headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 20/11/2024 - Ngày 20 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Trung luận

botatlongthoChân Hiền Tâm

Trung luận, do Bồ-tát Long Thọ làm ra. Được viết dưới dạng kệ tụng. Có khoảng 500 bài kệ. Mỗi bài kệ có 4 câu.

Cuốn Trung luận trong đó có phần văn xuôi giải thích - được ngài Cưu-ma-la-thập dịch từ Phạn sang Hán, đệ tử là Tăng Duệ phân phẩm, đặt đề tựa và viết bài tựa - là của Phạm chí Thanh Mục. Phạm chí là người tin hiểu thâm pháp nhưng văn từ không được trau chuốt chính xác, có chỗ còn trái, khi thiếu, khi trùng. Pháp sư Cưu-ma-la-thập đã cắt xén và bổ xung để lý được phù hợp với văn kinh. Song văn từ vẫn có chỗ thừa chỗ thiếu chưa được toàn vẹn.[1]

Các bản luận giải ở Việt Nam gần đây, thường dựa vào các bài kệ lấy trong bản luận giải này. 

Bồ-tát Long Thọ

Bồ-tát Long Thọ, là Tổ thứ 14 trong 33 vị Tổ Thiền tông Ấn Hoa. 

Ngày còn nhỏ, ngài rất thông minh. Nghe Phạm chí đọc tụng bốn bộ Vệ Đà liền thuộc.

20 tuổi chu du khắp nơi học các pháp thuật của ngoại đạo như sấm ký, toán số, thiên văn v.v… Học được phép tàng hình, nên cùng với ba người bạn vào cung vui vầy với các cung nữ. Bị vua bắt gặp, ba người bạn bị chém, ngài thoát được. Nhận ra ái dục chỉ mang đến đau khổ cho con người nên vào rừng ẩn tu. Lúc ấy, đệ tử có khoảng 500 người.

Sau khi được Tổ thứ 13 là Ca-tì-ma-la giáo hóa và truyền tâm ấn làm Tổ thứ 14, ngài đi khắp nơi truyền bá giáo pháp Đại thừa. Mục đích là chỉ cho chúng sinh nhận ra được Phật tánh của chính mình, đó mới là phước báu quí nhất đời người.

Khi giảng pháp, ngài thường nhập Nguyệt luân tam muội mà giáo hóa. Người nghe pháp chỉ thấy tướng trăng tròn hiện trên không trung, không thấy hình tướng ngài mà chỉ nghe tiếng thuyết pháp.

Tổ thứ 15, khi ấy còn là một thanh niên con nhà trưởng giả, theo nghe pháp, đã giải thích: “Đây là Bồ-tát thị hiện để biểu thị Phật tánh. Mặt trăng tròn là nghĩa Phật tánh rỗng rang sáng suốt”. Đề-bà vừa dứt lời thì vầng trăng ẩn mất. Bồ-tát hiện ngồi an nhiên chỗ cũ và làm bài kệ:

Thân hiện tướng trăng tròn

Để nêu thể chư Phật

Thuyết pháp vô hình ấy

Dùng nói phi thanh sắc [2]

Thể chưa Phật, còn gọi là Phật tánh, Tri kiến Phật, vô sinh, tánh không v.v… Đó là cội nguồn chân thật của tất cả pháp. Là những gì mà Trung luận muốn hiển bày qua con đường lý luận, hầu giúp người đời nhận ra tánh thực của tất cả pháp.

Khi mất, ngài cũng dùng loại tam muội ấy, hiện thần biến mà đi.

Y cứ của Trung luận

Trong Thuận Trung luận nghĩa nhập đại Bát-nhã  ba-la-mật kinh của ngài Vô Trước,[3] có ghi lại cuộc đối thoại giữa đức Phật và vua trời Đế Thích như sau:

- Này Kiều Thi Ca ! Ở đời vị lai, thiện nam tử và thiện nữ nhân, tùy theo ý hiểu của mình, vì người mà thuyết Bát-nhã ba-la-mật. Người đó chỉ thuyết tương tợ Bát-nhã ba-la-mật không phải là chân thật Bát-nhã ba-la-mật.

Vua Đế Thích hỏi:

- Bạch Thế Tôn, thế nào là chân thật Bát-nhã ba-la-mật mà thuyết thành tương tợ Bát-nhã ba-la-mật?

Phật trả lời:

- Người đó thuyết sắc vô thường… cho đến thức vô thường. Như thế mà thuyết về khổ, vô ngã, bất tịch tĩnh, không, vô tướng, vô nguyện. Như thế mà thuyết cho đến Nhất thiết trí. Người như vậy chẳng biết phương tiện, vì có sở đắc.

- Bạch Thế Tôn ! Thế nào là chân thật Bát-nhã ba-la-mật?

