headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

ĐI TỪ NHÂN CĂN BẢN

toathien3Chí Khoan   

Thiền tông đã có mặt hơn hai nghìn năm trăm năm. Thiền được bắt nguồn từ Ấn Độ rồi phát triển sang Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam v.v… Ngày nay Thiền đã lan truyền sang phương Tây, người phương Tây lại yêu chuộng Thiền, tìm hiểu, học tập và ứng dụng Thiền. Có thể nói, Thiền là tiềm ẩn, là nguồn sống, là sức mạnh sẵn có trong mỗi con người, nếu được khơi dậy, nó đem lại lợi ích rất lớn cho bản thân, cho mọi người và cho xã hội.

Vậy Thiền là gì? Thiền, tiếng Phạn gọi là Thiền-na, Trung Hoa dịch là Tĩnh lự. Tĩnh là yên lặng, Lự là suy tư. Vậy Thiền có nghĩa là dừng lặng những suy tư nghĩ tưởng lăng xăng (gọi là vọng tưởng). Thật là đơn giản mà cũng thật là chua cay, bởi nhiều đời ta quen theo thói phóng ra, dính mắc, suy tư, nghĩ tưởng, nay muốn dừng lại cũng thật là khó. Giống như một con trâu hoang muốn điều phục được đâu phải dễ dàng. Chính vì vậy, một ít vị tu thiền nghe giảng, tìm hiểu thấy hay nhưng khi ứng dụng một thời gian vẫn không tiến, là bởi chỉ biết ứng dụng một cách hời hợt trong giờ tọa thiền, còn các giờ khác để qua suông. Hoặc có vị ứng dụng nhưng không quyết tâm, thiếu kiên trì, hay có vị lầm cho vọng tưởng là thật rồi sợ nên kềm đè sanh ra căng thẳng. Có vị ứng dụng được chút ít niềm vui nhưng rồi không duy trì được nên cũng không đủ niềm tin, sanh ra nghi ngờ, thậm chí không biết tu như thế nào nữa, rồi than phiền Thiền sao mà khó quá, chắc mình không có duyên với Thiền, thật là uổng tiếc! Vì chính mình đã có sẵn thiền rồi, nhưng dùng không được bởi nghiệp tập sâu dày không phải là bậc một nghe ngàn ngộ, một nhảy, nhảy thẳng vào đất Như Lai, nên chúng ta phải đi từ nhân căn bản. Vậy nhân căn bản là gì?

Nhân căn bản là: Làm việc gì, biết việc đó. Vì ngay khi làm việc không để tâm phóng chạy nơi này nơi nọ, đó là Định, biết tất cả không lầm, đó là Tuệ. Chính đó là định tuệ hiện tiền, là nhân Thiền rồi. Cứ thế ứng dụng trong mọi sinh hoạt, lâu dần thuần thục như con trâu đã được huấn luyện. Lúc đó ta sẽ có đạo lực, gặp những điều kiện bức ngặt mà tâm vẫn không dao động, rõ ràng sáng suốt.

Ví như vòng lửa trên đầu chuyển,
Định tuệ sáng tròn vẫn không mất.

(Chứng Đạo Ca)

Chẳng những thế, làm việc gì, biết việc đó, người đâu trâu đó, giúp cho tâm ta an định sáng suốt, làm việc được chu đáo, hạn chế những sai sót không mong muốn, đem lại lợi ích cho bản thân và mọi người. Khi làm việc, ta đang có mặt ở đó, lặng lẽ và rõ ràng. Trong lúc làm, dầu nó có khởi nghĩ sang việc khác, mặc kệ nó không quan tâm, vì nó là vọng tưởng không thật, trước sau nó cũng lặng, chỉ biết mình đang ở đây, đang làm việc rõ ràng lặng lẽ. Trong khi làm việc, cái gì xảy ra ghi nhận không lầm nên ta làm chủ được. Còn nếu như khi làm việc chỉ có cái thân hiện tại ở đó còn tâm chạy đi chơi nơi này nơi khác không có mặt, nên những tình huống xảy ra ta không biết rõ ràng, giải quyết chậm chạp dẫn đến công việc không có hiệu quả và những dấy niệm khởi lên ta không làm chủ được, hiện ra những oai nghi thô tháo.

Làm việc gì biết việc đó chính là ta đang gầy dựng định tuệ hiện tiền, nền móng đó vững chắc rồi thì làm việc gì cũng được thành tựu.

Thần thông và diệu dụng,
Gánh nước bửa củi tài.
(Bàng Uẩn)

Làm việc gì biết việc đó còn giúp cho ta không cảm thấy thiệt thòi, không thấy mình bận nhiều việc quá chẳng có thời gian tu, vì chỗ nào cũng là chỗ tu, giờ nào cũng là giờ tu.

Nếu kiên trì, bền chí ứng dụng như vậy ở mọi lúc mọi nơi thì ta mới thấy giá trị thiết thực của Thiền, đầy đủ niềm tin ở lời Phật tổ nói, thấy mình có khả năng làm được.

Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
Nói nín động tịnh thể an nhiên.
Dẫu gặp gươm đao thường phẳng lặng,
Ví nhằm thuốc độc cũng nhẹ tênh.

(Chứng Đạo Ca)

[ Quay lại ]