Con đường đã chọn
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 09 Tháng tư 2014 13:33
Chân Hiền Tâm
Nhỏ nhắn, cả về tuổi đời lẫn thể xác.
Xinh gái, nhỏ nhẹ, hiền lành nhưng ẩn trong đó là sự cam chịu và mệt mỏi.
Một đời sống gia đình không được hạnh phúc.
Kẻ đáng nhẽ là nơi chia sẻ buồn, vui, sướng, khổ và là chỗ nương tựa của người phụ nữ, lại trở thành đầu mối của những đau đớn, lo âu và cam chịu. Những cơn nóng giận và đòn roi…
Người trong cuộc thì cứ cắm đầu chịu đựng như không muốn thoát ra. Người ngoài cuộc, bức xúc vì không chịu nỗi cái khổ của người trong cuộc, nên nhóc này đã lôi nhóc kia lại gặp tôi. Hy vọng con bé có thể tỉnh ngộ mà từ bỏ những khổ nạn của mình.
Tôi lắng nghe và con bé nói.
Con rất muốn từ bỏ. Con đã từng từ bỏ mà không bỏ được. Tôi gật đầu. Tin nó. Không phải do tình yêu còn sâu đậm…. Ừ, khổ đau và tàn nhẫn có khuynh hướng bứng đi dây ái. Nhưng con không thể bỏ được. Tôi không lấy làm lạ về những điều nó nói. Nó đã mô tả rất thật những gì mình đã trải qua. Bởi tôi hiểu về nghiệp quả, trong đó có ít nhiều kinh nghiệm của bản thân. Khi cái quả chưa trả xong, dây dưa sẽ không dứt. Cho tới khi mọi thứ trả xong. Cái đáng sợ là để xong cái quả đó, nó dễ khiến mình tạo ra những cái nhân bất hảo khác.
Tôi không khuyên nó từ bỏ hay tiếp tục. Có nhiều việc, mình chỉ nên dừng ở ngưỡng trung đạo. Không thể dùng “không” trừ “có” hay dùng “có” phá “không” để mọi việc trở nên tốt đẹp. Bởi mình không thể lường hết mọi hậu quả khi trí tuệ mình chưa thấu hết nghiệp nhân của một con người. Có khi khổ mà vẫn hơn là từ bỏ. Duyên chưa đủ, hậu quả khó lường. Cô thợ làm tóc đã bị người yêu đổ xăng đốt chết, chỉ vì đã từ bỏ.[1] Nghiệp chưa chuyển mà muốn chuyển cảnh thì chưa chắc đã chuyển được, có khi còn khổ hơn. Việc gì sẽ xảy ra khi chồng con bé là người hay cáu giận? Có thể cậu ta sẽ hối hận khi tức giận qua đi. Nhưng lúc ấy đã quá muộn. Vì thế, tôi không thể khuyên con bé từ bỏ hay tiếp tục. Nhưng không có nghĩa để nó phải cam chịu nghiệp quả của mình như một loại định mệnh mà con người phải gánh chịu.
Phật nói định nghiệp vẫn chuyển được nếu chịu chuyển tâm. Tâm không thì cảnh dù có cũng như không. Nhưng thiền, chưa phải duyên của con bé. Khó mà đối diện với những khổ đau khi công phu chưa đủ và định lực chưa có. Một câu niệm Phật dễ hơn mà mầu nhiệm vẫn đầy đủ. Tôi giải thích. Và nói nó niệm Phật. Hãy niệm Phật bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu khi con nhớ. Công việc chân tay không ngăn ta niệm Phật. Đi tiêu, đi tiểu, ăn cơm, uống nước… hãy dành thời gian cho việc niệm Phật. Đừng trám khổ đau bằng ca nhạc hay phim ảnh. Một sự huân tập như thế không thể xóa tận gốc khổ. Chỉ có niệm Phật. Niệm bằng cách nào là tùy ý. Niệm danh hiệu Phật. Quán tưởng hình tướng Phật. Niệm mà không niệm v.v… Niệm nào cũng được. Miễn tâm chúng sinh không còn chỗ để sinh khởi. Tâm chuyển thì cảnh chuyển. Cảnh khổ dù còn đó cũng chỉ mang màu sắc thanh tịnh của Phật giới.
