Cư sĩ tu thiền
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 29 Tháng mười hai 2013 13:36
Chân Hiền Tâm
Tu thiền, ai cũng có thể tu. Già, trẻ, lớn, bé, có học hay không học v.v… đều tu được. Vì thiền không ấn định giới hạn dành riêng cho tầng lớp nào. Vấn đề là có muốn tu và quyết tâm tu hay không. Đã muốn và quyết tâm thì khó khăn nào cũng vượt qua. Kiếp này chưa qua thì kiếp sau cũng qua. Kiếp sau chưa qua thì kiếp sau nữa cũng qua v.v… Có đi, dù là chậm, vẫn có đến. Vấn đề đặt ra là có chịu đi hay không.
Phật tử tại gia, đời sống tu hành gắn liền với công việc, gia đình và xã hội. Vì thế, dù tu cùng một pháp với người xuất gia, pháp hành của người tại gia cũng không thể y khuôn như người xuất gia.
Việc quan trọng đầu tiên vẫn là làm sao củng cố chánh kiến cho vững.
Củng cố chánh kiến
Chánh kiến, là cái thấy chân chánh. Thấy chân chánh là thấy đúng những gì cần làm và không nên làm đối với việc tu hành của mình. Thấy đúng thì hành mới đúng. Nó bao gồm việc xác định hướng đến và lên kế hoạch những gì mà một hành giả tu thiền phải làm trong quá trình tu hành, để những gì đề ra có kết quả tốt nhất. Cần có cái nhìn đúng đắn về việc này. Vì thấy không đúng thì đi sẽ lệch. Đã lệch thì đi càng xa, lệch càng nhiều. Đó là lý do vì sao một hành giả tu thiền cần củng cố chánh kiến cho vững.
Đích đến của người tu thiền
Thiền của Phật giáo không đặt nặng ở vấn đề sức khỏe, thần thông hay phát ra những tướng lạ diệu kì. Không đặt nặng, nghĩa là không lấy những tướng đó làm mục đích hướng đến.
Thiền Phật giáo giúp phá chấp, là phá chấp ngã và chấp pháp, để hành giả nhận ra chân tâm bản tánh của mình. Đó là Tri kiến Phật nói trong kinh Pháp Hoa, Phật tánh trong kinh Đại Bát Niết Bàn, tâm Ma-ha trong kinh Pháp Bảo Đàn, Chân như trong luận Đại Thừa Khởi Tín, Vô sinh trong Trung Luận v.v…
Muốn nhận ra tâm đó, đòi hỏi hành giả phải đi trên con đường Trung đạo. Trung đạo là lìa nhị biên phân biệt. Bất cứ niệm nào hiện khởi ở tâm đều phải được nhận biết (tu Quán) và dừng lại (tu Chỉ) không để nó sinh khởi tiếp tục. Đó là cách giúp cho lực khởi của dòng vọng niệm suy yếu dần. Lực khởi đó Phật gọi là lực nghiệp.
Được tâm tịch diệt rồi cũng không trụ nơi tâm tịch diệt đó. Không trụ tâm sinh diệt của phàm phu cũng không trụ tâm tịch diệt của Nhị thừa thì ngay đó là … vô sinh.
Trên thực tế không đợi tâm phải hoàn toàn tịch diệt, cái thật mới hiển bày. Cái thật sẳn đó, nên chỉ cần trong một thời ngồi thiền, tâm không rơi vào nhị biên phân biệt thì cái thật xuất hiện. Thiền gọi đó là kiến tánh, là thấy được Phật tánh của chính mình.
Những việc như thế không phải là khó với một cư sĩ có đủ điều kiện tu hành, nhưng lại là việc không dễ với một cư sĩ mà sinh hoạt đời thường gắn liền với các loại công việc đòi hỏi sự giao tiếp và sử dụng đến đầu óc nhiều.
Xác định rõ những gì có thể làm và chưa làm được trong điều kiện hiện có của mình, là một phần của chánh kiến. Không nên bẻ quẹo những gì kinh luận đã nói cho tương thích với những hạn chế của mình, rồi cho đó là đủ. Cũng không nên nhầm lẫn giữa kiến giải và chỗ thực chứng.
