu không có những bước cơ bản này làm nền móng thì bước tiến tu, thanh lọc thân tâm sẽ thấy rất khó vượt qua.
“Tu là sao em biết không? Tu là sửa đó chứ không có gì lạ hết”. Khi tôi mới bắt đầu học Phật pháp thì anh họ đã hỏi tôi như vậy. Anh chất vấn có ý không hài lòng và phản đối việc tôi tu học Phật pháp, bên cạnh đó còn có đứa em trai của tôi tán thành ý kiến của anh nữa chứ. Cũng chẳng trách được vì nội ngoại hai bên không ai hiểu đạo Phật cả. Họ luôn thấy rằng “tu” là cái gì trừu tượng và cực khổ nên họ thấy xót xa. Anh họ nói  huyên thuyên mọi thứ về chữ “tu” với tôi, lúc đó thật sự là tôi không biết gì nhiều về đạo, nhưng không hiểu sao tôi nghe anh nói như “nước đổ đầu vịt” vậy. Anh họ nghiên cứu đạo Lão và đạo Khổng, nhưng không hiểu sao anh rất mê tín dị đoan. Nói “tu” mà mê tín dị đoan là không phải tu Phật rồi...
Lần đầu tiên tôi đến chùa Hoằng Pháp tu tập khóa tu Phật thất. Ba má và các em tôi đều rất ngạc nhiên, bởi không khi nào tôi đi chùa, đùng một cái lại ở trên chùa tu tập 7 ngày, thật là chuyện lạ. Ba tôi vừa cười, vừa nói chế giểu: “Nó tẩy rửa bụi hồng trần”. Má tôi thì khóc và nói: “Chuyện gì mà phải đi lên chùa ở tu vậy”. Em dâu tôi thì mừng nói: “Chị Hai thiệt có phước”. Em ruột tôi có đứa cũng khóc, có đứa thì chê cười tôi: “Không hiểu chị Hai nghĩ sao nữa, hồi đó khổ muốn chết bây giờ tụi nhỏ lớn hết rồilại làm ra tiền mà không chịu hưởng phước, món ngon vật lạ không ăn lại ăn chay cực khổ.” Mợ tôi ở quê nghe tin tôi ăn chay đi chùa thì mừng ơi là mừng. Từ nhỏ tôi thường chịu áp lực từ gia đình. Lần này hầu như ai cũng phản đối việc tôi ăn chay, đi chùa tu tập, nhưng tôi không thấy sợ họ nói mà lại rất tự tin ở việc mình làm.
Mợ tôi ăn chay, đi chùa sinh hoạt theo đạo tràng, nghe Phật pháp cũng nhiều năm, cho nên mợ nghe tôi đi tu Phật thất ở chùa Hoằng Pháp bà mừng lắm. Mợ có một đứa con riêng, anh hư hỏng, phá phách dữ lắm, lại thêm cái tội hút chích nữa mới khổ chứ, mợ buồn và nói: “Thiệt không hiểu nghiệp của mợ như thế nào mà tu bao nhiêu năm rồi mà mợ vẫn không thấy bớt khổ.” Nghe mợ nói tôi không biết phải nói sao để an ủi, lúc đó tôi cũng chưa hiểu gì nhiều về những lời Phật dạy.
Cậu tôi qua đời được một năm, có một lần tôi về quê làm tuần giáp năm của cậu, nghe mợ nói chuyện mới biết là mợ ít học giáo lý lắm, nghe pháp xong rồi thôi không có thời gian đọc sách. Ở dưới bếp sửa soạn thức ăn để cúng, đậu phộng rang chín xong.
Mợ bảo:
-   Đứa nào rãnh tay đem đậu phộng ra ngoài trước đường bóc vỏ thổi cho sạch đi tụi bây. 
Tôi nói:
-  Mợ, sao không bóc vỏ ở trong nhà mình để dọn dẹp cho tiện.
