headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 28/03/2024 - Ngày 19 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TIẾNG CHUÔNG Ngưỡng Vọng

nisumyduc NT. Thích Nữ Mỹ Đức

Kính dâng Đại Lão Hòa thượng Thiền sư thượng Thanh hạ Từ

Boong…boong… boong…! Bừng tỉnh.

 Muôn vật còn yên giấc trong màn đêm vắng lặng. Bên ngoài ánh trăng pha màu cho bầu trời thêm vẻ huyền bí. Như tỉnh giấc chánh niệm, tôi trực nhận thế giới tràn trề sinh lực đang thỏ thẻ cùng chung cuộc sống thanh bình thầm lặng. Không tơ tưởng, không suy tư, tôi cảm nhận sự an lạc trong từng làng da thớ thịt và trong cả sức sống kỳ diệu của muôn sinh…!

 Khoảnh khắc ấy qua mau, giữa đêm mà tiếng chuông từ đâu vọng lại. Tiếng chuông chậm rãi ngân nga với âm hưởng trầm trầm, nhạt dần, nhạt dần…?! Đang miên man theo dòng suy tư, lòng tôi bỗng rười rượi cái cảm giác của những năm tháng ngày qua, ngày mà Đại Lão Hòa thượng Thiền sư thượng Thanh hạ Từ sau khi nhập thất sáng đạo, đã mở lớp dạy tu Thiền tại Tu viện Chơn Không -Vũng Tàu. Ngài đã mở ra chân trời mới cho bao nhiêu hành giả thấy được đường về bảo sở.

“Tiếng lành lan xa…”

Năm 1972, sau khi kết thúc một giai đoạn Phật học và thế học, tôi được Sư Bà bổn sư thượng Đàm hạ Tuệ, cố Viện chủ chùa Linh Giác- Đà Lạt và chùa Diệu Nghiêm -Phan Rang-Ninh Thuận, tự thân đưa tôi về Tu viện Chơn Không đảnh lễ Hòa thượng cầu xin học đạo. Tôi đã được Ngài từ bi thu nhận để theo học ngoại trú với khóa I. Đến khi Tu viện Bát Nhã thành lập, Hòa thượng tiếp tục cho phép tôi cùng sư muội Mỹ Nguyên được nhập chúng tu học. Trước khi tôi đến Tu viện đã có các sư cô Diệu Bảo, Như Đức, Như Thủy, Minh Tứ, Thuần Trí, Giải Thiện, Diêu Thông, Từ Thanh, Tắc Trung… sau đó là Hạnh Huệ, Hạnh Giải, Hạnh Nhã, Hải Liên…

Dưới mái Tu viện, Hòa thượng đã không từ lao nhọc thay Thế Tôn hoằng pháp độ sanh. Với ngôn từ bình dị, không sử dụng những lời hoa mỹ, chỉ chú trọng ở chỗ chân thật công phu tu hành và qua việc giảng giải những bộ luận, bộ lịch sử Thiền tông, bộ kinh Đại Thừa…tại Tu viện Chơn Không, Ngài đã giúp huynh đệ chúng tôi biết cách theo dõi những trạo cử, những vọng niệm, những rộn ràng của tâm thức mà trước kia dù đã có thời gian học Phật, tu Phật mà chúng tôi vẫn mù mờ buông lỏng….

Những tháng ngày ở Tu viện Bát Nhã thân thương, việc tu học của tôi tiến bộ rõ rệt. Tôi đã được Hòa thượng khơi nguồn tuệ giác, từng bước hướng dẫn và mở ra lộ trình đi đến giải thoát.

