headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

ANH TÚ VƯỜN THIỀN

htphuochaoTT. Thích Thông Thiền 

Vườn thượng uyển với những nét thiên nhiên hoang sơ, có những loài hoa được mọi người trân quý như: Hoa mai, hoa sen … Cũng thế, trong vườn thiền cũng có nhiều bậc anh tài được tượng trưng bởi các loài hoa trên.

Tính chịu đựng sương gió lạnh lẽo xong rồi mới trổ hoa của cội mai già, chính là tượng trưng cho tinh thần và khí tiết của người tu. Bậc tu hành chân chính là người nhẫn chịu được bao gian nan, khốn khổ của cuộc đời mới có thể viên thành đạo nghiệp. Hoa mai được thi nhân khen tặng là đứng đầu trăm hoa. Câu thơ vịnh hoa mai nổi tiếng của Lâm Hòa Tĩnh:

 Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển,
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.

(Bóng thưa của hoa nằm ngang giữa làn nước trong ở nơi cạn,
Hương thầm của hoa làm lung lay bóng nguyệt lúc hoàng hôn)

Bóng hoa vắt ngang làn nước biếc
Hương thầm lay nguyệt lúc hoàng hôn.

Con người gầy gò, khiêm cung, cẩn mật và thích sống độc cư được tôn xưng là Đầu đà đệ nhất của thiền phái Trúc Lâm đương đại là Hòa thượng thượng Phước hạ Hảo, là một bậc huynh trưởng, một bậc Thầy khả kính. Nhờ sự khiêm cung nên được sự kính trọng của Tăng ni, nhờ cẩn mật nên ít phạm phải lỗi lầm, nhờ độc cư nên không tạp sự, tâm tư hợp với lẽ đạo.

Người là một bậc long tượng mẫu mực uy nghiêm chân tu thực học trong tông môn, nhưng lại rất chân tình đối với đàn em.

Chúng ta hãy đọc lại “Nhật ký tu tập” của Người:

SUY NGHIỆM LẠI MÌNH

Kiểm điểm lại cuộc sống của mình hiện tại tuy mình không hơn ai nhưng cũng thuộc hạng khá. Tại sao? Vì so về vật chất không giàu nhưng đâu có thiếu hụt thứ gì? Về tinh thần nhất là phần tu học Phật pháp quá đầy đủ! … Vậy thì căn bản của sự sống và đời tu của mình cũng đã có phước nhiều lắm rồi! Vậy nên thiết yếu phải gắng nỗ lực tiến lên để khỏi phụ một kiếp sống đáng quý … Tiến thế nào đây?

Buông xả hết vọng tưởng đi, sống miên mật với tâm thể thanh tịnh đi!

Kiếp sống mấy mươi năm,
Dường như trong giấc mộng,
Mộng ngắn hay mộng dài,
Thảy đều là mộng ảo!

Phật pháp khó được gặp
Chánh pháp khó gặp hơn
Nay đã gặp Phật pháp
Và sống trong Chánh pháp

Có gì quý cho bằng
Chỉ cần đem sức mình
Quay về với Tam Bảo
Thì Phật pháp hiện tiền.

HẰNG TỈNH GIÁC

Mỗi phút trôi qua là mạng sống giảm dần. Thực tế mà nói: tuổi đã quá xế chiều rồi. Như trời gần xuống núi còn đợi gì không nỗ lực tiến tu. Tu bằng cách nào? Chỉ có buông xả vọng tưởng (hằng xa lìa chấp trước, vì còn chấp là còn phiền não, còn tạo nhân trong sanh tử, lìa chấp dứt si mê đạt được giải thoát)

Mạng sống trong hơi thở
Còn thở còn nghĩ suy
Hết thở muôn việc hết.
Hằng nhớ trong mỗi niệm
Mạng sống rất mong manh
Sanh đó rồi dứt đó
Tâm dứt bặt “có” “không”
Thoát ngoài “không” và ”có”.

LỘC NHIỀU CHƯA PHẢI PHƯỚC NHIỀU!