Mợ nói:
-   Đem ra ngoài kia thổi cho ra đường luôn, không có dơ trong nhà mình.
Tôi nói:
-    Nhà mình thì sợ dơ, trong khi đem ra ngoài đường thổi người ta đi qua đi lại sẽ bay vào người ta đó.
Mợ nói:
-    Không có sao đâu, mặc kệ người ta.
Cũng giống như mợ tôi. Một người chị bạn có một đứa cháu nội èo uột, biếng ăn chị kể:
-    Người ta nói nó biếng ăn, làm cóc lấy thịt nấu cháu cho nó ăn sẽ hết biếng ăn. Bây giờ tôi biết tu rồi đâu dám sát sanh, nên không dám làm thịt cóc ở nhà mình lại đem qua miếng đất trống nhà người ta lột da làm thịt cho nó ăn. Ôi trời ơi! Tôi ớn quá không biết làm sao nhưng cũng phải làm.
Một lần tôi lên Thiền viện Trúc Lâm tu tập ở trong Nội viện Ni. Có một cô bạn ở chung phòng với tôi. Cô còn rất trẻ và hồn nhiên lắm. Cô quy y ở Thiền viện Thường Chiếu, nhưng thường đi tu tập theo đạo tràng Pháp Hoa ở chùa Vạn Đức. Lần này là lần đầu tiên cô lên Đà Lạt tu tập theo pháp môn Thiền. Tu tập được mấy ngày, một hôm sau thời khóa sám hối về, cô nói:
-    Chị ơi! Em đi Trúc Lâm lần này thôi em không dám đi nữa đâu.
Tôi hỏi:
-   Tại sao vậy?
Cô trả lời:
-   Sám hối xong em thấy chuyện gì em cũng bị mắc phải hết, không có chuyện gì là không dính. Đi vào toilet thấy bông gòn ráy tai em cũng lấy, thấy miếng giấy trắng em cũng lượm bỏ túi xài, thấy cái gì để hở em cũng lấy hết. Ở nhà mà đi lên vườn cây ăn trái thấy trái cây nhà người thậm chí trái ớt cũng vậy, ngon quá em cũng hái. Bây giờ tụng sám hối em thấy sợ quá. Vả lại ở trên này sao mà lặng lẽ quá không náo nhiệt gì hết em thấy buồn.
Tôi nói:
-   Là tại em không thích yên tĩnh thôi chứ mấy chuyện vặt vãnh đó mình tu sửa được mà. Em đã nói cho chị nghe là em đang sám hối đó. Em biết tu rồi thì đừng làm như vậy nữa là em đang sửa đó thôi. Tụng sám hối thấy chuyện gì mình mắc phải thì từ từ tập sửa, lâu dần là sửa được không sao đâu.
Cô nói:
-    Không được đâu, tay chân em sao nó táy máy như vậy đó, nhưng em thấy những chuyện đó bình thường đâu có đáng gì mà sao có tội ghê như thế. Thôi! Em nhứt định sẽ không đi lên đây tu tập nữa đâu.
Cũng lại một lần tôi đi sinh hoạt hằng tháng trên Thiền viện, quen một cô trong đạo tràng. Cô cũng hơn 60 tuổi rồi. Đến giờ tọa Thiền thì cô ngồi trên ghế vì đầu gối cô đau. Giờ giải lao tôi hỏi thăm cô:
-          Cô tu Thiền được bao lâu rồi?
Cô trả lời:
-          Cũng lâu lắm, vì đầu gối đau nên cô phải ngồi trên ghế. Cô theo Sư Ông tu lâu lắm rồi, từ hồi Sư Ông còn giảng ở Thường Chiếu lận.
Tôi hỏi:
-          Cô ăn chay trường hả cô?
