headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 21/11/2024 - Ngày 21 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Đạo và thức tương tục

Chân hiền Tâm

Đạo

Đơn giản thôi bạn ạ !

Cư sĩ Hoàng Đình Kiên, tự Lỗ Trực, theo thiền sư Hối Đường xin chỉ cho chỗ thẳng tắt.[1] Hối Đường bảo: «Như Khổng Tử nói, này các trò, cho ta là giấu giếm ư? Ta không có gì để giấu giếm».

Lỗ Trực suy nghĩ.

Hối Đường nói: «Không đúng ! Không đúng !».

Lỗ Trực càng thêm mờ mịt.

Một lần theo Hối Đường dạo núi, hoa quế đang rụng đầy, Hối Đường hỏi: «Ông có nghe thấy mùi hoa quế chăng?».

Lỗ Trực gật đầu.

 

 

Hối Đường nói: «Ta không giấu gì ông».

 

Lỗ Trực chợt tỉnh và lễ bái: «Hòa thượng đúng là tâm lão bà tha thiết».

 

Hối Đường cười: «Chỉ cần ông về đến nhà».      

 

Rất đơn giản, nhưng không mấy ai nhận ra. Bởi tâm đang bị mớ bòng bong sở tri và phiền não chi phối, thứ mà luận Đại Thừa Khởi Tín gọi là « thức tương tục ». Cứ bị lực của dòng tương tục đó cuốn trôi, nên không thể ngay đó liền nhận.

 

Chẳng từng giấu, chẳng từng giấu

 

Đầy đường hoa quế ngát hương thơm

 

Hỏi ai chưa ngộ tìm đâu nữa

 

Nhà Tổ xưa nay cửa vẫn không

 

Ôi !

 

Ai đã từng nghe mùi hoa quế thơm

 

Thế ấy chớ lầm![2]

 

Ngay cái chỗ nhận biết mùi thơm của hoa quế là cửa vào của người tu thiền. Song ít ai nhận ra vì còn bận chạy theo mùi thơm của hoa quế, còn bận dõi mắt theo những thương, ghét, được, mất, hơn, thua trong hiện tại. Ngay đó mà không về, rong ruỗi buồn vui cho dòng đời thêm bạc, đường về thêm xa.

 

Bởi không thể ngay đó mà nhận nên phương tiện mới có nhiều đường. Gỉản đơn thành phức tạp. Tâm con người phức tạp nên pháp giản đơn không có chỗ dùng. Phật không thể chỉ thẳng vì tâm người còn quanh co.

 

Thực lý vô ngôn tùy duyên ứng hiện. Vì duyên nhiều nên ứng hiện thành nhiều đường sai khác. Tuy nhiều sai khác nhưng chung qui đều về một mối.

 

Trên lý, Phật dạy Tứ thánh đế, Bát thánh đế, Thập nhị duyên sinh, Duyên khởi tánh không.

 

Trên sự, tức trên mặt hành trì, có Thiền, Niệm Phật, Trì chú v.v…

 

Trong từng pháp môn, lại tùy căn cơ tính dục của chúng sinh mà phân thành nhiều phương tiện khác nữa. Như Niệm Phật thì có Trì danh, Quán tưởng v.v…Thiền thì có Tứ niệm xứ, Tham công án, Mặc chiếu v.v… Cứ thế mà truyền thừa và nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác. Chung qui là giúp hành giả giải quyết dòng vọng niệm tương tục trong chính mình. Tổ Hiền Thủ nói: «Khi các thánh nhân lìa vọng niệm thì không có cảnh giới này. Đã không có cảnh giới này thì biết cảnh giới này là từ vọng mà sinh».[3] Vì thế nói đến giải thoát sinh tử là phải nói đến việc giải quyết dòng vọng tưởng tương tục. Đại sư Vĩnh Gia nói «Đoạn tâm tương tục» là vậy.[4]     

 

Giải quyết dòng tương tục chính là giải quyết cái lực mà Phật Tổ gọi là lực nghiệp, là lực khiến chúng sinh trôi lăn trong ba cõi sáu đường. Lực này do « tập » mà có. Nó quyết định sự sinh khởi của chúng sinh trong sáu đường. Giải quyết được lực này chính là giải quyết được cái gốc tham ái sinh tử của chúng sinh.

 

Chỉ Quán song hành

 

Không thể ngay đó liền nhận mà bảo nhậm thì « Chỉ » và « Quán » là phương tiện cần thiết cho hành giả tu thiền dùng điều tâm và dứt dòng tương tục.

