Như Mây TRẮNG BAY
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 25 Tháng chín 2018 14:14
NS. Thích Nữ Thuần Hòa TV Huệ Chiếu
Có con ốc sên
Đưa chiếc lá vàng
Tiễn từ mùa thu
Sang hết mùa đông.
Chiếc lá xanh lại.
(J.P)
Cầm đọc lá thư mời viết bài cho tập “Kỷ yếu 50 năm Tu viện Chơn Không (1966-2016)”, thì cảnh cùng người ở hai Tu viện Chơn Không và Bátnhã như đồng trở về trong vòm trời tâm thức, làm dâng trào trong tôi những kỷ niệm êm đềm, thân thương và trân quí, mang đậm những dấu ấn khó quên. Có lẽ, vì đây là khoảng thời gian đầu đời của một Thiền sinh sơ tâm, theo Thầy mình về núi tu học:
Mùa xuân ta lên núi
Hăm hở làm sơn đồng
Bỏ con đường gió bụi
Cho sách vở vời trông.
(N.T)
Vào một sáng mùa thu, sương mù phủ khắp ngọn núi Tương Kỳ. Trong khoảng không gian im ắng và tịch mịch của núi đồi Tu viện Chơn Không, tôi chợt nhận ra lòng mình nhẹ tênh, sạch hết nỗi khắc khoải về một cái gì rất mơ hồ nhưng vẫn thao thức kiếm tìm bấy lâu nay. Vì hôm nay tôi đã hội đủ nhân duyên lành, được bậc Tôn sư bằng lòng cho phép theo Ngài về núi xuất gia và tu học. Thật hạnh phúc biết bao! Xin giã từ những ngày:
Lang thang làm khách phong trần mãi
Ngày một xa quê muôn dặm trường
(T.T.T)
Thiền viện Bát-nhã là nơi chúng tôi tu học, cùng nằm trên ngọn núi Tương Kỳ, cách Tu viện Chơn Không khoảng 100 mét. Thiền viện được Sư Bà Vĩnh Bửu phát tâm xây dựng và dâng cúng lên Hòa thượng, để Người làm đạo tràng tu Thiền cho Ni giới. Thiền viện Bát-nhã là Thiền viện Ni đầu tiên của Thiền Tông Việt Nam. Thiền viện được thành lập từ năm 1974. Sư Bà Vĩnh Bửu là Thầy Bổn sư của hai Ni Trưởng Trụ trì Thiền viện Phổ Chiếu và Viên Chiếu hiện nay.
Trong những ngày tu học ở Thiền viện Bát-nhã, cứ vào mỗi buổi chiều trước giờ tụng kinh sám hối, chúng Bát-nhã thường ra ngồi trên tấm phản dài được đặt trước sân, để ngắm nhìn những đám mây trắng rủ nhau hàng hàng lớp lớp, cuồn cuộn không dứt, bay về phủ kín dãy núi xa xa. Cảnh mây trắng bay về núi đẹp tuyệt vời, ngoạn mục vô cùng. Thế nên, sau khi Thiền viện đã giải tỏa, một sư tỷ của chúng tôi về quê mình, cất thất thanh tu, đặt tên là Thiền Thất Bạch Vân, để nhớ về chốn xưa ngày cũ.
