headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 26/12/2024 - Ngày 26 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

ĐẠO NGHĨA VỢ CHỒNG THEO QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO

honnhan Chúc Phú

Theo Đức Phật, có hai thứ hạnh phúc, hạnh phúc thế gian và hạnh phúc xuất thế gian. Đức Phật không hề chối bỏ hạnh phúc thế gian. Ngài cho rằng, việc mưu cầu và thụ hưởng hạnh phúc một cách chính đáng là lý tưởng sống của người cư sĩ.

 

Có được một gia đình thuận thảo, thương yêu, với điều kiện sống tương đối đầy đủ, với các mối quan hệ khả ái, biết hướng thượng, vươn lên… đó là mơ ước của bất cứ một con người bình thường nào, và ở đây, Phật gọi đó là hạnh phúc. Trong những điều kiện căn bản của hạnh phúc, thì quan hệ hôn nhân và những chuẩn mực ứng xử trong quan hệ hôn nhân, mà ở đây gọi là đạo nghĩa vợ chồng, là một trong những yếu tố nổi trội và quan trọng hơn cả.

Cơ sở của quan hệ hôn nhân

Hôn nhân là sự tự nguyện đến với nhau do bởi yêu thương nhau, gắn bó với nhau, sống không thể thiếu nhau giữa hai cá thể. Đọc lại những vần kệ chứa chan yêu thương của một thiên tử được ghi chép trong kinh điển, đủ thấy tình yêu quả là kỳ lạ, thậm chí là điên dại, phi thường: Ôi Suriya Vaccasa/ Ta đảnh lễ Timbaru/ Bậc phụ thân của nàng/ Ðã sanh nàng thiện nữ/ Nguồn hạnh phúc của ta/ Như gió cho kẻ mệt/ Như nước cho kẻ khát/ Nàng là tình của ta/ Như pháp với Ứng Cúng/ Như thuốc cho kẻ bệnh/ Như đồ ăn kẻ đói/ Thiên nữ với nước mắt/ Hãy dập tắt lửa tình!/ Như voi bị nắng thiêu/ Tẩm mình hồ nước mát/ Có cánh sen, nhụy sen/ Cũng vậy, ta muốn chìm/ Chìm sâu vào ngực nàng/ Như voi bị xiềng xích/ Hất móc câu, gậy nhọn/ Ta điên vì ngực nàng/ Hành động ta rối loạn/ Tâm ta bị nàng trói/ Di chuyển thật vô phương…/ Như người tu sung sướng/ Chứng Bồ-đề tối thượng/ Kiều nữ, ta sung sướng/ Ðược nhập một với nàng/ Nếu Thiên chủ Sakka/ Cho ta một ước nguyện/ Ta ước nguyện được nàng/ Vì ta quá yêu nàng.

Đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, dù con trai hay con gái thì ai cũng mong mỏi rằng muốn thấy mặt nhau trong đời này, và cũng muốn thấy mặt nhau trong đời sau. Do bởi mong muốn đó, mà duyên nghiệp vợ chồng được định hình, không phải một kiếp mà có thể kinh qua vô số kiếp. Đó cũng là điều dễ hiểu để lý giải tại sao có những đôi lứa thương nhau vài năm rồi mới cưới, hoặc có những lứa đôi tuy chỉ mới gặp nhau trong thoáng chốc nhưng tình cảm đã nhanh chóng thăng hoa. Nói theo ngôn ngữ thời nay thì tình cảm theo dạng thứ hai được gọi là tình yêu sét đánh (love at first sight).

Cũng gần tương tự như thế, kinh ghi: Phái nữ nhìn phái nam hết sức kỹ lưỡng, phái nam nhìn phái nữ hết sức kỹ lưỡng. Vì họ nhìn nhau kỹ lưỡng như vậy nên tình dục khởi lên, ái luyến đối với thân thể bắt đầu. Ở đây, tuy không thể đi sâu phân tích về giá trị, về sự tương đồng hay dị biệt của hai loại tình cảm vừa nêu, nhưng điều dễ dàng nhận thấy, sự liên hệ gắn kết giữa hai cá thể mà nôm na gọi là vợ chồng, cũng nằm trong sự chi phối và vận hành của nghiệp. Vì lẽ, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.

Cụ thể hơn, sự phân định ranh giới giữa nam và nữ cũng như sự lôi cuốn, hấp dẫn lẫn nhau giữa các cá thể cũng do bởi sự chi phối của dòng nghiệp lực. Ở nghĩa giản đơn nhất, tất cả mọi tư duy, toan tính, lời nói, việc làm… của con người đều có thể gọi chung là nghiệp. Với Phật giáo, nghiệp không phải tất định, vì mỗi cá nhân có thể thay đổi hoặc cải thiện, chuyển hóa nghiệp bằng chính nỗ lực của riêng mình. 

Cũng vậy, đành rằng đến với nhau là do duyên nghiệp, nhưng mỗi cá nhân hoàn toàn tự chủ để xây dựng một mô thức hạnh phúc theo tiêu chuẩn chung; hoặc có thể tự do chấm dứt, nếu như mối quan hệ hôn nhân kia không đem đến hạnh phúc cho cả hai người. Vì như kinh đã dẫn, con người vốn dĩ là chủ nhân của nghiệp.

Nền tảng của hôn nhân bền vững

Kết quả của hôn nhân phải là hoa trái hạnh phúc. Muốn giữ gìn hạnh phúc, thì quan hệ hôn nhân phải ổn định và vững bền. Theo Đức Phật, để bền vững trong hôn nhân, ít nhất phải có một sự tương đồng về nhiều mặt giữa hai đối tượng, cũng như việc thực hiện chu toàn vai trò và trách nhiệm của mỗi bên liên quan.

