headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Ngày Tháng VỌNG CẦU

nisutuedangNT. Thích Nữ Tuệ Đăng

Mấy dãy hành lang dài quá quen thuộc tôi đã đi qua biết bao nhiêu lần, cùng đi với người bạn rất thân khi hai đứa còn học chung với nhau, hoặc một mình trong buổi trưa vắng lặng, lúc cả phòng học đều đóng kín, chỉ còn rải rác trên nền gạch hoa mấy tờ giấy học trò. Dưới sân trường lơ thơ một vài bóng người vội vả phóng xe; những tà áo dài quấn quít, hai ba nếp áo nhật bình cũng vội vàng bay trong nắng và bụi cay của thành phố. Sao mọi người đều vội vàng, đều chạy đua hăm hở sau những giờ phút buông mình trong đám trí thức mênh mông của nhà trường, sao ai ai cũng bị cái sống bên ngoài chi phối cùng cực ?

 Bước chân lững thững của tôi gieo những âm thanh khô khan làm buồn ngủ luôn cả mấy bức tường vôi trắng ngẩn ngơ. Đã hơn một tuần lễ nay, tôi thường ở lại trường, không muốn đội nắng chang chang cắp sách vở về nhà, vì tôi muốn thưởng thức hương vị lạ lùng của những giờ phút sống một mình. Hương vị cô liêu như tràn trề trong đời sống của tôi.

Tìm một xó xỉnh nào đó trong giảng đường thênh thang, tôi ngồi tư duy hằng giờ những GANDHI, KRISHNAMURTI, TAGORE và các bậc thánh giả cùng tôi trải qua một cuộc du hành trên núi tuyết, tuyết trắng xóa thật đẹp và lòng tôi bỗng trở nên đơn sơ. Tôi vui sướng được gặp gỡ những nhà tu khổ hạnh, thân gầy tợ cánh mai khô, đôi mắt sâu sáng quắc, sáng hơn cả độ sáng của chiếc sao đậu trên tóc của cô bé chăn chiên mà ngày xưa tôi thường hay mơ. Thời khắc chìm lắng trong bầu khí nóng có cô học trò ngủ vùi trong cõi tuyết!... sao tôi còn ở nơi này? Ơ! Đôi mắt kia, đôi mắt muôn thu vẫn theo dõi đời sống của tôi! Sao...?

Đầu tôi bỗng nhức bưng lên, mấy hôm rồi, tôi cố ý bỏ những bữa cơm trưa, nhịn đói để thấy mình không quá thừa thải ở cõi đời này, nhịn đói để xem cái cảm giác mới lạ được kích thích bởi cơn đói như thế nào, xem mình có khắc phục được bản năng xác thịt để có thể đạt được sự chiến thắng bi tráng của ý chí như Gandhi và các nhà khổ hạnh đã thực hành. Các bạn tôi cứ tỏ vẻ ái ngại cho tôi. Họ biết không thể khuyên nhủ hay nói gì với tôi mà chỉ biết lắc đầu, đầu hàng, tặng cho tôi danh hiệu là “Đại gàn”, sống ở dưới  đất mà mơ hoài chuyện trên trời, khi họ bắt gặp tôi trong dáng điệu khá thiểu não của tên lang thang. Có vài người bạn khá tốt, khéo gợi chuyện với tôi nhưng tôi không ưa tâm sự, vì những cái sự trong tâm tôi quá đỗi rối ren. Nhiều khi tôi quên mình, quên cả không gian, tôi không nghĩ rằng dù sao tôi cũng là con gái, con của cha mẹ tôi, tôi có anh em có bạn bè, có tất cả những thứ mà người ta cộng lại và trân trọng gọi chung là diễm phúc.

