headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 21/12/2024 - Ngày 21 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TRÚC NAN ĐỀ - VỊ CƯ SĨ DỊCH KINH VÀ HỘ GIỚI

thuyenbuonCHÚC PHÚ 

Trúc Nan Đề (Nandi) vốn người Ấn Độ, là chủ tàu buôn thường qua lại giữa Tích Lan và Trung Hoa. Niên đại ông đến Trung Hoa được ghi nhận vào năm Nguyên Gia thứ sáu (429). Ông là một Phật tử có tâm đạo thuần thành, tinh thông Hán ngữ. Đóng góp của ông tuy không nhiều, nhưng những tác phẩm do ông phiên dịch và những Phật sự mà ông đã làm, là những cơ sở quan trọng, minh chứng cho sự giao lưu giữa Phật giáo Trung Hoa và Phật giáo Tích Lan trong thế kỷ thứ V Tây lịch.

Về dịch phẩm kinh điển

Căn cứ vào các bộ kinh lục như Khai nguyên thích giáo lục, quyển 3, Lịch đại Tam bảo ký quyển 7, Chúng kinh mục lục, quyển 1 và 2, Cổ kim dịch kinh đồ ký, quyển 2, thì tác phẩm của ông bao gồm:

Kinh Đại thừa phương tiện, gồm 3 quyển.

Kinh Thỉnh Quan Thế Âm Bồ- tát tiêu phục độc hại Đà-la-ni.

Kinh Thiện sanh tử (hoặc kinh Oai cách trưởng giả lục hướng bái).

Trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu (ĐTKĐCTT) còn bảo lưu tất cả những dịch phẩm của ông, ngoại trừ kinh Thiện sanh tử thì vẫn chưa tìm thấy. Mặc dù vậy, với những dịch phẩm hiện còn, là bằng chứng cho thấy ông là một trong những đại diện truyền bá kinh văn và tư tưởng từ Ấn Độ, Tích Lan đến Trung Hoa.

Trước hết, về bộ kinh Đại thừa phương tiện gồm ba quyển, đây chính là ba phần của hội thứ ba mươi tám, tương ứng với quyển 106, 107 và 108 của bộ kinh Đại Bảo Tích. Kinh Đại Bảo Tích với nguyên tác bằng ngôn ngữ Prakrit. Bản kinh này thịnh hành ở Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ V; phiên bản Sanskrit xuất hiện muộn hơn[1] (3). Theo ĐTKĐCTT, toàn văn của kinh Đại bảo tích được ngài Bồ Đề Lưu Chí (562-727) cùng những người khác dịch và tập thành vào thời Đường. Ở đây, xét vè phương diện niên đại, thì cư sĩ Trúc Nan Đề là một trong những người đầu tiên đem kinh Đại bảo tích vào Trung Hoa[2].

Thứ hai, về dịch phẩm kinh Thỉnh Quán Thế Âm Bồ- tát tiêu phục độc hại Đà-la-ni[3]. Theo kinh, dân chúng thành Tỳ-xá-ly bị bệnh tật, cầu thỉnh Đức Phật cứu bệnh tật, cầu thỉnh Đức Phật cứu độ. Đức Phật Thích Ca đã giới thiệu Đức Phật Di Đà ở phương Tây cùng với hai vị Bồ-tát Quan Thế Âm và Bồ-tát Đại Thế Chí. Nhân sự thỉnh cầu của dân chúng Tỳ-xá-ly, Bồ-tát Quan Thế Âm đã ban cho thần chú để mọi người phòng trừ tật nạn.

Về phương diện tư liệu, Pháp uyển châu lâm quyển thứ 60 đã ghi nhận bài kinh này do thương chủ ngoại quốc tên là Nan Đề thời Lưu Tống dịch. Từ bài chú này đã cho thấy, tín niệm về Bồ - tát Quan Thế Âm đã bắt đầu manh nha và định hình tại Trung Hoa thời Nam Tống, và một trong những người đóng góp đầu tiên về nền tảng kinh điển của tín niệm này là cư sĩ Trúc Nan Đề.

Đề cập về tín niệm Bồ - tát Quan Thế Âm, theo Đại Đường Tây Vức ký, ngài Huyền Trang (602-664) cho thấy rằng, niềm tin vào Bồ-tát Quan Thế Âm rất thịnh hành ở Ấn Độ, nhiều quốc gia từ Bắc Ấn, Trung Ấn và Đông Ấn đều phụng thờ. Cụ thể như ở các nước Già Tất Thí, Ô Trượng Na, Yết Nhã Cúc Xà, Ma Yết Đà, Ma Già Đà, và Bôn Na Phạt Đàn Na đều tạt hình tượng và phụng thờ Bồ - tát Quan Thế Âm. Từ đây, niềm tin Bồ - tát Quan Thế Âm đã từng bước lan rộng đến nhiều nước và gần nhất là Tích Lan.