Mình tu không ra gì mà Phật tử tin tưởng cúng dường cung kính. Thật rất hổ thẹn! vậy phải khéo tu kỹ hơn để khỏi phụ lòng tin của họ và đó chính là tạo phương tiện độ họ ngày mai. Vấn đề nhận quà biếu của Phật tử cũng khéo sử dụng cho “đúng chỗ” để khỏi phí của cúng dường, mặc dù họ cúng riêng nhưng mình phải biết chỗ dùng (không thiên vị riêng tư) chỗ nào nên dùng và đáng dùng.

Điều thiết yếu là tâm mình phải thanh tịnh. Thanh tịnh khi tu và mọi hoạt động để thời gian nhập thất có kết quả tốt. “Muốn tính việc gì hãy để sau khi xả thiền sẽ tính”.

Con người chân tu của Hòa thượng đã thể hiện rất rõ qua những dòng bộc bạch trên.

… Rồi những tháng năm dài trôi qua, thế gian vô thường, ruộng dâu hóa thành biển xanh. Thầy Viện chủ thông tin cho biết có thể trở về lại núi đá Chơn Không. Khi ấy, Hòa thượng chính là người được giao cho trách nhiệm xin lại đất Chơn Không, cùng đảm nhiệm phần xây dựng lại chốn xưa. Đây là nơi phát tích của Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ 20.

Với đức độ khiêm cung, trí tuệ và bi tâm khả kính, có nhiều kinh nghiệm làm việc, âm thầm lặng lẽ và bình dị, đó là tư cách thường có của Người khi ứng xử thế gian. Nhờ vậy, cho dầu phải trải qua vô vàn khó khăn, thử thách…, cuối cùng Người đã hoàn thành viên mãn trách nhiệm mà Thầy Viện chủ đã giao phó.

Sau khi Thiền viện Chơn Không được sinh hoạt bình thường như Thanh Quy đề ra, đời sống đại chúng đã đi vào quy củ, Người trao lại trách nhiệm cho người sau, rửa tay gác kiếm ẩn tu. Tự mình làm hải đảo cho tự thân của bậc Trưởng lão trong nhà Thiền.

Người đã “trụ được” tại Tu viện Chơn Không (1970-1974) rồi Thiền viện Chơn Không (1975-2000) giữa những cơn biến động của cuộc đời mà tâm vẫn như như nên Con mạo muội ví Người như Hoa mai là vậy.

Hoa sen tượng trưng cho sự thanh khiết, hoàn hảo. Chính nhờ vẻ đẹp tinh khiết cùng hương thơm ngát không vướng bùn hôi tanh của sen, mà loài hoa này rất thường được sử dụng trong văn học Phật giáo để chỉ đức Thế tôn hay các bậc tài đức phẩm hạnh trong sạch làm lợi ích cho thế gian. Thế nên Con dùng hình ảnh này để biểu trưng cho Người - Hòa thượng thượng Đắc hạ Pháp. Người dân đất Vĩnh há không hết lòng tôn kính khi gọi Người là Phật đó sao!

- Hãy luôn luôn thao thức với những niềm ước vọng cao cả và to tát hơn những tiện nghi ăn mặc, ngủ nghỉ… Hãy luôn luôn nhớ mình là tu sĩ và trách nhiệm của mình đối với đạo pháp và cuộc đời.

- Tăng ni phải dấn thân đi hành đạo ở vùng sâu vùng xa, bây giờ ở những vùng đó thiếu người hướng dẫn. Quí vị lập nhiều Thiền viện tốn kém rất nhiều tiền bạc của thí chủ. Trong vòng năm năm, mười năm, phải đào tạo một số người rồi cho hành đạo ở vùng sâu vùng xa. Không phải cất nhiều Thiền viện rồi năm bảy chục người ở mãi một chỗ, không chịu đi hành đạo thì không lợi ích nhiều người.”