Bỏ cuộc chỉ vì mình không đủ điều kiện để đạt được chỗ tối cùng là việc không nên. Mọi nấc thang đều có chỗ bắt đầu. Không có bước đầu này, chúng ta không bao giờ có được những bậc thang cao hơn để lên tới đỉnh. Bỏ cuộc, cũng có nghĩa là đang tạo thêm cho mình những khó khăn đối với việc tu thiền. Bởi thói đời huân tập càng mạnh thì thói đạo ngày càng xa.
Hãy bắt đầu bằng những bước đầu tiên...
Là những bước không phải khó nếu ta có quyết tâm, nhưng không phải dễ vì phải từ bỏ những thói quen (tập) từng huân tâp trong quá khứ, mà hiện tại mình vẫn đang dùng nó như một lẽ tự nhiên.
Phát tâm bồ-đề
Phát tâm bồ-đề là việc đầu tiên không thể thiếu của người tu thiền. Là phát cái tâm “Trên cầu Phật đạo. Dưới hóa độ chúng sinh”.
Phát tâm bồ-đề là việc rất cần đối với người tu thiền. Nó nói lên sự quyết tâm của mình đối với việc tu hành. Là điều kiện để chúng ta nhận được sự gia trì của chư Phật, Bồ-tát và Long Thần hộ pháp. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Này Thiện nam tử! Như người học bắn, trước phải tập thế đứng, sau mới học đến cách bắn. Cũng thế, Bồ-tát muốn học đạo nhứt thiết trí của Như Lai, trước phải an trụ nơi tâm bồ-đề, rồi sau mới tu hành tất cả Phật pháp... Này Thiện nam tử! Như người máy bằng gỗ, nếu không có mấu chốt thì các thân phần rời rạc chẳng thể hoạt động. Cũng thế, Bồ-tát nếu thiếu tâm bồ-đề, thì các hạnh đều phân tán, không thể thành tựu tất cả Phật pháp”. Vì thế phát tâm bồ-đề là việc cần yếu đầu tiên của hành giả tu thiền.
Đừng nghĩ phát tâm bồ-đề rồi thì sẽ sinh chuyện, khiến mình phải xuất gia, lìa bỏ gia đình v.v… là những thứ mà cư sĩ có gia đình chưa thể lìa bỏ ngay, nên không muốn phát tâm. Sự gia trì của chư Phật sẽ tùy cơ tùy duyên mà ứng hiện sao cho tương thích với thân tâm và hoàn cảnh của mỗi người, giúp người thuận tiện tiến tu.
Đây cũng là pháp cúng dường tối thượng[1] mà người tại gia có thể dùng cúng dường mười phương chư Phật, lấy đó làm hành trang cho những chặn đường kế tiếp của mình.
Phản quan tự kỷ
Muốn thực hành Quán và Chỉ, Hành giả phải “Phản quan tự kỷ bổn phận sự”. Thay vì hướng ra ngoài phê bình cái này, nhận xét cái kia và mượn ngoại cảnh giải quyết sự trống trải hay buồn vui của mình thì khi tu thiền, chúng ta phải xoay cái nhìn đó lại chính mình. Để thấy những sinh khởi trong tâm mình. Đây là việc không mấy dễ đối với người quen hướng ra ngoài, nhưng là việc bắt buộc của người tu thiền khi muốn tu hành có kết quả.
Tu thiền mà không quán tâm, chỉ lấy việc đọc học làm chính thì chưa gọi là tu thiền. Đó chỉ mới là học ngôn ngữ thiền. Trở thành cuồng thiền cũng vì đọc thì nhiều mà tu thì không bao nhiêu.
Mọi thứ đều từ thói quen mà ra.
Không có thứ gì bắt đầu mà dễ dàng, nhưng nếu biết cách thì mọi thứ đều xong. Khó, nên không thể làm xong tức thì nhưng vẫn có thể làm từ từ. Khi nào quay vào được thì quay vào. Quên thì thôi. Nhớ thì quay vào. Cứ vậy từ từ mà làm. Kiếp này chưa làm được nhuần nhuyễn thì đó cũng là cái nhân để những kiếp sau chúng ta thực hiện việc quay vào dễ dàng hơn.