Với đảo quốc Tích Lan, đã có một giai đoạn Phật giáo Đại thừa hưng khởi và niềm tin về Bồ - tát Quan Thế Âm phát triển rất mạnh. Bởi lẽ, Bồ - tát Quan Thế Âm của Phật giáo Đại thừa khi đến quốc gia này đã trở thành vị thần bản địa với tên gọi Natha Deviyo[4]. Trong Cao tăng Pháp Hiển truyện, ngài Pháp Hiển đã niệm danh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm khi thuyền của ngài gặp nguy cấp trong chuyến trở về Trung Hoa. Do vậy, có thể nói rằng, chỉ sau ngài Pháp Hiển (337-418)[5], cư sĩ Trúc Nan Đề là một trong những người đem tín niệm Bồ - tát Quan Thế Âm đến đất nước Trung Hoa.

Có thể nói, mặc dù số lượng dịch phẩm của cư sĩ Trúc Nan Đề không nhiều, thế nhưng những tác phẩm của ông đều chuyên chở những chất liệu Đại thừa Phật giáo. Sử liệu cho rằng ông vốn là người Ấn Độ, thế nhưng không ghi chép về hành hoạt của ông ở khu vực này. Trong khi đó, ông thường đi lại bằng thương thuyền giữa Sri Lanka, Java và Trung Hoa. Điều đặc biệt kỳ thú về những tác phẩm kinh điển do ông phiên dịch, tuy mang dấu ấn Đại thừa, nhưng lại đến Trung Hoa từ phương Nam.

Về vấn đề Hộ giới

Cư sĩ Trúc Nan Đề là chủ một tàu buôn lớn, hàng năm theo gió mậu dịch đi lại buôn bán giữa các nước vùng Nam Á và Trung Hoa. Chính vì vậy ông còn được gọi là Bạc Chủ Nan Đề. Trong vai trò này, ông đã có nhiều cống hiến trong việc hộ giới cho chư Ni Trung Hoa.

Theo Tỳ-kheo Ni truyện, quyển 2, quyển 3; Cao Tăng truyện, quyển 3, Xuất Tam tạng ký tập, quyển 14, vào năm Nguyên Gia thứ sáu (429), có một số vị Ni Tích Lan đã theo thuyền của Bạc Chủ Nan Đề đến Trung Hoa hoằng pháp. Sau khi thăm thú nhiều nơi thì tạm lưu trú ở chùa Cảnh Phước. Tại đây, các vị Ni Tích Lan được biết rằng tại Trung Hoa cũng có Ni chúng. Tuy nhiên, sau khi trao đổi kỹ thì được biết rằng việc thọ giới của Ni chúng tại đây chưa như pháp, nghĩa là không đủ nhị bộ Đại Tăng tác pháp truyền giới cho.

Thể theo sự khuyến cầu của chư Ni, Bạc Chủ Nan Đề đã về lại Tích Lan để thỉnh cầu chư Ni đến Trung Hoa tác pháp truyền giới.

Vào năm Nguyên Gia thứ 10 (433), bằng thương thuyền của mình, cư sĩ Trúc Nan Đề đã phụng tống Ni trưởng Thiết Tát La (Devasara) cùng nhiều vị Ni khác cho đủ túc số, từ Tích Lan đến Trung Hoa. Sau đó chư Ni đã cung thỉnh Tam tạng Pháp sư Tăng Già Bạt Ma[6] (16) làm đàn chủ, tổ chức đại giới đàn tại chùa Nam Lâm (17) để truyền Tỳ-kheo Ni giới cho chư Ni. Tại giới đàn này, đã có vài trăm Tăng, Ni đắc giới.

Cũng theo Cao Tăng truyện, quyển 3, Bạc Chủ Nan Đề cũng là người đã phụng tống ngài Cầu Na Bạt Ma từ Java đến Trung Hoa. Theo tư liệu này, khi hay tin Cầu Na Bạt Ma đang hoằng pháp ở Java, vua Tống Văn Đế đã phê chuẩn thư thỉnh cầu ngài đến Trung Hoa. Theo thuyền buôn của cư sĩ Nan Đề, Cầu Na Bạt Ma đã đến Trung Hoa vào tháng Giêng năm Nguyên Gia thứ 8 (431).