Những ngày ở núi, hạnh phúc lớn nhất của chúng Bát-nhã là ngày Hòa thượng giảng dạy, Đại chúng được xuống Thiền đường Chơn Không dự học. Thường, các buổi học bắt đầu từ 2 giờ chiều, thế mà mới hơn 1 giờ, chúng tôi đã hăm hở tươi cười xuống Thiền đường ngồi đợi. Những năm đó chư Tăng Ni tham học không nhiều, chỗ ngồi trong Thiền đường vẫn còn đủ cho chúng tôi nếu đến trễ. (Đi đến sớm không phải để giành chỗ ngồi). Chúng tôi được quí sư tỷ thương, ưu ái cho phép ngồi sát sau lưng các vị có tên đọc và trả bài dịch cho Hòa thượng, chủ ý để được nhìn và nghe Người dạy cho rõ hơn. Những năm đó Hòa thượng dạy: Kinh Pháp Bảo Đàn, Kinh Kim Cang, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ngũ Đăng Hội Nguyên …Là tâm trí kẻ sơ cơ học đạo, nhiều khi nghe Hòa thượng dạy tôi ít được thông hiểu, vì có nhiều ngôn ngữ, điển tích Thiền thoại thuộc văn học Thiền Trung Hoa, nhưng sao tôi vẫn thấy mình bị thu hút, lôi cuốn và vui thích trong lời giảng của Người.
Có những tuần lễ Người phải về Bà Rịa, Long Thành làm Phật sự, chúng Bát-nhã cảm thấy đồi núi Chơn Không vắng vẻ vô cùng, nên rủ nhau đi hỏi thăm ngày về của Người và mở lịch xem từng ngày. Thật đúng là tâm trạng của các “Tôn giả” mới xuất gia vậy.
Trong thời gian chúng tôi còn là chúng tu học ở Thiền viện Bát-nhã, Hòa thượng đang dịch quyển Bích Nham Lục. Mỗi buổi sáng Thầy Trụ trì Quan Âm Các - đạo hiệu Thích Thiện Năng, đi bộ về Chơn Không để đánh máy chữ bản dịch. Chúng tôi cũng được cho mượn chép tay tập sách này. Bích Nham Lục được mệnh danh là Đệ Nhất Thiền Thư trong nhà Thiền. Đây là loại sách thuộc tính cách văn chương bác học hàn lâm, dùng nhiều điển tích giai thoại và Thiền ngữ của nền văn học Trung Hoa. Vậy mà lạ lùng chưa? Một quyển sách dầy hơn 500 trang A4, đọc chưa thấy được những lời Thiền sư Viên Ngộ - Phật Quả (tác giả) muốn hiển bày, thế mà huynh đệ chúng tôi say mê chép ngày đêm không hề chán mệt, vì đã bị lôi cuốn bởi văn phong dịch thuật của Hòa thượng, và nội dung hấp dẫn của tập Đệ Nhất Thiền Thư này.
Không khí núi đồi Chơn Không nhộn nhịp hẳn lên trong những ngày giỗ Tổ (Sư ông thượng THIỆN hạ HOA). Đại chúng các Chiếu ở Bà Rịa, Long Thành về núi, họ mang về những sản phẩm trồng trọt được từ nơi ruộng, rẫy, vườn những loại ngon nhất, mà mọi người đã một nắng hai sương mới thu hoạch được. Đem về cúng giỗ, đồng thời để khoe với Thầy mình thành quả lao động của dân thư sinh vậy. Ngày này cũng là ngày họp mặt, nối vòng tay lớn của các huynh đệ trong tông môn dưới trướng Hòa thượng.
Riêng Hòa thượng Ân sư, mỗi khi nhắc đến Thầy mình, bao giờ Người cũng xúc động khiến Đại chúng ai cũng bùi ngùi khi nghe Người nói về Sư Ông:
“…Bởi vậy, mỗi khi nhắc đến công ơn của Thầy tôi, tôi xúc động không cầm được nước mắt. Bởi nếu không có Thầy thì ngày nay thật không dám nghĩ tới. Thầy chẳng những cứu chúng ta một đời mà còn cứu trong muôn kiếp, chỉ dẫn chúng ta một hướng đi giải thoát mọi sự trói buộc khổ đau. Vậy mà mình không nhớ không biết ơn, thì hỏi còn nhớ còn biết ơn ai?”…
Đối với Thầy mình, Hòa thượng luôn nhắc đến với trọn vẹn tấm lòng thấm đậm trọng ân, không bao giờ nhắc đến Sư ông mà giọng nói Người không xúc động, và Người còn là trưởng tử của Sư ông nữa.