Rồi đến tháng 4 năm 1975, nước nhà bước sang trang sử mới, chúng tôi theo lời Thầy dạy rời Bát Nhã về Viên Chiếu trong những ngày đầu khai hoang lập tự. Được vài tháng ngắn ngủi, vì chùa Bổn Sư neo đơn nên tôi lại phải chia tay Viên Chiếu trở về chùa Diệu Nghiêm- Phan Rang -Ninh Thuận. Vào thời điểm đất nước sau chiến tranh, về Diệu Nghiêm lúc này chỉ có Thầy tôi và vài tỷ muội, nhưng cũng không thoát khỏi những khó khăn chung. Thầy trò tôi hằng ngày cùng nhau cơ cực chăm lo trồng khoai, tỉa bắp, bo bo…. lao động vất vả mà lúc nào cũng thiếu lương thực thực phẩm trong mọi bữa ăn! Vì vậy tuy rời xa Bát Nhã, rời xa Viên Chiếu, bái từ Hòa thượng và chư huynh đệ, tôi không còn trực tiếp hưởng được nguồn pháp lạc từ kim ngôn của Thầy, không còn cơ hội để có thời khóa chăn trâu đều đặn như khi ở Tu viện, nhưng những lời Thầy dạy luôn sách tấn tôi:

“Tăng Ni khi phát nguyện tu theo lời Phật dạy, phải thề quyết đập tan xiềng xích sanh tử đã áp đặt trên người chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay. Giải thoát sanh tử là một việc làm quá to lớn đối với con người. Người thế gian không bao giờ dám nghĩ đến vì họ cho sinh tử là một quy luật không ai thoát khỏi. Nhưng người tu chúng ta khi đã nguyện, đã quyết thì thế nào cũng làm được. Khi xưa chính đức Phật đã tìm ra con đường giải thoát sinh tử, ngày nay chúng ta ý thức được việc đó là chính đáng, là cao thượng. Nếu noi gương Ngài thì chúng ta cũng quyết đập tan xiềng xích sanh tử cho kỳ được …. Nếu không thì cuộc sống chúng ta mãi mãi khổ đau. Dù mang hình tướng xuất gia mà ta vẫn còn bị khổ đau chi phối, vẫn buồn vui, khóc cười, sợ hãi theo những hoàn cảnh, những cảm giác, những tư tưởng lăng xăng của tâm làm ta xao lãng, nhụt chí quên đi chí nguyện ban đầu của bậc đại trượng phu, thì thực sự ta chưa hề xuất gia. Chúng ta phải nhận ra được điều này vì đây chính là động lực hữu hiệu thúc đẩy chúng ta tinh tấn tu tập giải thoát”.

Hồi tưởng lại, từng chữ từng câu thấm vào tim, tôi nghe như rỉ sắt trong lòng. Tôi vẫn còn bồi hồi xao xuyến, nhớ như in những lời dạy ân cần, trìu mến, tha thiết Lão Bà của Ngài, giúp cho hàng đệ tử nắm vững đường lối tu hành và viên thành đạo quả. Người đã nói đã dạy bằng cả trái tim, bằng tấm chân tình đầy ưu tư và hoài bão, nhưng chứa chan lòng trắc ẩn!

Chợt nghĩ lại mình, tôi không khỏi đau nhói tâm can khi nhiệm vụ người xuất gia vẫn còn đó. Tuy thời hiện đại, nền văn minh toàn cầu giúp cuộc sống con người thay đổi nhiều nhưng làm sao thay đổi được tâm tính con người! Con thầm hiểu cõi đời này vô minh còn nhiều lắm, nỗi thống khổ trần gian còn nhiều lắm, vẫn còn đó số đông chúng sanh lạc lõng bơ vơ không có ánh đuốc soi đường, không tìm thấy lối về và đường đến bờ lành còn xa xôi đối với họ. Con đã làm được gì cho nhân sinh cho Phật Pháp? Tôi cảm thấy mình nhỏ bé vô cùng trước hạnh nguyện của Ngài. Trái tim thương yêu của Thầy vô biên quá, vòng tay của Thầy mênh mông quá đã và đang rộng mở che chở dìu dắt chúng con trên hành trình tìm về bến giác. Bên tai con giờ đây luôn vang vọng lời dạy của Thầy: “…Chúng ta phát tâm tu là phát nguyện trở về nguồn an vui trong đời này và nhiều đời sau nữa. Muốn được vậy chúng ta phải cố gắng tu, nghĩa là luôn luôn tìm cái vui trong thanh tịnh, trong sự tỉnh giác, không đeo đuổi giành giật cái vui thế tục. Đạo phật đã đưa chúng ta tới chỗ an vui, nên chúng ta nguyện tiến tu suốt đời, càng lớn tuổi càng phải tiến nhanh hơn, vì khổ sanh tử đã tới gần kề rồi…”

