Thời Gian Quí Báu
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 09 Tháng mười một 2013 14:26
Trích Sao trời mênh mông - Lâm Thanh Huyền - Hạnh Đoan lược dịch
Thiên có thiên lý. Nhân có nhân lý. Vật có vật lý
Cả đời Đại sư bận rộn suốt, do quí trọng và dùng thời gian nghiêm nhặt, Ngài đã sáng tạo ra phương cách sống và thực hiện chí nguyện hoằng pháp vượt hẳn người thường.
Đại sư tự hào nói:
-Tôi đề xướng kiếp người đến 300 tuổi, ý tôi muốn nói là chúng ta phải biết tận dụng thời gian, xài một giờ như ba giờ! Nếu biết dùng thời gian như thế thì cuộc đời một trăm năm của chúng ta chẳng phải thành là ba trăm năm hay sao? Thời gian, chính là thời cơ, mà thời cơ là cơ duyên, cơ duyên giúp cho cuộc sống có nhiều cơ may thành tựu.
Một khi ta buông thả dù chỉ một khoảnh khắc, thì thời gian mất đi không tìm lại được nữa, người nào không biết quí trọng thời gian thì sẽ tự làm lỡ rất nhiều cơ hội. Biết quí trọng thời gian là một đức tính, đây không phải là tính trời cho hay có sẵn, mà chính ta cần phải luyện tập, tự tạo cho mình thói quen tốt này. Thế nên, chúng ta cần ra sức tập luyện cho nhiều mới được.
Giống như khi ta đến tham quan nhà bếp, thấy Hành đường bày mấy mươi bộ chén đũa, xếp thật nhanh mà vẫn ngay ngắn không sai lệch; rồi khi nhìn người rót trà, thấy họ bê cái ấm to đùng, vòi ấm khẽ lay là trà đã bắn vào chén thật chuẩn, chén nào cũng đúng lượng bảy phân. Trà rót đủ cho mọi người thật nhanh và khéo. Còn khi quan sát nhà bếp, thấy từ người xắt gọt đến người đun bếp, người nấu nướng, ai cũng nhanh, giỏi một cách thần kỳ. Người không biết thì nghĩ: “Ối dào! Mấy cái tài này là do thiên phú cả, bọn họ sinh ra đã giỏi sẵn như thế rồi!” hoặc: “Sống tối ngày toàn chúi mũi vào mấy cái việc này thì làm sao mà không quen, không thạo chứ?” - Như thế là lầm, lầm to! - Việc gì cũng phải nhờ luyện tập, tất cả đều phải trải qua quá trình khổ luyện mới được thành thạo. Người chưa từng luyện tập nhìn vào thì thấy đó là tài, là hay!
Phàm làm việc, nếu dựa theo lý mà làm thì hành ít, được nhiều. Ngay từ hồi còn nhỏ tôi đã thích làm theo lý.
Như hành đường, tôi tính toán làm thế nào để nhanh và tiện. Sắp bát đũa không cần bê ra từng thứ mà tính khẩu phần xong thìø dọn ra một lượt. Tiếp thức ăn thì tôi chọn ở vị trí sao cho có thể tiếp đồ ăn mau lẹ. Còn ngồi nghe pháp thì tìm chỗ vừa mát lại nghe rõ, nghĩa là cứ theo lý mà làm.
Có nhiều người vào nhà ưa xem phong thủy, địa lý. Đây cũng là dựa vào nguyên tắc vật lý. Nhưng vật có cái lý của vật, nghĩa là quang cảnh phải minh chính, khí chất thông thoáng, mát mẻ, địa thế sáng sủa. Được vậy mới gọi là địa lý tốt, phong thủy lành. Còn như nhắm mắt nhắm mũi tin địa lý theo cách sợ tương khắc rồi xây nhà theo kiểu quái lạ hay địa thế nghiêng lệch, thì đây gọi là đi ngược địa lý, chẳng hiểu phong thủy tốt gì cả!
Còn nói về nhân lý, chẳng hạn như có nhiều Phật tử mộ đạo phát tâm ăn chay, ăn được thời gian thì thấy thân thể suy yếu liền đâm nản, vội kết luận là ăn chay không ích lợi, rằng: Phật chẳng linh! Cái này gọi là hành sự không hợp nhân lý. Vì ngày thường họ chẳng vận động, không chịu tập thể dục thể thao, không lưu tâm đến dinh dưỡng, cũng không biết cách tu trì, làm sao mà khỏe được?.. Còn như muốn sự nghiệp được phát, mà bản thân họ chẳng học nghề, cũng không có sở trường chuyên môn, lại chẳng giỏi kinh doanh, chẳng siêng làm việc, gì cũng không chịu phấn đấu, thì làm sao mà có thành quả tốt? Làm sao mà việc có thể thuận lợi theo ý mình được ?
Địa lý chẳng bằng nhân lý, nhân lý chẳng bằng thiên lý. Thiên lý là gì? Là nhân quả báo ứng không sai.
Theo lý nhân quả thì trên đời này không có gì là may mắn cả. Nếu như mọi việc ta làm đều hợp thiên lý, thì chẳng những mình bình an hạnh phúc mà còn có thể giúp cho chúng sinh được bình an hạnh phúc nữa!
Bàn đến cuộc sống, trước hết phải biết xử dụng ba khoảng: thời gian, không gian, nhân gian. Phải hiểu thời gian mất đi không quay lại, không gian mất thì không còn công dụng, nhân gian mất đi thì chẳng thể hồi phục.
Tiếp đến, phải chú ý đến Địa lý, Nhân lý, Thiên lý. Nếu thuận theo lý, chỗ nào cũng dụng tâm được thì khắp thân là tai mắt, chí nghiệp được mở rộng, đời sống tự nhiên an hòa thuận lợi.
Nói về việc quản lý đời sống, Sư phụ đưa ra vài ví dụ:
Giống như vũ sư dạy học trò khiêu vũ. Bắt đầu thì phải tập vũ bộ. Nghĩa là tập bước, tập xoay; khi nào thuộc nhuần nhuyễn các động tác thì xem như khiêu vũ đạt. Căn bản là trí nhớ phải tốt và có sở thích ưa khiêu vũ.
Cuộc đời cũng giống vậy. Học gì cũng chỉ là phương pháp, chẳng phải là đời sống của mình. Muốn hiểu được đời sống thì cần phải ngộ. Ngộ rồi thì từ đó về sau các vũ điệu của nhân sinh đều sẽ am tường rành rẽ, chẳng cần phải múa may bắt chước theo người.
