headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Lý nhân quả và đạo làm người

nhanquaChánh Tấn Tuệ

Đức Phật đã dạy: “Thân người khó được”.

Tất cả mọi chúng sinh, một khi chưa giác ngộ giải thoát, đều phải trôi lăn trong lục đạo luân hồi. Số lượng chúng sinh trong lục đạo thì rất lớn, trong khi số lượng cá thể người lại không nhiều. Vì thế trên mặt số lượng, con người phải nói là một hiện tượng khá hiếm và là những chúng sinh có sức phản tỉnh cao, khả năng tự giác lớn.

So với các cõi khác, cõi người là nơi có được điều kiện tốt nhất cho việc tu học chánh pháp. Việc học hỏi chánh pháp giúp chúng ta nhận ra các nguyên lý chi phối sự vận hành của cuộc đời, rõ được đạo lý nên có thể lựa chọn cho mình cách sống phù hợp với đạo đức. Việc này làm tăng trưởng phước đức, phát triển trí tuệ và cuối cùng là tiến đến chỗ giải thoát giác ngộ rốt ráo.

Phải nói không dễ để được làm người. Được làm người là điều vô cùng quí hiếm.      

Trên thực tế, nhiều người trong chúng ta lại không nhận ra giá trị cao quí của việc làm người. Chúng ta phung phí cuộc đời mình cho nhiều chuyện vô bổ. Nghĩ và làm những việc trái với đạo lý, nên đời sống gặp nhiều gian nan bất trắc, phước đức ngày càng mòn mỏng, tâm trí mê mờ, chịu nhiều khổ nạn. Quan trọng hơn, do sống trái với đạo làm người, đã ngăn trở cho việc tái sinh ở cõi người.

Sở dĩ có hiện tượng nói trên, là do chúng ta chưa nhận ra thực lý chi phối cuộc đời, chi phối dòng sống của mỗi người. Đó là lý Nhân quả.

Lý Nhân quả chi phối mọi thứ trên đời từ tâm tới vật.

Hiện nay, hầu như mọi ngành khoa học, từ vật chất đến tâm linh, đều được xây dựng trên lý nhân quả. Điều kỳ lạ là, dù được sinh ra trong thời đại khoa học, rất tin tưởng vào khoa học, nhưng khi nghe vận mạng hay cuộc đời của chúng ta, mỗi mỗi đều do nhân quả mà thành thì nhiều người cảm thấy phân vân, nghi ngờ, thậm chí không tin.

Lý Nhân quả nói rằng: “Bất kỳ một hiện tượng nào, từ tâm tới vật, đã xuất hiện, hiện xuất hiện, sẽ xuất hiện trong đời sống của mỗi người đều có nguyên nhân của nó”. Việc xuất hiện với thân tướng đẹp hay xấu, khỏe mạnh hay ốm yếu, thông minh hay ngu đần, giàu sang hay nghèo hèn, nhiều may mắn hay xui xẻo, được nhiều người yêu thương, giúp đỡ hay ghét bỏ, hãm hại v.v… mỗi mỗi đều có nguyên nhân.

Những nguyên nhân ấy do chính mỗi người tự tạo thông qua ba nghiệp thân, khẩu, ý, của mình nên gọi là nghiệp nhân.

Những nghiệp nhân thời quá khứ, khi đủ duyên, sẽ cho ra quả ở hiện đời. Những nghiệp nhân thời quá khứ và hiện tại sẽ cho ra quả ở đời vị lai.

Những quả ấy sẽ nối tiếp nhau tạo thành dòng đời của mỗi người.

Cuộc đời của chúng ta do chính chúng ta tự tạo lấy, không phải ngẫu nhiên mà có, không do một vị thượng đế hay thần linh nào ban tặng hay ép buộc chúng ta phải chịu nhận.

Cuộc đời của mỗi người, dòng sống của mỗi người, do chính người đã và đang tiếp tục tạo ra dưới sự chi phối của lý Nhân quả.

Ai cũng muốn có đời sống tốt lành, hạnh phúc, sung túc... Để được thế, chúng ta cần có sự hiểu biết về lý Nhân quả và lẽ thiện ác.

Những nghiệp nhân nào đem lại lợi ích[1] cho dòng sống của mình, gọi là thiện.

Những nghiệp nhân nào đem lại sự tổn hại cho dòng sống của mình, gọi là ác.

Hiểu được như thế, chúng ta cần tạo ra nhiều nghiệp nhân thiện. Tránh tạo các nghiệp nhân ác.