Nhớ lại lời Thầy từ tốn, êm dịu đã rót sâu vào tận tâm can, làm cho tim con bé bỏng đỏ thắm lại sau những năm tháng rong ruổi xám màu phù vân. Lòng vẫn tràn đầy ngưỡng vọng, tôi lặng người…! Xung quanh, cảnh vật còn giữ vẻ tôn nghiêm dưới ánh đêm mầu nhiệm. Trăng đổ về tà thoáng hiện chút buồn khi trời đêm biến dạng, hình ảnh Thầy lại hiện trong tâm trí. Tôi nghe như vỗ về bên tai những âm thanh tỏa ngát tình thương và đầy kinh nghiệm của Người. Người đã hướng dẫn chúng tôi cách sống, nếp nghĩ mà Thầy đã sống, nhưng cách sống ấy được Thầy khai tâm từ tận đáy lòng cho mỗi người để tạo ra nguồn cảm hứng phát xuất từ mỗi con tim.

Tự tìm cho mình một pháp môn tu tập là tư tưởng của Phật giáo. Nhưng pháp môn Thiền Trúc Lâm Yên Tử, được gọi là Thiền nhập thế - tìm sự giải thoát ngay trong cuộc sống thực tại:

“Ở đời tu đạo phải tùy duyên,

Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền”

 mà Thầy hướng dẫn đã chiếm trọn niềm tin của người học đạo. Thầy thường kể lại cuộc đời Đức Phật, cuộc đời và hành trạng các vị Tổ sư trong niềm xúc động và tôn kính vô biên. Lòng tôi bùi ngùi tự bảo: có lẽ nguồn giao cảm này đã khiến Người có lối sống tinh cần mẫu mực trong đời sống tâm linh cũng như trong việc hoằng dương Chánh Pháp.

Theo Thầy tu tập dưới mái nhà Chơn Không và Bát Nhã, tôi kính ngưỡng Ngài như bậc Thầy cao cả dẫn dắt chúng tôi trên bước đường tu tập.

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, quá khứ đã lùi xa, từ độ ấy đến nay tôi chưa có nhân duyên một lần trở lại Tu Viên Chơn Không, tôi đang ở tuổi về chiều, nhưng những lời Thầy dạy, con đường mà Thầy đã khai mở, đối với tôi bao nhiêu năm vẫn là những ký ức vàng... Sự tinh chuyên cần mẫn tu tập theo pháp môn tri vọng của Ngài tôi tưởng mình như đã nhận ra, đã đạt được một điều gì đó trên đường giải thoát. Nhưng khi nhìn lại tâm mình thì vẫn còn phải tinh tấn và tinh tấn mãi mãi…Thực hành chánh niệm tỉnh giác lúc rỗi rảnh thì khả dĩ, nhưng khi công việc dồn dập, khi tiếp xúc với những lo toan đời thường, thì tự ngã nổi dậy, quấy phá, lôi kéo.Thật sự đường về bến giác vẫn còn xa xôi diệu vợi!….

Trăng sắp tàn mà mặt trời chưa ló dạng! Bầu trời thu hẹp, tôi nghe trong tim văng vẳng lời cảnh tỉnh của Thầy“ Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát!”. Những kỷ niệm tràn ngập tình người, tình đạo. Tôi nâng niu đón giọt nước hữu tình mà lòng nghe trỗi dậy một niềm vui an lạc… Tiếng chuông từ độ ấy vẫn còn ngân…!!!

Ngày12-10-2015
Chùa Diệu Nghiêm, Số 54 đường 21 tháng 8

TP. Phan Rang - Tháp Chàm - Ninh Thuận
 

[ Quay lại ]