Cô nói:
-          Cô còn làm dâu mà đâu có ăn chay trường được, một tháng ăn có mấy ngày mà còn bị rầy lên rầy xuống nữa. Má chồng cô năm nay hơn 90 tuổi rồi. Nhà chồng cô không có ai biết tu hết, chỉ thờ ông bà thôi. Cô đi hoài như vầy má chồng cô cũng rầy nữa đó, bà nói: “Nó thờ ông Phật ngoài đường”. Ai nói gì thì nói cô làm xong bổn phận thì cô tự lo cho mình. Mỗi tuần cô đều vể Thiền viện tu tập một ngày, trước khi đi cô làm xong trách nhiệm của mình rồi mới đi tu tập. Cô nghĩ thật là kỳ diệu, từ ngày biết Phật pháp đến nay cô thực hành theo lời Hòa Thượng Trúc Lâm dạy có kết quả vô cùng, rất là an lạc. Hồi đó cô tự cao, tự đại lắm, chồng cô nói một tiếng là cô trả lời lại hai ba tiếng, cái tôi của mình bằng cột đình mà nên đâu có chịu thua ai. Khi nghe Hòa Thượng giảng pháp cô thực hành theo lời ngài thấy rất là có lợi lạc, con người mình khổ cũng là vì cái tôi, cái chấp của mình.
Tôi hỏi:
-          Vậy ông xã và các con của cô có cằn nhằn không cho cô đi chùa không?
Cô nói với vẻ mặt hiền hòa:
-          Hồi trước có lần cô đi nghe pháp, vừa về đến cổng nhà thì ông xã không mở cửa cho vào mà bảo: “Đi theo ông thầy chùa đó luôn đi”. Cô không giận mà còn cười vui vẻ: “Nói cái gì kỳ vậy tôi đi nghe pháp mà mở cửa cho tôi vào đi.” Có khi đi chùa ổng không chở thì cô đi xe buýt một mình, không giận cũng không trách hờn gây gổ. Trải qua thời gian cũng lâu, bây giờ thì ổng không còn cản trở nữa mà mỗi buổi sáng hằng tuần đều chở cô đi tu tập, chiều lại đón cô về, nhưng không vào chùa. Như vậy là tốt lắm rồi cô không đòi hỏi gì thêm khi nào ổng muốn vào chùa thì vào. Mình chỉ cần xoay lại và kiểm soát cái tôi của mình là an toàn hà, đừng chạy theo nó. Còn con của cô cũng tàm tạm chứ chưa tin mấy. Bao nhiêu năm nay nếu không nhờ Phật pháp là cô khổ lắm đó. Cô biết ơn Phật, biết ơn Hòa Thượng quá chừng luôn!
Tôi xem cô là người bạn Thiện Tri Thức của tôi, quen được cô trong buổi sinh hoạt đạo tràng tôi thấy rất cảm phục tinh thần tu tập của cô. Cô gặp chướng duyên nhiều nhưng cô lại có tín tâm và bền chí tinh tấn như vậy. So với cô tôi còn kém xa! Thật là đáng phải học tập theo.
Thân người khó được, gặp được Phật pháp lại càng khó hơn. Có rất nhiều người cả đời cũng không gặp được Phật pháp. Chúng ta đã được thân người, gặp được Phật pháp và nghe được chánh pháp đó là phúc duyên nhiều đời nhiều kiếp. Đây là một phước báu mà biết bao người không có được. Nếu gặp được Phật pháp mà không học giáo lý thì mình sẽ tu sai. Nếu tu mà tu sai là rất uổng phí cho một đời người. Biết tu thì phải thấy lỗi để sửa đừng dung dưỡng lỗi thì tu sẽ không có tiến.