Không dính mắc các pháp
Đọc báo, nghe nhạc, xem tivi, lên mạng, chơi game, tám chuyện v.v… là những việc gần như không thể thiếu của người đời. Thiền, không phải là không được đụng đến những thứ đó. Vì lợi ích chúng sinh mà đụng đến thì không lỗi. Lỗi là khi chúng được gắn liền với những ưa thích của mình, liên quan đến thói quen của mình, góp phần giải quyết sự trống trải của mình. Nó cho thấy tâm đang dính mắc với các pháp. Thiền, là đưa tâm trở về trạng thái vô trụ của nó.
Do đâu có dính mắc? Vì bị thói quen trói buộc. Thành muốn không dính mắc thì phải trừ bỏ thói quen. Cho nên, nếu thật muốn tu thiền thì phải hạn chế dần những thứ đó.
Cần phân định rõ cái cần và cái không cần trong điều kiện hạn cuộc của một cư sĩ để dừng bớt sự sinh khởi của tâm.
Công việc là thứ nuôi sống bản thân và gia đình, nên không thể thiếu, thành vẫn cần dụng đến nó.
Đọc báo, xem ti vi… là thứ cần lướt qua để biết ít nhiều tin tức xảy ra quanh mình. Có thể tạm dùng nhưng nên vừa đủ. Tránh tình trạng tìm tin tức để đọc miệt mài từ giờ này sang giờ khác.
Nghe nhạc, lên mạng, chơi game, tụ lại tám chuyện v.v… là những việc thật sự không cần thiết trong đời sống của một hành giả tu thiền. Mình thấy nó cần vì không có nó, mình không thể đối diện với sự trống trải trong mình. Vì đã tập quen với chúng quá nhiều, nên thiếu chúng mình thấy căng thẳng và chúng trở thành một phần không thể thiếu của mình.
Vì không ý thức được tâm có tính huân tập mạnh nên ngày càng huân sâu. Khi muốn bỏ lại càng cực.
Ý thức được mà không dừng được vì nó đã trở thành thói quen của mình, nên cứ phải theo cái lực ấy mà đi.
Chưa ý thức thì nên ý thức.
Ý thức rồi thì nên dừng bỏ.
Có những thứ có thể bỏ liền, nhưng cũng có những thứ không thể. Đó là tùy thói quen mạnh hay nhẹ. Với các thói quen mạnh, không thể dừng cái rụp mà cũng không nên dừng cái rụp vì phản tác dụng. Phải với chiến thuật lìa dần. Giảm dần đến khi chấm dứt. Chấm dứt rồi cần giữ không tái phạm. Đến khi nào biết chắc chúng không còn là thói quen của mình. Có nó hay không mình vẫn bình thường, không có sự gượng ép vì phải giữ gìn. Khi đó mới tùy nghi dùng nó nếu cần cho Phật sự.
Thường, khi chúng ta tha thiết phát tâm bồ-đề thì những thói quen đời tạm ngưng, dành chỗ cho những sinh hoạt thuộc đạo như nghiên cứu kinh luận, ngồi thiền v.v… Nếu biết cách tu hành thì đó là cái nhân giúp ta từ bỏ những tập nghiệp đời thường không mấy khó khăn.
Tới ba bước lùi bốn bước vì mình không biết tận dụng giai đoạn phát tâm quan trọng này. Không xác định được lập trường tu hành cũng như thiếu hiểu biết về đường lối tu tập, nên mình đã không tận dụng được nó lâu dài. Một niệm tỉnh giác của sự phát tâm một khi mất lực thì tập nghiệp bắt đầu sinh khởi lại. Mọi thứ thành khó khăn.
Giữ giới nghiêm túc
Tu thiền, thấy thì phóng khoáng nhưng giới mà không giữ thì không tu được, cũng coi như không tu. Vì thế năm giới của Phật tử tại gia cần phải giữ cho nghiêm túc. Nó không chỉ mang lại quả báo tốt đẹp cho đời sống hiện đời và mai sau, còn là cái nhân tạo thêm thuận duyên cho việc tu hành, giúp hành giả bảo vệ được định tâm của mình.
Giữ năm giới ngày càng vi tế, là đang giữ cho thân tâm không bị cảnh duyên lôi kéo. Đó là thiền. Tổ Trúc Lâm nói: “Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền”.
Cần tập tỉnh giác
Chúng ta thường sống theo cái gọi là “tự nhiên” do nghiệp lực đưa đến, nhưng lại tưởng mình chủ động trong mọi sinh hoạt của mình.