- Này Kiều Thi Ca! Sắc còn không có, chỗ nào có thường và vô thường? Như thế cho đến không có Nhất thiết trí, chỗ nào có thường cùng vô thường? Này Kiều Thi Ca ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy người tu hành Bát-nhã ba-la-mật mà thuyết Bát-nhã ba-la-mật thì nói như vầy: “Này thiện nam tử! Tu hành Bát-nhã ba-la-mật, không có chút pháp có thể xả. Tâm ông chớ trụ trong chút pháp đó. Vì sao? Vì trong Bát-nhã ba-la-mật như thế không có chánh pháp. Nếu vượt ngoài pháp thì đó là không pháp, trụ ở chỗ nào? Vì sao? Này Kiều Thi Ca ! Như tất cả pháp tự thể tánh không. Nếu tất cả pháp tự thể đã không thì pháp không có tự thể. Nếu không có tự thể, gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Nếu là Bát-nhã ba-la-mật thì pháp đó không có chút pháp có thể thủ, có thể xả. Như sinh, như diệt, như thường, như đoạn, như nhất nghĩa, như dị nghĩa, như đến, như đi. Đó là chân thật Bát-nhã ba-la-mật.

Đoạn kinh trên cho thấy Trung luận y cứ trên Bát-nhã ba-la-mật mà lập, cùng tinh thần với Bát-nhã ba-la-mật. Là mật ý phá tướng hiển tánh.[4]     

Do đâu có tên Trung Luận?

Đã được nói khá rõ trong bài tựa của ngài Tăng Duệ: “Lấy Trung làm tên để chiếu soi cái thật. Dùng Luận mà gọi để thấu hết ngôn từ. Cái thật nếu không có tên thì không thể biết, nên gá vào Trung mà nói. Ngôn từ nếu không giải thích thì chẳng thấu suốt, nên phải mượn Luận làm rõ”.

Trung, không phải là giữa mà không thuộc nhị biên phân biệt.

Nhị biên phân biệt là hai bờ mé đối đãi như sinh và diệt, thường và đoạn, ngắn và dài v.v… nói “phân biệt” vì chúng do tâm phân biệt mà có.

Kinh luận thường dùng 4 từ vô, bất, phi, ly đặt trước các khái niệm đó để diễn cái nghĩa “không thuộc nhị biên phân biệt”. Đó là cách trả lời của ba đời chư Phật cho vấn đề thực tánh.[5] Trong Lăng Già Tâm Ấn, Phật dùng cả 4 từ đó để trả lời 108 câu hỏi của ngài Đại Huệ. Trả lời câu “sinh” là “bất sinh”, câu “thường”[6] là “vô thường”, câu “sát na” là “phi sát na”, câu “tự tánh” là “ly tự tánh”. Đại Sư Hàm Thị bàn rằng: “Đó là lời chỉ thẳng. Chỉ ngăn cái quấy kia mà không nói cái phải kia. Nếu có chỗ phải thì khác nào cái quấy. Như vàng làm đồ trang sức. Vàng không phải bình, không phải xuyến, không phải thoa, khiến người ngay đó thấu suốt. Nói “không phải” nghĩa là không phải bình, không phải xuyến, không phải thoa để rõ nó là vàng vậy”.

Để diễn bày nghĩa đó, Trung luận dùng tám chữ “bất”, gọi là Bát bất:

                    Bất sinh diệc bất diệt

                    Bất thường diệc bất đoạn

                    Bất nhất diệc bất dị

                    Bất lai diệc bất khứ

        Dịch:

                    Chẳng sinh cũng chẳng diệt

                    Chẳng thường cũng chẳng đoạn

                    Chẳng một cũng chẳng khác

                    Chẳng đến cũng chẳng đi

Tánh thể vô sinh không có tự tánh, bất giác mà khởi cái thấy hư vọng (Năng kiến tướng) cùng cảnh giới hư vọng (Cảnh giới tướng).[7] Như ngủ mê rồi mộng mà thấy có ta, có người, có đến, có đi. Từ đó mới có sinh, có diệt... Đều là cái thấy của người trong mộng, do vô minh bất giác mà có. Tánh thể vô sinh chẳng sinh, chẳng diệt, chẳng thường, chẳng đoạn... Cho nên, thấy đoạn thấy thường mà thật không có đoạn thường, thấy sinh thấy diệt mà thể tánh vốn vô sinh. 

Hoàng Bá nói: “Chỉ cần ông không tạo ra Phật kiến thì không rơi vào Phật biên. Không tạo ra cái thấy chúng sinh thì không rơi vào giới hạn chúng sinh. Không gây ra cái thấy có thì không lạc vào giới hạn của có…”.[8] Cho nên, phủ định các tướng nhị biên là để hành giả không trụ tâm nơi các biên đó. Không trụ các biên tức là trụ chỗ vô trụ. Vô trụ, nên nói trụ mà thật là không có năng trụ, sở trụ. Là chứng nhập thể tánh vô sinh của chính mình, cũng là thể tánh của tất cả pháp.

Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lục Tổ hỏi thượng tọa Minh: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh?”. Thiện và ác là nhị biên phân biệt. Không nghĩ thiện không nghĩ ác là đang ứng dụng Trung đạo. Nếu ngay đó có thể liền nhận thì Trung đạo chính là vô sinh. Không thể liền nhận thì Trung đạo là con đường mà hành giả phải đi qua nếu muốn thành tựu quả Phật, không có đường nào khác. Giải quyết xong cái tâm sinh diệt của phàm phu thì cũng không an trụ nơi cái tâm không tịch của Nhị thừa. Tâm vô trụ thì tương ưng với thể vô trụ. Tâm vô sinh thì tương ưng với thể vô sinh. Đó chính là tánh thể của tất cả pháp.

Nhân duyên lập ra Trung luận

Tăng Duệ viết: “Trung luận nhằm chỉnh lý nội giáo, khai thông bế tắc”. Nội giáo nói đây, chỉ cho phần giáo thuyết cũng như tu chứng của hàng Nhị thừa, lấy quả vị La Hán và Độc Giác làm chỗ an trụ tối cùng. Ngoài ra còn chỉ cho hàng Bồ-tát chưa chứng nhập được cái nhân vô sinh (Phật tánh). Ngài Tăng Duệ gọi chung là “hàng không tịch”.

Vì sao phải khai thông?

Vì quả chứng của hàng Nhị thừa chỉ mới là hóa thành chưa phải bảo sở.

Vì quả chứng đó chỉ mới phá được ngã không, chưa thấu được pháp không.

Vì chứng quả vị đó rồi, cũng mới thoát được cái khổ của Phần đoạn sinh tử, chưa thoát được cái khổ của Biến dịch sinh tử.[9]

Vì chư vị chưa thấy được Phật tánh, là cái nhân vô sinh để có cái quả là niết bàn Phật.[10]

Vì chư vị chưa thấu được lý duy tâm duy thức, vẫn thấy ngoài tâm có pháp, vẫn chưa thể thấy tánh niết bàn sinh tử vốn không hai. 

Trung luận vì đó mà hiển bày. Nhằm khai thông sự ngưng trệ.

Đối tượng của Trung luận

Duyên khởi của Trung luận như vậy, nên Trung luận không phải là bộ luận mang tính phổ thông đại chúng, cũng không phải là bộ luận dành cho hàng phàm phu chưa có niềm tin sâu xa đối với Phật pháp.

Đọc Trung Luận mà thấy khó tin, khó hiểu hay cho nó như trò đùa rồi sinh tâm phỉ báng, xét ra không phải là chuyện khó hiểu. Chỉ vì dụng pháp không đúng duyên. Nói chính xác là chưa đủ duyên để đọc nó nên mới phát sinh những sự việc như thế.

Vì chưa đủ duyên mà thành khó hiểu, nên việc khó hiểu trong hiện tại không có nghĩa là sẽ khó hiểu trong tương lai, khi đã đủ duyên.

Tâm thức chúng ta không thường hằng, mọi thứ đều có thể thay đổi, nên trước chưa tịch tĩnh, sau vẫn có thể tịch tĩnh, chưa tịch tĩnh được toàn phần thì tịch tĩnh một đôi phần. Việc tu hành không tích tụ trong một đời, Bồ-tát ra đời cách ấm còn mê, nên trước không thâm nhập được kinh luận không có nghĩa là sau cũng không thậm nhập được kinh luận. Trí tuệ không lệ thuộc vào thân tướng bên ngoài, nên Trung luận không giới hạn cho xuất gia hay tại gia… Cho nên, đừng bao giờ ngừng đọc nó khi có duyên gặp lại. Bởi mọi thứ đều có thể thay đổi khi tâm thay đổi.

Luận giải của Trung luận

Trung luận, tinh thần chính của nó là hiển bày tánh thể vô sinh của tất cả pháp thông qua Trung đạo và bằng con đường luận lý. Vì thế, cũng là luận nhưng luận của Trung luận là dùng lý luận để biện biệt đúng sai, phát minh chánh lý.

Trung luận, y Bát-nhã mà lập, nên những gì thuộc mặt hiện tượng đều được phân tích phá bỏ. Phá, nhằm hiển bày thực tánh của những hiện tướng đó. 

