headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 20/11/2024 - Ngày 20 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

GÓP NẮNG VƯỜN THIỀN

Thông Thiền

tvthuongchieu2  Ký ức trôi từ đỉnh núi

  Ngang qua chốn cũ vườn thiền

  Nắng mới reo vui trên lá

  Long lanh đọng giọt thần tiên ...

Những thoáng hoài niệm về mảnh đất thân thương Thường Chiếu như những giọt nắng tinh khôi vương vãi đó đây trong vườn thiền. Người viết gom góp lại, tạm gọi là phả chút hơi ấm cho những tâm hồn buốt giá khi ngày Đông sắp đến.

 

Năm 1974, sau khi nhận khu đất 52 hecta do Phật tử hiến cúng, tọa lạc tại cây số 71 trên quốc lộ 51, Thầy Viện Chủ (Hòa thượng Trúc Lâm hiện tại) lập khu kinh tế nhà chùa, để có lương thực, đảm bảo đời sống tu học cho Thiền sinh khóa II - Tu viện Chơn Không, Thiền viện Bát Nhã - trên núi Tương Kỳ, thị xã Vũng Tàu. Đồng thời, Ngài công bố chính thức cùng đại chúng, tại Tu viện Chơn Không, việc thành lập một Thiền viện trên khu đất mới, lấy tên là Thường Chiếu. Thầy Đắc Huyền được Thầy Viện Chủ cử đi bước tiên phong, lo việc dọn đất lập Viện và trồng trọt hoa màu, làm Trụ trì Thiền viện Thường Chiếu thời kỳ sơ khai, từ đầu hạ năm  Giáp Dần (1974) cho đến 30/4/1975.

 

Một dải đất hoang đầy tranh, cỏ dại và nắng gió. Những ai tuổi già khi đứng nhìn sẽ lạnh sống lưng. Ấy vậy mà vào tháng 07 năm Ất Mão (1975) chúng tôi hết sức phấn khởi từ Chơn Không, Linh Quang đổ xuống tổng cộng hơn 50 vị, vác phảng, cuốc, bồ cào xông vào phát hoang, dọn dẹp …

 

Thuở ấy đệ huynh cùng xuống núi

 

Mặt trời Phước Thái đốt thui lưng

 

Mỗi ngày lao động luôn hai buổi

 

Khổ cực, cam go vẫn dửng dưng.

 

Thầy Viện Chủ đặt Thầy Nhật Quang làm Quản viện, quản lý Thiền viện Thường Chiếu, từ tháng 7 năm 1975.

 

Cuộc sống mặc dù khó khăn, chật vật song niềm tin vào bậc ân sư và con đường mình đã lựa chọn luôn luôn vững vàng, và vì thế chúng tôi coi thường khó khăn gian khổ.

 

Nhằm thích ứng với hoàn cảnh xã hội đương thời, Thầy Viện Chủ đã sửa bản Thanh quy Chơn Không thành Quy ước Thường Chiếu vào tháng 10 năm Ất Mão (1975). Văn bản này ra đời cốt làm nền tảng cho mọi hoạt động tu học, được áp dụng chung cho các thiền viện có mang hậu tố từ CHIẾU. Ngài đổi danh xưng Quản viện thành Huynh trưởng cho phù hợp với môi trường sống hiện thời.

 

Cốt chư tăng có nơi ăn chốn ở, Thầy Viện Chủ cho cất thêm một tăng đường và một thất sàn bằng lá làm nơi nghỉ ngơi khi Ngài từ Chơn Không xuống giảng dạy.

 

Thuở ấy đơn sơ mái chùa tranh

 

Vách đất bốn bề chẳng cửa phên

 

Chõng tre kẽo kẹt hay xương chuyển?

 

Thầm nhủ: gian nan đạo mới thành.

 

Ngôi tăng đường đầu tiên này rất đơn sơ, những cửa sổ trống hoác. Một bận chư tăng về núi Tương Kỳ học Kinh Lăng-già, Thường Chiếu chỉ còn Thầy Trụ trì và tôi ở lại. Thầy Trụ trì giữ Chánh điện, tôi thì giữ Tăng đường. Hai nơi cách nhau khoảng một trăm mét, cây cối lại che khuất. Vị trí Chánh điện hồi xưa nay là nhà khách và nhà bếp kế bên, còn chỗ của Tăng đường ngày xưa nay là thất Hòa thượng trụ trì. Khoảng 8 giờ sáng, tôi ra nhà bếp để nấu cơm, loay hoay đến trưa. Cơm xong trở vào tăng đường thì hỡi ơi! Đồ đạc của chư tăng không cánh mà bay. Tôi vội trở ra trình cùng Thầy trụ trì cớ sự.