 

« Chỉ », là dừng lại. Đứng ở mặt công phu mà nói, đó là một động tác giúp sự tương tục của dòng vọng niệm tạm ngưng, giúp cho lực của dòng vọng niệm ngày một giảm bớt, cũng là giúp hành giả dừng bớt sự thâu nạp khi tiếp duyên. Để làm được việc đó, đòi hỏi hành giả phải thấy (quán) được những gì hiện lên nơi tâm. Thấy được thì ngay đó vọng niệm liền không. Tức ngay « Chỉ » là « Quán », ngay « Quán » có « Chỉ ».

 

« Quán » đó, thuộc Quán chiếu Bát-nhã. Không thuộc Văn tự Bát-nhã, vì đã trực tiếp quán chiếu, không còn trên mặt văn từ, đọc, tụng, hiểu biết. Chưa phải là Thực tướng Bát-nhã, dù không lìa thực tướng Bát-nhã, vì còn trong vòng năng sở đối đãi. Đó là một trong những cách nói về Chỉ Quán.

 

Thực hành Chỉ Quán đòi hỏi hành giả phải có niềm tin mãnh liệt đối việc dứt trừ vọng tưởng. Nếu có thể ngày đêm chỉ một việc như thế, miên miên mật mật thì nhất định có tin tức.

 

Nhận ra được Thực tướng Bát-nhã chính là nhận ra được thực tánh của vọng tưởng cũng như của tất cả pháp.

 

Đại sư Trí Khải, trong PhápYếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán, có đưa ra ba cách tu Chỉ và hai cách tu Quán như sau:

 

Ba cách tu « Chỉ »:

 

1/ Hệ duyên thủ cảnh chỉ: Mượn cảnh buộc tâm để giữ sự tĩnh lặng. Như «buộc tâm tại chót mũi hay giữa rốn v.v… để tâm không tán loạn». Là đặt tâm chuyên chú vào một chỗ nhất định để dừng sự tương tục của dòng vọng niệm.   

 

2/ Chế tâm chỉ: Tâm vừa khởi liền kiềm hãm lại, không cho nó dong ruỗi tán loạn. 

 

3/ Thể chơn chỉ: Biết tất cả pháp do nhân duyên sinh không có tự tánh, nên tâm không chấp. Tâm không chấp thì vọng niệm tự dừng.

 

Do tâm dong ruỗi đã lâu, nay dùng « Chỉ » để dừng thì đòi hỏi phải có thởi gian, tùy cơ tùy phần mà làm, không thể gấp vội. Gấp vội thì dễ phát cuồng.  

 

Hai cách tu « Quán »:

 

1/ Đối trị quán: là dùng phép quán tưởng để đối trị các bệnh của tâm. Tổ Hiền Thủ nói: «Quán, là ý ngôn quán sát».[5] Nó có nghĩa là nhìn thấy, như Quán sổ tức dùng để đối trị tâm loạn động. Cũng có nghĩa là dùng sự suy nghĩ hay quán tưởng để thấy. Như người tham dục nhiều thì dùng Quán bất tịnh. Người sân giận nhiều thì dùng Quán từ bi. .  

 

Nói « Đối trị quán », vì pháp chỉ dùng khi tâm có bệnh. Không bệnh thì không dùng.      

 

2/ Chánh quán: là quán các pháp không tướng, đều do nhân duyên sinh. Nhân duyên không tánh chính là thật tướng.

 

Nếu quán được cảnh (bị quán) tất cả đều không thì tâm (năng quán) tự nhiên không khởi. 

 

Nói chánh quán, vì thực tướng các pháp ở thế gian vốn vậy. Quán pháp y như chính nó, nên nói chánh quán.

 

Phần « Quán » này rất quan trọng trong việc dừng tâm. Bởi nói dừng, không có nghĩa là dừng được liền. Đa phần phải dùng đến « Quán » mới dừng được sự sinh khởi của tâm. « Quán », còn giúp cho cái định mà hành giả đang sở hữu «không rơi vào si định, mới có thể đoạn được kiết sử». Quán huệ này còn giúp «phát khởi chân huệ, phát các pháp môn».[6]  

 

Tùy trạng thái của tâm mà có khi dùng nghiêng về « Chỉ », có khi chỉ dùng nghiêng về « Quán ». Như đối với người khi ngồi thiền tâm mê muội hay ngủ gục thì nên tu « Quán ». Nếu tâm phù động lăng xăng thì nên tu « Chỉ » v.v...   

