headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 20/11/2024 - Ngày 20 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Lời dạy của Đại sư Hám Sơn

daisuhamson2Ni sư Hạnh Huệ dịch

Phật, Tổ một tâm. Giáo, Thiền một chí. Tông môn giáo ngoại biệt truyền chẳng phải lìa ngoài tâm riêng có một pháp có thể truyền. Chỉ là muốn người lìa hẳn ngôn ngữ văn tự, riêng ngộ ý chỉ ngoài lời vậy. Nay người tham thiền, động một chút liền quở trách kinh giáo, chẳng biết giáo hiển bày nhất tâm là gốc của thiền. Nhưng Phật thuyết nhất tâm là thuyết thấu hai đường mê ngộ, còn tông môn chỉ thẳng một tâm, chẳng thuộc mê ngộ, muốn người ngộ thấu, kỳ thực cứu cánh không hai. Trong Như Lai tạng, cầu việc đến, đi, mê, ngộ, sanh, tử trọn chẳng thể được. Đây há thuộc mê, ngộ sao ?

Nhị Tổ nói: “Tìm tâm trọn chẳng thể được”. Lục Tổ nói: “Bổn lai vô nhất vật” tức là Bát-nhã không có ngũ uẩn, căn, trần, thức, giới và pháp xuất thế tam thừa, vì không sở đắc nên đắc Bồ-đề, cùng “tìm tâm trọn chẳng thể được”, há là hai pháp sao? Thì biết kinh nói nhất tâm, chỗ nhiều là phàm tình thánh giải vậy. Tham thiền chóng phá vô minh, là tuyệt tình phàm. Ngộ cũng mửa bỏ, là tuyệt thánh giải vậy. Đó là thiền quở tri giải, mà giáo cũng chưa từng không quở.

Nay người tham thiền từ giáo hồi tâm, chẳng thể quên tri tuyệt giải, đề thoại đầu chẳng thể quên tình tuyệt tích, đều nằm trong chỗ bị quở, sao lại hủy giáo cho là chẳng đủ lưu tâm? Nay người bỏ giáo tham thiền, quả có thể trước tiên hiểu vốn không phàm thánh, chẳng thuộc mê ngộ, đó là kiến địa, y theo đây tham cứu. Đương nhân một niệm nếu còn một tơ hào tình kiến và tri giải huyền diệu đều là chưa thấu, đều là việc bên bờ sanh tử. Há có thể liền cho là đắc ư? Nay bậc tri thức mắt chưa sáng mà ấn chứng, nếu không dùng giáo ấn tâm, rốt cùng sẽ rơi vào tà ma ngoại đạo. Chỉ cần không nên đem ngôn ngữ văn tự của Phật thuyết và ngữ cú huyền diệu của Tổ sư cho là tri kiến của chính mình, thì chắc chắn sự tham cứu sẽ đến chỗ tương ưng. Như kinh nói: “Tất cả phiền não, ứng với niệm liền hóa thành tri giác vô thượng”. Như thế là hình thức đốn ngộ. Chẳng được đem tập khí phiền não, tri kiến tạp nhạp cho là diệu ngộ. Cũng chẳng phải có gì khác, chỉ là tiêu hết tập khí phiền não, lòi ra bộ mặt xưa nay. Nên nói: “Ngộ rồi lại đồng lúc chưa ngộ”. “Vẫn như cũ, chỉ là người thuở xưa. Chẳng đổi chỗ giẫm bước ngày cu”. Há chẳng thấy Giáp Sơn lúc chưa gặp Thuyền Tửû thượng đường có Tăng hỏi:

- Thế nào là pháp thân?

Sơn nói:

- Pháp thân vô tướng.

Lại hỏi:

- Thế nào là pháp nhãn?

- Pháp nhãn không vết.

Đạo Ngô ở tại tòa bất giác cười.

Sau, Giáp Sơn gặp Thuyền tử rồi, Đạo Ngô sai tăng đến hỏi:

- Thế nào là pháp thân?

Sơn vẫn đáp: - Pháp thân vô tướng.

Lại hỏi:

- Thế nào là pháp nhãn?

Sơn vẫn đáp: - Pháp nhãn không vết.

Tăng trở về kể lại Đạo Ngô, Ngô nói:

- Gã này bây giờ mới triệt.

Đây là tọa chủ lanh lợi. Là hình thức bỏ giáo tham thiền. Đường chủ Hải từ lâu gần gũi giáo thừa. Nay hãy bỏ thói quen, riêng cầu một đường hướng thượng. Hãy xem Giáp Sơn hai lần chuyển ngữ giống nhau, Đạo Ngô vì sao chịu sau mà chẳng chịu trước? Thử xem chẳng chịu chỗ nào? Chịu chỗ nào? Ở đây nhận ra, chẳng kể Giáo ý, Tổ ý, nhất tề mửa hết. Ngày khác liền đem một Đại tạng kinh, một miệng nuốt hết, chữ chữ hóa thành Tạng quang minh, cát đằng chẳng ít.

Trân trọng ! Trân trọng !



 

[ Quay lại ]