1. Sự tương đồng giữa hai cá thể

Tương đồng là sự giống nhau. Theo kinh Tăng chi, muốn có một quan hệ hôn nhân bền vững thì ít nhất phải có bốn sự tương đồng. Tương đồng về nhận thức, tương đồng về niềm tin, tương đồng về chuẩn mực đạo đức và tương đồng về lòng thí xả, vị tha.

Thứ nhất, tương đồng về nhận thức.Nhận thức được hiểu ở đây là vốn tri thức căn bản trong cuộc sống bình thường. Đó có thể là tri thức về đối nhân xử thế, có thể là tri thức về văn hóa sống đặc thù của vùng miền, và có thể là vốn sống, kinh nghiệm ứng xử, sự thấu hiểu tận tường lẫn nhau… và con đường kiện toàn tri thức ấy không nhất định phải thông qua trường lớp. Ở đây, nếu như quá khác biệt về tri thức thì đôi khi dễ tạo ra sự gập ghềnh và thậm chí hiểu lầm trong nhận thức của nhau. 

Những giận hờn vô cớ, những cãi vã cỏn con… đôi khi xảy đến trong gia đình phần lớn đều bắt nguồn từ sự không thấu hiểu nhau cặn kẽ. Một đôi lứa lý tưởng là đôi lứa phải hiểu rõ về nhau, hiểu thật nhiều, biết sẻ chia hoặc tìm cách kiện toàn tri thức, vốn sống cho nhau, vì đó là điều kiện cần của hạnh phúc. Ở đây, thông điệp mà Đức Phật muốn gửi đến các đôi lứa yêu nhau: khi hiểu nhau thật nhiều thì tình thương yêu sẽ lâu bền và vững chãi.

Thứ hai, tương đồng về niềm tin. Niềm tin ở đây cụ thể là niềm tin tôn giáo. Có cùng một tín ngưỡng là điều kiện lý tưởng cho lứa đôi. Bởi lẽ khi cùng một niềm tin tôn giáo, thì cả hai dễ gần nhau, hiểu nhau và dễ thống nhất với nhau về các giá trị sống liên quan như: quan niệm về đạo đức, quan niệm về lối sống, xu thế nội tâm, và thậm chí là cách thức vươn lên làm giàu… 

Mặc dù thực tế Phật giáo đã có những giải pháp thông thoáng trong quan niệm về hôn nhân khác tôn giáo, nhưng ở đây, với một con người bình thường, với năng lực bình thường, thì điều kiện tốt nhất cho một quan hệ hôn nhân bền vững chính là cùng một niềm tin tôn giáo. Cùng một niềm tin còn được hiểu là sự khẳng định và tin tưởng một cách sâu sắc ba ngôi Tam bảo, cũng như các giá trị thực nghiệm trong Phật giáo.

Thứ ba, tương đồng về chuẩn mực đạo đức. Đạo đức được hiểu ở đây là nguyên tắc sống, là chuẩn mực giới hạnh mà con người tự nguyện tuân theo. Theo Phật giáo, có năm chuẩn mực đạo đức căn bản, nhằm hỗ trợ đời sống hiện thực và thăng hoa khả năng tâm linh cho người cư sĩ tại gia. Năm tiêu chuẩn sống căn bản ấy được hiểu như: không phương hại tha nhân và hạn chế đến mức thấp nhất sự sát hại sinh vật; thứ hai là không tham lam, trộm cắp; thứ ba là chỉ một vợ một chồng; thứ tư là không nói dối; và cuối cùng là không sử dụng quá mức các chất gây nghiện như rượu bia và các chất kích thích như ma túy… 

Năm tiêu chuẩn đạo đức này nếu được thực thi trọn vẹn, thì không những bảo hộ cho đời sống lứa đôi mà còn bảo hộ cho bản thân, cho tha nhân và cho xã hội. Và như vậy, có thể thấy, sự tương đồng về các chuẩn mực đạo đức này, là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên một mối quan hệ hôn nhân bền vững.

Sự tương đồng cuối cùng, tương đồng về lòng thí xả, vị tha. Ở đây, nói theo ngôn ngữ kinh văn là biết phóng xả, bố thí. Trong sự quản lý và sử dụng tài sản, Phật dạy hàng cư sĩ phải biết vận dụng khéo léo tài sản mà mình sở hữu để xây dựng hạnh phúc cho bản thân cũng như tạo ra những phước quả trong hiện tại hoặc đời sống vị lai. Một trong những cách sử dụng tài sản có hiệu quả trong việc thực hành sự thí xả, vị tha là phải biết sử dụng tài sản giúp cha mẹ, giúp vợ con, người phục vụ, người làm công và bạn bè thân hữu và đối với các bậc phạm hạnh bề trên thì phải biết hiến cúng cho các vong linh quá khứ, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư thiên.

Trong thực tế, đã có những người chồng hoặc người vợ quá mực chi li trong việc sử dụng tài vật, dù đó là nhu cầu chính đáng của bản thân, gia đình hoặc giúp đỡ những người liên quan. Đấy là một trong những nguy cơ tạo nên sự trắc trở, gập ghềnh trong quan hệ ứng xử của đời sống thế tục. Một gia đình thực sự hạnh phúc khi cả người vợ và chồng đều thực sự rộng rãi, không đắn đo quá nhiều đối với những việc chi tiêu cần thiết cũng như các việc thiện cần phải làm trước mắt. 