 

Trên, chỉ nêu phần chánh tu của « Chỉ » và « Quán », còn những duyên phụ giúp tu « Chỉ Quán » có kết quả thì cần tham cứu trong Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán của đại sư Trí Khải.[7] Tu « Chỉ Quán » mà ngày qua tháng lại thấy công phu không có gì thay đổi thì cần xem lại phần duyên phụ này.

 

Như một trong các duyên phụ mà Đại sư dạy hành giả tu thiền cần có là nên hội đủ 5 duyên: «Giữ giới thanh tịnh / Ăn mặc đầy đủ / Yên ở chỗ vắng / Dứt các sự ràng buộc / Gần gũi thiện tri thức», vì những duyên này giúp việc tu hành có kết quả. Thiếu một trong các duyên đó có khi là nguyên nhân khiến công phu của ta đình trệ, không hẳn là do pháp tu không đúng.

 

Lại, tu « Chỉ Quán » muốn có kết quả thì không chỉ tu khi tọa thiền mà cả khi đối duyên tiếp cảnh. Đại sư Trí Khải nói: «Nếu trong tất cả thời đều tu phương tiện Chỉ Quán thì chắc chắn người ấy thông đạt Phật pháp một cách nhanh chóng. Nếu khi tiếp duyên đối cảnh mà không tu Chỉ Quán là việc tu tâm có gián đoạn. Những kết nghiệp liền sinh, không thể chóng tương ưng».

 

Những điều kiện trên, với một Phật tử tại gia còn bận bịu với công việc sinh nhai và gia đình, phải nói là rất khó. Song không phải là không làm được. Nói khó là nói đến kết quả. Nếu ta muốn có những thành quả rõ rệt như người xưa, phát triển định tuệ, chứng pháp thân v.v… thì đúng là khó. Vì nó đòi hỏi ta phải dứt bỏ các duyên chung quanh để tập trung cho việc tu hành (dù là tại gia). Nhưng nếu chỉ dừng ngang mặt tu hành, nghĩa là tu được bao nhiêu tốt bấy nhiêu và dùng công đức tu hành đó hồi hướng để có được những thuận duyên trong tương lai, thì không khó. Vẫn có thể hành được. Chí ít là ta có thể chiếu soi dứt trừ các niệm ác, ngăn không cho chúng thành hành động, giúp cắt đứt sự tương tục của dòng ác nghiệp.

 

Một bạn trẻ nói với tôi: «Hành giả tu thiền không nhất thiết phải y theo cách sống và con đường mà Phật Tổ đã đi. Bởi duyên mỗi người mỗi khác». Không sai. Nhưng điều đó không có nghĩa là kết quả mà mình và chư vị đạt được là như nhau. Đại sư Bạch Ẩn nói: «Làm sao cùng một nền tảng giác ngộ mà người ngày nay đạt được trong lối sống nửa say nửa tỉnh, lầm lạc uổng phí đời mình vì tin vào quan điểm ngu si thường tình cho là ngộ không cần dụng công, chỉ như hốt bụi trên đất?».[8] Muốn có kết quả như nhau, đòi hỏi hành giả phải đáp ứng được các điều kiện cần và đủ mà Thánh nhân đã lập ra cho con đường họ đã trải qua. Bởi đó là kinh nghiệm của người đi trước, ứng với tâm chúng sinh hữu duyên mà hiện thành.

 

Cho nên, một khi đã chọn cho mình một pháp môn phù hợp với tâm sinh lý của mình, thì những gì pháp môn đó đề ra, nhất thiết phải y đó mà hành mới có kết quả. Chưa hành được nhiều thì hành ít. Chưa hành được ít, cũng nên hiểu cho tường tận. Không nên có tư tưởng khả năng thì tùy duyên mà kết quả thì ngang đồng Thánh nhân.

 

Niệm Phật với dòng tương tục

 

Niệm Phật vãng sinh, là dùng câu niệm Phật hay quán tưởng hình tượng Phật để thay thế sự tương tục của dòng vọng niệm.

 

Muốn được vãng sinh, phải hội đủ ba duyên « Tín », « Hạnh » và « Nguyện ».