Tu đâu phải là chuyện dễ, nếu dễ thì người ta đã thành Phật hết rồi. Cũng không phải là ngày một ngày hai, không phải muốn tu sao thì tu. Hòa Thượng Trúc Lâm nói: “Tu là chuyển nghiệp”. Nhứt định tu là nó sẽ hoán chuyển đời sống của mình. Nếu tu mà thấy mình cứ khổ hoài là mình tu chưa đúng. Cho nên Hòa thượng Khánh Anh có dạy: “Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là cái đãy sách.” Bởi tu cũng là một cuộc chiến đấu với chính bản thân mình. Chiến đấu với cái tâm điên đảo vọng tưởng của mình, với từng tâm niệm chính mình. Chiến đấu với những thói quen mình đã huân tập từ lâu đời nhiều kiếp... Nếu quyết tâm chiến đấu với chúng là mình đang bào mỏng tham sân si... Nhưng cũng không phải là khó nếu như mình học giáo lý rồi suy ngẫm thấu đáo và ứng dụng một cách tinh tấn triệt để, sẽ đạt được kết quả tốt và không bị sai lầm đáng tiếc. Không có thói quen nào mà không thể sửa được nếu mình có quyết tâm muốn sửa.
Giáo pháp của Đức Phật là phải thực hành không phải là học để rồi nói huyên thuyên, tán dóc, thị phi với mọi người. Thực hành để chuyển hóa được nội tâm mới biết được giá trị thực sự của nó, mới biết được từng bước, từng bước đi của mình trên con đường đạo có tiến đến đâu.
Bước đầu vào đạo là mình quy y Tam Bảo và thọ trì 5 giới. Mục đích của giới luật là rào cản để ngăn ngừa tội lỗi của chính mình. Để kiềm thúc thân và khẩu cho tâm được an định. Giới luật là cốt lõi cơ bản của sự thực hành. Nếu đã quy y thọ giới mà không chịu giữ giới, muốn làm thế nào thì làm là không được. Không thể nghĩ rằng tôi quy y rồi là tôi có được sự ủng hộ gia trì của chư Phật. Nghĩ như vậy là đi ngược lại với luật  Nhân – Quả, là đi ngược lại với lời Phật dạy.
Khi quy y Tam Bảo phải có tín tâm. Chỉ cần có tín tâm vững chắc thì trên con đường tu tập nếu gặp chướng ngại cầu Phật Tổ và Bồ Tát thì sự ủng hộ gia trì của các ngài mới có cảm ứng. Nhưng nếu mình nghĩ rằng quy y Tam Bảo và chuyện tu hành đến chùa lạy Phật là để cầu phước, cầu danh lợi, tiền tài thì đó là sự mong cầu ích kỷ và tư lợi riêng mình, lòng tham không đáy như thế thật là sai lầm quá lớn!
Năm giới cho Phật tử tại gia tuy ít nhưng rất khó giữ không phải là chuyện đơn giản. Những điều thô dễ thấy dễ đoạn nhưng những điều tinh vi khó thấy khó nhận ra và chúng ta sẽ thường bị sáu căn lừa gạt dễ dàng. Khi thân tâm được thanh lọc, công phu có phần tiến bộ, trí tuệ sáng ra một chút, thì tự nhiên tâm từ của mình sẽ phát khởi ra lời nguyện và thọ trì không cần phải vội vàng. Những điều Phật dạy rất thâm trầm sâu xa. Giới luật Phật đặt ra từng bậc tất nhiên đều có nguyên nhân. Có hành trì công phu sẽ thấy rằng càng tiến lên một bước thì những vi tế càng khó nhận ra. Không phải nói học hiểu là biết được mà phải có thời gian hành trì mới thấy được cái hay của lời Phật dạy. Từ học đến hiểu rất là xa, từ hiểu đến thực hành để nhận được còn xa hơn nữa, từ nhận được để sống được với cái chân thật của mình còn xa tít mù khơi.