Do vậy, hãy làm lành/ Tích lũy cho đời sau/ Công đức cho đời sau/ Làm hậu cứ cho người. Trong quan hệ hiện tại, một tâm hồn rộng rãi thì luôn được mọi người thương yêu; trong liên hệ nhân quả sâu xa thì việc giúp người khốn khó hay cúng dường các bậc phạm hạnh sẽ đem đến cho lứa đôi một phước quả tối thắng.

2. Bổn phận của lứa đôi

Có được hạnh phúc khi sống chung là cả một nghệ thuật sâu sắc và tế nhị. Nghệ thuật đó được khởi đầu bằng sự phân định rõ ràng và thực hiện trọn vẹn trách nhiệm của mỗi bên liên quan.

Bổn phận của người chồng: Tạo dựng tài sản để nuôi sống gia đình là trách vụ chủ yếu của người chồng lý tưởng được Phật dạy trong kinh. Một nam cư sĩ theo tiêu chuẩn thời xưa là phải “đầy đủ sự tháo vát”, nghĩa là phải làm bất cứ nghề nghiệp gì, miễn làm sao tạo dựng được tài sản để có thể đem lại an lạc cho mình, đem lại an lạc cho cha mẹ, đem lại an lạc cho vợ con, đem lại an lạc cho người phục vụ, cho người làm công, đem lại an lạc cho bạn bè thân hữu; đối với các vị Sa-môn, Bà-la-môn, thiết trí các sự cúng dường hướng thượng.

Ngày nay, do sự biến dịch và phát triển của xã hội, trách vụ đó có phần nhẹ hơn, vì người vợ đã có những nỗ lực của bản thân để cùng chung lo cho kinh tế gia đình. Mặc dù vậy, về cơ bản, bổn phận tạo dựng tài sản của người chồng để nuôi sống gia đình vẫn mang ý nghĩa thời đại, và nếu như cả chồng và vợ cùng chung lo kinh tế, thì đó là dấu hiệu sung mãn của một gia đình.

Chia sẻ trách nhiệm nuôi con, dạy con và bảo hộ con cái là một trách vụ quan trọng đứng thứ hai sau việc tạo dựng tài sản. Theo suy niệm thường tình, việc nuôi dạy con cái phần lớn do người phụ nữ đảm trách. Mặc dù vậy, việc sẻ chia trách nhiệm trong việc nuôi con, dạy con, chứng tỏ sự trưởng thành lớn của một người nam cư sĩ. 

Ngay như bản thân Đức Phật, tuy hướng La Hầu La xuất gia với ngài Xá Lợi Phất, nhưng những khi có thể, Ngài đã tùy nghi dạy bảo cũng như bảo hộ La Hầu La, theo nghĩa rộng nhất. Một lần, theo thiết định của giới luật, La Hầu La phải nhường chỗ cho các thầy lớn tuổi và phải ở tạm trong nhà vệ sinh. Biết tin, Đức Phật đã đến tận nơi và bảo La Hầu La tạm thời vào ở cùng phòng với mình. Điều đó đủ thấy việc bảo hộ con trẻ luôn được Đức Phật chú trọng, quan tâm.

Một ông bố điển hình cho việc sẻ chia trách nhiệm nuôi con là vua Tần Bà Sa La, cha của hoàng tử A Xà Thế. Theo Maha Thera Narada trong Đức Phật và Phật pháp, hoàng tử A Xà Thế bị mụt nhọt ở tay, Tần Bà Sa La ngậm mụt nhọt để con đỡ đau nhức và để dễ ngủ. Ai ngờ ung nhọt vỡ ra, sợ con tỉnh giấc, vua cha đành phải nuốt cả hỗn hợp máu mủ gớm ghiếc ấy vào lòng. Khi nghe mẫu hậu Vi Đề Hy kể lại tình thương vĩ đại của vua cha Tần Bà Sa La, trái tim hôn ám của A Xà Thế đã được đánh thức, để cuối cùng, A Xà Thế đã sám hối với Phật về tội giết cha. Vì con, người cha đúng nghĩa sẽ làm những việc khó làm, và như vậy, chính là đã san sẻ trách nhiệm bảo hộ và nuôi dạy con cái.

Trong tám nguyên nhân làm suy yếu gia đình được Phật dạy trong kinh Tương ưng thì nguyên nhân gần gũi và trực tiếp nhất là trong gia đình khởi lên kẻ phá hoại gia đình, người ấy phân tán, phá hoại, làm tổn hại (vikirati vidhamati viddhamseti). Tuy kinh không nói rõ người ấy là ai, nhưng theo ngữ cảnh kinh văn, ta có thể hiểu đó là người chồng. Ở đây, người chồng lý tưởng cần phải biết trang nghiêm tự thân, nói theo ngôn ngữ kinh văn là biết sống bảo hộ bản thân, bảo hộ gia đình và tài sản. Một người sống có trách nhiệm với bản thân tất sẽ có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, xã hội. 

Về phương diện bảo hộ bản thân, bảo hộ tài sản, người nam cư sĩ phải tránh xa những thói xấu dễ bị ảnh hưởng như: la cà đình đám hý viện, đam mê các loại rượu, du hành đường phố phi thời, đam mê cờ bạc, giao du ác hữu, quen thói lười biếng. Đây chỉ là sáu trong 36 thói xấu cơ bản mà một người đàn ông dễ mắc phải trong đời.