Từ suy nghĩ ra đến hành động gần như không có khoảng hở để mình tự chủ là nên hay không nên. Suy nghĩ liền kề với hành động, không kịp có một sự tỉnh giác hay ghi nhận.
Để sự tỉnh giác có mặt, cũng là cách để kéo tâm trở về giây phút hiện tại, trong các kinh thuộc hệ A-hàm, Phật dạy các Tỳ kheo nên thực hành mọi việc trong chánh niệm. “Khi đi biết tôi đi, khi đứng biết tôi đứng. Thân thể được sử dụng thế nào vị ấy biết thân thể như thế ấy. Lại nữa, này các Tì kheo! Khi bước tới bước lui biết việc mình đang làm. Khi co tay duỗi tay biết việc mình đang làm. Khi mang bát, mang y biết việc mình đang làm … Vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh…”.[2] Tuy là pháp của Tỳ kheo nhưng nếu đã chấp nhận tu thiền thì nó không thể thiếu trong đời sống của một cư sĩ. Kinh Hoa Nghiêm cũng dạy cư sĩ tại gia thực hành những việc như thế. “Nếu khi còn tại gia, nên dùng tâm Tát-bà-nhã thiện căn như vầy mà hồi hướng. Đó là, khi mặc áo quần, lúc uống, lúc ăn, uống các than dược, đi, đứng, nằm, ngồi, thân khẩu ý nghiệp đầy đủ thanh tịnh, các căn điều phục thảy đều an vững, tắm rửa chà thân tịch tĩnh chậm rãi, quay lui nhìn tới, đưa chân, hạ chân, khi ngủ khi thức không mất uy nghi, khéo nhiếp các căn chưa từng tán loạn”.[3] Cho nên, cần cố gắng tập dần, không thể chuyên nhất lúc đầu nhưng từ từ rồi cũng thành quen.
Nếu có thể thực tập được như thế thì mình có thể kịp ghi nhận mà dừng lại những nghiệp nhân không tốt. Cũng là bước đầu góp phần dừng đi sự tương tục của dòng vọng niệm.
Ý thức được những gì đang hiện khởi ở tâm, dù trễ, vẫn là việc cần thiết của người tu thiền.
Nói nhiều là nạn tai
Nói nhiều, là việc nói đã trở thành tánh của mình. Nghĩa là nói bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Không ai mời cũng nói. Nói không cần biết thiên hạ có nghe không. Nói không cho ai nói v.v... Ngoài việc giúp người khác không có cơ mở miệng và thấy được việc nói nhiều kinh hãi thế nào, thì với bản thân, chẳng mang lại lợi ích gì cho mình mà còn là cái nạn rất lớn cho việc tu thiền.
Theo thói đời, nói với cách như thế là thiếu kỹ năng giao tiếp. Người khôn ngoan không nói nhiều.
Trong đạo, người nghĩ tri thức mình hạn hẹp, không cho mình giỏi giang hay biết nhiều sẽ không mấy hồ hỡi khi phải mở miệng. Người thật sự hiểu nhiều cũng không nói nhiều. Bởi nói nhiều biểu thị cho cái ngã đang hiện hình. Tu thiền, phải phá đi cái chấp ngã này.
Trong công phu tu hành, nói nhiều biểu thị bản thân không làm chủ được dòng vọng tưởng tương tục trong mình. Đã để nó phát thành khẩu nghiệp. Tu thiền, cần phải hàng phục cho được dòng ý nghiệp này. Cũng là hàng phục cho được sự sinh khởi của tâm.
Nếu không ý thức để dừng, cũng không quyết tâm tập dừng thì cái tật ấy ngày càng huân tập. Huân càng nhiều thì lực khởi càng mạnh. Tu thiền càng khó.
Tập bình thường với mọi việc
Đời sống cư sĩ thường đối diện với nhiều biến động trong cuộc sống. Vui cũng có mà buồn cũng có. Cần tập bình thường với những biến động ấy. Khi được như ý không vui, vì biết mọi thứ giả tạm nhưng đó là nền tảng sinh khởi cái buồn. Với việc không như ý, chỉ cần chúng ta tin sâu nhân quả, tức không có cái quả nào trên đời này mà không có nhân, thì có thể an ổn hơn với những biến động quanh mình.
