headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 21/04/2024 - Ngày 13 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

CHUYỂN HÓA NỘI TÂM

chuyenhoanoitamThuận Hùng

Nói đến đạo Phật là nói đến tinh thần từ bi giác ngộ và giải thoát. Thiết nghĩ, trong Phật giáo ai cũng đều có ý thức rằng người tu hành phải có tâm từ bi và trí tuệ,  để mình xoá tan những màn đêm vô minh đen tối của cuộc đời từ vô lượng kiếp đến nay, và đem lại lòng yêu thương vô hạn cho nhân loại. Vô minh đen tối ấy là những vọng tưởng của thập sử: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến… Nếu hành giả nào còn cưu mang những dây mơ rễ má ấy trong lòng thì nó sẽ sai sử chúng ta mãi mê điên đảo, trầm luân trong sanh tử luân hồi. Cho nên ngài Khuê Phong có nói: “Vọng tưởng không là gì nhưng nếu chúng ta theo nó thì  thật là nguy hiểm vô cùng.” Vì vậy trong kinh Tăng Nhất A-hàm, Phật dạy: “Thà dùng kiếm bén cắt đứt lưỡi mình, chứ không bao giờ nóng giận nói lời thô lỗ để phải bị đoạ vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.” 

Là người con Phật, ai vào đạo dù người tại gia hay xuất gia cũng biết tu là sửa, nhưng mình phải sửa những gì đây? Có phải tham sân si nhiều quá chúng ta sửa lại đừng tham sân si không? Hoặc thói hư tật xấu của mình sửa lại cho hoàn thiện tốt đẹp hơn không? Và chúng ta sửa mãi cho đến khi nào không còn gì phải sửa, lúc đó ta là gì? Đến khi đó mọi người chúng ta tự thầm nhận lấy. Cho nên ngài Francoi De La Rochefoucauld có nói: “Nếu không có lỗi lầm, chúng ta sẽ không được vui sướng khi nhận ra lỗi lầm đó nơi người khác.”

Đôi khi sự tu hành rất đơn giản, chính vì vậy mà chúng ta lại quá xem thường và ỷ lại, quên mất ý nghĩa hương vị giải thoát thanh cao. Chúng ta chưa tu sửa được bao nhiêu, cho nên phiền não khổ đau vẫn còn vây khốn; cho dù mình có toạ thiền niệm Phật trì chú tụng kinh đến đâu đi nữa, mà trong lòng chưa buông xả hết những tình thức rối ren tạp nhạp, thì làm sao chúng ta có thể tìm được bến đỗ an bình và hạnh phúc chân thật ngay trong cuộc sống này.

Trong kinh Tăng Nhất A-hàm, một hôm có một vị Thích-đề-bà-na đến hỏi đức Thế Tôn:

Giết gì được an ổn,
Giết gì hết sầu khổ?
Vật gì gốc của độc,
Nuốt mất tất cả thiện?
Đức Thế Tôn trả lời:
Giết sân được an ổn,
Giết sân hết sầu khổ.
Sân là gốc của độc,
Nuốt mất tất cả thiện.

Theo lẽ thường, chúng ta đi tìm niềm vui hạnh phúc ở đâu xa lắm! Nhưng thật ra, hạnh phúc là đây, trong giây phút này, từng tâm niệm và hơi thở trong nhịp đập con tim sống hoà quyện vào nhau trong không gian vô cùng và thời gian vô tận. Nhưng trong chúng ta ai cũng có tánh biết rõ ràng và an lạc trong tâm, cho nên, mỗi mỗi bước đi chúng ta đều biết và cái biết ấy không thêm không bớt, không tăng không giảm. Trong kinh Thủ-lăng-nghiêm, Phật dạy: “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niêt-bàn.” Nghĩa là cái thấy biết lại thêm cái suy nghĩ phân biệt, đó là gốc của vô minh; còn thấy biết mà không gì nữa đó là Niết-bàn. Niết-bàn không xa cũng không gần chúng ta, điều quan trọng là chúng ta nhận và sống được với tánh giác của mình hay không, chuyển hoá được ba độc thành Bồ-đề Niết-bàn, thì tuyệt vời trên tất cả tuyệt vời.

