ĐỨC PHẬT trong đời
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ hai, 19 Tháng năm 2014 13:29
Đạt Ma Bảo Thiện
Đức Phật trong đời, nghĩa là đức Phật Thích-ca-mâu-ni hiện hữu trong cõi đời này và Phật luôn hiện hữu trong tâm của mỗi người, nhưng lâu nay chúng ta quên, không nhận. Chính vì thế trong kinh Pháp Hoa nói, chư Phật ra đời là để khai thị cho chúng sinh nhận và sống với Phật tri kiến của chính mình, là Phật trong tâm chúng ta.
Phật: nói đủ là Phật-đà, âm tiếng Phạn là Buddha, Trung Hoa dịch là Giác: “Người tỉnh thức”. Dân gian còn gọi là ông Bụt.
Phật có ba nghĩa: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Bậc tự tu giác ngộ hoàn toàn cho chính mình, rồi đem ánh sáng chân lý giác ngộ giáo hoá cho tất cả chúng sanh đồng lên bờ giác.
Theo lịch sử, thái tử Tất-đạt-đa đản sinh nước ở Ấn Độ, vua cha là Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Ma-da, khi trưởng thành ngài kết hôn với công chúa Da-du-đà-la và hạ sinh một hoàng nam là La-hầu-la. Thái tử sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, tuy nhiên hạt giống giác ngộ sẵn có, nên ngài luôn ưu tư trong lòng về thân phận của kiếp người.
Một hôm thái tử Tất-đạt-đa đi dạo bốn cửa thành, sau khi chứng kiến cảnh sinh già bệnh chết của con người, ngài có những ưu tư khắc khoải trong lòng. Thấy người già thì biết rồi đây ta cũng già, thấy người bệnh chết thì biết rồi đây ta cũng như bao nhiêu người có mặt trên cõi đời này.
Người thế gian thì không như vậy. Thấy người già thì nghĩ mình còn tươi trẻ mãi, thấy người bệnh thì nghĩ mình còn mạnh khỏe an vui, thấy người chết thì nghĩ mình còn sống hoài, chắc đến phiên mình còn lâu lắm... Nhưng luật vô thường sẽ không tha bất cứ ai dù già hay trẻ.
Bao nhiêu nghi vấn thân phận kiếp người cứ dồn dập đến ngài: “Trước khi có mặt ở đây, ta từ đâu đến, ở đâu và làm cái gì? Sau khi chết ta còn hay mất, về đâu? Làm sao tránh khỏi sự tiếp tục sanh tử?” Ngài quyết định đi tìm chân lý giải thoát cho chính mình và cả nhân loại.
Thái tử ấp ủ hoài bão trong lòng, một hôm xin vua cha cho mình được xuất gia để tìm chân lý cứu khổ cho chúng sanh. Vua Tịnh Phạn không chấp thuận lời thỉnh cầu của ngài. Cho nên Thái tử xin vua cha bốn điều, nếu đáp ứng được thì ngài hoãn lại cuộc đi tu:
Bốn điều kiện ấy là:
- Cho con trẻ mãi không già.
- Cho con mạnh mãi không đau.
- Cho con sống hoài không chết.
- Làm sao cho con được giác ngộ.
Bốn điều kiện này làm cho vua Tịnh Phạn bối rối, không thể giải quyết được.
Không có ai không già, không bệnh, không chết, sinh già bệnh chết là quy luật chung của nhân loại, không ai có thể thoát được. Chính vì thế mà vua Tịnh Phạn ngỡ ngàng, bất lực với những lời thỉnh cầu của Thái tử.
Rồi một đêm khuya thanh vắng, khi thấy mọi người đã yên giấc, Thái tử cùng với Xa-nặc ngồi trên lưng con ngựa Kiền-trắc vượt qua dòng sông A-nô-ma xuất gia. Trước tiên Thái tử thụ giáo với hai vị danh sư đương thời là, ông A-la-lam và ông Uất-đầu-lam-phất, đạt được tứ thiền bát định. Nhưng thái tử thấy chưa phải là chân lý tối hậu, là Niết-bàn, sự chấm dứt khổ đau.
