THỰC CHỨNG HƠN NỊNH HÓT
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 16 Tháng ba 2014 12:58
- Viết bởi Super User
Truyện dịch (từ trang mạng Truyện Phật Giáo Trung Quốc) -TV AN LẠC
Có một vị Tỳ-kheo thường theo Phật khi Phật đi hoằng hoá khắp nơi. Một hôm, vị ấy thưa với Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn! Ngài là vị Thầy vĩ đại nhất trong lịch sử loài người.
Phật nghe xong, nét mặt bình lặng không hiện một nét vui nào, hỏi lại Tỳ-kheo ấy:
- Ông đã gặp qua tất cả các vị Thầy vĩ đại trên thế gian này chưa?
Tỳ-kheo thưa:
- Dạ con chưa gặp.
Phật lại hỏi:
- Vậy ông có quen biết tất cả các vị Thầy còn sống hay sắp ra đời trên thế gian này không?
Tỳ-kheo đáp:
- Dạ con không quen.
Phật dạy:
- Ông nói ta là vị Thầy vĩ đại nhất trong tất cả các vị Thầy trên thế gian này, câu nói này không có một chút ý nghĩa nào cả, bởi vì chính ông cũng không có cách gì biết được câu nói của ông rốt cuộc là đúng hay sai, thật hay giả. Nếu ông thấy rằng những lời ta dạy ông có ích lợi cho ông thì ông hãy thực hành theo, làm đúng những gì ta chỉ dạy, như vậy ta sẽ vui hơn là ông theo nịnh hót ta.
Tỳ-kheo liền phản đối:
- Con không phục, bởi vì nếu lỡ như lời Ngài dạy không đúng mà con thực hành theo, vậy không phải uổng phí công phu của con sao?
Phật bảo:
- Điều ông nói với lời ta dạy đâu có khác. Các ông đừng cho rằng tất cả những gì ta nói đều chân thật, đều chính xác. Các ông phải tự mình thực hành lời dạy của ta, kiểm nghiệm xem lời ta dạy có đúng không, có dối gạt người không. Nếu các ông thấy những lời ta dạy là thật, là có ích thì các ông tiếp tục thực hành theo. Các ông đừng bao giờ chỉ vì tôn kính ta mới làm theo lời ta dạy. Ngoài ra, đừng bao giờ phê bình lời dạy của người khác, nói người ta dạy không tốt. Trên thế gian này có rất nhiều vị Thầy vĩ đại, họ tự có phương pháp giáo hoá người. Vì vậy, các ông đừng bao giờ có lòng khinh mạn bất cứ vị Thầy nào. Họ dạy hay hay dở chẳng liên quan gì đến các ông, việc của các ông chỉ là làm sao cho mình hết khổ được vui, đồng thời cũng giúp người khác hết khổ được vui.
Vị Tỳ-kheo nghe xong lời khai thị của Thế Tôn, hiểu ngộ sâu xa, từ đó ông luôn dùng thái độ tôn trọng, đứng trên góc độ khách quan, dùng trí tuệ mà đánh giá người hoặc việc, chứ không còn nhìn sự việc theo tình cảm hay theo quan niệm chủ quan của mình.
- Thiền sinh Thiền viện An Lạc -