headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 20/11/2024 - Ngày 20 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CÓ MỘT ÁNH SAO

saoxetThuần Hậu

Trong cơn say ngủ, tiếng chuông chợt đổ hồi dài đánh thức. Choàng dậy bước ra sân sau, bầu trời tối đen và trăng đang chênh chếch treo mình sau ngọn cây, trăng thượng huyền. Ánh sáng mỏng manh khi mờ khi tỏ bởi đám mây bay qua. Mắt vẫn còn ngái ngủ, và đầu óc mờ mịt như bầu trời đen kia. Ánh trăng quá yếu ớt không đủ để đánh tan sự tàn phá của bao nhiêu thứ ma chướng đang tràn ngập: ma chấp ngã, ma ngũ ấm… cứ ràng rịt, chằng chịt khiến điên đảo suốt tự bao giờ.

 

Theo bước chân đại chúng, đi lên thiền đường. Những tà áo nâu bạc đang ngồi thẳng tắp nghiêm trang. Mùi trầm hương thoang thoảng trong gió, và lời hô chuông vang lên:

 

Canh năm Bát-nhã chiếu vô biên,
Chẳng khởi một niệm khắp tam thiên,
Muốn thấy chân như tánh bình đẳng,
Dè dặt sanh tâm, trước mắt liền.
Lý diệu ảo huyền khôn lường được,
Dụng công đuổi bắt thêm nhọc mình,
Nếu không một niệm mới thật tìm,
Còn có tâm tìm toàn chẳng biết.

 

Nhắc nhở như thế hằng bao nhiêu đêm, vậy mà sức mê vẫn tồn tại. Ánh sáng trong tâm vẫn cứ leo lét như ánh trăng thượng huyền kia.

 

Tôi ngồi đó, và bắt đầu nhìn biển tâm của tôi vọng động quay cuồng. Từng lớp, từng lớp trôi nổi rồi lặn chìm xuống sâu, rồi loay hoay, khi ẩn khi hiện không dứt. Khi chợt tỉnh thấy rõ ràng, nhưng rồi lại mê mờ chạy theo nó tự hồi nào chẳng hay.

 

Ban ngày thì phiền não theo người, theo cảnh. Ban đêm lại lăng xăng theo vọng tưởng trôi nổi. Đâu đó bầu trời đen vẫn phủ kín. Phật dạy cái khổ vì đói cơm thiếu áo chưa là bao so với khổ vì vô minh, bây giờ mới thấm được.

 

Trời đang mưa dầm, bão lớn. Từng luồng gió lạnh thổi qua, cây oằn mình nghiêng ngả. Cơn mưa bão bên ngoài thật đáng sợ. Còn cơn bão dai dẳng, những đợt sóng nhận chìm trong tâm lại ơ hờ xem thường! Chẳng hề biết nguyên nhân tại sao cứ mải miết chạy theo, cứ theo và cứ khổ.

 

Sự làm chủ và tỉnh thức nơi mỗi người, thì mình lại quên và dường như đánh mất hẳn. Sự an lạc hằng hữu luôn có mà như không, kho báu thần thông diệu dụng của một đời người đã mất tự lúc nào không hay! Chìm trong si mê mà chẳng biết! Kinh Pháp Cú trong Phẩm Ngu thường nhắc:

 

Người ngu nghĩ mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu.

 

*

 

Đêm nay, gần đến tháng chạp, ngày đức Phật thành đạo.

 

 Vô minh phiền não tuy dày đặc và liên tục như thế, bóng tối phủ kín, che khắp tưởng như không thể nào tan nổi, nhưng nhờ có ánh sáng của sự quán chiếu liên tục, của sự an định miên mật mới đủ sức mạnh phá tan bóng tối vô minh kia. Từng ánh sáng, từng ánh sáng chợt loé lên trong tôi, và mảng tối tan đi.