 

« Tín », để hành giả có niềm tin đối với thế giới Di-đà và kiên trì niệm Phật đến khi nhất tâm bất loạn. Tâm được chuyên nhất bất loạn thì xem như thay thế được sự tương tục của dòng vọng niệm. Hòa thượng Thiền Tâm nói: «Bởi khi đề khởi được câu niệm Phật thì quá khứ, hiện tại, vị lai đều mất. Tuy có tướng mà lìa tướng, tức sắc là không…». Cũng nói: «Đối với việc vãng sinh, « Tín » « Nguyện » và « Hạnh » có tính cách liên đới, thiếu một tất không thành tựu. Đại sư Ngẫu Ích nói: Nếu không có « Tín » và « Nguyện » thì dù niệm hồng danh đến chỗ gió thổi không vào, mưa sa chẳng lọt… cũng chẳng được vãng sinh».[9] Bởi « Nguyện » vãng sinh chính là thứ giúp cảnh giới Di-đà hiện tiền khi lực của dòng Phật niệm đủ duyên.

 

Ngày nay, giới trẻ ít có cái nhìn chính xác đối với việc niệm Phật vãng sinh. Sống tà tà theo những tham dục của mình, nhưng vẫn cho rằng «Chỉ cần lời nguyện, không cần bất loạn» cũng đủ đưa mình về cõi tịnh độ khi chết.

 

Là do không nắm được mặt duyên khởi của « Tín », « Hạnh », « Nguyện », nên không hiểu được lời chư Tổ luận bàn. Chấp ngôn bỏ ý, cho rằng chỉ cần « Tín » và « Nguyện » là đủ, không cần phải niệm Phật được nhất tâm bất loạn.

 

Cũng không ý thức được sự huân tập và tích tụ của tâm thông qua thân, khẩu, ý nghiệp của mình (Tập đế). Tức không nhận ra được lực mạnh như thác của dòng tương tục, nên không hiểu được tầm quan trọng của cái gọi là «Niệm Phật bất loạn».

 

Không phải ngẫu nhiên mà kinh luận đều nói đến « nhất tâm bất loạn». Tất cả đều có nhân duyên. 

 

Hòa thượng Thiền Tâm nói:[10]  «Có người nghe nói chỉ cần tín nguyện chân thiết, khi lâm chung dù mười niệm hay một niệm cũng được vãng sinh, liền nghĩ: Nếu như thế thì cần chi phải gấp, để lúc sắp chết niệm Phật cũng được. Nghĩ vậy quả là sai lầm. Vì quá xem thường hành môn niệm Phật. Phải biết điểm quan yếu của vãng sinh theo kinh nói là lòng không điên đảo. Nếu lúc lâm chung lòng không điên đảo thì quả tình niệm mười niệm hay một niệm đều được vãng sinh. Nhưng ai dám bảo rằng khi lâm chung lòng không điên đảo?» «Nếu lúc bình thường không tinh chuyên dụng công, đến khi mạng chung bốn đại phân ly, sức nghiệp dồn dập, thân tâm bị sự khổ làm cho kinh hoàng mê loạn, e một niệm còn không thể thực hành, huống là mười niệm? Thành muốn khi lâm chung có phần bảo đảm, lúc bình thường cần phải tính chuyện niệm Phật cho nhiều. Gắng tu tập cho đến trình độ nhất tâm bất loạn. Còn đợi đến khi sắp chết mới niệm, trên mặt đạo lý nói ra xem thì thông suốt, nhưng trên sự e chẳng phải đơn giản… ». Nói chung muốn vãng sinh thì « Tín » và « Nguyện » phải chơn thiết, lực của câu niệm Phật phải thắng được lực tương tục của dòng vọng niệm, thứ mà Hòa thượng Thiền Tâm gọi là «sức nghiệp dồn dập». Cho nên, bình thường nếu không niệm Phật cho chuyên mà cứ thả dàn theo những tham dục thế gian thì lực điên loạn tích tụ càng nhiều. Lực niệm Phật đã yếu thì nguyện dù mạnh, cảnh giới Phật dù hiện, cũng chỉ là loại vọng cảnh mà người du hành sa mạc thường gặp. Muốn nước liền thấy, nhưng chỉ là những hoan tưởng của chính mình. Thực tế vẫn là sa mạc nóng bức, vẫn theo nghiệp lực mà đi. Nguyện vẫn là nguyện, còn xa...