Từ thực tế, những sóng gió xảy ra trong gia đình, phần lớn bắt nguồn từ những tật xấu, mà người đàn ông phần lớn là kẻ đi đầu. Theo khảo sát của riêng cá nhân, nguyên nhân rạn nứt của các gia đình đều có liên hệ đến sự xuất hiện của người thứ ba, thì ở đây, chuẩn mực đạo đức một vợ một chồng, đóng vai trò quan trọng. 

Hơn thế nữa, đời sống vốn dĩ đã bất an, và thực sự càng bất an hơn khi bản thân bị lệ thuộc hoặc nằm trong sự chi phối của rượu, bia. Không túy lúy say sưa được xem như phương thức tồn tại tối ưu trong thời đại ngày nay. Một người nam cư sĩ chỉ cần sa đà vào một trong các thói xấu ấy, hạnh phúc gia đình sẽ có nguy cơ tuột khỏi tay bạn và chắp cánh bay xa.

Một trách vụ nhằm giữ lửa hạnh phúc lứa đôi là người chồng phải tôn trọng và khéo léo chiều chuộng người thương của mình. Tiêu chuẩn tôn trọng và chiều chuộng vợ có vẻ như không lạ lùng trong thời đại ngày nay, nhưng ở thời xưa, đó là điều cách mạng. Vì ở xã hội Ấn độ thời cổ, người phụ nữ có một vị trí khá khiêm nhường. Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ là động thái tích cực được khẳng định trong kinh. 

Ở đây, không bất kính với vợ còn được hiểu là tôn trọng tất cả những người thân liên quan đến vợ như cha mẹ vợ hoặc những người thân bên ngoại. Không chỉ dừng lại ở đó, một người chồng lý tưởng phải biết mua cho vợ những nhu yếu phẩm cần dùng và những vật dụng mà nàng ưa thích. Vì một lẽ hết mực bình thường, sau khi cưới nhau, do sự vận hành của thực tế đời sống, nên sự lãng mạn yêu thương của hai người dễ bị bào mòn theo năm tháng, nếu như không biết cách hâm nóng tình cảm, thì cuộc sống lứa đôi sẽ tẻ nhạt, lụi tàn. 

Những món quà hợp thời, đúng lúc luôn là niềm hạnh phúc bất ngờ dành cho người vợ thương yêu. Sắm đồ nữ trang cho vợ thực sự là một tiêu chuẩn dành cho người chồng lịch lãm, mà giá trị của tiêu chuẩn ấy, vượt khỏi mọi khoảng thời gian.

Chìu chồng ở đây không mang tính chất dễ duôi, yếu đuối, đớn hèn mà hoàn toàn mang ý nghĩa tích cực. Điều này, cũng còn được gọi là sở hành vừa ý chồng(21). Vì đó chính là biết cách vận dụng tính chất nhu thuận, uyển chuyển riêng có của người phụ nữ, nhằm tạo nên một sự hòa điệu, ấm êm, sinh khí trong gia đình. Sở dĩ gia đình mang nghĩa là mái ấm, cũng khởi phát và nương vào tính chất này. Ở đây, ví như người chồng đang nóng nảy, bực bội, người vợ phải biết cách lựa lời khuyên can; người chồng đang đam mê vào một trò vui thế tục nào đó thì người vợ phải lựa lúc, lựa lời, khéo léo sẻ chia.

Biết cách xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương(22) là phương cách hữu hiệu của một người vợ thông minh, cần được thể hiện trong tình huống này. Chiều chồng còn mang ý nghĩa tích cực vì nhờ sự tùy thuận này, một người phụ nữ khéo léo có thể chuyển hóa một người đàn ông theo chiều hướng tích cực, vươn lên. Kinh Tương Ưng đã chỉ rõ, nếu như một người phụ nữ biết khéo léo vận dụng khả năng sắc đẹp, khả năng giới hạnh… một cách tối ưu thì sẽ tạo nên các sức mạnh(23). Với sức mạnh đó, người phụ nữ có thể làm bất cứ điều gì. Kinh gọi rằng, đời này rơi vào tầm tay của nàng(24), hoặc được khẳng định mạnh mẽ: mong rằng tôi chinh phục được chồng tôi(25). Ở đây, chính là góp phần xây đắp một gia đình hạnh phúc đúng nghĩa.

Một trong những bổn phận quan trọng của người phụ nữ là phải biết giữ gìn tài sản của gia đình. Ở gia đình thuở xưa, mặc dù đàn ông làm chủ, nhưng thực tế điều phối tiền tài, sản vật cũng như các khoản chi dụng… đều do người phụ nữ quyết định. “Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, chúng ta cần phải phòng hộ, bảo vệ chúng”26

Truyền thống này, ở một số nước Nam Á ngày nay vẫn còn vận dụng. Tuy thực tế xã hội ngày nay đã có sự phân định rạch ròi và thông thoáng hơn trong việc giữ gìn tài sản giữa chồng và vợ, nhưng ít nhất, việc một người phụ nữ quản lý và sử dụng hợp lý những khoản chi tiêu căn bản của gia đình là việc làm rất mực cần thiết, dù ở thời đại nào.

Ở đây, một trách vụ cũng cần phải kể đến của người phụ nữ khi sống trong một gia đình đông đảo, hoặc gia đình có sự hỗ trợ của người giúp việc như gia đình hiện đại ngày nay, hoặc những gia đình có tổ chức sản xuất nhỏ theo kiểu doanh nghiệp tư nhân… thì việc điều hành, phân bố công việc cho những người làm, quan tâm chế độ dinh dưỡng, quan tâm đến sức khỏe khi họ ốm đau… cũng là một trong những bổn phận của người phụ nữ. 

