headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Lời dạy của Đại sư Hám Sơn

hangnuiNi sư Hạnh Huệ dịch  

Dạy Thiền Nhân Tịch Giác lễ Phổ Đà

Thiền nhân Tịch Giác sắp về phương Đông lễ Phổ Đà, xin dạy một lời quan trọng để hành khước. Lão nhân dạy rằng: - Người xưa xuất gia đặc biệt vì việc lớn sanh tử nên đi các nơi hành khước, tham phỏng thiện tri thức, lên núi xuống sông, đến lúc triệt ngộ mới thôi. Nay người xuất gia mang suông cái tên hành khước, năm nay lên Ngũ Đài, Nga My, sang năm đến Phổ Đà, Phục Ngưu. Miệng nói là viếng danh sơn, tùy hỉ đạo trường, kỳ thực không biết danh sơn là vật gì ?

 Đạo trường là việc gì? Lại chẳng biết người nào là thiện tri thức. Chỉ nhớ non cao, nước sâu, cháo cơm tùng lâm ngon dở mà thôi. Cứ lo chạy khắp thiên hạ, không có một lời trở về núi nhà nữa, chẳng đáng thương sao? Biển Nam không bờ là biển sanh tử sóng trôi, màu núi Phổ Đà là pháp thân Đại sĩ thường trụ, biển động tiếng hải triều là đại sĩ Phổ Môn thuyết pháp. Thiền nhân nếu quả muốn qua biển sanh tử, gặp Đại sĩ ở Phổ Môn, nghe pháp âm ở bờ biển, thì hãy nghe ngược lại tự tánh, không cần ra khỏi cửa một bước, hà tất phải đợi đến Phổ Đà mới thấy! Nếu chưa như thế, đường lộ xa xôi, tới lui uổng phí, Đại sĩ có hiện trên đỉnh đầu cũng chẳng nhổ nghiệp căn sanh tử cho ông được.

Thiền nhân tự nhận định xem! Nếu Đại sĩ có nói lời gì, trở về kể lại cho Lão nhân nghe. Cẩn thận chớ để uổng phí tiền giày cỏ.

Dạy Lương Trọng Thiên

Lương Tứ Tướng tự là Trọng Thiên, theo Lão nhân đi cả năm. Lão nhân mến tâm ông chất trực, khẳng khái. Mỗi lần thấy việc bất bình, chẳng kể làm được hay không, nếu là việc nghĩa có thể làm thì ông buông bỏ thân mạng mà gánh vác. Mỗi lần như thế, lão nhân đều trách ông nông nổi, vì có đạo thể mà thiếu công hàm dưỡng, gìn giữ đức hạnh, như cỡi tuấn mã mà không có dây cương, chẳng khỏi bị ngã ngựa. Lão nhân sắp đi, đưa nhau lên thuyền Thiều Dương, ông thỉnh pháp ngữ để sửa mình. Tôi bèn viết lời này gởi ông.

Tôi bảo:

- Lương Tử có đạo, chất trực không quanh co, đây là gốc đạo vậy. Khẳng khái gần như dũng mãnh, hấp tấp gần như từ bi. Quên mình để theo là không lượng sức. Chẳng xét rõ quyền biến, chẳng tìm gốc mà lo ngọn, đều do khí sốc nổi sai khiến, chẳng phải do đạo lực phát ra.

Thánh nhân đời xưa giao thiệp với đời, có “thể và dụng” hoàn toàn, nên ứng xử đúng lúc như gương sáng soi rõ đẹp xấu, cân nhắc để định khinh trọng, thật chẳng lạm dụng khí huyết.

Lương Tử từ nay về sau, trước hết nên tẩy trừ tập khí, dụng tâm sâu vào đạo, đem câu “Bổn lai vô nhất vật” của Lục Tổ đặt trong ngực, giờ giờ khắc khắc để ý chỗ niệm khởi, không luận thiện ác, cứ đem thoại đầu đập một phát, ngay đó tiêu vong. Ông hãy miên miên mật mật, đem thoại đầu này làm bổn mạng nguyên thần, lâu ngày thuần thục tự nhiên tâm cảnh rỗng rang. Hễ gặp động tĩnh lăng xăng thì thoại đầu hiện tiền liền, tức là chiếu dụng phân minh chẳng loạn, định lực gìn giữ, tự không rơi trong giới lỗ mãng thô phù, chẳng chuyển theo gót người. Tức là đọc sách viết văn cũng không ngại bổn tham. Đọc xong, viết xong, buông xuống thì lại trở về Bổn lai vô nhất vật, tự nhiên trong ngực bình bình bén sát, lâu ngày chợt thấy vốn không tâm thể, như ở trong kho quang minh, khắp các lỗ chân lông đều là sự nghiệp lợi sanh, lại còn thân mạng nào để buông bỏ? Dụng tâm như thế, gìn giữ trưởng dưỡng, tâm tính sẽ hiện tiền, xem sách tức cùng thánh nhân tâm tâm soi chiếu, viết văn là từ tự tánh tuôn ra. Đây là việc đúng khả năng của bậc trượng phu khẳng khái. Nghĩa là chốt cửa đã được vào khớp, đã được ứng dụng vô cùng, thì chỗ kiến lập công nghiệp đều thành bất hủ.