Thế giới Hoa Nghiêm của mười phương chư Phật không phải vì một niệm bất giác của chúng sinh mà thành cảnh giới Sa-bà khổ đau sao? Vẫn hiện diện đó mà chúng sinh không thể nhận, chỉ vì làm tớ cho những niệm khởi yêu, ghét, ích kỷ, thù hận, đố kỵ của mình. Chỉ cần chuyển niệm thì cảnh ngoài sẽ thay đổi.
Khi có câu niệm Phật trong tâm, mọi thứ trở nên dễ dàng. Từ bỏ hay không là việc con bé sẽ tự quyết lấy. Quyết thế nào cũng sẽ mang lại kết quả tốt đẹp cho nó khi đã có câu niệm Phật làm chủ. Niệm khổ đã chuyển thì nghiệp khổ sẽ không.
Cô ơi! Cuộc đời này khổ quá, niệm Phật chuyên nhất rồi, sẽ thoát được chốn này phải không cô.
Khổ, có khuynh hướng giúp con người trở lại gốc đạo của mình.
Đúng là cuộc đời này rất khổ. Khổ là một “đế” trong Tứ đế mà. Sinh, lão, bệnh, tử. Không có gì không khổ. Sinh cũng khổ. Bệnh cũng khổ. Già nua cũng khổ. Chết cũng khổ. Lo lắng là khổ. Sợ hãi là khổ. Không vừa ý cũng khổ... Nhìn quanh, thấy cái gì cũng có thể khổ. Rất nhiều loại khổ tồn tại ở thế gian này với những mức độ khác nhau.
Khổ không phải là thứ xa lạ với tôi. Tôi đã nếm nó khi còn rất nhỏ. Chỉ không biết đó là khổ. Lúc năm sáu tuổi đã phải sống xa gia đình. Những lúc ngồi nhìn trời một mình và những cơn khóc tức tưởi. Khổ. Những cơn đau co thắt liên hồi khi nằm bên quan tài cha. Khổ.
Cha sống quyền uy và giàu sang, mọi thứ đều trong sự trọng vọng của tha nhân. Cha mất, tôi nhận rõ cái gọi là “lên voi xuống chó”. Không có gì không khổ khi chúng ta còn vướng vào danh và lợi, yêu và ghét. Không thể nào không khổ khi chúng ta còn lệ thuộc vào những thứ vô thường. Song ít ai nhận ra được điều đó để buông bỏ khi dục vọng chưa được thỏa mãn hoặc khi danh vọng và tiền bạc còn trong tay.
Ái tình cũng là cái nhân của khổ não. Không phải không có những gia đình mà chồng vợ có đồng quan niệm với nhau, nhưng rất ít. Trong cái đồng vẫn có cái nghịch. Vì ai cũng có cái tôi của mình. Mới chỉ là “một nửa của nhau”, không phải là tất cả, nên không thể đồng nhất hoàn toàn để không có sự trái nghịch.
Nhưng một gia đình có hạnh phúc thì sao? “Có ái sinh lo, có ai sinh sợ”. Đó là điều không khó kiểm nghiệm ở thế giới này. Tai nạn, cướp bóc, bệnh tật có thể đổ xuống bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu để cướp đi mạng sống của thân nhân mình. Không ai ngờ được việc của năm giây sau. Càng hạnh phúc khi sống thì chia ly càng khổ não nặng nề khi tâm còn vướng đủ thứ. Vấn đề là hoặc chúng ta nhận rõ đó là khổ, hoặc chúng ta nhập chung với nó nên không biết đó là khổ.