Kế đến, ngài chọn con đường tu khổ hạnh. Trải qua sáu năm, thân thể gầy như bộ xương khô, đôi mắt sâu thẳm như cái giếng, chẳng khác nào như thân cây khô héo. Lúc này ngài nhận thấy rằng, khổ hạnh và hưởng thụ dục lạc là hai cực đoan, không thể nào đưa đến giác ngộ giải thoát. Cuối cùng ngài đến cội Bồ-đề thiền định, đến đêm bốn chín khi sao mai vừa mọc, ngài hoát nhiên giác ngộ thành Phật, hoàn toàn giải thoát sinh tử.
1.Túc mạng minh: Là nhớ rõ vô số kiếp về trước, đã từng sanh ở đâu, cha mẹ tên gì, làm nghề nghiệp gì… như nhớ sự mới qua hôm nào. Ngài giải quyết được nghi vấn thứ nhất: Trước khi có thân này, ta ở đâu, làm gì?
2. Thiên nhãn minh: Là thấy rõ con người theo nghiệp lành dữ đi thọ sanh trong sáu đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người, a-tu-la; Như người sáng mắt đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã ba đường thấy kẻ qua người lại, kẻ đi lên người đi xuống rõ ràng. Ngài giải quyết nghi vấn thứ hai: Sau khi chết ta còn hay mất?
3. Lậu tận minh: Là thấy rõ nguyên nhân đưa đến sanh tử luân hồi, là do vô minh, tham sân si phiền não, vọng chấp điên đảo; và giải quyết nghi vấn thứ ba: Làm sao chấm dứt sinh tử luân hồi?
Đến đây, ngài tuyên bố: “Ta đã hoàn toàn giác ngộ”. Từ đó ngài chuyển Pháp luân độ cho tất cả chúng sinh đồng lên bờ giác.
Nhưng đức Phật hiện giờ ở đâu? Ngài tám mươi đã nhập Niết-bàn rồi, cho nên chúng ta muốn tìm Phật thì tìm nơi nào, nương vào đâu để tu hành?
Về hình tướng, trong kinh Viên Giác, ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật rằng: “Sau khi Như Lai nhập Niết-bàn rồi chúng sanh đời sau phải nương tựa vào đâu?” Phật dạy:
"Chúng sanh đời sau tạo tượng Phật, tôn thờ, cúng dường hương hoa, mắt nhìn tâm tưởng, lấy đó làm đối tượng quán niệm tu tập, thành kính trang nghiêm lễ bái, sám hối, như đức Phật hiện còn tại thế.”
Thật vậy, chính vì lời dạy này cho nên hiện nay chúng ta thấy chùa nào, nhà nào hễ là Phật tử tất cả đều thờ kính đức Phật, chẳng những ở Việt Nam mà Phật tử khắp năm châu bốn biển đều tạo tượng Phật thờ kính cúng dường.
Trong kinh Di Giáo, trước khi vào Niết-bàn, đức Phật khuyên các thầy Tỳ-kheo: “Sau khi Như Lai diệt độ rồi, các Tỳ-kheo phải lấy Ba-la-đề-mộc-xoa (Giới luật) làm Thầy cũng như ta còn tại thế."
Giới luật là mạng mạch của Phật pháp. Giới luật còn là Phật pháp còn. Đức Phật dạy rằng, người nào sống không giới luật, tuy ở gần ta mà cũng như cách xa ta muôn dặm; người nào sống có giới luật, tuy ở xa ta muôn dặm mà cũng như ở cạnh bên ta.
Vua Trần Thái Tông bỏ ngai vàng, lên thẳng núi Yên Tử, tham kiến thiền sư Đạo Viên (Quốc sư Trúc Lâm). “Thấy Trẫm, Quốc sư mừng rỡ. Người ung dung bảo Trẫm: Lão tăng ở chốn sơn dã đã lâu, xương cứng mặt gầy, ăn rau răm nhai hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh núi rừng đã quen, lòng nhẹ như đám mây nổi, cho nên mới theo gió mà đến đây. Nay bệ hạ bỏ địa vị nhân chủ mà nghĩ đến cảnh quê mùa rừng núi, hẳn là muốn tìm cầu gì ở đây cho nên mới đến, phải không? Trẫm nghe lời Thầy hỏi, hai hàng nước mắt ứa ra, liền thưa với Thầy rằng: Trẫm còn thơ ấu đã sớm mất mẹ cha, bơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào để nương tựa. Lại nghĩ rằng sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường, cho nên mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật, chứ chẳng muốn tìm gì khác. Thầy đáp: Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm lắng lặng trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài.”