Như chuyện làm bếp, bếp sư hạng nhất lãnh luơng mỗi tháng được hai trăm ngàn, vì họ có thể coi sáu bếp một lần. Đầu bếp hạng nhì lương tháng lãnh một trăm ngàn, vì họ coi bốn bếp một lần. Đầu bếp hạng ba lương tháng năm mươi ngàn, vì chỉ coi được hai bếp một lần. Như thế là rất công bằng. Đầu bếp hạng nhất cũng học từ một chảo, nhờ ngộ mà tiến bộ nhanh. Ví như ông ngộ ra rằng nước rất cần cho việc nấu nướng, vừa vào bếp là ông lo bắt nồi nước lên trước, rồiø tính toán xem việc nào cần làm trước thì sắp xếp cho thích hợp sao cho vừa tiết kiệm được thời gian, vừa lợi việc. Ông coi việc nấu nướng nhỏ nhặt cũng quan trọng như việc trị quốc tề gia và để hết tâm ý vào đấy, ông hiểu được tầm quan trọng của thời gian nên làm việc không lãng phí, biết cách liệu định nấu nướng thích ứng với món ăn, nhờ ngộ, nhờ có ý thức mà ông thành bếp sư thượng đẳng. Chẳng ngộ nhưng chịu nghe lời chỉ bảo, là đầu bếp hạng nhì. Còn không ngộ, không biết suy tính mà chẳng chịu nghe chỉ bảo, đó là đầu bếp hạng ba.
Sư phụ có vốn sống phong phú và khéo đưa ra những ví dụ linh động khế lý khế cơ, về chuyện nấu nướng thì sư phụ là một tay thượng thủ, song về việc khiêu vũ thì đúng là Ngài chưa kinh qua bao giờ, song Ngài phân tích vấn đề rất rành rọt.
Chẳng hạn như bàn về phép ứng xử, Ngài dạy:
Muốn làm người nhân cách cao thượng, thì phải ngộ, phải lưu tâm khi giao tiếp. Khách sắp đến, quí vị nên lo chuẩn bị bữa ăn trước để tiếp đãi chu toàn, sao cho khi khách đến mình chỉ việc ung dung cùng ngồi vào bàn cầm đũa với khách. Đừng để xảy ra tình trạng khách vừa tới nơi thì thấy quí vị đầu bù tóc rối, bận rộn tất bật và luống cuống bảo họ: “Ngồi chơi! Ngồi chơi nhé! Tôi đang lỡ tay..” làm thế khách sẽ áy náy, không được thoải mái.
Còn như quí ông mỗi ngày ra ngoài làm việc kiếm tiền về nuôi gia đình, nhưng chỉ đem tiền về thì chưa đủ gọi là đức lang quân tốt, mà phải ngộ, nghĩa là quí vị nên mang về kèm theo một chút vui tươi thân ái góp thêm sức sống cho gia đình.
Những chuyệân đời, từng cách ứng xử nhỏ nhặt, Đại sư đều để tâm tư duy, nghiền ngẫm; Ngài luôn lo nghĩ cho chúng sinh, hằng mong họ sống hạnh phúc dù ở đời hay đạo.
Phải biết thời giờ là vàng bạc
Thời gian, nhân gian, không gian, ta phải biết tạo ra để tận dụng cho thật hữu ích. Phải hiểu là thời giờ rất quan trọng và quí giá. Quí vị sẽ thấy rõ sự quí báu của thời gian, như khi quí vị tu, niệm Phật đến trình độ miên mật thâm sâu, lúc đó quí vị chẳng muốn ngưng, chẳng thiết ăn uống nghỉ ngơi. Vì tất cả chuyện ấy đều sẽ có dịp để thực hiện, nhưng kinh nghiệm “tâm hành diệt” của tâm linh này thì rất hiếm, khó có được, nên quí vị cảm thấy trân trọng.
Thêm vào đấy, quí vị phải biết tận dụng mọi thời gian nhỏ nhặt để biến chúng thành hữu ích. Tôi dù rảnh hay bận, khi tản bộ hay đi đường, lúc ngồi thuyền hay ngồi xe, ngồi phi cơ.. gì cũng đều tận dụng thời gian tất, không hề để uổng phí.
Biết sáng tạo không gian, có hai cách: một là “Nhất tâm nhất cảnh”. Hai là “Nhất tâm đa dụng”.
Như người tu hành tự bế quan nhốt mình và người phạm tội bị nhốt. Cũng cùng là một khung cảnh tù túng, nhưng với người biết tu thì trong lòng họ có cả không gian thênh thang nên không hề thấy khổ và họ có thể tự tạo ra an lạc cho chính mình. Nếu khéo nhất tâm nhất cảnh thì ta có thể giúp cuộc sống mình trở nên thú vị an vui thay vì cứ phải đau khổ vì lệ thuộc ngoại cảnh.
Còn “Nhất tâm đa dụng” là ý thức rằng: việc của chúng sinh cũng là việc của mình. Ta hiểu rõ rằng sống không chỉ để hoằng pháp không thôi, mà còn phải góp sức làm lợi ích cho chúng sinh; giúp họ giải quyết khó khăn, hoà giải tranh chấp; lưu tâm bảo vệ môi trường, duy trì nền giáo dục lành mạnh; bảo tồn văn hóa, nêu cao chủ nghĩa nhân đạo; để mắt đến quốc sự sao cho ích nước lợi dân..
Suốt sáu mươi năm nay một mình tôi làm việc của năm người, chưa từng ngừng nghỉ. Nhất tâm đa dụng là thế đấy, nhất tâm: nghĩa là chỉ dùng một bi tâm - thương chúng sinh như con đỏ -
Nếu thiền giả có thể mọi lúc mọi nơi, dốc lòng đại chuyển pháp luân, thì sẽ tận dụng được thời gian, không gian một cách tốt đẹp, biến chúng thành hữu ích, tiện lợi cực kỳ.
Bàn về nhân gian
Giữa ta và người nếu khéo, thì có thể biến khó thành dễ, chuyển rắc rối thành đơn giản.
Trước hết tôi xin kể quí vị nghe một câu chuyện cổ.
Có một đứa bé sau cơn cãi lẫy nổi giận đùng đùng, nó chạy thẳng đến hang núi và gào lên thật to:
- Ta hận mi!