 

Tháng 12 năm Ất Mão (1975), Thầy Viện Chủ khuyến khích Thiền sinh các Chiếu cật lực thi đua sản xuất, nào trồng dưa hấu, bí đỏ, nấm rơm, khoai lang.v.v…kết quả khả quan mang lại niềm vui trong lao động. Điều này khiến chúng ta nhớ lại các thiền trang và hoạt động nông thiền của chư tổ ngày xưa. Có lần chư tăng trồng lúa rẫy, lúa bị cỏ chụp, chúng tôi làm không xiết, Sư cô Tri sự Viên Chiếu dẫn Ni chúng ra Thường Chiếu làm cỏ lúa phụ với chư tăng. Thầy Viện Chủ chia lực lượng Tăng Ni ra làm hai, từ hai đầu dải đất tiến vào, Ngài đứng ở giữa canh chừng, cầm gậy chỉ chỏ hướng dẫn. Ở đây mới thấy tấm lòng yêu thương gìn giữ đệ tử của bậc Thầy. Nguyên là năm đầu tiên, đất còn phì liệu nên lúa và cỏ mọc cao và dầy, hễ chui mình vào ruộng lúa là khó có thể phân biệt rõ ràng là ai!

 

Thuở ấy đổi đời chùa thiếu vải

 

Quần dài thay bởi củng nhà binh

 

Bằng bao bồng bột, cờ vằn vện

 

Dù bị cười khinh, cứ mặc tình.

 

Lúc đó làm gì có vải vàng lành tốt như hiện tại. Hễ Phật tử cho gì là chúng tôi mặc nấy. Có lần họ không may quần bình thường mà may quần lở không đáy (củng). Chúng tôi mặc củng để mình trần cuốc đất, tỉa đậu. Hai tháng sau, nhìn lại nước da mỗi người đen giòn như mọi. Buổi chiều khi thấy mấy sư huynh vác cuốc từ rẫy trở vô, tôi nói giễu:

 

- Người về từ sóc Bom Bo!

 

Thuở ấy theo thời nhín miếng ăn

 

Chiều xơi cháo trắng lạnh hàm răng

 

Buổi trưa ăn độn mì, lang, bắp

 

Ấy thế mà vui, ít kẻ bằng.

 

Một hôm đến phiên tôi trị nhật, buổi sáng có quý ni cho một thúng đậu Rựa bảo nấu chè nửa buổi cho đại chúng. Sau khi luộc đậu xong, tôi và huynh TH bóc vỏ ném xuống nền đất cho bốn chú tiểu cẩu xơi, hạt đậu thì thả vào nồi nấu chè. Bốn tiểu cẩu mới dứt sữa mẹ, biết ăn độ một tuần, gặp món vỏ đậu buồi buồi nên ăn rất bạo. Chỉ tịnh xong, tôi vào bếp chuẩn bị nấu cháo chiều. Vừa mở cửa, chợt thấy bốn chú chó con nằm phưỡn bụng, tôi liền nói:

 

-         Mấy tiểu cẩu này dễ thương ghê, ăn no rồi ngủ phơi bụng trắng hếu căng tròn, còn nhe răng cười nữa!

 

Sư huynh ĐH vừa bước vào, cúi xuống quan sát, bảo:

 

-         Cười cái con khỉ! Mấy con cún này tham ăn vỏ đậu Rựa nên ngộ độc, chết nhăn răng đó!

 

Sư huynh TH còn chưa tin, mà vì cận thị nặng nên ngồi thụp xuống, dí gọng kính sát từng cún một rồi sờ soạng, nói:

 

- Ử hé! Chúng ngủm sùi bọt mép, Thông Thiền ơi!

 

Tôi giật mình mếu máo, biết lỗi tại mình. Ngẩn ngơ thương tiếc một hồi rồi ngẫm nghĩ : Chỉ còn nước bỏ chúng vào giỏ, kiếm chỗ chôn thôi!

 

Có một thiền sinh thấy Tôi chiều nào cũng dọn cháo trắng, buột miệng nói:

 

-         Trời! Thấy cháo sao muốn đau ban bạch quá!

 

Nói xong, bỏ ăn, đi về Tăng đường một nước. Hôm nọ, Thầy Sơn Thắng đi Sài Gòn có mua chục ổ bánh mì về, thay đổi thực đơn chiều, được hoan nghênh quá đỗi! Từ đó về sau, hễ Thầy đi Sài Gòn là tụi tôi thắc thỏm chờ mong  như con trông mẹ đi chợ về.

 

Thuở ấy chúng tôi sống hào hùng

 

Nghe lòng tràn ngập nắng mùa xuân

 

Quê hương thoáng hiện trong tầm mắt

 

Vui đạo quên nghèo, mạch sống dâng.

