Một bài thơ - CỦA ĐẤT ĐỒNG NAI
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 26 Tháng ba 2014 14:50
Ni Sư Như Đức
Đất và người Đồng Nai có nhiều điều để viết, tư liệu chập chùng trong những ngôi chùa xưa, trong những trang sách thời nay. Tình cờ một bài thơ thể điệu ngũ ngôn nho nhã, nhắc đến Đồng Nai và Thiền sư Tổ Tông Viên Quang, hé lộ một phương trời lịch sử. Bài thơ chữ Hán được viết bởi viên tổng trấn thành Gia Định trẻ tuổi tài cao - Trịnh Hoài Đức, nói về mối giao tình của mình và thiền sư thời niên thiếu. Đây là bản dịch được chép lại:
Nhớ xưa thời thái bình
Đất Đồng Nai thịnh mỹ
Đạo Phật được hưng sùng
Nhà ngoại thêm phú quý.
Ta đồng tử đốt hương
Sư theo đòi giáo nghĩa
Bên ngoài chia đạo, đời
Bên trong đồng tâm chí.
Loạn lạc phải xa nhau
Thế giới thành ngạ quỷ
Ta trôi nổi vào ra
Bọt bèo biển sinh tử.
Mới đó bốn mươi năm
Chớp nhoáng chuyện thế sự
Nay bỗng nhiên nhàn hành
Nơi thiền môn gặp gỡ.
Ta hiệp biện trấn công
Sư cao tăng thượng sĩ!
Nhắc lại chuyện ngày qua
Tâm cùng tâm tương nghị.
Chuyện xưa nói sao cùng
Đại đạo vốn như thị.
Theo lời kể dẫn chuyện thì trong một buổi lễ ở chùa Tập Phước - Gia Định, Trịnh Hoài Đức tình cờ gặp hoà thượng Viên Quang, lúc đó ngài trụ trì chùa Giác Lâm. Chùa Tập Phước, Giác Lâm, Giác Viên,… là những ngôi chùa uy tín nổi danh ở Gia Định một thời. Và hẳn đây là một buổi lễ lớn long trọng để các hoà thượng khắp chốn già-lam về dự. Chúng ta không biết quan tổng trấn này gặp Hoà thượng lúc nào, nhưng chắc rằng duyên gặp gỡ đã kích động tâm tình của ông.
Mấy câu thơ đầu nhắc đến một thời Đồng Nai hưng thịnh, mỹ lệ. Đó là khi viết về các nơi chốn Cù Lao Phố, Bến Cá Bình Thuỷ, hoặc núi Long Ẩn, Trịnh Hoài Đức đã hết lời ca tụng, vì tuổi thơ của ông ở đó. Nhà bên ngoại của ông rất mực phú quý hiển vinh, và khi gặp thiền sư Viên Quang, ông chỉ là một cậu bé.
Ta đồng tử đốt hương
Sư theo đòi giáo nghĩa
Có lẽ ông nhiều lần được gặp vị thầy này, hay lúc đó là một chú Sa-di để tuổi trẻ có thể cảm thông ghi nhớ?
Bên ngoài chia đạo, đời
Bên trong đồng tâm chí.
Nếu không thường xuyên trò chuyện làm sao biết được có đồng tâm chí hay không. Thiền sư Viên Quang từng tu học với thầy mình là hoà thượng Phật Ý Linh Nhạc ở chùa Đại Giác. Nhà ngoại của Trịnh Hoài Đức cũng ở Cù Lao Phố, thời ấy là nơi phồn thịnh. Ông đã nhắc đến thời trẻ của mình trên mảnh đất Đồng Nai nhiều kỷ niệm. Thật là đáng để ghi nhớ khi ta lại có bạn cùng chia sẻ những ngày như thế.
Rồi đổi thay dâu bể, gió bụi nổi lên khi thời thế biến chuyển, ngôi nhà xưa của tổ tiên cũng bị phá hỏng, để cho một thời tráng niên trôi nổi. Cả hai đời và đạo cùng chịu chung bọt bèo sinh tử, tưởng đâu không bao giờ gặp lại. Có những đoạn thơ của ông như lời tâm sự với người trong cuộc.
Ta trôi nổi vào ra
Bọt bèo biển sinh tử
Mới đó bốn mươi năm
Chớp nhoáng chuyện thế sự.
Nếu đứng ở ngày nay nhìn về quá khứ thì thấy mọi sự thoáng qua mau. Nhưng nếu ở vào thời điểm đó, chắc là không chịu nổi. Cũng như chúng ta không bao giờ chịu nổi hiện tại của mình, chỉ khi nó qua đi mới cho rằng “mới đó mà mau quá!”
Nay bỗng nhiên nhàn hành
Nơi thiền môn gặp gỡ
Ta hiệp biện trấn công
Sư cao tăng thượng sĩ!
Ông nói trong cuộc nhàn du mà gặp sư Viên Quang ở cửa chùa, như vậy không phải ông cố tình đi dự lễ. Có thể đã tan cuộc, buổi chiều Sư trở ra tình cờ gặp Trịnh Hoài Đức, thêm thắt cho văn vẻ thế thôi chứ chúng ta không phải người trong cuộc. Đáng kể hai câu thơ nói về vị trí hiện tại của hai người bạn ngày xưa. Hơn bốn mươi năm, Sư bây giờ là cao tăng thượng sĩ, bản chữ Hán nói “Đại hoà thượng vị”, còn ông là tổng trấn thành Gia Định, nếu đem đổi cho ngày xưa chỉ làm đồng tử và chú Sa-di nhỏ trong thiền môn, có ai muốn không ?
Nhắc lại chuyện ngày qua
Tâm cùng tâm tương nghị
Chuyện xưa nói sao cùng
Đại đạo vốn như thị.
Bốn câu kết thúc cho thấy, mọi trôi nổi hay vinh hoa của cuộc đời, rốt cuộc là như thế. Có một lẽ an tâm thanh thản, chấp nhận và nhìn ra rằng đạo lớn ở ngay trước mắt, ngay trong những biến ảo phù hư. Một giọt sương trong chứa vô biên vũ trụ và một nhành hoa dại cũng cười hết lòng với chúng ta.