Hang núi liền vọng lại: -“Ta..a.. hận..ận.. mi..i..!” Cậu bé nghe thế rất buồn, vội chạy về mách mẹ:
- Mẹ ơi! Sao cả thế giới này đều ghét bỏ con?
Bà mẹ gạn hỏi nguyên do cặn kẽ rồi bảo:
Giờ thì con hãy chạy tới hang núi gào to lên là:
- “Tôi yêu bạn!”
Chú bé làm y lời mẹ dạy, hang núi liền dáp trả:
- “Tôi…ôi yêu..êu.. bạn..ạn..!”
Người mẹ liền bảo chú bé:
- Đấy con xem! Cả thế giới đều yêu thương con!
Thế gian này cũng giống vậy, ta đối với người tôn trọng thì ta nhận lại sự tôn trọng, ta biết ân thì sẽ được đáp trả bằng sự tri ân. Bởi vậy mà mỗi người nên cư xử tử tế với nhau. Nói, làm, nên quang minh chiùnh đại, xử sự thẳng thắn vô tư, lòng sáng trong như Nhật nguyệt, tinh tú.. để có thể đem lại sự ấm áp cho muôn loài. Hành vi phải như thái dương, không khí; nghĩa là luôn hữu ích và cần thiết cho người. Khi cho hay giúp gì người thì hãy “thi ân bất cầu báo”, còn nhận của người dù chỉ một giọt nước cũng “nguyện báo đáp như suối nguồn” đây là đạo lý rất đơn giản. Cư xử được vậy là hợp nhân lý, hợp với lòng người. Quí vị cần dũng mãnh hành xử theo lẽ phải, không chỉ để sống trong nhân gian mà thực chất là để bước vào cõi thánh hiền.
Tính chất đặc biệt giữa Bồ-tát và A-la-hán
Sư phụ phân tích những đặc điểm hiển bày nội tâm quang minh khác biệt giữa Bồ-tát và A-la-hán:
A-la-hán có ba đặc điểm:
1-Quang minh như nhật nguyệt: Bậc chứng được quả thánh A-la-hán thì trí tuệ hiện tiền, lòng đã dứt sạch phiền não, như bầu trời tan mây ám chỉ có vầng dương rạng rỡ. Sự quang minh của A-la-hán giống như ánh sáng của mặt trời đang tỏa chiếu, giống như “vạn dặm trời quang không bóng mây”.
2-Như hoa sen vô nhiễm: Bậc chứng quả A-la-hán, từ lời nói đến hành động, nhất nhất đều chẳng phạm oai nghi. Mặc dù chưa xả báo tiền khiên song sống giữa nhân gian không còn bị tham sân si làm khuynh đảo. Lòng không tham, ý không chấp, chẳng mê đắm sắc, thinh, hương, vị xúc.. của lục trần, dù phải chung đụng với hoàn cảnh ô trược đen tối tâm tư vẫn sáng trong bất nhiễm; như hoa sen mọc giữa bùn nhơ vẫn tỏa ngát hương tinh khiết vi diệu.
3-Vững vàng như đại địa: Bậc chứng quả thánh A-la-hán, đắc đại trí huệ, đại định, hằng an trú trong chánh pháp nhiệm mầu, thản nhiên bất động như đại địa. Đại địa bị thế gian dày xéo, cày xới, khai quật.. thậm chí quẳng xuống mọi thứ tạp uế hà sa.. đại địa chẳng động mảy may. Bậc chứng A-la-hán khi tiếp xúc với mọi cảnh giới bất kể là nghịch ý hay vừa lòng; ba độc tham sân si chẳng hề tái phát trở lại; bất động trước mọi khen, chê, được mất...
Bồ-tát có mười đặc điểm:
1- nghe dèm chê hủy báng, tâm khéo kham nhẫn. Hoàn toàn đủ sức nhẫn chịu sự báng bổ, khinh chê, lăng mạ của người mà không hề hờn giận.
2- Nếu nghe ca ngợi sinh tàm quí.
3- Tu hạnh hoan hỉ, vui hưởng pháp lạc, thành tựu hạnh lợi tha nhưng không vì đó mà tự kiêu.
4- Luôn nói lời hữu ích và chẳng rêu rao việc xấu của người.
5- Chẳng vì thế sự làm chú thuật, chẳng vì ôm hận mà dùng bùa chú trù rủa, hại người; chẳng oán trời trách đời, thi triển phép thuật..
6 - Nhận chút ân nhỏ luôn muốn đại báo đáp. Thọ Nhận ân của người lòng hằng nhớ mãi không quên. Gọi là: “Trích thủy chi ân, dũng tuyền chi báo”.
7- Đối với kẻ sân hận thường sinh lòng lành, luôn nghĩ cách tốt cho họ và dùng lòng từ ái đáp trả.
8- Bị người lăng mạ khởi tâm thương xót, chẳng vì thế mà sân hận; ngược lại còn thương họ vô trí nông nổi.
9- Yêu thương bình đẳng, Đối với chúng sinh như đối với cha mẹ, anh chị em của mình.
10 - Sở hữu phổ thí: Đem những điều mình sở đắc, những gì mình có được chia sẻ cho mọi người cùng hưởng.
Đến được cảnh giới Phật thì “vạn đức trang nghiêm, trong ngoài đều sáng suốt”
Đại sư nói:
- Cảnh giới quang minh dù có phân chia thánh, phàm; lớn, nhỏ; cao, thấp; sâu, cạn… nhưng bản chất không hề khác biệt. Bởi thế, giữ được đặc tính quang minh trong tâm là cốt lõi trọng yếu của việc tu hành trong cuộc sống.
Sư phụ nhớ lại bao năm qua từng vào giảng đạo nơi các nhà giam, lòng dâng lên niềm xót thương vô hạn. Ngài nói:
- Những kẻ tạo ác phạm tội luôn bất an và khó sống trong xã hội, số phận họ nếu không vào nhà giam thì cũng nhận lấy kết cục bi thảm. Vìø sao thế? Chúng ta có thể nói là do nhân quả, cũng có thể nói là: “Lưới trời lồng lộng”. Nhưng nguyên nhân chính là do họ đánh mất ánh quang minh trong tâm. Họ giống như chú bé đứng trước hang núi gào thét: “Ta hận mi!” Chẳng hạn như một người luôn oán hận thế giới, lòng oán hận ấy cứ gia tăng không ngừng, đến nỗi dù trời đất rộng thênh thang nhưng họ chẳng tìm ra được chỗ để đặt chân.