Dù mang một hình thức khá đơn giản, dễ hiểu, nhân nào quả nấy, nhân thiện quả lành, nhân ác quả dữ, nhưng khi vận dụng nó vào trong đời sống thực tế thì không đơn giản. Vì thế chúng ta cần lưu ý :

- Có những việc làm có thể mang lại lợi ích trước mắt, nhưng lại gây ra sự tổn hại to lớn và lâu dài cho dòng sống của chính mình, thì đó là nghiệp nhân ác, không phải là nghiệp nhân thiện.

- Do nhân quả thông suốt ba thời, nhân ở quá khứ mà quả ở hiện tại, hoặc nhân ở quá khứ và hiện tại mà quả ở tương lai, nên :

. Trong hiện đời, tuy đã có những ý nghĩ tốt, làm nhiều việc tốt mà cuộc sống vẫn khó khăn thì phải hiểu cái khó ấy là quả của những nghiệp nhân đã gây ra trong quá khứ. Quá khứ đã qua không thể thay đổi, nhưng hiện tại chúng ta vẫn có toàn quyền quyết định nên tạo ra loại nghiệp nhân nào. Không nên vì những khó khăn của cuộc sống mà tiếp tục tạo ra các nghiệp nhân xấu. Cần tạo những nghiệp nhân tốt để cải tạo dòng sống của mình.

. Nếu hiện đời, ta đang có cuộc sống sung túc, quyền lực… thì đây là cái quả của những nghiệp nhân tốt mà ta đã gầy tạo trong quá khứ. Cần tiếp tục tạo ra các nghiệp nhân tốt. Không nên nương vào sự giàu sang quyền lực hiện có mà tạo ra các nghiệp nhân ác, làm tổn hại cho dòng sống của mình.

Lý Nhân quả là thực lý ở thế gian. Thế gian là hiện tượng Duyên khởi, nên chúng ta xuất hiện và sống trong sự tương duyên với tha nhân và môi trường (thiên nhiên) chung quanh. Lợi ích của ta gắn liền với lợi ích của tha nhân và thiên nhiên nên:

. Nếu làm tổn hại người khác thì chúng ta cũng bị sự tổn hại khi đủ duyên.

. Sống mà biết thương yêu và giúp đỡ người khác thì cũng sẽ nhận được sự thương yêu và giúp đỡ của người khác. Sống mà khinh rẽ và áp bức người khác thì khi đủ duyên, cũng lại bị sự khinh rẽ và áp bức của người khác.

. Sống mà biết bảo tồn tôn trọng thiên nhiên thì sẽ được sống trong môi trường thiên nhiên tốt lành. Sống mà chỉ biết phá hủy thì sẽ phải chịu cái quả là gặp môi trường khó khăn, khắc nghiệt v.v…

. Sống có tiết độ, hưởng thụ dục lạc vừa phải thì thân thể khỏe mạnh, tâm trí sáng suốt v.v… Ngược lại thì đời sống không mấy hạnh phúc.

Trong quá khứ chúng ta đã tạo ra nhiều nghiệp nhân xấu có, tốt có, nên hiện đời cuộc sống có lúc thăng, lúc trầm, lúc xấu, lúc tốt. Với sự hiểu biết về lý Nhân quả, chúng ta sẽ chủ động tạo nhiều nghiệp nhân tốt. Nhờ đó dòng sống của mỗi người ngày càng tốt đẹp hơn.

Muốn thực sự làm lợi ích cho chính mình, cần phải biết vận dụng nhân quả một cách đúng đắn. Trên thực tế ngay cả khi đã có sự hiểu biết đúng đắn về nhân quả, việc vận dụng nó vào cuộc sống cũng không mấy dễ dàng, vì chúng ta bị tham, sân, si, đố kỵ, kiêu mạn và tà kiến ở quá khứ vây bộc. Để vượt qua khó khăn này, chúng ta cần có sự phản tỉnh, soi xét lại mình, phát triển khả năng tự giác, để có thể làm các điều tốt, không tạo các việc xấu. Làm thế là chúng ta đang phát triển phần người, hạn chế phần con của chính mình. Sống như thế mới phù hợp với giá trị cao quí của việc làm người. Dù còn đi trong sinh tử luân hồi, chúng ta vẫn không rơi vào ba dường dữ, vì chúng ta sống đúng với đạo làm người.

Sống đúng với đạo làm người là cách sống có trách nhiệm đối với tha nhân, với thiên nhiên. Đáng quan tâm hơn cả đó chính là cách sống có trách nhiệm với bản thân mình. 


 


[1] Lợi ích cho dòng sống của mình là thế nào, xin xem tiếp ở phần sau.

 

[ Quay lại ]