Trong việc tu hành thành khẩn cũng có rất nhiều chướng ngại. Nói chướng ngại chứ thật ra đều là tập khí lâu đời nhiều kiếp mình đã huân tập. Chỉ cần một chút hơi hướng của tập khí thôi nó có thể tung hoành mưa gió, nổi sóng ba đào, nếu mình không tỉnh giác rất dễ bị nó lôi đi. Đang yên đang bình thì đất bằng dậy sóng. Trời không có mây đen mà sấm chớp nổi lên ầm ầm. Nó sẽ lôi mình đi một lúc nào không biết. Tuy là mình luôn cảnh giác từng niệm diễn biến trong sinh hoạt hằng ngày nhưng cũng bị tập khí lâu đời nó dẫn dắt. Cho nên mới nói phải chiến đấu từng tâm niệm của chính mình không lơi lỏng. Nói như vậy cũng đừng sợ vì mỗi khi trải qua cơn sóng gió bất chợt như thế, cũng giống như mình làm bài kiểm tra đột xuất vậy. Kiểm tra xong mình sẽ biết được qua kỳ thi này mình được lên lớp hay ở lại. Cho dù lên lớp hay ở lại thì mình vẫn có thêm kinh nghiệm để nỗ lực tinh tấn hơn, canh giữ từng niệm cẩn mật hơn và không sợ đối mặt với chướng duyên nó đến.
Tu theo Phật là phải xoay lại để quán xét lỗi mình mà sửa chứ không phải nhìn lỗi người để nói. Nên nhìn lỗi người một phần mười để mà học hỏi, để dành lại chín phần mười nhìn lỗi mình mà sửa. Nếu được như vậy là mình đã có chút xíu trí tuệ rồi. Nhìn lỗi mình để sửa cũng là để phá trừ đi cái bản ngã to đùng của mình. Suy nghiệm từ bản thân thì thấy. Suy đi nghĩ lại phiền não là do mình chuốc lấy. Nếu như nghe chỉ là nghe, thấy chỉ là thấy thì làm gì có phiền não. Nhưng khi nghe nói động một chút là cái tôi nổi sân lên đùng đùng. Làm trái ý một chút là thấy khó chịu. Có khi lời nói người ta không có ác ý mà mình cho là ác ý nên mới có chuyện. Dù cho có ác ý đi nữa mà mình xem như không và làm chủ được cái tâm sân không để nó dấy khởi thì chuyện cũng không có gì. Đây gọi là “Tướng tự tâm sanh, cảnh tùy tâm chuyển”. Cho nên biết tu rồi suy nghĩ kỹ lại sai là do nơi phiền não, tập khí tham sân si của mình nó dấy khởi. Giới Định Tuệ mình không có. Có thể ai đó cho rằng những lời nói này nghịch lý, vì không ai khờ dại gì tự mình đánh mình. Nhưng thật sự không nghịch lý chút nào.Chúng ta chịu khó xoay lại nhìn tâm mình sẽ thấy, bởi mình quá chấp chặt, luôn cho mình là đúng còn đối phương là sai, cứ luôn nhìn thấy lỗi người khác chứ không thấy lỗi của mình. Lỗi mình cho dù chất đống mình cũng chẳng bao giờ thấy mà nếu có thấy cũng cho là nhỏ, nhưng lỗi người ta có chút xíu thì lúc nào mình cũng nhớ. Phật dạy mình tu để dẹp sạch tham sân si... tham sân si ở bên trong tâm chứ không phải ở bên ngoài cảnh. Pháp tu của Hòa Thượng Trúc Lâm là “biết vọng không theo” cũng là phản quan soi chiếu lại chính mình. Giới Định Tuệ lối về giải thoát. Tham sân si cửa mở luân hồi. Chọn đường nào là tùy nơi mình. Cho nên, muốn chọn con đường tốt nhất thì hãy luôn xoay lại mình để quán xét. Mỗi khi đối diện với nghịch cảnh nên nhìn lại mình để thấy lỗi mà sửa. Đừng nhìn lỗi người!
