headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 20/11/2024 - Ngày 20 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Cách Thức Giáo Hóa Chúng Sanh-tiếp theo

sen5Đại sư Hám Sơn – NS Hạnh Huệ dịch

(tiếp theo)
Thường tịch quang độ: Ở kinh Viên Giác nói là Đại Quang Minh Tạng. Trong đây phàm thánh bình đẳng, y báo và chánh báo không phân biệt. Chỉ có pháp thân Phật trạm nhiên thường tịch, là cảnh giới chứng pháp thân của chư Phật. Đây chỉ có chư Tổ từ trước một niệm ngộ ngay pháp thân, diệu khế đồng thể, nhập vào cảnh giới Phật ở. Đấy chính là Tịnh Độ của người thượng thượng căn. Há có thể coi thường là vì người trung, hạ mà lập.

Thật báo trang nghiêm độ: Đây tức là hai mươi lớp thế giới Hoa Tạng, là cõi vi diệu của Phật Lô-xá-na của chúng ta, do tu hành khoáng kiếp chiêu cảm xứng với lượng pháp giới vô tận trang nghiêm như Hoa Nghiêm nói: “Trùng trùng vô tận thế giới trang nghiêm”. Đây là chỗ ở của Báo thân Phật, là cõi Tịnh Độ của bậc Bồ Tát Thập địa chuyển đại pháp luân, là chỗ mà Nhị thừa Thanh văn chẳng thấy, chẳng nghe. Đây tức là những người được thọ ký trên hội Pháp Hoa, đợi tu nhân nhiều kiếp, tương lai sẽ cảm ứng cõi Tịnh Độ một phần trong cõi này. Đây đâu phải chỗ hạng tầm thường dễ dàng đến được!

Phương tiện hữu dư độ: Cũng gọi là Phàm Thánh đồng cư độ. Đây chính là cõi hóa độ của Phật A-di-đà, có 9 phẩm phân biệt. Vì thế giới Hoa Tạng có hai mươi lớp. Từ lớp thứ nhất có vi trần số thế giới cõi Phật vây quanh, dưới nhỏ, trên lớn, như cái tháp lật ngược. Từ đây trở lên càng tăng gấp bội, đến lớp thứ 13 thì cõi Ta-bà này là cõi nằm ở trung tâm. Cõi Cực Lạc và Ta-bà bằng nhau. Từ giữa đến bên mé hoa lá phía Tây, nên nói qua 18 ngàn cõi Phật là kể luôn cõi Ta-bà, vì cõi Phật mười phương chỉ có Ta-bà là cực ác, đất, đá, cát, núi, dơ bẩn tràn đầy, tam đồ bát nạn, các khổ nhóm họp nên gọi là kham nhẫn, chúng sanh cang cường rất khó điều phục. Nên đức Phật Thích-ca chúng ta, dù đem Thập thiện để giáo hóa dẫn đạo nhân thiên mà chúng sanh vẫn chìm trong sanh tử chưa ra khỏi luân hồi.

Nếu có tham thiền ngộ tâm, cũng lại rất khó ngộ ngay, nên Ngài thiết lập một môn cầu sanh Tịnh Độ gọi là vượt ngang ba cõi. Vì nương sức nguyện trong nhân của Phật A-di-đà rằng: “Chúng sanh trong mười phương thế giới, nếu có người niệm danh hiệu tôi, mà không sanh nước tôi, thì tôi thề chẳng thành Phật”. Vì nương nguyện lực này, hễ ai niệm Phật thì Phật Di-đà nhất định đến tiếp dẫn, được sanh vào cõi Tịnh độ kia. Cho nên dễ sanh. Nhưng Tịnh độ này mở ra 9 phẩm.

Nếu người tham thiền ngộ tâm mà chưa thể quên tâm cảnh thì sanh thượng thượng phẩm.

Có người niệm Phật nhất tâm chẳng loạn thì sanh thượng trung phẩm.

Có người tham thiền chưa ngộ mà trì danh tinh thuần, vạn hạnh trang nghiêm thì sanh thượng hạ phẩm.

Nếu người tu vạn hạnh, trì kinh Đại thừa, chuyên trì danh hiệu, chí nguyện vãng sanh thì sanh trong ba phẩm trung.