 

Thường Chiếu là con chim đầu đàn trong các Chiếu nên hay bị mượn làm giùm đủ thứ. Nào là sửa xe giùm, tra cán cuốc giùm, cất nhà giùm, đập lúa giùm… riết rồi mệt quá đổ quạu! Một thiền sinh lên tiếng: “ Bộ mấy cô cùi rồi sao, cái gì cũng mượn làm giùm hết dzậy!”. Tuy nói thế, nhưng bao giờ cũng sẵn lòng giúp đỡ. Anh hùng mà! Thường Chiếu có một bồ lúa thật to trong nhà kho toàn đóng bằng tôn, chẳng những chứa cho mình còn dung cho Chiếu khác nữa. Bữa nọ, hai vị Viên Chiếu đến nhà kho đem lúa đi chà, vừa sau giờ chỉ tịnh. Hai sư cô sợ động chúng không dám kêu, chỉ chịu khó đi tìm Thầy thủ kho. Tìm quanh quất mãi mà không thấy. Nản. Định quay trở ra, bỗng một vị kêu lên:

 

-         Á! Đây rồi.

 

Thì ra, vì nhà kho toàn bằng tôn hút nắng trưa nên rất nóng. Sư huynh tôi ngủ không đặng liền cơi cái đơn bằng gỗ thông (lấy từ thùng đạn đại liên tái chế lại) lên, rồi trải chiếu nằm bên dưới, hơi khuất khiến hai sư cô không thấy.

 

Sang đầu năm 76, đất canh tác mất dần dưỡng chất nên buộc chúng tôi phải bổ sung bằng phân hữu cơ. Nguồn cung cấp chính là phân bò Phước Thái. Ban đầu chúng tôi sử dụng xe ba gác để chở, nhưng với sức trai tráng và cách làm việc của chúng tôi, không xe ba gác nào chịu nổi! Lý do là lúc mua thì chúng tôi dùng xẻng xúc lên đàng hoàng, nhưng lúc đẩy về, chúng tôi đẩy ào ào, bất chấp ổ gà ổ voi trên đường và khi đến Thiền viện thì hè nhau lật úp xuống. Kết quả là không xe nào chịu thấu. Chúng sứt cán, gãy gọng, đơ nhíp là lẽ đương nhiên!

 

Thuở ấy điệu ta lạc mất bò

 

Thiền sinh tìm kiếm bở hơi tai!

 

Định phương, theo dấu tôi tìm thấy

 

            Nên được Thầy khen, bạn nhắc hoài…

 

Có một Phật tử ở Long Bình thấy chư tăng đi hốt phân bò để trồng rẫy khá vất vả nên phát tâm cúng cho thiền viện một con bò. Thầy Viện chủ cử một chú điệu chóp chăn con bò này. Chú chăn sao không rõ, để bò sút dây đi mất. Thế là có lệnh đi tìm bò. Các thiền sinh túa đi các ngã để tìm. Trước khi đi, tôi leo lên nóc thiền đường quan sát, thấy xa xa có đám bụi đỏ mịt mù, tôi đoán có lẽ chú bò nhập bầy trong đám đó nên lặng lẽ phăng theo. Đến một khe suối, thấy rõ có nhiều dấu chân bò vừa mới lội qua nên tôi bám riết. Cuối cùng bắt gặp chú bò nhà ta đang lẫn trong đàn bò của dân Phước Thái. Trong lúc dẫn độ về, từ làng Cùi ra đến đường cái thì gặp thầy Trụ trì đang đi xe đạp ngang, tôi liền dắt chú ra trình diện. Chú liền “ụm bò” khiến Thầy trò tôi hết sức hoan hỷ.

 

Thuở ấy theo Thầy học đạo vui như thế, Thường Chiếu có những kỷ niệm tếu tếu như thế…

 

Thuận theo lý nhân duyên, tùy bước thời gian đưa đẩy, Hòa thượng Ân Sư đã xây dựng Chơn Không trước, rồi đến Thường Chiếu, vô hình trung ăn khớp với thể và dụng của chân như. Đây là điều mà Thiền tông chủ trương và hôm nay Thường Chiếu đã chứng tỏ được lực dụng của mình: Chơn Không thể trong lặng/Thường Chiếu dụng vô song

 

Thường Chiếu giờ đây đường bệ, uy nghiêm, tràn đầy sức sống. Phật tử các nơi đổ về như trẩy hội.

 

Thuở ấy nhiêu khê lắm sự tình

 

Thử thách bao phen chí xuất trần

 

Hôm nay tứ sự đều sung túc

 

Tổ ấn ngày thêm rạng môn đình.

 

Gần 40 năm trôi qua, biết bao dâu bể phong trần, mặc cho mây đen vần vũ, khắp trời miên man bủa, vầng tuệ nhật vẫn luôn thường chiếu. Một chút dư quang của vầng hồng cũng đủ khiến ấm lòng, làm rạng rỡ khuôn mặt và soi sáng bước chân của kẻ lữ thứ như tôi.

 

[ Quay lại ]