Cũng vì những chấp chặt mâu thuẫn, hơn thua mà hai cha con của người hàng xóm tôi xem nhau như kẻ thù vậy, nguyền rủa lẫn nhau. Hai người họ giận nhau mấy mươi năm không nhìn mặt. Ông ta bây giờ đã mất mà hai người cũng không hóa giải được gút mắc. Kinh Pháp Cú Phật dạy: “Thù hận diệt hận thù đời này không thể có. Từ bi diệt hận thù là định luật ngàn thu.” Những điều Phật dạy không phải là dễ thực hành nếu không có sự tinh tấn và cố gắng. Chỉ một câu này thôi muốn thực hành được cũng không phải là dễ.
Tu phải siêng năng tinh tấn để đẩy lùi sự biếng nhác giải đãi của mình. Có ham tu mới siêng công phu. Có thích đi chùa mới huân tập được chủng tử lành. Những thứ ham thích này cũng đều là tham ái cả. Phật dạy mình buông bỏ tham nhưng tại sao mình lại tham những điều này? Bởi vì mình nghiệp dày phước mỏng. Trong tâm mình cái xấu quá nhiều cái tốt rất ít. Nay biết tu nếu không ham huân tập chủng tử thiện để đẩy lùi những chủng tử xấu thì làm sao mà tu. Trước mình phải mượn động lực tinh tấn ham tu này để tu khi nào tâm mình an định rồi thì ngay cả cái tham này cũng phải buông luôn.
Tu hành nên làm lợi mình lợi người, không thể vì lợi ích cho mình mà gây đau khổ cho người khác, đó là lòng từ bi tối thiểu mà người biết tu phải có. Nên biết tiết kiệm phước đức và biết trân trọng những gì mình có. Có những gia đình thức ăn không bao giờ ăn qua hai ngày.Trong một ngày nếu ăn không hết là bỏ đi chứ không cho vào tủ lạnh để ngày mai hâm lại ăn. Cơm cũng vậy, có khi nấu quá nhiều để đến tối không ai ăn nữa là đổ cả nồi luôn. Nhìn thấy họ đổ thức ăn mà tiếc, nghĩ đến những người cơ nhỡ không nơi nương tựa, áo không đủ lành, cơm không đủ ăn mà thấy tội nghiệp cho họ, trong khi đó mình quá dư thừa lại không biết tiết kiệm. Những phần dư thừa đó nếu biết tiết kiệm lại một chút có thể san sẻ cho những người nghèo khó thì tốt biết bao nhiêu. Phước đức giống như của cải mình gầy dựng vậy, nếu như của cải bằng non mà xài hoang riết cũng phải hết. Phước đức nhiều mà không biết tiết kiệm rồi cũng mòn.
Tiến thêm một bước nữa là lòng từ bi trải rộng đến mọi người. Khi biết tôi ăn chay, đi chùa tu tập, mợ tôi rất mừng. Tôi không hiểu vì sao họ mừng như vậy. Sau một thời gian tu tập tôi mới hiểu được tâm trạng đó, nghe ai biết đi chùa tu tập ăn chay niệm Phật là tôi mừng lắm. Thêm một người biết tu tập, ăn chay chẳng những họ bớt khổ mà những chúng sanh khác không vì họ mà mất mạng. Khi có công phu tu tập, tâm từ của mình càng ngày càng khác đi chứ không như lúc chưa biết tu. Cho nên Phật nói ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi là vậy.
Khi phát tâm tu người thầy hướng dẫn cho mình ban đầu để bước vào đạo sẽ đi với mình một đoạn đường ngắn. Sau đó mình cũng cần có được người bạn gọi là Thiện Tri Thức để học hỏi những điều hay trong khi tu tập, nhưng họ cũng có thể đi với mình thêm một đoạn đường nữa mà thôi. Con đường này mình phải tự đi một mình, không ai có thể đi chung với mình được, bởi bao nhiêu nghiệp chướng mình đã tạo trong nhiều đời bây giờ phải tự mình giải quyết lấy không ai có thể giải quyết thay cho mình. Thầy và bạn dù có lòng từ bi cũng chỉ là những người trợ duyên chỉ đường cho mình mà thôi. Vấn đề  chính là mình vẫn phải tự giải quyết nghiệp của mình.