Có người tinh trì ngũ giới, thập thiện chuyên tâm niệm Phật, phát nguyện hồi hướng, chẳng kể tăng hay tục, phần nhiều sanh ba phẩm hạ. Đây tuy chưa đoạn phiền não, mà nếu được sanh nước đó, gặp Phật, nghe pháp, cũng ở địa vị bất thối chuyển, nhất định không rơi vào ba cõi sanh tử.

Rồi từ đây phát nguyện trở lại ba cõi để độ sanh, thì đến đi tự tại, chẳng bị sanh tử khổ não níu giữ. Do đó Thiền sư Vĩnh Minh nói: “Nếu được thấy Di-đà lo gì không khai ngộ”. Một pháp môn này, một đời tinh thành có thể xong. Đã sanh lên đó rồi sẽ chóng thoát sanh tử, ra khỏi hẳn luân hồi. Pháp môn thẳng tắt như thế, lại còn lo gì nữa mà không chịu tu, còn coi thường nó ư! Tham thiền liễu sanh tử khó, còn niệm Phật liễu sanh tử dễ, chỉ cần chúng ta một niệm tâm chân thật, chịu cực khổ thiết tha thôi. Người từ xưa sanh Tịnh Độ vô lượng, vô số đều là người đời mắt thấy được, nếu không tin thì có pháp nào đáng tin nữa? Nay kính khuyên bậc cao minh trí sĩ nên tin tự tâm, chẳng nên tin lầm thuyết tà. Ở trong pháp môn này, người thiền tịnh kiêm tu rất nhiều. Như Vĩnh Minh nói: “Tham thiền niệm Phật, niệm Phật tham thiền”

                    Có Thiền, có Tịnh độ
                    Ví như cọp mang sừng
                    Hiện đời làm thầy người
                    Tương lai làm Phật, Tổ.

Đây cũng là hạnh tối thượng cùng với người vọng xưng ngộ đạo đọa vào tội đại vọng ngữ, cách nhau một trời, một vực. Chỉ vì tất cả chúng sanh tự mê Phật tánh sẵn có nên đọa lạc vào ba cõi sanh tử, luân hồi trong sáu đường khổ nạn, suốt kiếp trầm luân, chẳng xa lìa được. Tất cả đều do tham, sân, si, ái, tạo chứa các ác nghiệp dâm, sát, trộm, vọng ngữ, rồi xả thân lại thọ thân. Tất cả đều vì dâm dục mà nhận tánh mạng, đời đời, kiếp kiếp, cha mẹ, vợ con, lục thân quyến thuộc, ân ái buộc ràng. Bị ngọn lửa lớn trong ba cõi thiêu đốt, không người nào thoát khỏi được. Nên đức Bổn sư Thích-ca chúng ta ở cõi Thường Tịch Quang hưng khởi tâm đại bi cứu khổ, xả bỏ pháp lạc của tự tánh, từ trời Đâu Suất giáng xuống vương cung, nhập vào thai mẹ, rồi Ngài lại bỏ cha mẹ, vợ con, đoạn dứt ân ái thâm trọng của thế gian, bỏ ngay ngôi vua Kim Luân, chạy vào núi Tuyết, cạo bỏ râu tóc, chịu đói lạnh suốt sáu năm, hành trì khổ hạnh cho đến ngày ngộ đạo thành Phật. Đây là một lối vì sanh tử xuất gia bậc nhất.

Rồi sau khi thành Phật Ngài lại bị ma hại, chịu nạn kim thương, mã mạch, các thứ kham nhẫn vứt bỏ thân mạng, chịu hết vô lượng nạn ma oán, thuyết pháp bốn mươi chín năm. Chỉ là một niệm từ bi vì muốn độ chúng sanh, cứu họ ra khỏi khổ mà thôi. Chỉ một việc này chớ không còn việc nào khác, nên một ngàn hai trăm năm mươi đệ tử trên hội Linh Sơn đều là những bậc anh linh hào kiệt một thời, học hạnh của Phật, ai nấy đều xa lìa cha mẹ, vợ con, ân ái thế gian, nương Phật tu hành, rồi liễu ngộ ân ái, được ra khỏi sanh tử, chứng quả A-la-hán. Như ngài A-nan là em của Phật cũng theo xuất gia, theo chúng chịu cực khổ.