Chỉ cần nhìn thấy thiên hạ chung quanh khổ mà mình thương cảm, cũng không khỏi khổ. Thành niệm Phật để thoát khỏi chốn này là mơ ước của rất nhiều người. Con bé cũng như thế. Khổ làm nó thấy sợ hãi và muốn từ bỏ để đến một thế giới an vui hơn. Với tâm thức nhàm chán như thế mà niệm Phật được nhất tâm nữa thì nhất định sẽ thoát được chốn này[2]. Kinh luận thường nói là “vãng sinh cực lạc”. Tôi gật đầu xác nhận. Nhưng không trả lời nó theo cách đó. Tôi nói với nó cách mà tôi đã cảm nhận đối với những gì xảy ra ở thế giới này.
Con muốn thoát khỏi thế giới này vì hiện tại con đang khổ. Nhưng khi con có thể niệm Phật nhất tâm bất loạn mà trí tuệ tăng trưởng, lòng từ hiển phát, con sẽ thấy không cần phải lìa thế giới này để đến thế giới khác. Con đau khổ vì không thể cảm thông được với những người làm mình khổ. Con bực bội vì người ta cản trở công việc của mình. Con thấy không vui vì sự lệch pha giữa mình và người v.v... Khi trí tuệ phát triển, tâm từ hiển phát, con sẽ thấy mọi thứ đều là diệu dụng cho bản thân. Thuận cũng như nghịch.
Có thể những điều tôi nói sẽ xa lạ với con bé, nhưng đó không phải là điều khó hiểu với nó. Vấn đề là nó có tin hay không. Không tin thì cũng đã nghe. Một lúc nào đó rồi cũng tin.
Ngoài việc khuyên niệm Phật cho chuyên nhất, tôi còn nói đến việc phát triển trí tuệ. Cần phát triển trí tuệ bằng cách đọc học thêm kinh sách và đi nghe giảng để hiểu biết thêm về luật Nhân quả chi phối thế giới này thế nào. Nhiều người thích niệm Phật nhưng bỏ mất việc trau dồi trí tuệ, và trở thành cố chấp sai lệch trước khi được nhất tâm. Đó là điều không mấy hay khi chúng ta thiếu hiểu biết đối với những gì xảy ra cho bản thân cũng như chung quanh mình.
Tôi cũng khuyên nên cố gắng dành một hay hai lần trong tháng, gặp cho được các bậc tôn sư mà xá lạy. Người ta nói làm như thế là có phước. Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản rằng khi chúng ta có tâm muốn gặp và gặp được các bậc tôn túc, điều đó cho thấy chủng nhân tốt của bản thân đang và sẽ hiện khởi. Rất cần cho việc xóa tiêu nghiệp xấu của mình.
Tâm bình thế giới bình. Tâm an thế giới an. Nhưng bình an cho riêng mình là điều vô vị. Dù nó là thứ cần thiết để ta có thể ở lại dài lâu trong thế giới này mà không thấy ngao ngán.
Khi con niệm Phật, dù cảnh chưa có gì thay đổi, nhưng con thấy yên ổn và không còn sợ hãi như trước nữa. Con thấy việc xảy ra, mình cũng có lỗi trong đó...
Đó là những gì tôi muốn nghe từ con bé.
Khi việc xảy ra, phải nhận thấy lỗi mình trong đó. Tức phải nhận cho được nhân khổ là từ mình. Ngay đó mà sửa thì cảnh mới chuyển được. Nhân là từ mình thì thứ cần thay đổi là chính mình, không phải cảnh. Không phải thì sao phải rời thế giới này để tìm bình yên ở thế giới khác? Sao phải thay đổi hoàn cảnh này để có một hoàn cảnh tốt đẹp hơn?
Nói vậy không có nghĩa là tôi khuyên bạn cứ cố thủ với hoàn cảnh mà ở đó chúng ta không thể thay đổi. Vẫn cần một nơi đủ duyên để mình thay đổi. Ở nhà không thể thay đổi thì vào chùa. Nơi này không thể thay đổi thì đến một nơi khác. Đi để thay đổi. Không phải đi là đã có thể thoát khổ. Cảnh, mới chỉ là trợ duyên. Nhân chính vẫn ở mình. Cảnh không thể làm mình hết khổ nếu trong mình vẫn đầy ấp những cái nhân tương ưng với khổ. Thành muốn về Tịnh độ, một trong ba điều kiện cần và đủ là phải niệm Phật cho được nhất tâm bất loạn. Tâm bất loạn mới tương ưng với cảnh bất loạn. Tâm còn loạn thì phải theo cảnh loạn mà đi dù nguyện có tha thiết.