Trung đạo là không khổ không lạc
Sống ở đời, nếu luôn nghĩ được như thế này: “bạn lớn, tôi nhỏ; bạn nhiều, tôi ít; bạn đúng, tôi sai; bạn quan trọng, tôi không!..thì chẳng những mình có thể vững vàng an thân lập mệnh mà còn có thể sống vui giữa bao người.
Căn bản của cuộc sống là: “không gì mà không tu”. Do thâm tín Phật pháp bất ly thế gian, nên Đại sư có cái nhìn rất quảng đại viên dung. Ngài đưa ra nhận xét: “Tư tưởng xuất gia Tiểu thừa ít thích nghi với Phật giáo của quần chúng tại gia và nhân gian. Theo giáo lý Phật thì con cái chẳng phải là “quỉ đến đòi nợ” mà là “pháp lữ thân tình”, phu thê chẳng phải là “oan gia tụ hội” mà là “nhân duyên đồng tu”. Vàng ròng không là rắn độc mà là thứ làm lợi cho chúng sinh; phú quí không phải là tội, mà là do công đức bố thí chiêu cảm được phúc báo. Bởi thế, chúng ta tin, sống theo Phật giáo là sống đời hạnh phúc.
Cuộc sống hiện tại có được hạnh phúc an vui thì đời sống mai sau mới có hi vọng. Nhưng mục tiêu cứu kính cuối cùng cho tương lai chính là giải thoát, mà giải thoát thì nằm nơi trung đạo. Thế nên, cho dù tâm tư người đệ tử Phật có hạnh phúc vô hạn, thì sống vẫn phải hợp trung đạo. Đây chính là những gì Phật từng giáo hóa.
Người tu theo lạc hạnh thì sống sôi nổi, người tu theo khổ hạnh thì sống lạnh như băng, nhưng sôi nổi hay lạnh lùng đều không hợp trung đạo, trung đạo nằm ngay chỗ không khổ không lạc; bởi vì sướng hay khổ, thảy đều trói buộc thân tâm chúng ta.
- Làm sao để khỏi chấp trước và không bị sướng, khổ trói buộc? – Tôi hỏi Đại sư.
Đại sư đáp, hơn mười năm nay Ngài sống theo kiểu “hóa phồn thành giản” (biến nhiêu khê thành đơn giản). Đại khái có thể chia làm 5 bậc:
1-Lấy thoái làm tiến
Thói thường chúng ta cho rằng tiến mới là vẻ vang, là vinh dự, mà không biết rằng con đường thoái trong nhân sinh vẫn có cảnh giới đặc sắc riêng.
Cuộc sống tiến lên trước mới chỉ là một nửa, phải thêm vào một nửa sau, nghĩa là biết cách thoái lui thì cuộc sống mới đầy đủ trọn vẹn.
Chúng ta muốn có đủ sức đi hết con đường xa diệu viễn thì phải biết nghỉ ngơi lấy sức, an dưỡng thần trí. Chúng ta muốn hoàn thành công việc quan trọng bộn bề thì phải lo tích lũy nội lực cho thâm hậu. Máy bay, thuyền bè nếu không nhờ động cơ phản lực tạo sức đẩy thì không thể nào tiến lên trước được. Người nông phu cấy mạ vừa cấy vừa lui, lui đến tận cùng thì khắp ruộng đầy mạ non xanh mượt. Bởi thế, tiến thật sự đôi lúc lại nhờ vào thoái làm nền tảng trợ lực.
Thoái, tuyệt chẳng phải là chán nản, là chùn chân, là không muốn bước; cũng chẳng phải là tiêu cực yếm thế; -thoái - là bao gồm sự nhường nhịn khiêm tốn sung mãn, hàm chứa sự tiến thủ tích cực. Giống như chúng ta khi lái xe, gặp phải đèn đỏ mà không biết dừng thì cả người lẫn xe đều dễ gặp hiểm họa trên xa lộ. Trên đường đời cũng vậy, nếu chúng ta cứ lỗ mãng xông xáo, không biết ghìm cương trước vực thẳm thì chỉ có tan thân mất mạng thôi. Đôi khi, nhờ nhường vài bước, chịu chậm nửa nhịp, biết dừng để suy gẫm một chút, thì sẽ thấy có nhiều chuyện chẳng cần tranh giành đã sớm tan thành mây khói. Có câu: “Nhường một bước biển lặng trời trong, nhẫn ba phân thanh nhàn vô hạn!” đời người có khi lui lại hóa ra khoáng đạt, tự tại hơn. Bởi vậy cổ đức mới có câu:
“Hữu cầu mạc như vô cầu hảo
Tiến bộ ná hữu thoái bộ cao”
(Hữu cầu sao tốt bằng vô cầu,
Tiến nào cao được bằng thoái đâu?)
Đời người thoái bước ung dung siêu thoát.. thế nhưng chẳng phải cứ vậy là gặp gì cũng thoái, cũng không thèm quản tới. Thí dụ như thấy chính nghĩa sụp đổ thì phải đem thân ra gánh vác để bảo vệ chân lý. Thấy Phật giáo bị phá hoại thì chẳng nên thoái lui, khoanh tay đứng nhìn. Lúc ấy dù phải máu chảy đầu rơi, thịt nát xương tan cũng nên xả thân quên mình để bảo vệ đạo pháp. Nói thoái lui trong nhân sinh là nói về mặt theo đuổi lợi lộc cá nhân, hễ thấy cần lui thì lui. Còn đối với chuyện bảo vệ đạo pháp, cần tiến thì thẳng tiến.
Thoái lui trong đời sống không có nghĩa là chúng ta biếng lười, không nhúc nhích, thui chột đạo tâm; mà thoái đây là rút lui, là nhịn nhục; là bao hàm sức nhẫn hùng mạnh kiên cố, là tinh tấn dõng mãnh thực hiện hạnh nhẫn. Nên nói: “Thường vui pháp nhu hoà nhẫn nhục, an trụ trong hạnh hỉ xả, từ bi”.
2-Lấy không làm có
Bình thường người ta luôn ủng hộ có, cho rằng có là giàu, là hạnh phúc, là đầy đủ. Chẳng hạn như có tiền tài, danh vị, quyền thế, gia đình..v.v.. thì đời người mới được xem như là tốt đẹp và sống không luống uổng.