Đây là cách thức độ đệ tử xuất gia của Phật chúng ta.

Lúc Phật ở đời, đệ tử theo Phật xuất gia, không biết pháp tu hành, nên Phật nhân sự việc mà thuyết giới khiến dừng ác, ngăn sai, được sự huân tu chơn chánh. Vì vậy người mới xuất gia gọi là Sa-di, Phật đặt 10 giới, cho đến Tỳ-kheo thì Ngài đặt 250 giới. Người nữ xuất gia thì gọi là Tỳ-kheo-ni, Ngài đặt 500 giới. Cho đến quốc vương, đại thần, tể quan, cư sĩ cùng những người tại gia, xuất gia, tứ chúng tiến tu đại giới Bồ Tát thì có kinh Phạm Võng, Ngài thuyết 10 giới trọng, 40 giới khinh, các giới luật này là gia pháp của pháp môn Phật. Nên nói: “Nếu người nào thọ giới của Phật tức là vào địa vị chư Phật”. Nếu làm tăng mà không thọ giới thì người ta gọi là ngốc tặc, ăn trộm cà-sa của Phật, bán đứng Như Lai, chớ chẳng phải đệ tử Phật. Làm tăng vâng theo Phật pháp như thế thật chẳng phải dễ.

Lúc Phật ở đời, tuổi thọ con người là một trăm tuổi. Phật đáng lý thọ một trăm năm, vì nghĩ đến đệ tử thời mạt pháp vô phước nên Ngài chỉ trụ thế 80 năm; lưu lại phước của hai mươi năm chưa hết cho con cháu đời sau. Nên nay các đệ tử được cúng dường tứ sự đều là thọ dụng một phần công đức trong ánh sáng bạch hào của Phật, tức là cọng rau, hạt gạo của thí chủ, một phân một hào của thí lợi đều là phước điền còn sót lại của Phật.

Nay người vào làm tăng trong pháp môn mà lại không hề biết Phật là người nào, cũng chẳng biết mình làm việc gì? Chẳng biết vì sao bỏ cha mẹ, vợ con, cạo bỏ râu tóc, không ở nhà thế tục mà vào ở chùa? Lại cũng chẳng biết rằng mình không cày cấy, không dệt sợi mà cơm áo từ đâu tới? Chỉ cho rằng chính mình có khả năng, đi quyên hóa thí chủ cúng dường, mà lại không biết lòng tin của thí chủ, máu mủ khó tiêu, tương lai phải kéo cày, lôi bừa, đeo hàm sắt, mang yên, chịu bao nhiêu khổ để trả nợ.

Đây là mọi người nhất tề mê muội mà chẳng biết, nếu cứ thọ dụng như thế mà có giữ giới hạnh sơ sơ, trì kinh niệm Phật, giữ bổn phận thì cũng tạm được. Huống lại hoàn toàn không biết tăng thể, chẳng thọ giới hạnh, phóng túng thân tâm phan duyên theo thân thuộc thế tục, ra vào không úy kỵ, chẳng tránh sự chê cười gièm pha cho đến vi phạm pháp cấm, hoàn toàn chẳng biết là trái, lại không phải chỉ có một loại. Trọn không biết vì sao xuất gia, vì sao xả tục, vì sao cạo bỏ râu tóc? Chẳng những không biết việc tu hành, mà ngay cả tâm thắp hương lễ Phật, kính thờ Tam bảo, tuyệt nhiên quên mất, hỗn độn một đời, sống say chết mộng. Hoàn toàn chẳng biết con đường chân chính tu hành, mà có gặp ai tu thì ngược lại cho là trái. Đây thật là người rất đáng thương xót!

Phật nói: “Tam đồ, địa ngục chưa phải là khổ, dưới lớp áo cà-sa mà mất thân người, mới thật là khổ”. Tóm lại là chẳng biết Tăng là gì?