Như vậy, trong việc hộ giới cho chư Ni Trung Hoa, cư sĩ Trúc Nan Đề  đã có công lao đóng góp rất lớn. Đó là cung thỉnh và phụng tống Ni trưởng Thiết Tát La (Devasara) đến Trung Hoa để tác pháp và truyền giới cho chư Ni.

Kết luận

Trong dòng tất bật mưu sinh của một chủ thuyền buôn, với quỹ thời gian và điều kiện giới hạn, tuy vậy cư sĩ Trúc Nan Đề vẫn dành thời gian hoàn thành những dịch phẩm kinh điển Đại thừa. Không những thế, với điều kiện sẵn có là phương tiện vận chuyển bằng thương thuyền, ông đã hoàn thành xuất sắc vai trò hộ giới cho chư Ni. Xưa nay, khi đề cập về việc truyền giới cho chư Ni Trung Hoa, thì Ni trưởng Thiết Tát La cùng Pháp sư Tăng Già Bạt Ma luôn là những cái tên chói sáng. Ông đã kề cận các vị đó và nỗ lực ủng hộ bằng tất cả sự nhiệt thành. Với những đóng góp nêu trên, ông xứng danh là những cư sĩ đặc thù trong việc dịch kinh và hộ giới.


 


[1]Hajime Nakamura, Indian Buddism. Delhy: Motilal Banarsidass, 2007, p.210.

[2]Người dịch kinh Đại bảo tích sớm nhất tại Trung Hoa là ngài Chi Lâu Ca Sấm. Theo Lịch đại Tam bảo ký, quyển 4, Khai nguyên thích giáo lục, quyển 1, thì Chi Lâu Ca Sấm đến Trung Hoa vào năm Kiến Hòa nguyên niên (147). Trong số những dịch phẩm của ngài có vài bản kinh thuộc bộ Đại bảo tích. Người kế đến dịch kinh Đại bảo tích là Ngài Trúc Pháp Hộ. Theo, Xuất tam tạng ký tập, quyển 7, quyển 9, quyển 13; Cao tăng truyện, quyển 1; Đại đường nội điển lục, quyển 2, Trúc Pháp Hộ đến Trung Hoa vào năm 265, ngài dịch nhiều bản kinh thuộc bộ Đại bảo tích hiện còn được bảo lưu trong ĐTKCTT. Ngài thị tịch vào niên hiệu Kiến Hưng (313-317) thời vua Tấn Mẫn Đế.

 

[3]

[4]John Clifford Holt, Buddha in the Crown. New York: Oxford University Press, 1991, p4.

[5] (14) Theo, Xuất tam tạng ký tập, quyển 3, quyển 8 và quyển 15.

 [6] Các sử liệu đề cập đến tiểu sử của ngài Tăng Già Bạt Ma như Xuất tam tạng ký tập, quyển 14; Cao tăng truyện, quyển 3; Khai nguyên thích giáo lục, quyển 5; Tỳ Kheo Ni truyện, quyển 2 và 3… đều cho rằng, Tăng Già Bạt Ma chính là Hòa thượng đàn đầu. Tuy nhiên, Cao tăng truyện, quyển 3; Khai nguyên thích giáo lục, quyển 5; có đề cập đến việc chư ni tham vấn ngài Cầu Na Bạt Ma về giới pháp và ngài tùy hỷ với việc làm này, nhưng không đề cập đến việc khai đàn truyền giới. Mặc dù vậy, trong Thích thị yếu lãm, quyển 1; Phật Tổ thống kỷ, quyển 36, quyển 53; Quan trung sáng lập giới đàn đồ kinh, quyển 1, thì cho rằng Câu Na Bạt Ma tác pháp truyền giới cho chư Ni. Riêng tác phẩm Lịch đại Tam Bảo ký, quyển 10, trong phần tiểu sử ngài Cầu Na Bạt Ma thì không hề đề cập đến chi tiết chư Ni cầu giới với ngài. Qua đối chiếu và cân nhắc về nguồn gốc, niên đại, cũng như tính kế thừa của các nguồn tư liệu, đã cho thấy rằng, Tôn giả Tăng Già Bạt Ma và Ni trưởng Thiết Tát La chính là nhị vị Đường đầu Hòa thượng truyền giới Cụ túc cho chư Ni.

 

 

[ Quay lại ]