Phật dạy: Này các thiếu nữ, các con cần phải học tập như sau: “Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, chúng ta sẽ phải biết công việc của họ với công việc đã làm; chúng ta sẽ phải biết sự thiếu sót của họ với công việc không làm. Chúng ta sẽ biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh. Chúng ta sẻ chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo phần của mình”(27). Quan tâm đến việc giữ gìn tài sản gia đình, điều hành và ổn định người giúp việc là một trong những bổn phận của người phụ nữ. Thực hiện đúng vai trò này, người phụ nữ quả xứng danh là Nội tướng theo quan niệm của Á Đông.

Một bổn phận cần có của người phụ nữ là khéo léo trong những giao tiếp, khoản đãi liên hệ đến bạn bè cũng như các bậc trưởng thượng của chồng. Những ai có người chồng kính trọng Sa-môn, Bà-la-môn như cha mẹ, nữ nhân ấy cung kính tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường(28). Với bạn bè của chồng, phải ứng xử như là thượng khách, với các bậc trưởng thượng, phải cung kính và cúng dường khi có thể. 

Khéo tiếp đón bà con(29) là một bổn phận mà người phụ nữ cần phải kiện toàn. Do vì bản thân nắm giữ các khoản chi tiêu, người phụ nữ hoàn toàn thuận lợi khi sắp đặt các khoản thù tiếp, khoản đãi. Với chồng, bạn bè là quan trọng. Thiết đãi bạn bè chính đáng và hợp lý sẽ làm cho người chồng được nể trọng và tôn vinh trong mắt bạn bè. Quan niệm sang vì vợ ở một nghĩa nào đó, thì hoàn toàn đúng trong trường hợp này. Thực hiện trọn vẹn vai trò này, vị trí người phụ nữ sẽ tỏa sáng trong mắt người chồng thương yêu.

Trong các tiêu chuẩn đạo đức căn bản của một người cư sĩ, tiêu chuẩn chánh hạnh là một tiêu chuẩn hết mực quan trọng đối với hạnh phúc gia đình. Một gia đình dù nghèo khó hay vật vã trong việc mưu sinh, nhưng cả hai luôn nghĩ đến nhau và cùng nhìn về một hướng, thì gia đình ấy sẽ đầy ắp chất liệu hạnh phúc, dù rằng hạnh phúc trong giản tiện, đơn sơ. Trên phương diện là một người phụ nữ, tiêu chuẩn này rất mực quan trọng. 

Theo kinh văn, người con gái ấy, dù giỏi giang, xinh xắn, hoặc gia sản vững chãi, quan hệ nhân thân tốt… nhưng không có sức mạnh giới hạnh(30) thì sẽ không đem đến hạnh phúc cho gia đình; nặng nề hơn, kinh văn còn mô tả, họ đuổi người đàn bà ấy, không cho ở trong gia đình(31).

Xem ra, trang nghiêm tiết hạnh là một phẩm chất rất mực quan trọng của người phụ nữ ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào. Một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông32 phải hội đủ ít nhất năm tiêu chuẩn, và một trong năm tiêu chuẩn đó, phải là trang nghiêm giới hạnh. Không đi sâu vào phân tích về tiêu chuẩn giới hạnh, tiết hạnh, nhưng ở đây, điều cần thấy rằng, ngoài chồng ra, không được tà ý với bất cứ người nào khác là một bổn phận quan trọng nhằm đem đến hạnh phúc gia đình mà người phụ nữ cần phải thực hiện. 

Nói theo ngôn ngữ kinh văn là: trung thành với chồng(33). Trong bảy hạng vợ được nêu ra trong kinh Tăng chi, người phụ nữ không hoàn thiện giới hạnh thì được gọi vợ sát nhân(34).

Một bổn phận kế tiếp của người phụ nữ, đó là phải biết chăm sóc chồng, con và cùng chồng dạy dỗ con cái. Trong việc chăm sóc gia đình, thì việc chăm sóc chồng là một trách vụ cơ bản của một người phụ nữ. Kinh ghi: Săn sóc giúp đỡ chồng/ Như mẹ chăm sóc con/ Tài sản chồng cất chứa/ Biết hộ trì gìn giữ/ Hạng người vợ như vậy/ Ðược gọi vợ như mẹ(35).

Trách vụ đỡ túi nâng khăn theo quan niệm phương Đông cũng là cách nói khác về việc chăm sóc cho chồng về ăn uống, sức khỏe, về phục trang… cũng như các việc vô danh khác. Trong điều kiện bình thường, điều dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa một người đàn ông có vợ và một kẻ độc thân chính là sự tinh tươm trong trang phục và ổn định về sức khỏe. Dấu hiệu khác biệt đó phần lớn do bởi người phụ nữ làm nên. Một bổn phận quan trọng của người phụ nữ, đó là người đàn bà phải mang thai… người đàn bà phải sanh con(36)

Tuy kinh văn cũng khẳng định, trách vụ sinh con cũng là một trách vụ của người đàn ông, nhưng ở đây, đề cập điều này, Đức Phật muốn nói đến vai trò của người phụ nữ trong việc sinh, dưỡng con cái. Hoàn thiện trách vụ này, kinh Tăng chi xem như hoàn thành một trong hai tâm nguyện thiết thực(37) của một người phụ nữ khi sống trong đời.