Dù tôi không mê triết thuyết của phái hiện sinh nhưng tôi công nhận Sartre khá có lý khi diễn tả mọi khía cạnh về tính cách phi lý của cuộc đời và cái cảm giác xa lạ đã xô tôi vào vực thẳm tối tăm của thứ hư vô giết người đó. Uổng thay, tôi đã bỏ đi ba bốn năm trời gặm nhấm một mớ tư tưởng nhức óc của các ông triết gia lẩm cẩm ở bên kia trời tây, không có gì dính dáng đến đời sống riêng tôi hết vì tôi luôn luôn quan niệm môt cách tuyệt đối: điều tôi học và cái tôi sống phải đi đôi, khế hợp và hòa điệu mới thật sự lợi ích và phong phú. Nếu không có tiếng mở cửa lách cách, tiếng nói chuyện của các nhân viên đi làm trên các tầng thang, tôi cũng chưa thoát khỏi đợt cảm nghĩ lan man. Đã đến lúc tôi phải chiều theo cái thông lệ của chính tôi là lò dò đi vào thư viện làm một con mọt sách, rồi ra sao nữa? Sao tôi không tìm thấy một lối thoát nào cả!

Tôi tránh đối diện những nguời khác. Người khác đây gồm những gương mặt trẻ trung đầy phấn khởi của những tân sinh viên chưa rũ sạch những  niềm vui hý hửng và nét âu lo đáng tội nghiệp của thời trung học, những khuôn mặt tươi hồng của mấy cô thư ký hay làm dáng, bộ mặt nghiêm nghị  dưới vầng trán “quán thông kim cổ” của các học giả đang trầm tư trên những bộ sách dày cộm, hay khuôn mặt thanh tú, điềm đạm của một vài tu sĩ.

Cái vẻ điềm đạm đượm một chút ngây thơ, trầm tỉnh đôi khi làm tôi  đâm ra bực mình, vì có lòng tôi bỗng nhen nhúm một tí ganh tị và hoài  nghi. Tôi nghi ngờ trong các dáng điệu có vẻ an lạc, bình thản có biết đâu ... biết đâu lại chẳng có những khắc khoải, âu lo... như người bạn tu sĩ tôi mới quen cách đây hai tuần. Lạ thật, mấy ngày nay sao chị biệt cả tăng dạng. Tôi nhớ tới chị trong nỗi hoang mang. Bài thơ chị chép cho tôi bằng Hán văntrong quyển vở của tôi càng gây thêm nỗi nhớ hoang mang:

“Phản quan tự kỷ mỗi thường quan
Thẩm sát tư duy tử tế khan
Mạc giáo mộng trung tầm trí thức
Tương lai diện thượng đổ sư nhan”

Tại sao những nhà tu lại còn bôn ba giữa cảnh phồn hoa, chen chúc làm chi giữa đám văn tự, chữ nghĩa, là những bả xác vô hồn, long đong hai buổi sớm trưa, nhọc nhằn tìm cầu tri thức để làm gì? chị đã chép cho tôi hay ngay lúc đó chị viết ra để tự nhắc nhở, tự cố gắng điều phục nỗi bất an của chị Bài kệ đó, thái độ im lặng bỏ đi, dù sao cũng chứng tỏ chị đã cương quyết dứt khoát, trong giây phút nào đó ý thức chị chợt sáng. Còn tôi, hình như tôi luôn luôn có cảm giác sống trong cơn mộng dài. Tuổi thơ của tôi, xa hơn nữa chỗ bắt đầu đời sống của tôi, “quá khứ tâm bất khả đắc” hiện tại cũng chẳng biết được thì mong gì tương lai. Cái viễn ảnh mịt mờ tựa ảo ảnhtrên sa mạc. Nơi này không phải là chỗ của tôi, không phải là chỗ của chị, phải không? Hình như bọn mình đã chọn lầm nơi rồi đó.

Tại sao mình đi tìm cái sống trong cõi chết của những xác giấy vô tri  bên những đống tài liệu ngớ ngẩn nằm dưới bàn tay hờ hững của tôi? Thôi, một lần này thôi, tôi xin trả lại sách vở cho những ngăn tủ kiên cố của thư viện, trả lại cho nhà trường những nguyên tắc, các phương pháp phân tâm học, luận lý học của các triết gia. Tôi muốn vứt hết những tư tưởng hỗn tạp và cả quá khứ nữa, chúng chạy giật lùi theo mấy cây cột đèn khi chuyến xecuối cùng đã đưa tôi bỏ xa Thành phố.