Nên kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: Phật bảo: “Tỳ-kheo các ông! Mỗi buổi sáng nên tự vò đầu”. Nếu chịu tự vò đầu thì phản tỉnh chính mình thật không còn râu tóc. Vì không biết quy củ xuất gia của Phật pháp, nên thầy không thành thầy, đệ tử cũng chẳng thành đệ tử, trên dưới đoạn dứt phận, cùng bầy cầm thú, chỉ biết sự cấp thiết của ăn mặc mà hoàn toàn chẳng biết việc sanh tử, chẳng sợ có cái khổ tam đồ ở tương lai.

Thế gian do thói quen này trở thành phong tục và cho là việc thường. Còn có người bỏ làng đi hành khước khắp nơi, mà cũng chỉ biết có cơm cháo ở tòng lâm, chứ mờ mịt chẳng biết có Phật pháp thiền đạo. Đây lại thật là người rất đáng thương xót! Tuy nhiên, trong ấp có mười nhà, thì chắc chắn có người trung tín. Nay ở các núi hiện tại há không có bậc anh linh hào kiệt sao? Ở mỗi phương, nếu có một hai người chịu phát tâm hưng khởi, tự nhiên có cơ hội chuyển hóa. Vì thế nay tôi chỉ mong các bậc có chí trụ ở chùa, mỗi người nên suy nghĩ xét mình quay đầu về, nên nghĩ đến việc lớn sanh tử, thống thiết sửa đổi lỗi trước, phát khởi một niệm tâm hướng về đạo. Sự phát tâm ban đầu, trước cần tham thỉnh thiện tri thức và thọ mười giới Sa-di. Nếu giữ mười giới không phạm thì tiến lên 250 giới của Tỳ-kheo, mỗi một giới điều đều cẩn thận kiểm điểm cho đến tiến lên thọ giới Bồ Tát. Vì Phật thiết lập giáo pháp lấy tam học Giới-Định-Huệ làm căn bản Phật pháp, nghĩa là nhân giới sanh định, nhân định sanh huệ, đó là ba vô lậu học.

Các giới tướng ghi đủ trong giới kinh, mời mọi người tự kiểm xem chẳng cần kể kỹ.

Sau khi có thể thọ giới rồi, chẳng kể là ở một mình hay theo chúng, nhất định cần mỗi nửa tháng đến trước Phật tụng niệm giới phẩm. Ai có hủy phạm thì đối trước chúng sám hối, sửa lỗi bản thân, thì thân tâm thanh tịnh, nghiệp chướng được tiêu trừ. Đó là điều cốt yếu ra khỏi khổ não.

Ai đã có thể trì giơi là gốc tu hành thì nên gần gũi Phật pháp, dù không ra khỏi cửa, đi nơi khác nghe giảng, cũng nên tự mình phát tâm chuyên nhất trì tụng các kinh Đại thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Viên Giác, Lăng Nghiêm để trồng nhân duyên Bát-nhã, hoặc ai có chí chuyên tu một môn Tịnh Độ thì lấy niệm Phật làm hạnh chánh, tụng kinh Đại thừa làm hạnh trợ giúp, sáu thời phát nguyện hồi hướng, cầu ra khỏi đường khổ sanh tử. Như thế mới không phụ nhân duyên lớn lao của người xuất gia, cũng chẳng trôi suông đời này.

Nếu người có căn thượng thượng, phát tâm thoát ly nghiệp đời, đi các nơi tham thỉnh thiện tri thức, chí muốn tham cứu đến cùng đại sự sanh tử, chỉ cần đề lên một niệm thôi, chẳng cần cầu bên ngoài. Đây là căn khí tối thượng Nhất thừa.

Nhưng nếu, phát tâm tự nhận, nhất định có lúc phát minh liễu ngộ, thì do căn khí mỗi người, chí hướng thế nào.

Như trên đã nói, trì giới, tu hành, tụng kinh, niệm Phật tuy chẳng thể chóng ngộ tự tâm mà cũng không bỏ phí thời giờ, cũng chẳng phụ duyên xuất gia. Nếu cứ nhởn nhơ buông lung thì đến chết cũng chẳng thành. Chẳng đáng thương lắm sao? Qua suông đời này, đọa lạc vào tam đồ, thì tương lai chẳng biết bao giờ mới ló đầu ra được.

(còn tiếp)
 

[ Quay lại ]