Trên đây là lời huấn thị của một bậc Thầy, vốn là trưởng tử của Ôn Trúc Lâm mà danh xưng của Người rất có ý nghĩa đối với Tông môn, đó là Hòa thượng thượng Đắc hạ Pháp.

htdacphap

Người vốn có tấm thân tổng báo đường bệ uy nghi chứ không cao to hách dịch, vòi vọi rờ rỡ chứ không phốp pháp lề mề; Ngôn ngữ của Người từ tốn, hiền hòa, giản dị mà chân tình thiết thực; Quở trách thì nhẹ nhàng nhưng nghiêm nghị; Bước đi thì đĩnh đạc khoan thai. Dung nghi ấy thể hiện một bậc cao tăng thạc đức, một bậc mô phạm của tùng lâm. Qua lần gặp đầu tiên tại Phật học viện Huệ Nghiêm vào năm 1968, con cảm bội cung cách phi phàm ấy mà phát tâm Bồ đề. Cuối năm 1973 khi lên Chơn Không để xuất gia, con cũng may mắn được diện kiến Người, nghe Người tụng: “Thiện tai! Thiện nam tử/Năng liễu thế vô thường/Khí tục thú Nê-hoàn/Công đức nan tư nghì” khiến ý chí xuất trần nơi con càng quyết liệt thêm lên! Năm 1980 cũng chính Người dẫn con vào chùa Ấn Quang để thọ đại giới! Đúng là nhân duyên hạnh ngộ, là phước báo của con!

Âm vang câu nói của Người còn như văng vẳng đâu đây khi được Phật tử cúng dường để xây dựng ngôi tam bảo to hơn:

- Mình ở miền quê, nên sống đơn giản cho Phật tử thương, không nên cất chùa to. Nếu cất chùa to, Phật tử ngại không đến chùa, thì mình không độ Phật tử được.

Nói về công hạnh của Người thì:

得道會禪機興教顯宗承祖業
法門開方便接僧渡俗報佛恩
ĐẮC ĐẠO HỘI THIỀN CƠ HƯNG GIÁO HIỂN TÔNG THỪA TỔ NGHIỆP
PHÁP MÔN KHAI PHƯƠNG TIỆN TIẾP TĂNG ĐỘ TỤC BÁO PHẬT ÂN
(HT. Phước Tịnh)

Chúng ta hãy nghe Người để lại những lời vàng trong khi lâm bệnh nặng:

- Quý Thầy Cô nên nghĩ đến vô thường mà lo tu tập …

- Đi thăm bệnh là thực chứng lý vô thường thì hãy cố gắng tinh tấn tiến tu chớ dừng u buồn mà thối tâm, Phật không cứu được.

Khi thấy Người trước lúc xả báo thân, quý Ni trưởng Ni sư đều rơi lệ, nhưng thần sắc Người vẫn bình thản an nhiên và nói mấy câu: Sư huynh theo Phật cho khỏe, mấy Ni sư ở lại ráng tu.

Lời này đã trở thành di huấn tối hậu của bậc Huynh trưởng.

Giờ liệm nhục thân Thầy, Ban lễ tang không định được, phải thay đổi giờ theo mấy chiếc áo quan. Chiếc áo quan thứ nhất bằng gỗ quý, khá đắt tiền, Thầy “không nhận” trả lại. Chiếc áo quan thứ hai bằng gỗ quý có chạm trổ, cũng khá đắt tiền, Thầy cũng “không nhận”, trả lại. Cuối cùng Thầy nhận chiếc quan tài thứ ba bằng gỗ trung bình, giá tiền vừa phải. Thưa Thầy, có phải giờ phút cuối cùng trả thân tứ đại về với cát bụi, Thầy thị hiện lần chót về tâm hạnh thiểu dục ít muốn cho hàng hậu học qua bài học không lời này chăng? (Tâm Hạnh của Đại huynh - Thuần Giác)

Và lời dặn dò của Người trước lúc ra đi:

- Tôi tu thiền nên tổ chức tang lễ đơn giản trang nghiêm theo nghi thức thiền môn, tôi không muốn rườm rà, chỉ nên tụng Bát nhã và ngồi thiền mà thôi!

Ôi! Quả thật là bậc cao tăng thanh cao cho đến giây phút cuối cùng.

Năm mươi năm - một chặng đường, không quá dài đối với lịch sử Thiền tông Việt Nam, nhưng cũng không quá ngắn với một kiếp người và cũng vừa đủ để vườn thiền trổ ra những đóa hoa kỳ diệu, tỏa ngát hương đạo đức cho đời. Con xin được chép lại đôi dòng về những vị Thầy mẫu mực xuất phát từ Chơn Không, một Tu viện đầu tiên do Hòa thượng Ân sư sáng lập. Bằng tất cả tâm thành và kính quý, Con vô cùng

[ Quay lại ]