Thật ra thì chính ngay lúc có, lúc sở hữu nhiều, cũng là đang bị trói buộc vướng víu. Hữu hạn không thể tự tại bằng vô hạn. Như: “Vô quan nhất thân khinh”. Nghĩa là không dính vào quan trường thì thong dong nhẹ nhàng. Còn được công danh phú quí, dẫu đường hoạn lộ hanh thông; tuy xứng ý toại lòng, song chốn quan trường nhiều sóng gió; lắm quỷ quyệt lọc lừa, biến hóa khó lường; đôi khi còn khiến người ta phải lao tâm tổn trí, thân bại danh liệt. Không quan vị thì có thể ung dung hưởng thú như Đào Uyên Minh: “Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến nam sơn..” (bên rào đông hái cúc, nhàn nhã ngắm núi nam..)
Như người có gia đình thì bị hạn cuộc trói buộc trong gia đình, còn người xuất gia không có thân nhân riêng nên tất cả chúng sinh đều là quyến thuộc, người tu sĩ vì không có nhà nên khắp sơn hà đại địa đều là chỗ ở. Thế nên không hóa ra lại có rất nhiều.
Lẽ thường chúng ta vì tham cầu vật chất hữu hình mà cam sứt đầu vỡ trán, chịu làm nô lệ, để vật sai khiến. Ta có thể vì chút lợi lộc cỏn con mà lăn xả vào, chấp nhận tan thân trong đó, chẳng biết hưởng thú kỳ diệu của vô. Mặt trời Mặt trăng không cố ý, không hạn cuộc dành riêng cho ai, vô tư chiếu soi khắp nơi. Thiên nhiên luôn ban tặng cho chúng ta rất phong phú; mặc dù chúng ta có phòng lạnh, xe hơi; có nhà cửa khang trang tiện nghi, hiện đại.. song cảnh vật hữu tình, núi xanh mây trắng luôn sẵn đó, tha hồ cho chúng ta ngao du, thưởng ngoạn. Dù ta không có đồ ngà thức ngọc, vật chất cao sang, song chúng ta vẫn có thể hưởng thú trăng thanh gió mát bên chung trà, có thể vượt qua cảnh hữu hình hữu tướng để thưởng thức mùi vị tinh tế của vô, thật ra cảnh giới vô cũng khoáng đạt, muôn màu, muôn vẻ và không kém phần thi vị.
Đời Đường, ngày nọ có một cư sĩ đến hỏi Thiền sư Trí Tạng:
- Bạch Thầy, có thiên đường địa ngục hay không?
Ngài đáp:
- Có!
- Vậy.. có nhân quả báo ứng hay không?
- Có chứ!
- Có Tam Bảo, Phật, Pháp, Tăng.. không?
- Có!
Bất kể cư sĩ nọ hỏi gì, Thiền sư cũng đều đáp “có”!
Vị cư sĩ ấy nghe xong, hoang mang nói:
- Thế nhưng hôm kia con hỏi Thiền sư Kính Sơn y hệt thế này thì Ngài lại trả lời là : “không”! Rốt cuộc thì trong hai Ngài, ai là người nói đúng?
Thiền sư bèn hỏi lại:
- Này, ông có vợ chưa?
- Bẩm, có ạ!
- Có vàng bạc châu báu chăng?
- Dạ có ạ!
- Có điền sản, dinh thự chăng?
- Có ạ!
Ừm! Thế .. Thiền sư Kính Sơn có vợ chăng?
- Thưa không ạ!
Ông ấy có vàng bạc châu báu không?
- Không ạ!
- Có ruộng vườn dinh thự không?
- Không ạ!
Thiền sư nghiêm trang phán:
- Bởi vậy ta mới bảo ông: “có!” còn Thiền sư Kính Sơn thì nói “không!”
Trong tắc công án này, Kính Sơn đáp “không” là chỉ cảnh giới giác ngộ vô hạn của thiền giả. Trí Tạng đáp “có” là chỉ thế giới hữu hạn hư vọng của chúng ta.
Với người giác ngộ thì cảnh giới vô hạn vượt hẳn mọi cảnh giới hữu hình nằm trong vòng đối đãi “giả có”, hiển lộ thế giới diệu hữu bất biến, chứ chẳng phải có theo kiểu người ta thường quan niệm.
3-Lấy không làm vui (dĩ không vi lạc)
Mục đích lớn nhất của con người là truy cầu hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc có nhiều thứ, nhiều loại. Có người mơ làm quan hưởng thú hiển vinh; có người tìm vui bằng con đường theo đuổi nghệ thuật hay sáng tác văn học; có người thiên về tâm linh, muốn cầu đạo, tìm chân lý; cho chứng ngộ là hạnh phúc an lạc tột bực. Người thích làm quan chạy theo thú vui bên ngoài, đối đầu với nhiều biến động. Người chọn văn học làm vui thì phải lao tâm khổ trí sáng tác, đem những suy nghĩ trong tâm viết ra bao tình cảm; nhưng hay hơn hết là chứng ngộ hạnh phúc hữu hình mà không bị tình chuyển, hưởng thú thiền lạc, vui cảnh mây ngàn hạc nội, “vật ngã lưỡng vong” trong niềm an lạc của không.
Niềm vui của không thì thênh thang vô biên. Vì cả hư không vũ trụ đều nằm trong tâm. Mắt chẳng cần nhìn mà thấu suốt tất cả, tai chẳng cần nghe mà thông khắp hết. Đó là nội chứng chân như khoái lạc. Niềm vui của không là niềm vui vĩnh hằng. Còn sự vật hình tướng trên thế gian thì hư ảo như bọt bóng, chớp mắt đã biến tan; chỉ có hư không là bất diệt. Những tình cảm ân oán trong đời rồi sẽ rời ta ra đi, nhưng hư không thì thường còn bất biến. Nếu khéo cùng không khế hợp thì có thể hưởng hạnh phúc mãi mãi không dứt. Hạnh phúc thế gian nằm trong đối đãi, không phải là cứu cánh. Hạnh phúc của không thì vượt hẳn đối đãi, nằm ngoài có, không; là an lạc rốt ráo. Như chúng ta khi khát, uống một chén nước thì thấy như được uống cam lồ; nhưng tiếp tục uống chén thứ hai, thứ ba.. và nếu bị bắt phải uống mãi uống hoài thì cảm giác ngon chẳng còn nữa mà đã hóa thành khổ. Thế nên hạnh phúc thế gian chỉ là khoái lạc tạm thời nằm trong thống khổ, nghĩa là luôn có khổ đau kèm theo.