Nếu như một người phụ nữ thực hiện trọn vẹn các bổn phận vừa nêu, thì ngọn lửa hạnh phúc luôn được thắp sáng trong gia đình của họ. Và ở đây, để thực hiện trọn vẹn những bổn phận đó, người phụ nữ phải luôn luôn giữ được cái tâm sơ khởi, trung trinh như lúc ban sơ vừa mới về nhà chồng(38); đồng thời, đối xử với chồng như lần gặp đầu tiên. Nếu giữ được tâm thế ấy, thì dù có điều gì xảy ra, nói như kinh đã trích dẫn, thì đời này rơi vào tầm tay của nàng.

3. Mô hình các mối quan hệ vợ chồng

Khi hai cá thể nam, nữ thương yêu nhau, phát nguyện cùng sống trọn đời với nhau, đến với nhau hợp lẽ, thì một gia đình hình thành. Tùy theo năng lực, điều kiện tri thức, sự giáo dục gia đình, môi trường và hoàn cảnh sống, điều kiện nghiệp lực của mỗi bên… mà tạo nên các mối quan hệ vợ chồng tương ứng. Căn cứ từ thực tế cuộc sống, có những mối quan hệ vợ chồng hạnh phúc, có những mối quan hệ vợ chồng vừa hạnh phúc vừa khổ đau đan xen, có những quan hệ tiềm ẩn những nguy cơ bất an, đau khổ. Bằng tuệ quán siêu việt, Đức Phật thấy rõ điều đó và đã nêu ra có bốn loại quan hệ vợ chồng cơ bản(39).

Quan hệ thứ nhất là những gia đình mà vợ và chồng đều khiếm khuyết về các học giới, khiếm khuyết về các chuẩn mực đạo đức cơ bản của con người. Nói cách khác, đó là những gia đình mà cả chồng và vợ đều không biết làm việc thiện, bị tham dục lôi kéo, không hoàn thiện được một phẩm chất đạo đức tốt đẹp nào. Nôm na có thể hiểu, đó là những gia đình mà dân gian thường ví von theo kiểu: trai tứ chiếng gặp gái giang hồ. Ngôn ngữ kinh văn cũng không hề nhẹ nhàng khi đề cập đến mối quan hệ gia đình này, đó là mẫu gia đình: Ðê tiện nam sống chung với đê tiện nữ(40).

Quan hệ gia đình thứ hai, đó là những gia đình mà người chồng rất mực hung dữ, phạm vào tất cả những chuẩn mực đạo đức vốn có của con người như sát sanh, trộm cắp… cho đến say sưa túy lúy. Trong khi đó, người vợ trong gia đình này là một người kham nhẫn, chịu đựng, sống thuần thiện, hiền lương như một vị Thánh và tuân giữ năm chuẩn mực cơ bản của một người cư sĩ. Phật gọi rằng, đây là mẫu gia đình: Đê tiện nam sống chung với Thiên nữ(41).

Mẫu quan hệ gia đình thứ ba, đó là khi người đàn ông thì siêng năng trong tất cả thiện pháp, nỗ lực trong tất cả mọi việc để làm ra của cải, lo cho gia đình, lo cho vợ con, sống thuần thiện, hiền lành… còn người vợ thì hết mực buông lung, phóng túng, tệ bạc. Ở đây, người vợ không những không giữ được tài sản của chồng, mà còn sử dụng tài sản ấy vào những trò cờ bạc đỏ đen, và thậm chí sử dụng tiền bạc do người chồng làm ra, mua sắm quà tặng cho người tình trẻ. 

Trong kinh Tăng Chi, hạng người vợ này được Phật ví như: vợ chủ nhân, vợ sát nhân và vợ ăn trộm(42). Ở đây, trong mối quan hệ vợ chồng mà người chồng luôn tỏa sáng các giá trị đạo đức, còn người vợ thì khiếm khuyết tất cả các mặt, Phật gọi mối quan hệ này là: Thiên nam sống chung với một đê tiện nữ(43).

Trong một gia đình, khi cả vợ và chồng đều hoàn thiện các vai trò và bổn phận của mình, theo những tiêu chuẩn vừa được khái quát ở trên, cả hai sống trong sự bảo hộ của các học giới, các chuẩn mực đạo đức làm người đúng nghĩa, biết cung kính Sa môn, Bà la môn, biết phóng xả, bố thí cũng như biết thực hiện các thiện hạnh cần phải làm của một người cư sĩ, Phật dạy rằng, đây là mẫu gia đình: Thiên nam sống chung với một Thiên nữ(44), và là mẫu gia đình lý tưởng, mà bất cứ một người cư sĩ nào cũng cần phải hướng về.

Đức Phật không chỉ thuần túy dừng lại trong việc mô tả và phân chia ra bốn loại quan hệ vợ chồng. Ở đây, phải thấy rằng, mỗi gia đình cần phải nhận thức đúng bối cảnh hiện tại của riêng mình, nỗ lực bằng mọi cách thức có thể, để vươn tới gia đình lý tưởng theo kiểu mẫu mà Đức Phật đã đưa ra.

Vợ chồng là do duyên nghiệp, và lẽ tất nhiên, duyên nghiệp có thể thay đổi nếu như có sự hợp tác nỗ lực thay đổi của cả vợ lẫn chồng. Cần phải thấy rằng, con đường đi đến hạnh phúc không chỉ có hoa hồng mà còn có cả chông gai. Nỗ lực nhặt gai và đi tới là điều mà mỗi con người có thể thực hiện để kiến tạo hạnh phúc cho gia đình mình.