Vua Trần Thái Tông giác ngộ đạo lý gì mà bỏ ngai vàng lên núi cầu làm Phật? Ngài giác ngộ lý vô thường. Thứ nhất là thấy thân người vô thường, con người có mặt trên cõi đời này đều chung quy luật sanh già bệnh chết. Bản thân ngài còn thơ ấu cha mẹ lại mất sớm. Ngài thấy rằng, là bậc đế vương nhưng rồi có ngày cũng phải chết. Thứ hai ngài thấy sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế, quốc gia hưng thịnh, có khi suy vong, vô thường. Thứ ba đứng bơ vơ trên sĩ dân, không có nơi nào để nương tựa. Bởi vì vua là cha mẹ của muôn dân, muôn dân nương tựa ngài, nhưng ngài chẳng biết nương tựa vào ai. Như chúng ta, ở nhà thì nương tựa vào cha mẹ, vào trường học nương tựa vào thầy cô, vào chùa thì nương tựa vào thầy tổ. Làm vua là cha mẹ của muôn dân thì biết nương tựa vào ai? Nhưng vua Thái Tông là một vị vua anh minh sáng suốt, ngài vào núi Yên Tử để nương tựa vào đức Phật, nương tựa vào giáo pháp của Như Lai, nên ngài chỉ cầu làm Phật. Làm vua mà chẳng chịu, lại mong muốn làm Phật. Bởi vì làm vua một lúc nào đó rồi cũng phải già bệnh chết, còn giác ngộ làm Phật, không bị trầm luân trong ba nẻo sáu đường. Trong nhà Phật có câu “bỏ tất cả được tất cả”. Thái tử Tất-đạt-đa từ bỏ ngôi vị Đông cung thái tử xuất gia tầm đạo tu hành thành Phật, nên hiện nay ngài được tất cả Phật tử năm châu bốn biển tôn thờ, là bậc Thầy trong tam giới. Nếu như ngài chỉ là một vị Đông cung thái tử, ông vua nước Ấn thì bây giờ được bao nhiêu người tôn thờ? Chỉ là một số ít người dòng tộc họ hàng thân thích mà thôi.
Khi đại sư Hám Sơn còn bé, mẹ ngài khuyên nên cố gắng học hành. Sư thưa với mẹ:
- Học để làm gì hở mẹ?
- Học để làm quan.
- Làm quan rồi để làm gì?
- Làm quan rồi đến làm Tể tướng.
- Làm Tể tướng rồi làm gì?
- Làm Tể tướng rồi sẽ về hưu.
Sư thưa:
- Con không làm quan hay Tể tướng đâu.
- Vậy con muốn làm gì ?
- Con làm Phật, làm Phật thì không bao giờ về hưu.
Phật là tánh giác, là Phật pháp thân không sinh diệt. Chính vì thế khi nhận ra và sống với Phật tánh rồi thì vĩnh viễn thoát ly sinh tử luân hồi. Người làm quan, làm Tể tướng, Tổng thống đi chăng nữa cũng có ngày về hưu. Khi đã thành Phật rồi, ngài thị hiện giáo hóa khắp mọi nơi trên thế gian này để chúng ta tôn thờ, lễ lạy, cúng dường và nương đó mà tu tập.
Thế nên vua Thái Tông nói: “Trẫm đến đây, chỉ muốn cầu làm Phật, chứ chẳng muốn tìm gì khác.” Thiền sư Đạo Viên đáp:
"Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm ta. Nếu tâm thanh tịnh thì trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài."
Quả thật trong rừng núi không có Phật, lên đó chỉ thấy núi đá, rừng cây sum suê và chim kêu vượn hú, nhưng chúng ta có một thứ bệnh nặng là hay lên non lên núi để tìm Phật, mà không biết trong tâm mình đã sẵn có Phật, tâm thanh tịnh trí tuệ xuất hiện đó là Phật rồi.
Thiền sư Đại An, xuất gia lúc còn bé, ở núi Hoàng Bá chuyên học kinh luật. Sư thường tự nghĩ: "Ta tuy cố gắng nhọc nhằn mà chưa nghe được lý huyền cực" (lý cao siêu tột cùng của đạo). Do đó, Sư bèn một mình du phương ra mắt tổ Bá Trượng.