Hạnh phúc của không là hạnh phúc không chấp trước, sống tùy duyên, không trói buộc, là giải thoát vì không vọng cầu.
Có được hạnh phúc của không rồi thì tình đời ấm lạnh; bạc bẽo hay lãnh đạm cũng chẳng làm ta động tâm. Dù vật chất thiếu thốn nghèo túng cũng chẳng làm ta nhụt chí. Dù thân xác có bị bệnh ngặt hay tàn tạ cũng không làm tổn tinh thần. Hạnh phúc của không rộng lớn vô biên, phong phú vô bến bờ. Có được an lạc không, sở đắc không, tức là được cả vũ trụ dung chứa ta trong hạnh phúc vô biên.
Khi chúng ta phục vụ cho người, lòng ta thường có ý niệm mong được đền đáp. Nhưng nếu họ không báo đáp thì ta cứ canh cánh điều ấy mãi bên lòng, chẳng thể buông bỏ cho tâm tư thoải mái. Ta ước mơ đời mình được hưởng thú giàu sang, sở hữu đồ ngọc chén ngà, được giải trí vui chơi, được hoan hô, được tôn vinh vẻ vang rỡ ràng... Song nếu hoàn cảnh chẳng như ý mình muốn thì đủ thứ phiền não rủ nhau kéo tới. Như khi ta khao khát được lọt vào mắt xanh của ai đó, nhưng lại vô phương chinh phục tình cảm họ, khi đó dĩ nhiên là lòng sầu thảm vô cùng. Nhưng nếu ta tỉnh giác, nhận ra được mặt thật của các pháp vốn là hư vọng, nếu ta ngộ được lý không thì sẽ vượt thoát phiền não. Trong “Tâm-kinh” nói: “Quán thấy năm uẩn là không thì vượt qua tất cả khổ ách”, khéo “không tất cả giả tướng thì đạt được hạnh phúc Bồ đề”.
Hạnh phúc thế gian là ái trước, là chấp mê, là khát khao tìm cầu khoái lạc. Còn hạnh phúc của không là vô trước, vô trụ, vô cầu.
Người lấy không làm vui thì dù có thi ân cho ai cũng chẳng mong đền đáp, chẳng vướng bận điều đó trong lòng.
Người lấy không làm vui, lấy không làm chỗ trụ thì một bát ba y cũng đủ. Hang núi bờ sông gì cũng được, dù ở trong nhà tranh vách đất vẫn an nhiên thoải mái như ở chốn cung vàng điện ngọc.
Người lấy không làm vui chẳng mong ngóng được người ái mộ, quan tâm, chỉ muốn chan rãi lòng từ bi ấm áp cho tất cả mọi người và tuyệt không mong cầu đòi hỏi. Chẳng thấy được, mất, hay thêm, bớt, gì.. với họ có, hay được nhiều thì cũng là dư thừa, không cần thiết.
Lấy không làm vui chẳng phải là muốn chúng ta bài xích tất cả để sống giống như cây khô gỗ đá, mà là: vẫn nhìn hoa ngắm trăng tự nhiên nhưng chẳng bị hương hoa mê hoặc, chẳng bị sắc trăng lôi cuốn. Nên nói: “Bách hoa tùng lý quá, phiến diệp bất niêm thân” (đi qua rừng hoa, chẳng dính một chiếc lá).
Sống lấy không làm vui giống như người gỗ ngắm chim, hoa; chẳng ngại cảnh vật vây quanh quấy nhiễu mình; thản nhiên thưởng thức tất cả, Thiền siêu thoát ở chỗ là nhiễm mà bất nhiễm!
4-Lấy chúng làm mình
Con người là động vật sống quần thể, không nên tách lìa bầy đoàn. Một khi ly khai xã hội thì những cần thiết trọng yếu cho cuộc sống sẽ sinh ra khốn đốn. Trong kinh nói: “Phật pháp tại chúng sinh, cầu pháp tại chúng sinh”!
Người tu phải lấy chúng sinh làm Đạo tràng của mình, vì chính những cuộc tiếp xúc tương giao với mọi người sẽ giúp ta bồi đắp hạnh nhẫn nhục, trưởng dưỡng đức từ bi. Nếu như có thể chung sống thuận thảo với mọi người, hoà hợp được như nước với sữa, có thể gầy dựng được mối tương quan tốt đẹp thì ngay đấy chính là cõi Cực Lạc. Có người hỏi:- “Tịnh độ ở đâu?” Thật ra:- Chúng sinh chính là Tịnh Độ!-
Thế gian xảy ra tranh giành hỗn loạn, nguyên nhân bắt nguồn từ việc ai cũng lấy cái ngã làm trung tâm - “ta” là cái rốn của vũ trụ! - Ai cũng ngong ngóng mong mọi người sẽ vì mình - tự quan trọng hoá mình lên! Phàm làm bất cứ việc gì, trong lòng cứ luôn nghĩ: “Miễn sao ta được hạnh phúc thì thôi”, cho dù đôi lúc hạnh phúc đó lại được dựng xây trên thống khổ của người khác.
Là Phật tử, là người học đạo thì xử sự bắt buộc phải có tình người, nên dùng sự chân thật và lòng quí trọng mà đối đãi nhau. Được vậy mới mong đem Phật pháp tịnh hóa nhân gian, phải hằng khắc ghi ý niệm: “người quan trọng hơn ta”. Rằng: “người lớn, ta nhỏ; cho người vui, ta cam khổ.. người có, ta không.. người tốt, ta xấu..” tâm tư sẵn sàng nhường nhịn, nhường một chút thì tránh được tranh chấp, cải thiện được dân sinh. Phàm làm việc gì đều đặt lợi ích của quần chúng lên hàng đầu, được vậy mới có thể giúp cho xã hội phát triển hài hòa êm thắm, mới đưa được xã hội đi lên.