4. Một vài suy nghĩ về đạo nghĩa vợ chồng trong thời đại ngày nay

Công tâm mà nhìn nhận, trong thời đại ngày nay, các mối quan hệ vợ chồng có nhiều điểm tiến bộ hơn, thông thoáng hơn, bình đẳng hơn, chặt chẽ hơn so với các mối quan hệ hôn nhân trong lịch sử. Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó, quan hệ hôn nhân ngày nay vẫn bộc lộ ra những khiếm khuyết, bất toàn và độ vững bền của quan hệ vợ chồng không cao. Với một khái quát chưa đầy đủ, theo người viết, sự khập khiễng bất toàn trong quan hệ hôn nhân hiện tại, bị ảnh hưởng và chi phối bởi một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, tính chủ động, toàn quyền của nam nữ trong quan hệ hôn nhân quá cao, cái tôi của mỗi cá nhân nam và nữ được trưởng dưỡng quá lớn. Ý thức nuôi dưỡng về tự ngã được tất cả mọi cấp giáo dục cũng như các mối quan hệ xã hội, các lãnh vực của đời sống luôn cổ vũ, đề cao. Tự ngã quá lớn nên dễ bị thương tổn. Hơn thế nữa, trong khi độ chín nhận thức về quan hệ hôn nhân chưa vững vàng, lại không cần tham khảo ý kiến của cha mẹ trong việc lựa chọn người phối ngẫu, là những lý do làm cho quan hệ hôn nhân mau chóng rạn nứt. 

Ở đây, khi cái tôi của mỗi người càng nhỏ lại thì tình yêu thương sẽ lớn mạnh và trưởng thành.

Thứ hai, các kênh truyền thông, các lãnh vực văn hóa nghệ thuật đương đại, đang cổ xúy cho một cái đẹp theo chuẩn mực “chân dài - não ngắn” mà quên chăm lo định hướng và phát triển các giá trị bền vững khác. Nói như kinh điển, nam nữ hiện tại chỉ lo trói  buộc  lẫn nhau. Kinh Tăng chi thống kê ra nam nữ trói buộc lẫn nhau bởi tám yếu tố: với sắc, với tiếng cười, với lời nói, với lời ca, với nước mắt, với áo quần, với vật tặng, với xúc chạm(45). 

Khi cả nam và nữ bị cuốn hút và chi phối bởi tám thứ trói buộc này, lẽ tất nhiên nhận thức sẽ bị hôn ám và yếu tố lý trí có mặt rất ít trong quan hệ yêu đương. Nếu như không có sự điều phối của các học giới, các chuẩn mực đạo đức căn bản của một con người thì sức mạnh của sắc dục thật sự ghê gớm. Phật dạy: Ta không thấy một sắc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, sắc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông(46) và ngược lại. 

Một khi sắc dục lên ngôi và nhận thức đi xuống, đó là dấu hiệu báo trước sự khập khiễng, gập ghềnh trong quan hệ hôn nhân.

Thứ ba, với thời đại mà cái gì cũng nhanh thì đôi khi lý trí, sự thẩm xét không theo kịp quyết định của con người, kể cả việc chọn người phối ngẫu. Ngày nay, các phương tiện học thuật, các kênh truyền thông có thể cung cấp cho con người thông tin về mọi thứ, chỉ trừ… thông tin về nhau. Thông tin này mỗi cá nhân phải tự mình tìm hiểu. Trong môi trường sống của từng gia đình, mỗi cá nhân có thể hấp thụ những thói quen, giá trị sống, văn hóa vùng miền, quan hệ dòng tộc, xã hội... không giống nhau, nên sẽ hình thành những tính cách khác nhau. Chỉ biết người mình yêu mà không hiểu rõ hoàn cảnh sống cũng như các điều kiện khác, là thiệt thòi và bất hạnh lớn trong hôn nhân. 

Đôi khi, người viết có cảm giác các đôi nam nữ ngày nay tuy yêu nhau nhưng vẫn lười tìm hiểu về nhau. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho củi lửa hạnh phúc mau chóng lụi tàn, và tình yêu như khói, bay xa.

Thứ tư, bối cảnh sống của xã hội hiện tại dễ tạo cho con người một sự căng thẳng và lo âu thường trực. Sự căng thẳng và âu lo đó đến từ nhiều nguồn khác nhau, làm cho khả năng chịu đựng của con người thời nay kém hẳn. Nói rõ hơn, ở thời nay, khả năng kham nhẫn của con người rất kém. Một khi không có khả năng kham nhẫn, con người dễ bị mất kiểm soát bản thân. Khi bản thân đã mất kiểm soát, đố ai có thể đoán được chuyện gì sẽ xảy ra. 

Kém kham nhẫn, sống không tuân theo các chuẩn mực đạo đức của một người bình thường, là các nguyên nhân khiến cho quan hệ hôn nhân ngày nay xuống dốc, thậm chí còn gây ra những tội ác chưa từng xảy ra trong lịch sử quan hệ vợ chồng.

Thứ năm, yếu tố bao dung ngày nay càng trở nên một đức tính quý hiếm trong các mối quan hệ xã hội nói chung và vợ chồng nói riêng. Cần phải thấy, làm người thì ai cũng có sơ suất, lỗi lầm. Lỗi lầm đó có thể do cố ý hay vô tình, hoặc do những lý do không tiện nói ra. Biết tha thứ cho nhau là cả một nghệ thuật và là một sự nỗ lực cao độ của cả hai người. Buông bỏ, tha thứ cho nhau từ những lỗi lầm đơn giản để cùng sống hạnh phúc, cho đến buông bỏ những tư tưởng xấu ác, hận thù nếu như sau hàng loạt những nỗ lực hàn gắn, mà hai người vẫn không còn duyên để đến với nhau là điều hết sức cần thiết và quý báu.

