Thư thiền sư Đại Huệ đáp Triệu Đại Phu
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 15 Tháng bẩy 2014 23:26
Thầy Định Huệ dịch
Thư ông gửi đến tôi đều đọc hết.
Phật dạy: “Người có tâm đều được thành Phật”. Tâm này chẳng phải là tâm trần lao vọng tưởng thế gian mà là phát Vô thượng bồ-đề tâm. Nếu ai có tâm này cũng đều thành Phật.
Người trí thức học đạo phần đông tự tạo ra chướng nạn cho mình, là do không có lòng tin quyết định. Phật nói: “Lòng tin là gốc đạo, là mẹ công đức, hay trưởng dưỡng hết thảy các pháp lành, dứt trừ lưới nghi, ra khỏi dòng ái, mở bày đạo niết bàn”. Cũng nói: “Lòng tin hay tăng trưởng trí công đức, lòng tin hay đưa người đến địa vị Như Lai”. Trong thư ông nói, ông độn căn chưa thể triệt ngộ mà chỉ tạm thời gieo hạt giống Phật vào ruộng tâm. Lời này tuy thiển cận, song cũng sâu xa, chỉ cần tin nhận, ắt chẳng dối gạt nhau.
Ngày nay người học đạo ở chỗ hưỡn lại gấp, chỗ gấp lại hưỡn. Bàng Công nói:
Một mai rắn vào đáy quần vải
Thử hỏi Tông sư thời tiết gì?
Việc hôm qua hôm nay còn nhớ chẳng được, huống là việc đã cách ấm qua đời khác, há cho không quên ư?
Người nhất quyết muốn một đời này triệt ngộ, không nghi Phật, không nghi Tổ, không nghi sanh, không nghi tử, thì phải có lòng tin quyết định này, đủ chí quyết định, niệm niệm như cứu lửa cháy đầu. Cứ như thế hãy hạ thủ đi! Nếu không triệt ngộ, lúc ấy mới có thể nói là độn căn. Bằng chẳng như thế mà liền tự nói: “Tôi độn căn, chẳng thể trong đời triệt ngộ mà chỉ có thể gieo hạt giống Phật để kết duyên thôi”. Đó là người không đi mà muốn đến, thật hết sức vô lý.
Tôi thường nói với những người tin đạo này rằng: Dần dần, sẽ cảm thấy suốt ngày đêm trong cuộc sống hằng ngày, chỗ ít phí sức chính là chỗ học Phật đắc lực. Chỗ đắc lực của mình người khác chẳng biết được. Cho nên Lư hành giả bảo thượng tọa Minh: “Nếu ông soi lại bản lai diện mục của chính mình, thì mật ý ở ngay cạnh ông”. Mật ý đó là chỗ đắc lực hằng ngày. Chỗ đắc lực là chỗ ít phí sức vậy.
Việc trần lao thế gian, buông cái này bắt cái kia vô cùng vô tận, trong bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm chưa từng lìa bỏ. Vì từ vô thủy đến nay đã kết duyên với nó rất sâu dày. Còn trí tuệ Bát nhã từ vô thủy đến nay, duyên kết thì cạn, nên khi nghe thiện tri thức nói thì cảm thấy dường như khó hội. Nếu người từ vô thủy đến nay duyên trần lao cạn, duyên Bát nhã sâu thì có gì khó hội. Chỉ cần nay ở chỗ sâu trước kia (trần lao) khiến cho cạn, chỗ trước kia cạn (trí bát nhã), nay khiến cho sâu. Chỗ trước kia chưa quen nay khiến cho quen. Chỗ trước kia đã quen, khiến cho nay không còn quen nữa. Mới biết lúc suy nghĩ trần lao thế gian, chẳng cần ra sức bài trừ. Chỉ cần ngay chỗ suy nghĩ đó, nhè nhẹ xoay chuyển thoại đầu thì không phí nhiều sức mà cũng đắc lực vô hạn. Xin ông hãy tham cứu như thế, đừng đem tâm chờ ngộ. Hãy hốt nhiên tự ngộ đi!
Tham chánh và ông mỗi ngày gặp nhau, trừ lúc đánh cờ, vẫn từng nói với nhau về việc này chăng? Nếu chỉ đánh cờ, mà chẳng nói về việc này, thì chỉ cần ở ngay cái chỗ lúc trắng đen chưa phân, hãy hất đổ bàn cờ, tung con cờ, rồi hỏi ông ta đòi lại một cái ấy. Nếu đòi chẳng được thì quả thật ông ta chỉ là kẻ độn căn. Hãy gác việc này lại.