headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 24/12/2024 - Ngày 24 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

ÂN THẦY

anthayNT. Thích Nữ Như Tịnh

Nhớ lại lúc Thầy gởi chúng tôi vào Ni trường Dược Sư tu học, khi ấy Thầy đang đảm trách hai lớp Trung cấp, một ở Phật học viện Huệ Nghiêm và một ở Ni trường Dược Sư. Về mặt giáo dục Tăng ni, có thể nói Thầy đã góp sức rất  nhiều cho Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn này. Mặc dù bận lo việc giáo dục và đào tạo Tăng ni không nhỏ, nhưng trong tâm Thầy vẫn luôn ôm ấp hoài bão được có thời gian chuyên tu thiền định, như chư Phật chư Tổ đã dạy. Vì thế, sau khi hai lớp Trung cấp mãn khóa, Thầy quyết tâm thực hiện hoài bão của mình.

 Vào năm 1966 Thầy ra Vũng Tàu, thấy vùng đất trên núi Lớn sầm uất, cảnh quan mát mẻ, Thầy quyết định chọn nơi này để cất thất chuyên tu. Nhân duyên đầy đủ, Thầy bắt tay vào việc chặt cây phá rừng, san dọnmặt bằng xây dựng thiền thất, vài sư huynh đang học ở Phật học viện Huệ Nghiêm cũng theo ra đây phụ giúp Thầy.

Bấy giờ tình hình đất nước đang không ổn định. Tất cả học sinh, sinh  viên ở Sài Gòn đều phải nghỉ học, chúng tôi cũng không ngoại lệ. Nghe tin,  Thầy liền đến Ni trường Dược Sư, xin quý Sư Bà trong Ban Giám Đốc cho chúng tôi được ra Vũng Tàu phụ công tác. Được phép, chúng tôi ai nấy đều  vui mừng hớn hở. Hôm sau Thầy nhờ xe của Phật học viện Huệ Nghiêm đến rước chúng tôi đi. Nhìn thấy phía sau xe chở một bao gạo lớn, chúng tôi thích thú bảo nhau: “Chừng nào ăn hết gạo, mình mới trở về Dược Sư !”  Huynh đệ chúng tôi mải vui, đến nơi lúc nào không hay. Xe dừng ở chân núi, phải lội bộ lên chùa Hang, đây là nơi Thầy gởi cho chúng tôi ở tạm. Sau khi cất hành lý xong, chúng tôi tiếp tục leo núi. Con đường dốc đứng, lối đi  chật hẹp, rất khó khăn chúng tôi mới lên được tới nơi để chào Thầy.

Vạn sự khởi đầu nan! Công việc phá rừng thật không dễ chút nào, có thể nói là rất vất vả. Bấy giờ Thầy còn trẻ khỏe, lúc nào cũng xông pha đi trước mở đường, mấy cây tre cao to chằng chịt, chỉ một phát là Thầy chặt đứt rồi. Còn chúng tôi, những ni sinh trẻ, có nhiệm vụ kéo tre dọn dẹp thôi mà đã bơ phờ. Ban đầu nghe nói kéo tre tưởng chừng đơn giản, nhưng không ngờ đòi hỏi phải thật nhanh lẹ mới được. Bởi vì nếu chậm một chút  là đã không theo kịp Thầy. Chúng tôi không ai dám ngơi tay, Thầy chặt đưa, chúng tôi kéo dọn, các sư huynh tôi thì phá dẹp ở phía sau. Thầy trò cùng nhau phát dọn, mồ hôi ướt đẫm, mệt lả, người bị lá tre cắt, kẻ đứt tay, bầm chân, kiến cắn v.v... Tuy nhọc nhằn như vậy, nhưng trên gương mặt mọi người vẫn tràn đầy hoan hỷ, tinh thần phấn chấn, hăng hái làm việc chẳng ngại gian nan.

Sau khi phá được một khoảng đất trống, Thầy cho cất cái thất nhỏ,  vách mái bằng lá, nền tráng xi măng. Trên núi làm gì cũng vất vả, muốn cất một cái thất thôi cũng rất khó khăn! Huynh đệ chúng tôi dốc sức lao tác, các sư huynh là nam nên phải vác đá, xi măng từ chân núi lên, còn tỷ muội chúng tôi thì khiêng cát, nấu ăn... mỗi người tận tâm tận lực trong công việc của mình.

Thất cất chưa xong thì một trận mưa đổ ập xuống, Thầy trò ướt đẫm.  Chúng tôi không sao, còn Thầy bị nhiễm lạnh hôm sau thì cảm.
Sáng sớm, chúng tôi lên thăm Thầy:
- Thưa Thầy, hôm nay Thầy không khỏe đừng đi làm, để đó tụi con làm.
Thầy nói:
- Không sao, Thầy làm được.
Chúng tôi năn nỉ:
- Thầy nghỉ cho khỏe rồi làm tiếp, tụi con tự làm được mà!
Thầy đứng dậy cầm cây búa lên, cười bảo:
- Đã tiến thì không lùi.