Nói đến đây tôi mới nhớ lại khi lên Trúc Lâm tu tập. Tôi tha thiết muốn tu mà cái gì cũng không biết hết, nhưng không dám hỏi ai. Hỏi thầy cũng có giới hạn vì mình làm mất thời gian tu của thầy cũng không nên. Thường là ai khi mới vào đạo cái gì cũng hay hỏi, có khi những cái không đáng hỏi mà cũng hỏi nữa. Lúc đó tôi thật sự muốn gần một người bạn Thiện Tri Thức để học hỏi những gì mình muốn biết trong khi tu.
Tôi gặp chị qua lời giới thiệu nhiệt tình của cô bé tu tập chung. Lần đầu tiên gặp chị tôi chẳng có ấn tượng gì hết, nhìn chị có vẻ lạnh lùng lắm. Vào thất chỉ ngủ trưa. Đến hơn 2 giờ thì đi ra nhà Tổ để tập trung nghe pháp. Lúc đứng lên chào chị rồi bước đi ra, tôi có cảm giác như có ai níu mình quay lại vậy. Ghé qua thất thầy Trụ trì cho được mấy cuốn sách trong đó có sách của chị, tôi cầm nhìn hoài mà không chịu đọc. Về đến nhà cất vào tủ cũng không cho ai, lâu lâu lấy ra nhìn rồi cất vào cũng không đọc. Qua một năm sau, nhờ cái duyên của một huynh đệ sinh hoạt chung đạo tràng mà tôi lại có cơ hội gặp chị lần thứ hai tại nhà. Lần này không hiểu sao khi gặp chị thì cặp mắt tôi sáng ra và chị nói chuyện cũng rất là niềm nở. Lúc này về nhà tôi mới từ từ xem sách chị viết. Những điều tôi muốn biết trong khi tu hành đều ở trong sách của chị chia sẻ.
Con người mình nhiều khi nghĩ đúng thật là vô minh. Những cái muốn tìm ở trước mặt mà cứ đi tìm lòng vòng ở tận đâu. Cũng như chúng ta trong khi tu cứ hướng ra ngoài mà tìm Phật chứ Phật ở ngay chính mình mà lại bỏ mặc. Đúng là mình hay bỏ gốc theo ngọn.
Trong khi tu hành đừng khởi tâm tham, đừng ham cảm ứng, đừng cầu quyền lực thần thông, đừng mong ngồi thiền sẽ thấy được cảnh gì lạ! Tu với cái tâm ham tu để tiến trên con đường giải thoát không vụ lợi riêng mình. Càng tu tâm từ bi càng trải rộng đến muôn loài. Nếu được như thế nhất định trên con đường tu hành của mình rất tiến bộ và càng tu định tuệ sẽ càng sáng. Điểm đặc thù của giáo lý Đức Phật là do chính ngài thực sự chứng nghiệm chân lý không phải là sự suy tưởng sáng tạo ra. Cho nên có thật sự chuyên tâm nghiên cứu, thành tâm thành ý học Phật, y giáo hành trì, mới biết những lời dạy của ngài rất khoa học và là một thực tế chứ không phải là mơ hồ tưởng tượng. Sự mầu nhiệm của Giáo pháp, sự kỳ diệu của Tâm linh không phải đến với những ai mong cầu cho riêng mình mà ở chỗ quyết tâm tu hành chân chính không vụ lợi khi đủ duyên thì sẽ thấy được. Bởi do chúng ta luôn sống trong vọng tưởng điên đảo, ảo tưởng mơ hồ và quá tham lam mưu cầu bỏ gốc theo ngọn nên không biết và không nhận được những lời dạy vô giá đó. Vì lẽ này mới nói “Phật pháp khó nghe”. Học Phật càng sâu hiểu càng rộng những lời Phật dạy và muôn pháp đều quay về gốc mà suy ra thì Phật pháp rất dễ nghe.
 

 

 

[ Quay lại ]