 

Cũng không sao ! Có « Tín » có « Nguyện » thì « Nguyện » đó sẽ đẩy ta đến với thiện nghiệp. Thiện nghiệp sẽ hộ trì để « Nguyện » được đáp ứng đầy đủ. Khi nào ta có thể thực hành niệm Phật đúng như những gì trong kinh đã nói thì việc vãng sinh sẽ xảy ra. Không kiếp này thì kiếp sau. Không kiếp sau thì kiếp sau nữa, sau nữa... Như Hòa thượng Thiền Tâm nói trong Niệm Phật Vô Niệm: «Kiến trong miệng chén có bò đi đâu». Trồi lên hụp xuống rồi cũng tới nơi, chỉ là mau hay chậm, là ngựa ngu hay khôn mà thôi. 

 

Tì kheo Thiện Tinh, thông suốt 12 bộ kinh, chứng được Tứ thiền, nhưng do lầm quả vị thứ tư là chứng La-hán, nên khi chết, không thấy tướng niết bàn hiện ra, cho Phật nói dối, khởi tâm phỉ báng, đọa liền vào địa ngục.[11] Cho nên, làm chưa được mà hiểu chính xác vấn đề, tức có chánh kiến đối với việc tu tập của mình, vẫn là việc quan thiết và tối quan trọng của người tu.

 

Thiện nghiệp cõi Trời Người

 

Không đủ lực gỉải quyết hay chưa muốn giải quyết dòng tương tục ấy thì vẫn còn phần giáo pháp giúp chúng sinh có cái quả an vui trong hiện tại, cũng như giải quyết dần những cái quả bất hạnh trong tương lai. Đó là những bài kinh Phật nói về nhân quả. Thực hành những cái nhân như vầy thì sẽ có những cái quả như vầy. Tránh được những việc làm như vầy thì không bị những cái quả như vậy v.v… Đa phần đều nằm trong các bộ kinh thuộc hệ A-hàm, thông qua các mẫu chuyện vào thời đức Phật. Kinh Thập Thiện cũng nói đầy đủ về nhân quả thế gian cũng như xuất thế gian, giúp chúng sinh biết cần làm việc gì, không nên làm việc gì để cuộc sống thế gian được hạnh phúc an vui.

 

Giáo pháp nhân quả đơn giản nhất, có thể đưa đến cái quả an vui cho phật tử tại gia, chính là « ngũ giới » mà Phật tử tại gia đã thọ khi qui y Tam bảo. Tùy mức độ giữ gìn mà có cái quả hạnh phúc tương xứng với cái nhân mình đã gieo. Vì thế, dù chưa có duyên lành đọc được kinh luận của Phật Tổ mà giữ gìn được ngũ giới thì quả báo có được cũng tốt đẹp.  

 

Hạnh phúc trong đời sống còn là cái quả của việc bố thí. Bố thí là việc được Phật Tổ nhắc nhở nhiều trong các kinh luận. Bởi nó mang đến sự sung túc cũng như niềm vui cho cả năng thí lẫn sở thí. Cũng là nhân duyên đưa đến nhiều thiện duyên khác.

 

Hạnh phúc càng mở rộng nếu chúng ta thực hành thêm Tứ vô lượng tâm v.v….

 

Đương nhiên không phải chỉ Phật tử qui y Tam bảo và hành ngũ giới, bố thí v.v… mới có quả báo tốt đẹp. Dù không phải là phật tử mà vẫn hành ngũ giới và bố thí v.v… đều có cùng một quả báo như nhau. Nếu thấy khác, là do mức độ thực hành trong hiện tại không như nhau, hoặc do bị chi phối bởi những thiện nghiệp trong hiện tại, hoặc do bị chi phối bởi những nhân thiện hay bất thiện trong quá khứ v.v… mà quả thấy có khác nhau.

 

Tu Nhân Thiên thừa thì không gọi là Đạo thánh đế, nhưng nhiếp vào phương tiện ngôn mà nói thì  vẫn có thể gọi là Đạo thánh đế, vì nó cũng là nhân duyên đưa đến thánh đạo.

 

Sự cầu nguyện chính đáng

 

Mạt pháp, nên những gì đức Phật và chư vị Tổ sư đã nói bị biến thể đi rất nhiều. Người ta dễ tin vào những điều không chính đáng hơn là những gì Phật nói trong kinh. Bởi con người lệ thuộc vào vật chất và tham dục nhiều, nên dễ tin vào những « tha lực »[12] không chính đáng hơn là muốn tự lực giải quyết những tồn đọng trong chính mình.

 

Mê tín vẫn có đất sống vì nó khiến người đời nghĩ rằng nó có thể giúp người ta giải quyết những mong muốn cũng như tội lỗi của mình mà không phải tu thân hay điều tâm. Song đó chỉ là những suy nghĩ của người đời. Vòng nhân quả vẫn theo luật của nó mà đi không thiên lệch. Chỉ là đủ duyên thì hiện, chưa đủ duyên thì ẩn.