Thầy bị cảm thân thể nhọc nhằn, nhưng Thầy vẫn quyết chí không ngơi nghỉ, không lùi bước. Chúng tôi lại được học từ Thầy những bài pháp sống như thế. Thầy không chỉ giáo huấn chúng tôi bằng khẩu giáo qua ngôn ngữ kinh điển, mà còn từ thân giáo ngay trong cuộc sống của Thầy.  Thầy đã thầm truyền trao cho chúng tôi những lực dụng như thế.

Mỗi chiều, sau một ngày làm việc vất vả, tắm rửa ăn uống xong chúng tôi lại được quây quần bên Thầy, Thầy dạy những bài pháp ngắn, kể cho nghe những mẫu chuyện nhỏ... thâm tình mà tràn đầy pháp vị. Chúng tôi hăng say lắng lòng nghe lời Thầy chỉ dạy, dường như quên đi thời giờ. Thấy trời sẫm tối, Thầy bảo chúng tôi về nghỉ. Cúi chào Thầy, bước nhẹ đôi chân xuống núi nhưng lòng thì vẫn còn muốn được ngồi bên Thầy. Chúng tôi vừa đi vừa ngoái đầu lại, Thầy vẫn ngồi đó dõi mắt nhìn theo đám đệ tử đang dẫn nhau xuống núi. Đến bây giờ chúng tôi vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian ấy. Những bài học kinh điển này thật khó mà quên được !

Chúng tôi đã sống lao động, tu học trong dòng đời biến chuyển và trong thâm ân giáo dưỡng của Thầy như thế. Núi rừng rộn rã tiếng cười, cỏ gai biến dần, hố đồi bằng phẳng, từng khoảnh đất phơi bày, ngôi thất nhỏ được mọc lên và Thầy đặt tên là “Pháp Lạc Thất”.

Rất vui, Thầy kể cho chúng tôi nghe, hồi nhỏ Thầy có dịp lên núi Ba  Thê ở Châu Đốc, rừng núi hữu tình Thầy thích quá, ứng khẩu làm thơ:

“Non đảnh là nơi thú lắm ai,
Đó cảnh nhàn du của khách tài,
Tiếng mõ công phu người tỉnh giấc,
Chuông hồi văng vẳng quá bi ai!”

Thầy nói: “Thuở nhỏ Thầy thích núi, nên bây giờ Thầy được làm ông  tăng ở núi”. Chúng tôi cùng cười, vậy là Thầy đã thực hiện được hoài bão  của mình.

Không lâu sau, Sài Gòn tạm ổn định, các trường mở cửa cho đi học  lại, chúng tôi phải trở về Ni trường Dược Sư để tiếp tục việc học của mình,  Thầy và các sư huynh tôi thì về lại Huệ Nghiêm. Trở về Huệ Nghiêm, Thầy bàn giao công việc trường lại cho Hòa thượng Bửu Huệ. Sắp xếp ổn định,  Thầy trở ra Pháp Lạc Thất, áp dụng phương pháp tu thiền để nhập thất chuyên tu. Quả thật, Phật pháp không cô phụ người. Với sự quyết tâm tu, Thầy sáng được lý đạo. Cảm ngộ ân sâu Tam Bảo, ra thất Thầy bắt đầu  xây dựng Thiền đường, Tăng đường... Thiền viện Chơn Không được chính  thức thành lập. Nghe tin Thầy mở lớp hướng dẫn cho Tăng ni, Phật tử tu thiền, chúng tôi cũng háo hức muốn làm Thiền sinh, nhưng Thầy cương  quyết không cho. Thầy bảo chúng tôi phải học cho xong chương trình của mình. Năm 1974, Thầy mở lớp chuyên tu khóa II. Việc học cũng vừa hoàn tất, chúng tôi xin phép Thầy được tham dự khóa học này, Thầy cho phép. Vậy là mỗi tháng chúng tôi lại lên Chơn Không một tuần, để học kinh và  thực tập tọa thiền.

Ngoảnh lại thời gian như giấc mộng, nhưng chính trong thời gian này mà huynh đệ chúng tôi từng bước trưởng thành. Chúng tôi đầy đủ phúc báu và nhân duyên được theo Thầy học đạo, Thầy đã đem phương pháp thiền quán mà Thầy ứng dụng tu tập để chỉ dạy lại cho chúng tôi. Nhờ đó chúng tôi thấm nhuần và hiểu sâu hơn lời của Phật Tổ dạy. Càng thực hành càng an lạc. Chúng tôi có niềm tin vững chắc vào chính mình. Đức Phật đâu không từng nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” đó sao!

anthay2

[ Quay lại ]