Tôi quá mệt vì đói và nhức đầu. Ngủ vùi một giấc trên xe cho đến khi người lơ xe gọi tôi, thả tôi xuống nơi tôi đã dặn. Đứng tần ngần trên lối mòn đưa lên Tu viện , lối nhỏ này tôi đã có lần đi qua rồi lại đi về, bây giờ vẫn không thay đổi chỉ hơi tiêu sơ hơn vì  những cọng cỏ may bơ phờ, gió làm cho nắng thướt tha hơn trên mấy đọt lá non. Tôi nghe gần gũi lạ lùng như một kẻ ly hương được trở về cố quận.

Trên đống lá khô trước cổng Tu viện một người nằm ngủ ngon lành, đầu tóc rối bời gối trên cánh tay gầy bằng que củi. Gương mặt trơ xương với cặp kín cận dày. Tôi đoán chừng ông ta không phải là một hành khất dù ông ăn mặc khá lôi thôi, người ngợm lếch thếch.

Tôi với tay giật chuông,  ông khách kỳ quặc ngồi dậy, giật mình. Ngay lúc đó, một Thầy tu mặc áo vàng ra mở cổng, cử chỉ thật từ tốn, ông khách, nhân đó cũng đứng lên quảy “bị” lên vai xin được vào chùa. Vị Thầy tu trẻ đã có lần gặp ông khách này, nên vui vẻ nhận ra ngay ông ta là nhà thơ đến đây vào mùa hạ năm trước. Niềm vui nhẹ thoáng qua, tôi mơ hồ nghĩ đến một Tô Đông Pha trong những vần thơ đẹp “Lý Hạ” tâm hồn của người thơ và đạo sĩ đâu có gì cách ngăn... Tôi nhường ông ta phần ưu tiên đến diện kiến Hòa thượng. Vả lại trời bắt đầu tối, tôi không tiện thưa bạch nên chỉ đảnh lễ Hòa thượng rồi xin phép trở ra nhà khách dành cho phái nữ .Thật hết sức cảm ơn, không biết cảm ơn ai bây giờ, vì ngày tôi đi không lựa chọn lại là ngày trăng tròn. Những sợi tơ vàng đổ đầy trên đường núi đá cheo veo, những con đường trăng chạy quanh núi đi về hang hốc âm u hay đưa lên đỉnh cao, trên đó có cài mấy nụ sao bạc. Có lẽ tôi phải cảm ơn trăng, cảm ơn gió, cảm ơn lá cây, núi đá và tất cả mỗi thứ ở đây đã vỗ về tôi thật tế nhị và chân thành.

Buổi sáng tôi không còn lý do gì để từ chối bữa ăn đạm bạc của nhà chùa, một phần do cái đói khiến người tôi rã rời, một phần do niềm vui hồn nhiên từ chén cơm bốc khói bên ngọn  đèn dầu thắp sáng. Tôi không muốn chuẩn bị tinh thần cũng như sắm sửa những thứ y phục giả dối nào cho bất cứ một cuộc gặp gỡ, nhất là đối với cuộc diện kiến với những bậc chân sư. Tôi muốn trọn vẹn thành thật trong cái tôi tiều tụy, bất an. Hết sức thành kính tôi quỳ xuống đảnh lễ Hòa thượng, yên lặng chấp tay. Sau vài giây im lặng, Hòa thượng chậm rãi hỏi:

- Con đến đây có việc gì ? Đột nhiên tôi trở nên lúng túng.