 

Cầu nguyện, không phải là việc xấu. Bởi nó thể hiện sự ao ước hy vọng của con người. Nhờ những hy vọng đó, con người có niềm tin tiến về phía trước. Chư Bồ-tát vẫn có những mong cầu để tiến tu. Chính là các lời nguyện trong quá trình hành Bồ-tát đạo. Có khác, là nguyện cầu trong Phật giáo không chỉ là những lời cầu suông, chúng được đáp trả bằng các thiện nghiệp. Tức muốn có quả trong tương lai, hành giả phải biết gieo nhân trong hiện tại, thông qua ngũ giới của người tại gia v.v… và các thiện nghiệp mà ta thực hiện đối với tha nhân.     

 

Ngày nào ta còn giữ giới, còn bố thí, còn biết từ, bi, hỉ, xả đối với tha nhân, ngày ấy ta còn hạnh phúc, còn có thể chuyển được nghiệp xấu của chính mình.

 

Đạo là như thế ...

 

Nó giúp con người thoát khỏi những khổ đau trong hiện tại và tương lai.

 

Tùy căn dục của từng người mà dụng pháp sao cho vừa sức mình (khế cơ) mà không lìa chân lý Phật đã nói (khế lý).

 

Khế cơ mà không khế lý thì không phải tu đạo.

 

Khế lý mà không khế cơ thì không thể tu đạo.

 

Muốn tu đạo thành công thì dụng pháp phảỉ khế cơ mà không lìa khế lý.  

 

Căn và dục

 

Pháp, sẽ mang lại kết quả tốt đẹp cho một hành giả khi nó đáp ứng được cả « căn » và « dục » của hành giả đó.

 

« Căn », là những gì hành giả đã huân tập từ quá khứ, thuộc túc tập.

 

« Dục », là muốn. Một dạng của sự ưa thích, thuộc hiện khởi.

 

Trong Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký quyển 9, phẩm Thập địa nói: «Nếu chỉ có dục mà không có căn thì tuy nghe cũng chẳng hiểu. Nếu có căn mà không có dục thì có nghe cũng chẳng lãnh thọ». «Căn và dục nếu thiếu một thì việc nghe pháp chẳng thể kết thành». Chọn pháp môn tu tập cũng vậy. Nếu đáp ứng đủ hai duyên đó thì việc tu hành dễ thành. Nếu chưa đủ thì nên gieo duyên và tập hành cho đủ.

 

Thường, khi có sự ưa thích (dục) thì căn túc tập cũng đã có. Chỉ là chưa đủ duyên trong hiện tại để hiện thành. Vì thế, đối với một pháp môn, nếu đã có sự ưa thích thì nên cố gắng hành trì để sự tích tập được hiện thành và tăng thêm. Tích tập càng nhiều thì lực của nó càng mạnh. Kiếp này nếu chưa thành, kiếp sau ra đời, việc thực hành sẽ dễ dàng, kết quả mỹ mãn hơn. Vì thế cần cố gắng trong hiện tại để khỏi uổng phí tương lai.

 

 

 

Báo Nguyệt San Giác Ngộ số 208.
 


 

[1] Ngũ Đăng Hội Nguyên.

[2] Ngũ Đăng Hội Nguyên.

[3] Đại Thừa Khởi Tín Luận Nghĩa Ký – Đại sư Hiền Thủ.

[4] Đại thừa Khởi Tín Luận Trực Giải – Đại sư Hám Sơn.

[5] Hoa Nghiêm Thám Huyến Ký quyển 10 – phẩm Thập Địa.

[6] Các câu ghi trong ngoặc kép đều thuộc “Pháp Yếu Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán”.

[7] Thiền Căn Bản – HT Thanh Từ dịch.

[8] Bạch Ẩn Huệ Hạc – Cuộc đời, ngữ lục, thư pháp, họa phẩm – Thuần Bạch và Ngọc Bảo biên soạn.

[9] Niệm Phật Thập Yếu – HT Thích Thiền Tâm.

[10] Niệm Phật Thập Yếu – H.T Thích Thiền Tâm.

[11] Kinh Đại Bát Niết Bàn tập 2 – Phẩm Bồ-tát Ca Diếp. HT Trí Tịnh dịch,

[12] Đây không nói tha lực của tông Tịnh độ..

 

[ Quay lại ]