Cần phân định rõ giữa tu phước và tu thiền
Nói phân định vì đã có sự nhầm lẫn giữa hai thứ này. Đại sư Tông Mật nói: “Dứt vọng tâm là chánh tu. Làm các điều lành là trợ tu”.[4] Cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa tu thiền và tu phước. Dứt vọng tâm là tu thiền. Làm các việc lành như cúng dường, bố thí, giúp đỡ người cô bần, xây chùa, làm công quả v.v… là tu phước. Người tu thiền không có nghĩa là không tu phước. Nhưng cần nhớ rõ việc chính của người tu thiền là dứt vọng tưởng, không phải là những tác sự bên ngoài. Không tập trung dứt bỏ dòng vọng tưởng mà chỉ chuyên chú làm các việc lành thì chỉ mới là tu phước chưa phải tu thiền. Cái quả có thể là sung túc nhưng muốn có định lực và trí tuệ thì phải dứt cho được dòng vọng tưởng. Tùy mức độ dứt mà định lực và trí tuệ theo đó hiển phát.
Chỉ tu phước thôi cũng không phải lỗi. Nhưng cần ý thức rõ không nên nhập nhèm. Biết đúng thì khi đủ duyên ta mới dứt vọng. Nhầm lẫn rồi thì việc dứt vọng bị bỏ qua. Tiếng là tu thiền mà toàn là tu phước. Không khéo, còn tăng thêm cống cao ngã mạn. Vì nhân cũng như quả của tu phước có tướng hiện ra bên ngoài. Cho là nhiều mà không thấy được sự hạn chế của mình thì dễ sinh tâm cống cao.
Cần chọn đúng pháp cho mình
Thế giới này là thế giới Duyên khởi. Tức tùy nhân tùy duyên mà có pháp. Phật pháp không ra ngoài lệ ấy. Tùy căn cơ mà có pháp nên Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn ứng với tám ngàn bốn vạn căn cơ của chúng sinh.
Pháp tuy nhiều nhưng không ra ngoài cái nghĩa giúp dứt “Tập”, là một trong bốn chi phần của Tứ thánh đế. “Tập” là sự tích tụ, là thói quen.
Cho nên, chọn pháp dễ đi hay khó đi, thoải mái hay cực nhọc thì vấn đề vẫn cần coi là pháp đó có giúp mình phá được tập nghiệp của mình không. Có giúp mình nhận ra được thực tướng của dòng vọng tưởng đang sinh khởi trong mình không. Nếu không thì dù là pháp tối thượng cũng không nên dùng. Bởi dùng thì không khác người có bệnh mà uống nhân sâm. Chỉ từ chết tới bị thương. Tu mà rốt cuộc không tu. Không tu mà tưởng sắp thành Phật nên các tập nghiệp tham, sân, ngã mạn v.v… càng có cơ phát tán mạnh. Đó là cái họa của người tu thiền khi chọn pháp không đúng với căn cơ mình.
Ngài Huyền Giác nói “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân. Chẳng trừ vọng tưởng chẳng cầu chân”. Theo đó thì thấy: Không có việc trừ vọng. Trừ vọng thành lỗi.[5] Có điều câu nói đó dành cho thành phần nào? Nói rất rõ: “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân”. Đó là hạng đủ duyên dụng pháp đó. Tức không phải căn cơ đó thì không thể dùng cũng không nên dùng.
Người, tu thì ngại mà chứng thì muốn cho nhanh, nghe câu này khoái lắm. Người tu thiền lâu năm, chỉ thấy vọng ngày thêm nhiều, hàng phục nó không nổi, cũng rất hồ hỡi khi nghe câu này.
Bỏ mấy cái tập tham dục coi vậy mà dễ. Dứt cho được dòng vọng tưởng không phải ngon ăn. Càng trừ, thấy nó càng nhiều. Thành vớ được câu này như vớ được cái phao giữa biển khổ. Quên rằng mình chưa phải là hàng vô vi nhàn đạo nhân. Học chưa xong, kinh luận hiểu chưa nổi, có thuộc hàng tuyệt học chăng? Nếu đúng là vô vi thì vọng tưởng chẳng còn để phải nói đến việc trừ hay không trừ.
Cho nên, chưa phải là hàng vô vi tuyệt học mà áp dụng pháp đó thì chỉ có chết tới bị thương. Chết sự tu học của mình, không thể chết cái tâm thức vọng động của mình. Chúng sinh hoàn rặt chúng sinh.