Căn cứ vào lời Phật dạy: “Vạn pháp do chúng duyên hòa hợp, vũ trụ là tổng thể của cá nhân” Thế thì bất quá chúng ta chỉ là một hạt bụi nhỏ trong vũ trụ mà thôi. Và những hạt bụi đó kết hợp lại với nhau mà thành vũ trụ to lớn. Thế nên bản thân chúng ta phải hòa vào vũ trụ rộâng lớn, không thể tách lìa. Đức Phật thường cường điệu nói: “Ta và chúng sinh đều là thành viên”. (ngã nãi chúng sinh nhất viên) Mỗi cá nhân là một phần tử trong đoàn thể, lìa đoàn thể thì không có cá nhân, không có chúng duyên nào tốt đẹp. Nếu chẳng tụ, thì chư pháp ắt tan. Bởi vậy, ta và chúng sinh không thể tách rời, không thể cùng thế giới chia phân. Người ngu si thì theo nhân ngã đối đãi, sống đối nghịch với xã hội, quần chúng, bởi vì họ không hiểu đạo lý tương dung giữa một và tất cả.
Ở Tùng lâm ngày xưa khi tiến cử Trụ trì thì chỉ khảo sát xem người này có tâm cung dưỡng, vị tha, sống có biết vì đại chúng hay không? Còn chuyện họ có tài hoa xuất chúng hay chăng thì chỉ là phần thứ yếu. Bởi Đạo tràng Tùng lâm dựng lập là cốt để cho đại chúng tu. Nếu như làm Trụ trì mà có tính bỏn sẻn khắc nghiệt thì làm sao có thể hộ trì tốt cho đại chúng? Làm sao có thể giúp họ tu yên ổn được? Cho dù người đó có tài cán hơn người thì tài năng đó cũng không thích hợp làm Trụ trì.
Ở tại các thiền đường thường có treo bảng cảnh tỉnh thế này: “Huệ mạng đại chúng nhờ cả vào ông, ông nếu chẳng lo, tội này tự gánh”. (đại chúng huệ mạng, tại nhữ nhất thân, nhữ nhược bất cố, tội qui nhữ thân). Đây là phần sư Duy na cảnh giác vị sư chủ trì nghi lễ nơi thiền đường nên theo đúng pháp, cẩn thận không làm kinh động sự yên tĩnh của các tu sĩ. Gọi là: “Thà làm động ngàn sông, chẳng làm động tâm hành giả” (ninh động thiên giang thủy, bất động đạo nhân tâm).
Qua đó đủ thấy Phật giáo rất tôn trọng đại chúng, luôn xem đại chúng là trung tâm.
5-Lấy giáo làm mệnh
Bạn học tôi là sư Trần Không, có lần bảo tôi:
- Ngày nay, giới thanh niên Phật giáo đúng ra không nên nghĩ Phật giáo đã cho ta những gì mà phải nghĩ là ta đã làm được cho Phật giáo những gì?
Nghe xong tôi cảm độâng hết sức, trọn đời cũng hằng làm theo câu này. Mấy mươi năm nay tôi luôn chủ trương : “Phi Phật bất tố” (trái đạo thì không làm) bất kể làm gì, tôi đều lấy Phật giáo làm chuẩnvà chỉ làm những gì có liên quan đến Phật giáo, tất cả mọi việc nhất định phải ứng hợp đúng với chủ trương của Phật giáo.
Nhiều người thắc mắc lấy làm lạ, cho là tôi có thủ thuật đặc biệt hay công năng gì đó, mới nẩy ra được nhiều sáng kiến độc đáo cống hiến cho đạo. Thật ra thì thủ thuật đặc biệt của tôi là: “dĩ giáo vi mệnh”, tôi thường nói: “Có Phật pháp thì có biện pháp”.
Tôi không tiếc gì cả, muốn Phật giáo phát triển mạnh, muốn Phật giáo được hiện đại hóa, quốc tế hoá, nhân gian hóa, thì phải dốc hết tâm huyết vào mà làm, còn kết quả thì cứ để tùy duyên, chẳng trông ngóng. Chỉ cần sống đơn giản hết mực, tâm chí khoáng đạt bao la.
Mới đầu có nhiều chuyện tưởng như không kham nổi nhưng rốt cuộc rồi cũng chịu được. Có một câu: “Ninh tố lão tăng đọa địa ngục, bất ninh Phật pháp tố nhân tình” (Thà bắt lão tăng đọa địa ngục, chẳng uốn Phật pháp theo nhân tình). Đối với câu này, tôi tâm đắc thấm thía.
Thuở đồng niên sống ở Tùng lâm, tôi đã thâm nhập Phật pháp, biết rõ Phật pháp giới hạn tới đâu, rằng chỗ nào không được phép vượt qua. Cho nên xưa nay làm bất cứ gì tôi đều cân nhắc, hành sự quyết không lìa Phật pháp, không để vượt quá hạn định dù một bước. Ôâm ấp hoài bảo khát khao muốn phục hưng Phật giáo, nên dù phải lao vào nước sôi lửa bỏng tôi cũng chẳng từ nan!
Thiền sư Long Đàm Sùng Tín đời Đường xuất gia theo thiền sư Thiên Hoàng Đạo Ngộ. Suốt mấy năm làm việc, bửa củi, gánh nước; chụm lửa, nấu cơm; chưa từng được thầy chỉ dạy một câu.
Một hôm ông chịu hết nổi thưa với sư phụ:
- Bạch Thầy, con theo Ngài đã lâu, vậy mà chưa một lần được Ngài khai thị. Cúi xin Thầy từ bi truyền cho đệ tử yếu pháp!
Thiền sư Đạo Ngộ nói:
- Từ hồi ngươi theo ta xuất gia tới giờ, có khi nào mà ta không truyền yếu pháp cho ngươi!?
Sùng Tín hết sức ngạc nhiên, thưa:
- Bạch, đệ tử ngu muội, chẳng hiểu mình đã được thầy truyền pháp cho khi nào?
- Nầy, ngươi dâng trà thì ta uống, ngươi dọn cơm thì ta xơi, ngươi xá thì ta gật. Thuở giờ ta chưa từng bê trễ lấy một ngày, ngày nào cũng truyền tâm yếu cả!
Sùng Tín nghe xong, hoát nhiên đại ngộ.
Chỉ cần nhất tâm không rời Phật pháp, thì gánh nước, bửa củi, uống trà, ăn cơm..đều nằm trong yếu chỉ Phật pháp. Nhưng, một khi tâm đã lìa Phật pháp, thì dù có đang tụng kinh, ngồi thiền.. cũng chẳng dính dáng gì đến Phật pháp.