Cho nên tránh duyên cũng là một pháp tu. Nó giúp những nhân bất thiện trong mình không có cơ hiện khởi và phát triển. Nhưng chừng đó chưa đủ. Cần phải tự mình thanh lọc những gì là cặn bả trong mình. Không thì khi đủ duyên nó lại sinh khởi và mọi thứ lại tiếp tục… Vì thế ngoài việc dạy tránh duyên, Phật còn đưa ra các pháp tu giúp chúng ta thoát khổ. Chỉ khi nhân khổ thật sự lụi tàn thì quả khổ mới không nương đâu hiện khởi được.
Hóa thân của chư Bồ-tát
Lục Tổ đã nói đến cái tâm Maha có sẳn trong mỗi chúng sinh mà nếu sống lại được với nó, chúng ta không còn thấy khổ, dù là ở chốn địa ngục. Kinh Lăng Già nói, các vị Bồ-tát khi sống được với pháp thân của mình sẽ có được phần « Ý sinh thân ». Có thể theo hạnh nguyện, hóa hiện ra vô số thân độ vô số chúng sinh ở vô số cõi nước. Trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Bồ-tát Địa Tạng cũng nói đến việc phân thân cứu độ chúng sinh của ngài.
Hóa hiện, là theo nguyện lực vào thế giới chúng sinh làm lợi ích. Chúng sinh vì nghiệp lực mà sinh đây chết kia. Bồ-tát cũng chết đây sinh kia nhưng theo nguyện lực. Như Phật Thích Ca với thân tướng thái tử có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp xuất gia học đạo rồi độ sinh. Như Bồ-tát Địa Tạng với thân tướng của nàng Quang Mục giúp mẹ thoát khỏi chốn địa ngục nhờ lập nguyện rộng lớn (vào chốn tội khổ địa ngục và ác đạo, độ thoát tất cả chúng sinh không tính kể kiếp số). Độ sinh, không chỉ bằng các hình thức thuận như Phật, Bồ-tát, Tổ sư… mà bằng cả những hình thức nghịch như làm kẻ oan gia hay ác tri thức v.v…[3] Đó là tùy căn cơ và phước báu của chúng sinh mà ứng hiện, miễn sao mang lại lợi ích tốt nhất cho chúng sinh.
Tôi rất thích phần « Ý sinh thân » đó.
Bởi thế giới này, khổ muôn hình vạn trạng. Cái khổ nhất của người đời là không biết gì đến đạo, dù chỉ là đạo ông bà. Thể hiện rõ nhất là chúng ta sống mà thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và không tin vào nhân quả. Tin nhân quả, chúng ta nhất định sẽ sống có trách nhiệm. dù có khi chúng ta sống có trách nhiệm mà chưa hiểu gì về nhân quả. Vẫn sẽ có những việc đáng tiếc xảy ra khi thương ghét vẫn rõ ràng, tôi và người vẫn khác xa. Cần phải tin và hiểu về nhân quả.
Không phải ai cũng có may mắn được đến chùa, gặp Tăng bảo hay Ni bảo để gieo duyên và học pháp. Vẫn còn rất nhiều người không có được phước nghiệp đó. Họ có thể tin cha mẹ mình nhưng không tin vào Phật, Pháp, Tăng. Họ có thể bố thí rất nhiều nhưng không muốn đụng đến chùa chiền hay Tăng bảo v.v... Rất nhiều người không biết Nhân quả đang chi phối thế giới này. Với « Ý sinh thân », với lập nguyện rộng lớn như Bồ-tát Địa Tạng, có thể thị hiện độ sinh dưới bất cứ hình thức nào. Tất cả chúng sinh trong chốn tội khổ ác đạo đều sẽ có phần, đều được độ thoát trong tương lai.