Nhận biết ngã tướng
Ngã tướng có khuynh hướng thích chỗ nhẹ nhàng và được tâng bốc, tránh chỗ làm nó tổn thương. Nghe cái gì dính dáng đến mình theo hướng không thuận, lập tức tránh lẹ. Người tu thiền cần phải tỉnh giác với việc này. Không, thì nói là phá ngã mà ngã tướng vẫn ủ kỷ đó. Nên nhớ, hành thiền là để phá chấp ngã và chấp pháp. Vì thế đừng bảo bọc nó kỹ quá. Hãy ý thức mà trương mình ra đó, để còn vượt qua. Mới thấy tất cả chỉ là vọng tưởng.
Thiền là lặng mà tỉnh
Tu thiền không thể không có tọa thiền. Tùy năng lực và điều kiện của từng người mà thời gian ngồi thiền ít hay nhiều, giờ giấc cũng không cố định theo một tiêu chuẩn nào.
Được giấc sớm vẫn là tốt nhất.
Được đều đặn vẫn là cần thiết.
Ngồi thiền, được càng lâu càng tốt với điều kiện là tỉnh sáng. Ngồi trong trạng thái mơ màng để được sự “an lạc” giả tạo, thiên hạ cũng thấy mình ngồi lâu, thì đó là hang ổ của vô minh.
Ngồi không được lâu mà tỉnh sáng vẫn hơn. Nói hơn là so với việc ngồi mơ màng nói trên, không phải bảo hành giả tu thiền không cần ngồi lâu. Tỉnh sáng mà ngồi lâu thì còn gì quí bằng.
Đừng nghe Hòa thượng Trúc Lâm hỏi “Ngồi được bao lâu?” rồi lấy cái tướng ngồi bao lâu đó làm công khóa. Hỏi ngồi bao lâu là ngồi trong cái “tỉnh tỉnh lặng lặng” được bao lâu, không phải là ngồi “mù mù mờ mờ” được bao lâu. Vì thế, không nên chấp vào tướng ngồi rồi lấy đó làm công khóa. Ngồi với tâm tỉnh sáng mới là trọng yếu.
Được cảnh báo rồi mà không thể vượt qua, vì đã bị con ma mơ màng nó cột. Tọa thiền như vậy không thể giúp phá trừ tập nghiệp mà còn nẩy sinh thêm tập nghiệp mới, là cái tập mơ màng.
Có người than sao con ngồi thiền hoài mà trí tuệ không phát, đọc kinh vẫn không hiểu? Là tại đó. Thiền ngủ hay thiền mờ thì trí tuệ không thể hiển. Ngồi càng lâu càng vô minh, thêm cống cao ngã mãn chỉ vì nghĩ mình ngồi lâu hơn thiên hạ.
Thân cận thiện tri thức
Một điểm cần chú ý nữa là cần có một vị thầy cho mình. Tu thiền không thể không có thầy.
Nên tham gia các buổi tọa thiền có sự hướng dẫn của các bậc tôn túc.
Kinh luận cũng là thiện tri thức của mình.
Nếu lấy việc phản quan tự kỷ làm chính thì cảnh duyên bên ngoài cũng là cái duyên để mình học hỏi.[6]
Thời nay thiện và ác tri thức lẫn lộn. Vì thế để không nhầm lẫn, nên có lời nguyện “Cho con gặp được thiện tri thức để tiến tu”.
Thiện tri thức có khuynh hướng giúp phá đi ngã tướng của mình. Vì thế cần chuẩn bị tinh thần đó khi gặp thiện tri thức.
Thấy tự ngã bị chạm đau mà rút lui thì không thể tu thiền. Chỗ nào làm tâm mình khó chịu nhiều, chỗ đó giúp mình phá ngã tướng nhiều. Vấn đề nằm ở chỗ dụng tâm của mình, không phải ở cảnh duyên.