Có mẩu chuyện Phật giáo rất hay. Có một vị tướng quân vì bôn ba chinh chiến lâu ngày nên quá mệt mỏi, chán ghét cảnh tương tàn và nhận thấy đời sống thế tục không còn ý nghĩa nữa, một hôm ông đến xin thiền sư Đại Huệ Tông Cảo cho xuất gia:

- Bạch Thầy! Bây giờ con đã thấy rõ cuộc đời là phù du huyễn mộng, xin Thầy cho con được xuất gia.

Thiền sư thấy nhân duyên chưa đến nên chậm rãi khuyên:

- Ông còn bổn phận trách nhiệm với gia đình. Vả lại, những thói quen cũ còn nhiều quá, từ từ rồi hãy tính.

Vị tướng quân tha thiết:

- Bạch Thầy! Bây giờ việc gì con cũng buông được hết, vợ con, gia đình không còn là vấn đề quan trọng nữa, xin Thầy cạo tóc liền cho con.

Thiền sư vẫn điềm tĩnh:

- Từ từ rồi hãy tính.

Vị tướng quân không biết làm sao đành trở về. Một hôm ông dậy thật sớm đến chùa lễ Phật. Đại Huệ Tông Cảo vừa thấy liền nói:

- Sao mới sáng sớm thế này tướng quân đến chùa lễ Phật?

Tướng quân bắt chước thiền ngữ nói:

- Vì trừ lửa trong tâm, dậy sớm lễ tôn sư.

Thiền sư cười đùa, đáp:

- Dậy được sớm như thế, không sợ vợ ngoại tình.

Tướng quân nghe xong tức giận mắng:

- Ông là lão quái, nói năng thật hại người!

Đại Huệ Tông Cảo cười ha hả nói:

Vừa phẩy quạt nhẹ nhàng
Lửa sân đã phừng phừng
Tính hung bạo như thế
Làm sao buông xuống được.

Tóm lại, đối với việc tu tập, không nhất thiết phải từ bỏ cuộc đời hay thay đổi hoàn cảnh sống, mà phải thay đổi cách nhìn sao cho phù hợp, hay nói đúng hơn “tuỳ duyên mà bất biến” không để bất cứ ngoại cảnh nào sai khiến chúng ta. Dẫu biết rằng, ai cũng cho đời sống xuất gia là có cơ hội chuyển hoá thân tâm, trau giồi giới đức, và phải cân nhắc quán chiếu căn cơ, nhất là những người đã lớn tuổi. Hơn nữa, sau khi xuất gia phải có sự giáo dục và hướng dẫn của bậc minh sư và thiện hữu tri thức, để chúng ta thấy được mục đích của đời sống tu tập mà làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình.

 Chư tổ thường dạy, sáu căn không nhiễm với sáu trần thì chúng ta được an nhiên tự tại và giải thoát. Cho nên, ông tướng quân kia vừa nghe Thiền sư phẩy quạt nhẹ nhàng, lửa sân đã phừng phừng bốc cháy. Ông chưa điều phục được sáu căn của mình, cho nên bị Thiền sư lừa rồi.

Không đau khổ lấy chi làm chất liệu
Không buồn thương sao biết chuyện con người
Không nghèo đói làm sao thi vị hoá
Không lang thang sao biết nắng mưa nhiều..

Nói thì dễ và đơn giản lắm nhưng không phải ai làm cũng được! Có nhiều người học hỏi giáo lý, có trình độ Phật học, lại thêm  chút ít kiến thức về thiền, nên nói ra có vẻ thiền vị lắm, lời lẽ nghe như Tổ sư, nhưng khảo sát lại hành vi thì vẫn là phàm phu tục tử. Bởi vậy trong nhà Thiền “không lập văn tự” là như thế.

[ Quay lại ]