Hạnh phúc hay không là do duyên. Đơn giản là vậy. Duyên đó nằm trong tay của mỗi người. Để có được một mối quan hệ hôn nhân hạnh phúc và bền vững, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của hai cá nhân trong việc thực hiện trọn vẹn vai trò và bổn phận của mình vừa được phân tích ở trên. Với quan hệ hôn nhân ngày nay, cần phải chiêm nghiệm sâu thêm những lý do khiến cho quan hệ hôn nhân mau chóng tan rã như vừa được trình bày. 

Được sống và sống hạnh phúc là lý tưởng vươn tới của bất cứ ai khi sống trong đời. Lý tưởng ấy được Phật chấp nhận và cầu mong mỗi chúng sanh luôn tìm được ý nghĩa sống đích thực của đời mình.

Nguon NSGN

_______________

(1) Kinh Tăng chi, chương 2 pháp, phẩm Lạc. Nguyên văn: Lạc tại gia và lạc xuất gia.

(2) Kinh Tăng chi, chương bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Không nợ. Nguyên văn: Có bốn loại an lạc, này gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn? Lạc sở hữu, lạc thọ dụng, lạc không mắc nợ, lạc không phạm tội.

(3) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Đế Thích sở vấn

(4) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, kinh Xứng đôi.

(5) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Khởi thế nhân bổn

(6) Kinh Trung bộ, tập 3, Kinh Tiểu nghiệp phân biệt.

(7) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, kinh Xứng đôi. Nguyên văn: cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ.

(8) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Bốn nghiệp công đức.

(9) Kinh đã dẫn.

(10) Kinh Tương ưng, tập 1, chương III,  Tương ưng Kosala, phẩm thứ ba, Tổ Mẫu.

(11) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu, Người Koliya

(12) Luật tứ phần, quyển 2, chương V, Ba Dật Đề,  HT. Thích Đỗng Minh, dịch. NXB. TP. HCM 2006, tr.29

(13) Kinh Trường bộ, tập 1, kinh Sa Môn quả.

(14) Kinh Tương ưng, tập 4, Thiên sáu xứ, chương 8, Tương ưng thôn trưởng, kinh Gia tộc.

(15) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Giáo thọ thi ca la việt.

(16) Xem thêm: Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Không hý luận, kinh Tinh túy của sự nghiệp. Nguyên văn: Phẫn nộ là nữ nhân, này Ananda. Tật đố là nữ nhân, này Ananda. Xan tham là nữ nhân, này Ananda. Ác tuệ là nữ nhân, này Ananda. Ðây là nhân, đây là duyên, này Ananda, nữ nhân không ngồi giữa pháp đình, không có dấn thân vào sự nghiệp, không đi đến tinh túy của sự nghiệp.

(17) Kinh đã dẫn.

(18) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Giáo thọ thi ca la việt.

(19) Kinh Tương ưng, tập IV, Thiên sáu xứ, chương III, Tương ưng nữ nhân, phần 1, phẩm Trung lược, kinh Đặc thù.

(20) Kinh Tương ưng, tập 1, Tương ưng chư thiên, phẩm Vườn hoan hỷ, kinh Giai cấp sát đế lỵ.

(21) Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Ngày trai giới, kinh Ở đời này.

(22) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Ngày trai giới, kinh Tôn giả Anuruddha

(23) Kinh Tương ưng, tập IV, Thiên sáu xứ, chương III, Tương ưng nữ nhân, phần 3, phẩm Các sức mạnh, kinh Nhân.

(24) Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Ngày trai giới, kinh Ở đời này

(25) Kinh Tương ưng, tập 4, Thiên sáu xứ, chương 3, Tương ưng nữ nhân, phần 3, phẩm Các sức mạnh, kinh Sự kiện.

(26) Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, Phẩm Sumanà, kinh Uggaha, Người gia chủ.

(27) Kinh đã dẫn.

(28) Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Ngày trai giới, kinh Tôn giả Anuruddha.

(29) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Giáo thọ thi ca la việt.

(30) Kinh Tương ưng,  tập 4, chương 3, Tương ưng nữ nhân, kinh Họ đuổi đi.

(31) Kinh đã dẫn.

(32) Kinh Tương ưng, tập 4, chương 3, Tương ưng nữ nhân, phần 1, phẩm Trung lược, kinh Khả ý và không khả ý.

(33) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Giáo thọ thi ca la việt.

(34) Kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Không tuyên bố, kinh Các người vợ

(35) Kinh đã dẫn.

(36) Kinh Tương ưng, tập 4, Thiên sáu xứ, chương 3, Tương ưng nữ nhân, phần 1, phẩm Trung lược, kinh Đặc thù.

(37) Kinh Tăng chi, chương Hai pháp, phẩm Người.

(38) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Không hý luận, kinh Người vợ trẻ.

(39) Kinh Tăng Chi, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, kinh Sống chung 1.

(40) Kinh đã dẫn

(41) Kinh đã dẫn

(42) Kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Không tuyên bố, kinh Các người vợ.

(43) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, kinh Sống chung 1.

(44) Kinh đã dẫn

(45) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Lớn, kinh Nam nhân trói buộc.

(46) Kinh Tăng chi, chương Một pháp, kinh Nữ sắc.

 

 

[ Quay lại ]