Đại sư Từ Minh khi còn tham học dưới trướng của Tổ Phần Dương, không thấy có gì khác ngoài việc nghe mắng và chê bai các chỗ khác. Một lần buộc miệng than: “Đã không học được gì, chỉ thêm tâm thị phi”. Tổ Phần Dương nghe được, hét lớn: “Ông vu oan giá họa cho ta”. Hét rồi xấn tới định đánh. Đại sư Tư Minh toan mở miệng, Tổ Phần Dương bịt lại. Ngay đó Từ Minh đại ngộ. Về sau cũng dùng cách ấy mà tiếp người.[7]
Thiện tri thức, có khuynh hướng phá chấp ngã và chấp pháp cho hành giả tu thiền. Chỉ là tùy duyên mà có xoa hay đánh. Nếu thấy xoa mà tới, thấy đánh mất dạng thì khó mà xóa bỏ tự ngã. Cho nên, có khi không phải không có thiện tri thức, chỉ vì không đủ cơ để gần.
Tổng kết
Pháp của chư Phật chỉ có giá trị khi chúng ta chịu y pháp tu hành và có thể áp dụng nó vào trong đời sống thường nhật. Muốn thực hành có hiệu quả, đầu tiên phải củng cố chánh kiến cho vững.
Chánh kiến không chỉ nằm ở mặt nhận pháp tu hành, còn biểu hiện ở mặt trực tâm, là thấy đúng những gì mình đã làm được và chưa làm được. Bởi ngã tướng có khuynh hướng che đậy những cái mình nghĩ là dỡ, phát tán những thứ mình cho là hay (dù gian dối). Cần tỉnh giác tránh tình trạng đó. Đừng để vọng tưởng gạt mình. Đó là tu.
Người tu thiền có hai việc trọng yếu cần tập trung, là dứt vọng và trừ tập.
Đã nói vọng sao còn nói trừ?
Vì với chúng ta, chưa có thứ gì là vọng. Vọng, là lời Phật Tổ nói, còn với chúng ta, tất cả vẫn như thật. Nó vẫn có lực lôi mình đi, mình bảo nó dừng, nó không hề dừng. Vậy thì với mình nó chưa là vọng. Nó vẫn có lực, nó vẫn như thật… Chính vì thế mà nói đến trừ. Trừ để vọng ấy mất lực, hiện nguyên hình là vọng.
Tập, là thứ khiến chúng ta không thể tự tại với các pháp. Điều này có thể kiểm nghiệm trong đời sống của mình. Như nghiện ớt thì không thể tự tại khi thiếu ớt. Quen đọc báo rồi, sẽ thấy thiếu thốn khi không có báo v.v... vì thế phải trừ.
Ở đây cần nhận định rõ: Không phải không được ăn ớt hay đọc báo. Vấn đề là đừng để nó thành thói quen hay tích nó trong tâm mình, khiến mình phải lệ thuộc vào nó. Thiền sư Duy Nghiễm bảo thầy Tri viên: “Trồng thì không ngăn ngươi trồng. Chớ cho mọc rễ”.[8] Trừ là trừ thói quen. Không phải trừ pháp. Đó gọi là dứt tập.
Nghĩ đúng và làm đúng thì nhất đinh sẽ có kết quả. Tùy theo việc thực hành ít hay nhiều, miên mật hay không miên mật mà có kết quả khác nhau. Nói chung, có đi và đi đúng thì có đến, đến đúng chỗ cần đến.
Kiếp này thấy thực hành khó vì kiếp trước thấy khó mà không làm hay làm ít. Chính vì thế, hãy nên bước những bước đầu tiên, dù khó, để kiếp sau mọi thứ được dễ dàng hơn.
[1] Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký quyển 7 - Đại sư Hiển Thủ: “Có thể một niệm phát tâm bồ-đề, đó là pháp cúng dường tối thượng”.
[2] Trung Bộ tập 3 – Kinh Thân hành niệm.
[3] Kinh Hoa Nghiêm bộ 60 quyển – Quyển 15. Phẩm Bồ-tát Kim Cang Tràng Thập Hồi Hướng.
[4] Nguồn Thiền – Đại sư Tông Mật. HT Thanh Từ dịch.
[5] Xin đđừng tách câu này ra khỏi những câu chung quanh. Vì ý nghĩa của nó lệ thuộc vào những câu đó.
[6] Mới tập phản quan thì chưa thể tránh được sự nhận thức phán xét đối với cảnh giới bên ngoài.
[7] Lăng Nghiêm Tông Thông - Thiền sư Nhẫn Tế dịch - Nhà Xuất Bản Tôn Giáo.
[8] Giai thoại thiền – Viên Đức