Phật Giáo Nhân Gian chẳng xa rời đời sống
Sư phụ nói:
-“Phật Giáo Nhân Gian” chẳng xa lìa thế gian, chẳng tách rời đời sống. Mỗi hành vi, mỗi việc nhỏ nhặt trong đời sống thương nhật nếu như tỉnh giác thì không gì mà không là tư lương để minh tâm kiến tánh. Chúng ta đọc sử chư vị cổ đức thuở xưa, các Ngài chẳng có gì thần bí mà chỉ là biết dùng quá trình sinh hoạt trong Đạo tràng để minh tâm.
Áp dụng Phật pháp trong đời sống là lồng thiền định tịch tĩnh vào công việc hằng ngày, nhằm đạt đến cảnh giới động tĩnh nhất như. Nghĩa là nơi những việc nhỏ nhặt nhất cũng đem hết thân tâm ra hành để thâm thấu vũ trụ mênh mông áo diệu, dung hợp vĩ đại với thường tình, biến cao thâm thành việc tu trì đơn giản.
Nghe Đại sư khai thị, tôi chợt nhớ đến những tác phẩm Ngài đã viết trước đây, căn cứ vào những gì Ngài thuyết giáo, đủ thấy Ngài là một bậc rất có đạo phong, nội tâm hàm ẩn nguồn năng lượng mạnh mẽ hoạt phát, trong giản dị bình thường vẫn có tiết tháo phi phàm đúng như: “Bồ đề tại thế gian, bất ly thế gian giác” của Huệ Năng, “Hành trụ tọa ngọa vô phi thị thiền” của Đạo Tín, “nhất Nhật bất tác nhất Nhật bất thực” của Bách Trượng...
Tôi bỗng nhận ra tính cách của chư cổ đức xa xưa đang bàng bạc nơi phong cách Đại sư, và thông qua Đại sư tôi như thấy được tâm hành, tung tích của các Ngài. Tất cả đều “dĩ chánh pháp vi thân, dĩ tịnh huệ vi mệnh”. Chánh pháp bủa khắp chốn khắp nơi, trong đời sống không đâu mà không là Đạo tràng; tịnh huệ thì vô lượng vô hạn, tận nơi vi tế của cuộc sống vẫn tiềm tàng sung mãn tràn đầy.
Tôi cũng nhớ đến mấy câu thơ hài châm biếm người tu Phật:
“Nhất niên Phật hiện tiền,
Nhị niên, Phật thăng thiên
Tam niên, bất kiến Phật”
Đó là, nếu như chỉ thờ Phật trên bệ mà không biết áp dụng giáo lý của Ngài vào đời sống thường Nhật, thì kết quả là ngày càng xa rời Phật. Theo lời sư phụ khai thị, nên tập thói quen đem Phật pháp áp dụng vào đời sống thương nhật và thể nghiệm sâu sắc rằng “ai cũng có Phật tính” để tự nương vào chính mình, luôn hành xử theo pháp, được vậy thì giờ giờ phút phút đều thấy được Phật hiện tiền.
Sống theo Phật pháp là chẳng lìa năng lượng bản thân, nhận ra bản tính của chính mình.
Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành
- Bạch Thầy, có nguyên tắc sống đơn giản nào để thực hành cả đời không?
Đại sư kể mộït câu chuyện:
Bạch Cư Dị một ngày nọ đến thỉnh giáo, hỏi đại ý Phật pháp với thiền sư Ô Sào, Ô Sào liền trích một câu kệ:
- Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành! (không làm các đều ác, vâng làm các điều lành)
Cư Dị bảo:
- Câu này con nít ba tuổi cũng biết!
Ô Sào trả lời:
- Con nít ba tuổi cũng biết, nhưng lão già tám mươi làm không được!
Câu kệ trên nguyên văn là thế này:
Chẳng làm các điều ác
Vâng làm các điều lành
Tự tịnh tâm ý
Là lời chư Phật dạy.
Đây chính là nguyên tắc sống đơn giản nhất của Phật giáo.
Ngày xưa Phật hành theo nguyên tắc này mà thành đạo. Điều đáng tiếc là trong thực tế có một số người sống phó mặc, buông trôi, cả đời không chịu lưu tâm để ý thực hành câu này, tự làm lỡ đời mình.
Khi tôi từ giã Đại sư về Đạo tràng Đài Bắc, mới phát hiện ra hôm nay mình đã cùng Ngài chuyện vãn hơn mười tiếng đồng hồ. Thì giờ nhanh như tên bay, loáng qua trong chớp mắt. Nhớ lại những lời sư phụ giảng lòng tôi xúc động bồi hồi. Tôi ngắm lại công trình kiến trúc hùng vĩ ở Đài Bắc dưới ánh trăng ngà đang tỏa sáng rực rỡ. Ngẫm nghĩ, tôi thấy mình thật diễm phúc vô hạn. Vì từ tuổi thanh niên tôi đã may mắn được đọc các tác phẩm của Đại sư, nhờ vậy mới có được niềm tin vững vàng, rằng người học đạo phải nắm vững căn bản về hạnh phúc nhân sinh để tự tạo cho mình một cuộc sống an lạc, phát huy thần trí trong ánh sáng giác ngộ.
Tôi tin rằng, dù Phật giáo tuyên bố: “Nhất thiết giai khổ”, song chẳng phải là muốn chúng ta bi quan, sống cam chịu hay phó mặc đời mình trong khổ, mà chính là muốn chúng ta tỉnh thức, lo tìm phương giải thoát, đoạn lìa mọi nguyên nhân phát sinh thống khổ.
Và tôi đoan chắc rằng, Phật giáo là một tôn giáo tuyên dương tự lực, nghĩa là bất cứ một người bình thường nào cũng có khả năng sáng tạo một cuộc sống hạnh phúc trường viễn bằng công sức, tâm ý và đôi tay của chính mình. Nếu như giờ phút nào thân tâm cũng không rời Phật pháp thì ở đâu cũng là công đức, lúc nào cũng là bố thí cả.
Tôi ngẩng đầu nhìn trời, ánh trăng tỏa sáng dịu dàng làm sao! Tôi chợt liên tưởng đến câu thơ:
“Bồ-tát thanh lương nguyệt,
thường du tất cánh không”(*).
Một cơn gió nhẹ thoảng qua, chà! Cõi nhân gian này thật mát mẻ biết dường nào!
-----------------------------------------------------------------------
(*) tâm trí Bồ-tát sáng trong như trăng, chiếu soi mọi cảnh giới dù dơ dù sạch vẫn luôn rạng ngời không ô nhiễm .