Khi ở dưới phố biển lác đác những tiếng pháo nổ thì chiều 30 trên núi chư Tăng Ni hai viện, cùng chư vị ở am thất chung quanh, lần lượt tựu về Thiền đường. Một số Phật tử ở Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. HCM cũng về Tu viện Chơn Không tham dự buổi lễ Tất niên. Điều này cho thấy rằng nét đẹp và lợi ích sâu xa của ngày Tất niên trên núi cao, đã có ảnh hưởng và lan tỏa rộng rãi, vượt ra xa khỏi ngọn núi Tương Kỳ vậy.
Sau giờ sám hối cuối năm, trà bánh được đem vào Thiền đường, mọi người cùng ngồi chờ thỉnh Hòa thượng xuống. Hòa thượng từ thất, theo lối Đại Mai chống gậy từ từ đi xuống. Đại chúng đồng nhìn về phía cửa trông đợi. Mừng làm sao Người đã đến! Thường, trước khi khai mạc buổi lễ Tất niên, Hòa thượng đặt câu hỏi về giáo lý Thiền, ai trả lời trúng ý thì được khai mạc. Có năm Người nói về công phu tu hành của một vài vị trong chúng, để sách tấn mọi người. Sau đó tất cả cùng dùng trà bánh trong tình đạo vị, vừa lắng nghe những lời pháp nhũ từ Người. Hòa thượng đã mang lại nguồn sống thanh khiết, giàu có an vui cho Tăng Ni và Phật tử. Riêng tôi, cảm nhận được không khí đêm cuối năm thật thiêng liêng và ấm áp tình Ân sư - đệ tử.
Sáng mùng một khi trời còn mờ tối, gió biển lành lạnh thổi, Tăng Ni và Phật tử đã hiện diện ở Thiền đường khá đông, mọi người đồng quỳ trước Phật đài dâng hương lễ Phật đầu năm, trước khi lên Thất “mừng tuổi Thầy”.
Hòa thượng đạo hiệu Thích Phước Hảo (Trụ trì Tu viện), hướng dẫn những người có mặt chầm chậm tiến lên đường Đại Mai vì trời vẫn còn tối, đến thất Hòa thượng Ân sư thì đèn thắp sáng trưng. Người đã ngồi sẵn trên tợ tự bao giờ. Đại chúng thành kính trang nghiêm làm lễ, Hòa thượng Trụ trì đại diện chúc Tết Người. Không gian thật im ắng, tĩnh mịch, khiến tâm hồn chúng tôi thinh lặng và an lạc kỳ lạ. Người đáp lễ và ban cho mọi người những lời dạy đầy chân tình sách tấn tiến đạo, khiến Đại chúng ai cũng xúc động. Nên khi về đến Thiền viện Bát-nhã chúng tôi cùng nghéo tay nhau, đồng hứa là phải nỗ lực thúc liễm thân tâm, tỉnh giác nhiều hơn năm cũ, để khỏi cô phụ công ơn sâu rộng hơn trời biển của bậc Ân sư vô vàn quí kính.
Nhưng than ôi, niềm vui chưa trọn vẹn! Trong những ngày sống theo tiếng chuông, bảng… để hành trì tu tập, chúng tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ ở đây ít ra 15, 20 năm. Nhưng không ngờ, Thiền viện Bát-nhã nhận được lệnh giải tỏa cùng với tất cả cơ sở xây dựng thuộc Tu viện Chơn Không, vì vị trí núi đã nằm trong phạm vi khu quân sự, tất cả phải di dời đi nơi khác. Biến cố này làm cho tôi quá hụt hẫng và hoang mang, không biết rồi đây mình sẽ đi về đâu! Tuy Hòa thượng đã có dạy, chúng Bát-nhã muốn về Chiếu nào thì Người cho phép về. Song, rõ biết mình thuộc loại “cuốn chiếu”, vì sức khỏe tự thân quá kém, không cấy lúa cuốc ruộng nổi, than ôi! Hơn nữa, lúc bấy giờ mọi người cũng chưa rõ hộ khẩu của Hòa thượng Ân sư sẽ được chuyển về địa phương nào, miền Tây, Trà Ôn, Thường Chiếu …? Địa danh Thường Chiếu được xem như “nhẹ ký” nhất.