suong

- Dạ bạch Thầy, con đang khổ sở trên đường tìm chân lý, con tin nơi  nầy có chân lý. Trí thức và danh vọng là những thứ bửa nát cái đầu của  con, cái đầu của một kẻ cuồng dại nhất thế gian nầy. Con không tìm cầu gì  hết ngoài lẽ thật.
Hòa thượng vén tay áo rộng, điểm một nụ cười từ hòa trên môi:
- Chiều hôm qua cũng có người đến đây cầu đạo, chắc con gặp ông ta rồi phải không?
Tôi cung kính thưa:
- Vâng, bạch thầy! Con có gặp ông ấy. Ông thi sĩ lạ đời.
Hòa thượng trầm ngâm một lúc:
- Ông ta muốn làm một sơn Tăng..., còn con suy nghĩ kỹ chưa trước khi  sống chết với chân lý? Chân lý ở đâu? Không ở nơi nào hết! Chân lý bàng  bạc khắp hư không và nội tại trong tâm. Trong sự trở về tự tánh của con chớ không đâu xa! Bây giờ chưa phải lúc ta có thể nói ra những điều sâu xa  với con, ông thi sĩ kia sẽ giúp con phần nào, con nên nói chuyện với ông ta thử xem.

Nét mặt Hòa thượng vẫn điềm nhiên, không thay đổi trong khi tôi ngạc  nhiên vô cùng. Sao Ngài không giải đáp điều gì cho tôi hết vậy kìa! Nhưng thôi có gì quá vội đâu! Tôi lạy tạ Hòa thượng, đi ra khỏi thiền thất.

Theo mấy tầng bệ bằng đá xếp chồng chất đi xuống phía Tu viện, tôi leo  xuống khó khăn; dù sao tôi cũng nên gặp ông ta xem thế nào. Phía dưới hoa sứ lác đác trên thềm tu viện, trên vai, trên áo ông thi sĩ, ông ta đang đi dạo trong dáng điệu nhàn lạc, bên cạnh là một chú tiểu hoạt bát, lanh lợi. Tôi nhẹ gật đầu chào cả hai người và chưa biết mở lời thế nào thì chú tiểu đã bí bô:

- Ông nầy vừa ứng khẩu đọc một mạch cả chục bài thơ lúc cùng tôi đi  chơi trên chót vót núi. Ông ấy cũng kể nhiều mẩu chuyện hay lắm. Chuyện đời Đường, đời Tống, chuyện cổ Hy Lạp.....Cô ạ!

Giọng nói đầy nhiệt tình và khâm phục của chú tiểu quá trẻ con  càng gợi lòng hiếu kì của tôi thêm nữa. Tôi e dè hỏi chú, nhưng kỳ thật thầm mong câu trả lời của tôi sẽ gây một phản ứng, một thái độ nào đó nơi ông ta:

- Dường như ông thi sĩ đến xin Hòa thượng xuất gia phải không chú!

Tôi nghe Ngài bảo vậy. Ông ta quay lại nhìn tôi, nhìn chú tiểu mỉm cười, chú tiểu nhanh nhẩu :

- Ý chừng Hòa thượng dạy ông ta dẹp bớt phiền não đi rồi hãy xuất gia,  còn tui, tui cũng đề nghị ông nên tập sống theo khuôn phép, thanh qui của nhà chùa cho quen đã.

Ông thi sĩ lắc đầu phủ nhận tất cả những lời nói khôn khéo của chú bằng câu nói “tuột luốt”:

- Ồ hay! Chú khéo nói vờ! Tôi đã chẳng xuất gia rồi đó sao! Không nơi  nào là mái nhà của tôi hết, tôi đã làm kẻ rong chơi trong cuộc đời này từ  thuở nào, từ buổi hỗn mang của trời đất. Lúc đó chưa có tôi và chưa có một vật nào hết kìa!

- Ông nói làm chi chuyện thiên địa, sao ông biết và quả quyết định  mệnh an bài cho ông phải làm kẻ phiêu lãng?

- Sao chú lại bắt tôi dùng danh từ để giải thích? Thôi cũng được, trực giác của tôi khiến tôi nhận ra điều ấy, đơn giản vậy đó! “đã mang lấy nghiệp vào thân....”