Trung luận, muốn giúp cho hàng không tịch hiểu không phải chỉ có “ngã” không mà “pháp” cũng không, nên dù là lý Nhân duyên – Thực lý mà Phật đã nói trong các kinh thuộc hệ A-hàm như sau: “Do duyên sinh, lão tử có mặt. Dù chư Như Lai xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời, bản chất các pháp vẫn là thế, vẫn quyết định tánh ấy, vẫn theo duyên như thế” - vẫn được mang ra phân tích, để thấy từ nhân đến quả, không hề tìm thấy một tướng sinh nào như chúng ta vẫn lầm nghĩ, vẫn cho là có nhân duyên sinh pháp, gắn cho nhân duyên một tánh thực. Tất cả đều là biến hiện của tự tâm, do bất giác mà có, không có chất thực, như ngủ rồi mộng.

Hỏi: Đã nói “vẫn quyết định tánh ấy, vẫn theo duyên như thế”, sao lại nói là lầm nghĩ?

Đáp: Ngài Tăng Duệ nói: “Cái ngộ thiên không khởi từ cái trí yểm lý.[11] Kẻ tiết tháo vì đó mà thành trái”. Kẻ tiết tháo thì không phải là hạng tà hạnh, tầm thường, nhưng vì lấy hóa thành làm bảo sở, nhận chỗ chưa rốt ráo làm chỗ rốt ráo mà thành trái. Như đi từ Sài Gòn về Vũng Tàu đều phải qua Long Thành, Bà Rịa. Đi như thế không trái. Trái chỉ xảy ra khi cho Long Thành hay Bà Rịa là Vũng Tàu. Đây cũng vậy, một khi đã mê rồi mộng thì khi đang trong mộng, mọi hành tác đều bị chi phối bởi lý Nhân duyên. Không có thứ gì vận hành không theo qui luật ấy, nên nói “Vẫn quyết định tánh ấy, vẫn theo duyên như thế”. Nhưng mộng không phải thực, chỉ là sự biến hiện của tự tâm. Thành nói “quyết định”, nói “theo duyên như thế” tuy cho thấy lý Nhân duyên là chánh lý, nhưng chỉ là chánh lý của người trong mộng. Giờ phá là để giúp chúng sinh tỉnh mộng. Hầu nhận ra những gì chúng sinh cho là thực chỉ là những biến hiện của tự tâm, do sức ngủ vô minh mà có.

Nhận ra thì mới trực nhận được “Pháp do nhân duyên sinh / Ta nói tức là không”.[12] Không, thì không có tâm chấp thủ đối với các pháp. Không chấp ngã thì không có ba cõi (hữu).[13] Không thủ niết bàn thì mới chứng được tánh thể vô sinh, nhập được niết bàn vô trụ xứ. 

Nói Phá Nhân Duyên, Phá Tứ Đế, phá Pháp hay Phá Niết Bàn…[14] chính là phá đi sự chấp thủ đối với các pháp ấy.

Kết luận

Nắm được tinh thần chung của Trung luận không khó. Nhưng theo cho được lý luận của Trung luận mới có thể nhận ra cái hay của Trung luận, mới thấy cái nhìn của mình hạn cuộc đối với các pháp ra sao. Vì thế, đọc Trung luận không thể bỏ qua phần luận lý, giúp phá bỏ cái trí an trụ nhị biên, hiển bày con đường Trung đạo, thâm nhập đạo lý vô sinh. 


[1] Bài tựa giới thiệu Trung luận của ngài Tăng Duệ.

[2] Sử 33 Vị Tổ Thiền Thiền Tông Ấn Hoa – HT Thích Thanh Từ. 

[3] Đại Tạng Kinh – cuốn 30 – Kinh hiệu số 1565

[4] Nguồn Thiền – Đại sư Tông Mật – HT Thích Thanh Từ dịch giảng.

[5] Lăng Già Tâm Ấn ghi: “Từ 108 câu ở trên, như chư Phật đã nói: Câu “sinh” là bất sinh…”.  

[6] Ngoại đạo chấp có tánh thường nên nói vô thường.

[7] Luận Đại Thừa Khởi Tín cuốn I – Bồ-tát Mã Minh.

[8] Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông – Cư sĩ Tăng Phụng Nghi giải – thiền sư Nhẫn Tế dịch – Nhà xuất bản Tôn giáo phát hành. 

[9] Luận Đại Thừa Khởi Tín cuốn II – Bồ-tát Mã Minh.

[10] Lăng Già Tâm Ấn ghi: “Phật tánh là nhân. Niết bàn là quả”. 

[11] Bài tựa viết cho cuốn Trung luận của ngài Thanh Mục.

[12] Trung luận - phẩm Tứ Đế - Bồ-tát Long Thọ.

[13] Thập nhị duyên sinh: Do “Ái” và “thủ” mà đưa đến “hữu”.  

[14] Các đề tựa trong Trung luận.

[ Quay lại ]