Lương Tử đã có căn bản, lại lo gì mà chẳng làm đi!

Dạy Lưu Trọng An

Tôi ở Ngũ Dương, một thuở có chúng đi theo, gặp được Lưu Tử, xương cứng, khí vận hồn hậu, có thể bảo là xưa đã đủ duyên Bát-nhã, có chủng tử gần với đạo. Tôi sắp đi Nam Nhạc, Lưu Tử đưa đến thuyền, xin chỉ dạy, thưa:

- Đệ tử đạo tâm rất tha thiết, nhưng vì tập khí cũ nồng hậu, bị vọng tưởng quấy nhiễu, không thể buông bỏ ngay mà hướng thượng. Mong Thầy chỉ dạy.

Tôi bảo:

- Ông biết vọng tưởng thì vọng tưởng tự nó không thể quấy rối. Đã gọi là vọng tưởng thì vốn không có thể thật, ví như hoa đốm ở hư không, đâu thể kết thành trái ở hư không được? Do ông không đạt vọng tưởng vốn là không, cho nó là pháp thực, cùng nó đối đãi, niệm niệm chen lẫn, dồn dập tuyệt không có lúc một niệm dừng nghỉ. Thế thì chỉ do vọng tưởng làm chủ mà bổn thể bị chôn vùi, vì thế thấy đến đạo rất khó. Há ông không thấy tăng hỏi Cổ Đức:

- Lúc vọng tưởng chẳng dừng thì thế nào?

Cổ Đức nói:

- Vọng tưởng chẳng ác.

Lục Tổ ở trên hội ngài Hoàng Mai, chỉ nói câu: Bổn lai vô nhất vật. Ông từ hôm nay dụng công phu, chỉ nên đem câu Bổn lai không làm thoại đầu, trong mười hai giờ thiết tha tham cứu. Chỉ cần xem chỗ khởi của vọng tưởng, chớ lưu chuyển theo nó, ngay đó đánh một cái, tự nhiên quét sạch mọi dấu vết.

Dạy Thiền Nhân Song Luân Chiếu

Thiền nhân Song Luân Chiếu đến tham vấn. Lại bảo: “Sắp ẩn cư trong núi, riêng tham cứu việc hướng thượng, xin Lão nhân pháp trụ núi”.

Nhân đó dạy rằng:

- Cổ nhân trụ núi là chỗ bỏ thân mạng lớn, đâu phải việc nhỏ, chuyên yếu khéo dụng tâm mình. Pháp dụng tâm, đơn đề một niệm hướng thượng. Phải thẳng hướng chỗ Phật Tổ chẳng dung, đứng vững gót chân. Kế đó cần đem hết tất cả tri kiến, lời huyền, tiếng diệu tạp độc trong lòng, nhất tề mửa bỏ. Tiếp đó biết được bổn thể trọn không một pháp. Chẳng thể bị bóng dáng tập khí vọng tưởng làm phát sanh các thứ cảnh giới, làm hoặc loạn chánh niệm. Rồi cần phải khán thoại đầu bổn tham. Như công án “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, cái gì là bổn lai diện mục?” của Lục Tổ, cực lực đưa lên nhắc nhỏm.