Lễ bái xong, Sư thưa:
- Con muốn cầu biết Phật, thế nào là phải?
Bá Trượng bảo:
- Thật là người cưỡi trâu tìm trâu.
- Sau khi biết thì thế nào?
- Như người cưỡi trâu về đến nhà.
- Chẳng biết trước sau gìn giữ thế nào?
- Như người chăn trâu cầm roi dòm chừng không cho nó ăn lúa mạ của người.
Sư nhân đây lãnh hội ý chỉ, chẳng đi tìm đâu nữa.
Chúng ta có ông Phật hiện hữu ở đây, mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi mùi, miệng đàm luận, chân bước đi, tay nắm bắt, mà quên không nhận nên mới chạy đi tìm Phật bên ngoài, tìm đến bao giờ mới gặp? Bởi quên ông Phật của mình mà đi tìm ông Phật bên ngoài, cho nên Tổ mới nói giống như người cưỡi trâu mà đi tìm trâu. Ông Phật đang hiện trong ngôi nhà năm uẩn này, trong tâm mình, vì vậy đâu phải nhọc lòng đi tìm xa? Hòa thượng dạy ngồi thiền buông xả vọng tưởng, hay biết vọng không theo là chúng ta đang gạn lọc tâm mình.
Chân tâm nơi mắt nơi tai,
Ở mũi ở lưỡi ở ngay thân này,
Khi đi khi đứng hiện bày,
Đang nghe, đang thấy, chẳng ngoài chân tâm.
Huệ Năng đến Huỳnh Mai lễ bái Ngũ Tổ. Tổ hỏi:
- Ngươi từ đâu đến?
Sư thưa:
- Từ Lãnh Nam đến.
- Ðến đây để cầu việc gì?
- Đệ tử là dân Tân Châu thuộc Lãnh Nam, từ xa đến lễ Thầy, chỉ cầu làm Phật, chứ không cầu gì khác!
- Ông là người Lãnh Nam, quê mùa, dốt nát thì làm sao kham làm Phật được?
- Người tuy có Nam Bắc nhưng Phật tánh vốn không có Nam Bắc, thân quê mùa này cùng với Hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai khác.
Tổ nói như vậy có bất công không? Ngài dư biết rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, tại sao lại khinh khi người tới học đạo? Chẳng qua, đây là một câu thăm dò, thử xem sự hiểu biết của người đến cầu thành Phật này ra sao, nên mới có thái độ như vậy.
Huệ Năng liền đáp: “Người tuy có nam bắc nhưng Phật tánh vốn không có nam bắc, thân quê mùa này cùng với Hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh bình đẳng”... Ở đây ai cũng thấy, ai cũng nghe, cái biết cũng bình đẳng như nhau, cho nên nói Phật tánh bình đẳng như nhau không khác. Chúng ta thấy phân biệt phương hướng đông, tây, nam, bắc nhưng bầu hư không thì rộng lớn thênh thang nào có bắc, nam bao giờ. Thân quê mùa này cùng với Hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai khác. Về hình tướng sắc thân thì có sai khác: có người sang, hèn, mập, ốm, cao, thấp, trắng, đen, già và trẻ... Nhưng Phật tánh, bình đẳng như nhau chẳng khác.
Tóm lại, đức Phật đó là đức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni, tuy thân tướng ngài đã nhập Niết-bàn nhưng pháp thân thì không diệt và ứng thân của ngài thị hiện khắp mọi nơi để chúng ta thờ kính, lễ lạy, cúng dường. Giáo pháp ngài còn đó để chúng ta nương tu tập, để thăng tiến trên đường giác ngộ. Cuối cùng chúng ta không phải tìm Phật ở đâu xa, mà Phật ngay ở tâm mình, như thiền sư Đạo Viên nói, Phật ở trong tâm ta, tâm thanh tịnh trí tuệ xuất hiện đó là Phật. Tất cả chúng ta đã thấy Phật, biết Phật và sẵn có Phật rồi.
Vâng lời Sư ông, vâng lời Thầy chúng con nguyện tu đến ngày thành Phật mới vừa lòng mình