Một vị Bồ-tát sẽ chẳng thấy an bình khi chư vị hữu duyên của họ còn đang chìm đắm trong bể khổ. Dù dưới mắt người đời, cái bể khổ đó là phước báu không ai không muốn. Càng không an bình hơn với những kẻ hữu duyên đang sống trong chốn tội khổ muôn trùng, không biết gì đến Phật pháp. Với « Ý sinh thân » và những lập nguyện rộng lớn, mọi thứ sẽ được giải quyết. Chư vị có thể vào chốn khổ, không do lực đồng nghiệp mà do nguyện lực để đồng nghiệp. Cùng một lúc có thể phân ra vô số thân, độ vô số chúng sinh, ở vô số cõi nước.
«Lưu hoặc độ sinh»[4] là cách chư vị dùng để vào thế giới chúng sinh bằng nguyện lực của mình. «Hoặc» không diệt nhưng không còn lực để đầu thai nên phải dùng nguyện lực vào thế giới chúng sinh. Do nguyện lực nên không trụ sinh tử mà vẫn ở được trong sinh tử. “Hoặc” mất lực nên tuy ở sinh tử mà không bị sinh tử làm nhiễm. Ngay sinh tử mà không bị chi phối bởi cái khổ của sinh tử.
Tôi rất thích loại « Ý sinh thân » đó. Bởi nếu có được nó, trước hết tôi không còn bị cảnh duyên chi phối nữa vì đã sống được với tâm Ma-ha của mình. Kế nữa, có thể vào chốn khổ mà không còn bị khổ chi phối, có thể cùng một lúc phân thân ra giúp đỡ mọi người, có thể mang Phật pháp đến chỗ không tồn tại Phật pháp. Phật pháp không chỉ có ở chốn chùa chiền mà ở khắp mọi nơi, nhờ có « Ý sinh thân ».
Đã tồn tại loại « Ý sinh thân » đó của chư Bồ-tát trong thế giới này thì thuận hay nghịch đều có thể là hóa thân của chư vị. Đâu không phải là Phật pháp mà sinh tâm phân biệt? Với cái kiến như thế, tôi cũng xóa được ít nhiều cái nhìn phân biệt đối với vạn pháp ở thế gian. Phân biệt hay không phân biệt, nếu tâm từ tỏa khắp thì không có khổ đau. Nó giúp chúng ta tránh tác ý và gây tạo những nghiệp nhân không tốt. An bình hơn trong thế giới này.
Cũng rất thích pháp môn « Biết vọng không theo » của Hòa Thượng Trúc Lâm. Bởi nó có khả năng giúp tôi dừng đi lực mạnh của dòng vọng niệm. Cũng giúp tôi an bình hơn khi đối duyên tiếp cảnh. Cái nhân của sinh tử một khi đã hiện nguyên hình là vọng thì sở hiện của nó rồi cũng như huyễn. Trong sinh tử mà không nhiễm sinh tử, không lìa niết bàn.
Vọng và chân...
Nếu mình nhận vọng là mình thì khổ đau trói buộc. Nếu đặt vọng vào đúng vị trí của vọng thì mọi thứ bình yên. Vấn đề là có chuyên tâm được với pháp đã học hay không. Lơ là thì mất định tâm. Khi cần sử dụng, không sử dụng được.
Lợi ích của nguyện lực
Thích là một việc nhưng làm được không lại là việc khác. Đó là chỗ không thể lầm lẫn. Lầm lẫn mang lại nhiều tai hại vô cùng. Nhưng tôi tin vào nguyện lực. Nguyện lực, là cái lực mình có thể tạo ra nhờ công đức tu hành để hoàn thành sở nguyện của mình.
Cách đây mấy chục năm, việc ăn chay với tôi không dễ dàng. Tôi đã nguyện mà không biết là đang nguyện: “Con muốn ăn chay. Xin chư Phật hộ trì con”. Ngày đó, vì không biết gì về Phật pháp, nên chưa biết dùng lực phước thiện để hồi hướng. Mười mấy năm sau, khi có duyên gặp được Sư Ông và Sư phụ, tôi đã ăn chay rất dễ dàng.