Thế rồi, sau những tháng ngày dài đợi chờ, có tin chính thức xác nhận Hòa thượng sẽ được về Thường Chiếu. Đây là nỗi vui mừng, hạnh phúc cực kỳ lớn cho Tăng Ni và Phật tử trong tông môn. Thật vậy, có nhiều người đã không cầm được những giọt nước mắt sung sướng khi hay tin Hòa thượng Ân sư về Thường Chiếu.
Sau khi đã minh định cho mình nơi chốn để di dời rồi, khoảng thời gian sau đó một số chúng Bát-nhã và chư Ni ở am thất trên núi đã theo chân Hòa thượng Ân sư về đạo tràng Thường Chiếu sinh hoạt tu học. Tên gọi “Xóm Núi” bắt đầu xuất hiện từ đây.
Thời gian thoáng trôi nhanh
Như nước chảy qua cầu
Những ngày xưa êm đềm
Không bao giờ trở lại.
(B.V.)
Vào sáng 18 tháng 3 âm lịch năm 1986, bốn bề không gian trên núi đá Chơn Không thật im ắng, thời gian như ngừng trôi khi Hòa thượng Ân sư cung kính đến đốt nén hương trước mộ thân sinh Người, rồi chống gậy xuống núi. Người bước đi, những bước chân thong dong tự tại, vững chãi bình an, như thường ngày áo vàng gậy trúc trên tay, đi dạo trên những con đường quen thuộc ở Tu viện.
Mọi người có mặt buổi sáng hôm đó đều cảm nhận được Hòa thượng đã thâm cảm sâu sắc lý vô thường, sự đổ nát hoang tàn nơi chốn Người đã dầy công khó nhọc, khai sơn phá thạch, gầy dựng lại Thiền tông Việt Nam…, những việc đó đối với tâm Thiền, trí tuệ của Người, bậc Tông chủ Thiền tông Việt Nam, vẫn an nhiên tùy duyên trước sự tan tụ hưng phế này, lòng dạ Người nhẹ tênh như gió thổi, như mây bay đầu núi. Chỗ Chơn Không sâu thẳm rộng lớn nơi Người chưa từng dao động biến đổi, xưa nay vốn thanh tịnh. Với phong cách và những bước chân thanh thoát an lạc như thế, Người xuống đến chân núi, dừng bước, cười vui lên xe thẳng đến Thường Chiếu.
Khi nhìn những bước chân Hòa thượng Ân sư xuống núi, lòng tôi xúc động vô vàn, không cầm được nước mắt. Vì đó là những dấu ấn hào hùng, thấm đẫm hạnh phúc, khiến cho niềm tin nơi tôi tăng trưởng mãnh liệt vào bậc Thầy đầy trí tuệ và từ bi, vào con đường mà Người đã vạch bày chỉ lối đưa ra. Nay một lần nữa Thầy đã soi sáng cho con - đứa đệ tử sơ cơ học đạo của Thầy - vững mạnh niềm tin trên con đường về ngôi nhà yêu dấu của mình, đã có từ thuở nào.
Như mây trắng bay trên trời xanh, ngàn năm nữa trời vẫn còn mây trắng bay. Thế nên:
Nhắc lại chuyện ngày qua
Tâm cùng tâm tương nghị
Chuyện xưa nói không cùng
Đại đạo vốn như thị.
(T. H. Đ.)