Tôi đứng bên cũng góp chuyện:- Thưa ông, cái nghiệp và những lụy phiền của ông, ông tính sao với nó?

buigiang

Dứt phiền não hay chẳng dứt? Nhà thơ ngồi xuống bên tảng đá, ngẩng mặt cười đến ra nước mắt:

- Có khi, vâng, có khi, cô ạ! Tôi nhận ra khổ đau, ờ...phiền não cũng được, nó là chất men nồng của thứ rượu dùng để tế thần rắn của những bộ lạc sơ khai. Cô biết không? Nồng độ của nó mạnh biết chừng nào, vậy mà tôi vẫn vui vẻ, thích chí uống cạn ly để mặc tình cho cơn say bốc lửa....khổ  đau...ờ..., nhiều khi tôi lang thang trên bãi biển, thấy những con ốc trên mặt cát phẳng lì làm tôi liên tưởng đến những viên hạt trai, những thứ nầy vô tình ban cho tôi một chút xao xuyến về thân phận của tên nghệ sĩ. Hạt trai có lẫn một ít cát biển làm cho con trai đau nhức, sự đau nhức kích thích sự phấn đấu của con trai, mong có ngày thoát ra vỏ cứng....bấy nhiêu đó cô cũng đủ hiểu rồi, rõ ràng minh bạch không phải là sở trường của tôi.

Tôi bứt một cọng lá khuynh diệp dằn cơn xúc động:

- Hình như ông đang bị dằng co giữa hai bên: Một đằng là tiếng gọi của  nghệ thuật, một đằng là lý tưởng giải thoát. Ông ta có vẻ khó chịu:

- Nghệ thuật à! Nó là cái gì? Nó là cái tài lộng giả thành chơn, biến cái  hư trở thành “cái như thật” và cái thật trở thành cái hư, để cứu cái sống nầy. Những tác phẩm của tôi ư? Là những lời nói của kẻ lêu lỏng nói mơ nói mộng.

- Ông bỏ nàng thơ đi tìm giải thoát?

Thi sĩ cười cao ngạo:

- Đời sống của tôi có gì ràng buộc mà cầu giải thoát, tôi đã lê gót chân đi khắp đất nước nầy, khi sống phung phí như một ông hoàng, khi thất thểu dưới nắng quái của thành phố như tên hành khất. Nhưng mặc kệ, có canchi đâu; đời không biết tới mình và mình cũng chẳng cần biết đến đời, kể cũng tự tại chán! Chưa bao giờ tôi muốn dừng bước ngao du.

- Chú tiểu xoay lại hỏi thình lình:

- Ông đâu hẳn được tự tại vì còn kẹt trong đam mê, phiền não, phải không? Ông giống như tên cùng tử suốt đời làm lụng cực khổ, tha phương cầu thực mà không biết trong vạt áo mình có hạt ngọc quý.

Rất tự nhiên, thi sĩ đập nhẹ vai chú tiểu:
- Chú đúng là Thiện Tài Đồng Tử của tôi ở câu thứ nhất nhưng ở câu sau chú chỉ là một con vẹt lặp lại lời kinh. Này, chú! Có cái ngã để vui hay  giận tôi, mặc kệ! Thôi, xin cho tôi bình yên.

Lối nói chuyện lạ lùng bộc trực không có vẻ đối đãi, phân biệt người khác với mình, dễ gây phật lòng cho người đối diện nhưng chú tiểu vốn là kẻ tu hành đã quen hạnh nhẫn nhục; chú chỉ im lặng, bớt hăng hái và có vẻ hơi ngán, muốn rút lui khỏi trò hý luận nầy. Bấy nhiêu đó cũng khá đủ để giúp tôi suy diễn từ đời sống phiêu lãng mà tôi từng xem là lý tưởng tới đời sống tôi sắp sửa chọn lựa.

Buổi chiều tôi trở lên thiền thất của Hòa thượng, có lẽ Ngài sẽ cười tôi quá nôn nao, không kiên nhẫn suy nghĩ chín chắn. Ngài đang ngồi uống trà, dáng thong dong khả kính. Tôi sụp lạy rồi đứng bên chờ đợi.