Nếu có tất cả ác tập hiện tiền, liền đem một lời “Bổn lai không” khán phá. Cần chẳng được theo nó lưu chuyển, tương tục, cắn chặt hàm răng. Chỗ này nhất định nắm đứng, mới chẳng bị nó cướp đoạt. Dụng tâm như thế, mới là giờ giờ tỉnh tỉnh, chỗ chỗ ra sức, nếu dụng tâm ra sức thái quá, thì tâm giải đãi sanh, liền khởi hôn trầm nặng nề. Lúc này chỉ cần mau chóng vận dụng tinh thái. Chẳng thể rơi vào trong hang ổ hôn trầm, phải mau trì chú. Nương sức chú này, đủ địch ma này. Vì trong tàng thức tập khí ác nhiều đời, nay bị thoại đầu bức bách xuất hiện biến hóa thành cảnh giới vô cùng. Tất cả cảnh ma từ vọng tưởng sanh. Tất cả hôn trầm từ tán loạn sanh, chính ngay lúc dụng tâm, chợt có một niệm tán loạn liền rơi vào hôn trầm. Đây phải khéo biết. Tứ liệu giản “tịch tịch, tỉnh tỉnh” của Vĩnh Gia rất là thiết yếu. Cổ nhân dụng tâm, chỉ đem một câu thoại đầu bổn tham dựa chắc như vách sắt, núi bạc. Nếu đem chỗ một niệm không sanh cũng là đắc lực, chẳng nên cho là hội được cứu cánh.
Ngay đến công phu nhậm vận hồn nhiên chẳng nhờ tư duy, một niệm hoát nhiên thân tâm như thoát không, chỉ mới là chỗ công phu bắt tay vào, cũng chưa là cứu cánh. Nếu đến đây, có thể tự nhiên khinh an tự tại liền sanh hoan hỷ. Nhưng đây là việc bổn phận của mình, chưa có gì kỳ đặc. Nếu sanh ý tưởng kỳ đặc liền rơi vào ma hoan hỷ, rồi khởi tri giải cuồng điên vô cớ. Cửa này rất nguy hiểm. Lão nhân chỗ này đều có thử cả.

Xưa nói:

                Cây khô trước núi nhiều đường tẻ
                Người đi đến đấy thảy sa đà.
                (Khô mộc nham tiền thố lộ đa
                 Hành nhân đáo thử tận sa đà.)

Chẳng phải là việc nhỏ, cho dù có sức vượt qua các thứ cảnh giới, chính nên tu hành, chính nên bảo hộ, chưa phải là đến nhà. Nếu cho đây là đủ, liền khởi các thứ niệm về chuyện ngũ dục thế gian. Cửa này rất khó qua. Trăm người chỉ qua được một, hai. Sở dĩ chẳng đến được ruộng đất cổ nhân, chính là lỗi lầm được ít cho là đủ. Dù người học các ông khổ tâm một đời được đến đất này, nếu bị ác tập này lôi kéo, vẫn là đọa lạc trong hầm sanh tử, công phu lúc trước vất bỏ hết, chẳng đáng buồn sao? Chuyện như thế, lời cổ nhân ghi chép không ít. Lão nhân lược nêu lên, vì trong đời mạt pháp khó được người học đạo chân chính, và cũng vì từng làm khách lãng tử, đáng thương!

Đại khái người xưa trụ núi chẳng phải nuôi dưỡng sự biếng lười mong khoái hoạt, mà riêng vì việc lớn sanh tử của chính mình, do đó chạy vào núi lạnh muôn trùng, tạo kế sống, không có gì khéo léo. Nếu tại đây lần lữa qua ngày, hao phí thời gian, há chẳng đáng buồn sao? Tuy nhiên dụng tâm sai biệt đã tự biết rồi. Trong núi những cảnh duyên huyễn biến trước mắt như nước chảy, gió thổi, vượn hú, chim hót, mây trôi, sương giăng; khua động ở trước, lại bị ồn náo tạp nhạp. Lời “Thấy đạo quên núi” của Vĩnh Gia cần phải xem kỹ.

Lão nhân ban đầu lúc ở Long Môn Ngũ Đài, dưới núi lạnh vạn trượng, trong khối băng tuyết như chôn người chết, núi lạnh thấu cả ngũ tạng, chỉ có một hơi thở nhỏ nhiệm, nhìn theo trong băng ra vào. Đến đây phản quan, tìm chỗ một niệm khởi của tự tâm trọn chẳng thể được. Cảnh này chính là duyên trợ đạo, lại lúc gió lớn nổi lên, tiếng rít cuồng nộ ở muôn hang, ngày đêm chẳng dừng, rồi tuyết tan, khe suối chảy, tiếng như sấm rền. Lại dường như thiên binh vạn mã phóng chạy. Cảnh giới tạp loạn như thế, ban đầu rất khó chống chọi. Nhân nghĩ người xưa có nói: “Nghe tiếng nước ba mươi năm không chuyển ý căn, có thể cho vào đạo”. Lão nhân bèn phát phẫn, ngồi ngay trên cầu độc mộc, trọn ngày nghe tiếng nước. Ban đầu om sòm rất khó tiêu, lâu dần quả thật hốt nhiên tịch diệt. Từ đây tất cả cảnh giới đều tịch diệt. Nghĩa là vạn cảnh vốn nhàn, chỉ người tự ồn náo. Đây lại là dụng công phu đệ nhất của đạo nhân trụ núi. Thiền nhân nhớ lấy, chớ bỏ qua.

[ Quay lại ]