Từ lần hiệu nghiệm đó, tôi hay phát lời nguyện với những gì mình chưa làm được. Đương nhiên không nguyện xuông như trước mà lấy công đức tu hành hồi hướng để nó được thành tựu.
Lời nguyện giúp tôi an bình hơn với những việc xảy ra quanh mình. Những gì trong tầm tay có thể làm được thì làm liền không cần dùng đến nguyện. Những gì vượt quá khả năng của mình thì mang việc tu hành tương đương ra hồi hướng.
Con cháu rất biếng ăn. Ăn uống khi nào cũng vùng vằng, dù đồ ăn thay đổi liên tục nhưng ăn vào ói ra. Thuốc bổ, men vi sinh v.v… càng biếng ăn và ói thêm nhiều. Nó biếng ăn không quan trọng bằng mình nổi sân. Sân kỳ lạ. Sân diệu kỳ. Phải phát nguyện lấy công đức không sân hồi hướng cho việc ăn uống của con bé. Lời nguyện kèm theo việc trừ tập, nên hiệu quả thấy rõ. Con bé đã chịu ăn, chỉ nhờ vào một nhúm quế. Một ngày đẹp trời, tự dưng quăng vào bát cháo của nó một nhúm quế, thế là nó hết ói, chịu ăn, bú giỏi. Mình cũng giải quyết được phần nào tập sân của mình.
Có những việc, mình chỉ có thể khuyên, hy vọng người khác thay đổi, không thể bắt họ sửa đổi, dù đó là con cái mình, dù đó là việc qui hướng thiện nghiệp. Không thể, mà cứ cắm đầu theo đó thì phiền não xuất hiện là việc đương nhiên. Dùng lời nguyện kèm với công đức tu hành của mình mà hồi hướng cho người. Đơn giản mà khỏe.
Người phạm giới thì lấy việc giữ giới của mình làm công đức hồi hướng.
Người ở trong cảnh khổ mà thấy khổ thì dùng việc “trong cảnh khổ mà không thấy khổ…” của mình hồi hướng.[5]
Người ham chơi thì lấy việc tu hành miên mật mà hồi hướng.
“Tam giới duy tâm. Vạn pháp duy thức”. Mình còn đầy ắp vấn đề mà muốn kẻ hữu duyên với mình thay đổi để mình khỏe thân thì kinh nói… không có việc đó. Chỉ với cách sửa đồi rồi hồi hướng như thế mới hy vọng lợi người, lợi mình mà bình yên.
Cho nên…
Tôi không tha thiết với việc vãng sinh cực lạc. Sự bình yên phải được lập ngay từ cảnh giới này, từ những phút hiện tại đây. Bình yên chỉ thật sự tồn tại khi kẻ hữu duyên với mình cũng bình yên.
Tu hành rồi, mọi nghịch duyên quanh tôi đều chuyển. Nhưng không vì thế mà tôi nghĩ mọi tốt đẹp sẽ đến với mình hơn nữa. Có thể tốt đẹp sẽ đến nhiều hơn như một thử thách. Có thể khó khăn luôn hiện diện quanh mình để mình có cơ tập vững với con đường mình đã chọn. Thành tôi không thấy làm lạ khi nghịch duyên này hết, nghịch duyên khác xuất hiện. Không thắc mắc sao tu rồi mà còn gặp việc nhọc nhằn như vậy. Mọi thứ là ở tâm, không phải ở cảnh. Nghịch hay thuận đều là pháp bảo của mười phương chư Phật trao tặng. Tôi yên lòng khi đã có những suy nghĩ như thế.
Và…
Mọi thứ vẫn tiếp tục trên con đường mình đã chọn.
[1] Báo Thanh Niên. Một tin tương tự cũng đăng trên báo Thanh Niên ngày 23/1/2014
[2] Cần đủ ba nguyện mới vãng sinh Tịnh độ..
[3]Luận Đại thừa Khởi Tín,
[4] Tổ Hiền Thủ - Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký.
[5] Là dùng trí tuệ và định tâm để bình thản với khổ.