- Thế nào, đã có một chút tia sáng nào gợi ý cho con chưa?

- Bạch Thầy! Hôm qua khi mới gặp nhà thơ, con nghĩ rằng thái độ  phiêu nhiên của nhà nghệ sĩ và đời sống của người tu hành đâu có gì khác  nhau. Nhưng hôm nay con mới nhận ra đâu thể đồng hóa được, thi sĩ là thi sĩ và thiền sư là thiền sư.

Hòa thượng vuốt đôi mày dài chậm rãi:

- Vì sao con nói như thế? Biết đâu đó là bậc Bồ-tát mượn thân cuồng sĩ  để hóa độ nhân gian.

- Bạch Hòa thượng! Điều ấy con không dám phủ nhận. Ông ta đã cho  con bài học vô ngã, không phân biệt, không chấp trước qua đời sống có vẻ  “hòa quang đồng trần” của ông ta.

Hòa thượng đáp: - Có lẽ như thế!
Tôi bạo dạn tiếp lời:
- Nhưng đời sống ấy không lấy ngõ đạo hạnh làm cứu cánh mà lấy cảm  hứng nghệ thuật làm hơi thở và nhịp sống. Kỳ thật ông ta đang đi tìm cảm  hứng trong thiền vị, ông ta thà làm một trích tiên hơn làm Phật.

- Ồ! Nãy giờ con đứng quá lâu, con cứ ngồi xuống ghế! Nầy con! Như  vậy mục đích của ông ta hôm qua cũng giống như con chớ: Tìm chân lý. Nếu  ở đây có chân lý, tại sao không giữ chân ông ta được? Vậy con nghĩ sao về lời nói của ta chiều hôm qua?
- Vâng, bạch Thầy! Con mơ hồ hiểu được nhưng không biết nói thế nào,  ngôn ngữ sao hạn hẹp không diễn tả hết ý nghĩ của con.

- Con vẫn còn kẹt cứng trong mắt lưới tri kiến văn tự, những danh từ trừu  tượng ám ảnh con. Những điều con cảm nhận từ hôm qua đã đập mạnh vào  tâm thức con chợt bùng vỡ ngay bây giờ. Đó là đạo lý sống động nhất. Ta không  muốn bảo con ngồi yên ở đây để nghe ta giảng một bài pháp, hay trao cho con  một quyển sách chứa đựng chân lý, vì ta biết tất cả những thứ đó không làm con thỏa mãn. Ta có thái độ của ông thầy địa lý chỉ cho con nguồn mạch uyên nguyên, con phải tự tay đào lấy mới nếm được vị ngọt của giếng nước trong... Lời nói của Hòa thượng im bặt nhường cho tiếng xào xạc của lá dương, tiếng linh treo trên góc thiền thất đong đưa chạm vào nhau, những âm thanh vô tình đó như có mang theo lời thúc giục:

...“Phản văn tự kỷ mỗi thường quan”...

Chú tiểu khi sáng vào thưa, thỉnh Hòa thượng xuống tu viện chứng  minh lễ thỉnh nguyện của chư Tăng....Hòa thượng chống gậy trúc, che chiếc  nón lá, Ngài nhìn tôi bằng ánh mắt từ bi trước khi rời khỏi thiền thất. Tôi lẽo đẽo đi theo sau rồi rẽ qua con đường dốc. Trên nầy là núi cao,  dưới kia là mặt biển bao la, nhà thi sĩ rong chơi như cánh bướm vàng qua  đại dương xanh ngát. Còn tôi ư? Giấc mộng Trang Chu và giấc mơ núi tuyết tôi xin gửi vào giọt nắng cuối cùng. Ở đây không có tuyết trắng, không có kỳ  hoa dị thảo, chỉ có những thân tre cao vút vươn mình trên vùng đất đá chai lì. Chiều nay có con chim lạ đến đây ăn trái cây rừng và khép cánh không muốn bay xa.

- 1975 -

[ Quay lại ]