 

Ngày xưa học kinh vẫn nghe như thế, vẫn tin như thế. Nhưng bao nhiêu năm qua mà phiền não đâu tự thôi dứt. Thời gian qua nhờ những lời giảng dạy của các bậc thầy, nhờ môi trường sống thuận hoà yên ổn, nhờ bằng hữu nhắc nhở, mãi đến hôm nay đã tạm quyện thành khối. Có lẽ đi vào công phu thực hành rồi, mới tin nổi điều Phật dạy: Một niệm vô minh vừa nổi lên, gặp ánh sáng kia chiếu soi, liền tan đi như mây khói.

 

Bốn mươi chín ngày Phật ngồi nhập định dưới cội bồ-đề, với lời thệ nguyện dứt khoát thành đạo. Ánh sáng trí tuệ và tâm từ bi được nuôi dưỡng từ bao nhiêu đời, giờ đây là giọt nước cuối cùng để tràn ly. Sao mai vừa lên, trí tuệ sáng ngời dẹp sạch vô minh và Phật thành tựu Đạo quả.

 

Người đi trước dẫn đường, đã chỉ cho chúng ta lối vượt qua bao nhiêu thứ chướng ngăn, mê mị. Thành đạo thật ra chỉ là thành tựu cái đã sẵn có của chính mình. Vì vô minh bất giác, chỉ từ một cái lầm nhỏ vi tế mà đã sinh ra bao thứ đau đớn, đoạn trường như thế này. Ánh sáng tỉnh thức nếu không được thắp lên và nuôi dưỡng liên tục, trong từng niệm, từng ngày, từng đêm, từ đời này qua bao đời khác thì làm sao chấm dứt vô minh lầm lạc nhiều như vi trần này.

 

Ánh sáng này hoàn toàn tinh khiết, độc lập không vay mượn, không liên can gì đến bất kỳ ngoại cảnh chướng duyên nào. Đây gọi là thực địa, là bất động địa, là thường, lạc, ngã, tịnh. Phật dạy “chư hạnh vô thường, thị sanh diệt pháp, sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc”, quả thật không ngoa chút nào.

 

Khi chỉ quen dính mắc, quen bị sai sử, bị dẫn dụ muôn đời của tâm vọng động, tâm chấp ngã, nếu không sớm hồi đầu tỉnh thức, làm sao gặp được bờ xưa. Nếu không tập sống “bất can”(不干), không liên can, không quan trọng, thì làm sao Viên chiếu vong duyên (圓照忘緣 - chiếu khắp mọi nơi và dứt sạch các duyên) để lúc nào đó được là nhậm vận vô công (任運無功 - để mặc tình, không còn dụng công nữa). Đời sống trở nên thanh thoát nhẹ nhàng, một đời tu như thế mới không uổng công, mới đền đáp phần nào ơn chư Phật, chư tổ. Và tôi vẫn tin rằng, nếu quyết tâm, nếu kiên trì thì không ai mà không trở về được quê xưa.

 

Mark Twain có một câu thế này: “Có hai ngày quan trọng trong đời bạn. Một là ngày bạn sinh ra, và hai là ngày bạn tìm ra…” Không biết nhà văn cho rằng tìm ra cái gì quan trọng nhất. Và cái ngày quan trọng thứ hai đó là ngày nào nhỉ?

 

Người ta nhớ ngày sinh của một ai đó, bởi rằng người đó có một ngày khám phá ra một điều, làm được một điều, sống mãi trong lòng người. Một ngày Phật đản có được, là bởi có ngày mùng tám tháng mười hai, bên dòng sông Ni-liên-thiền, bắt đầu từ đó.
Niềm tin có được từ ánh sao mai rạng sáng ngày mùng tám, trong ánh trăng chênh chếch về tây khoảng nửa đêm kia, chưa soi rõ lắm dặm đường, nhưng thắp sáng niềm tin trong mỗi con người.
Mấy ngàn năm qua, ánh trăng vẫn còn trên bầu trời kia, soi bóng người lặng lẽ hằng đêm cho đến khi ánh sao mai rực sáng. Nếu không có cái ngày quan trọng thứ hai kia, thì ngày quan trọng thứ nhất trôi mãi từ kiếp này sang kiếp khác, chưa biết đến bao giờ. Cho nên hãy phát hiện ra ngày quan trọng thứ hai kia đi, bạn nhé!

 

[ Quay lại ]