headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CHƠN KHÔNG Cội Nguồn Bất Tận

nisuhanhnguyenNS. Thích Nữ Hạnh Nguyên

Đã bao lần tôi đặt bút định viết về Chơn Không, hoài niệm thì miên man nhưng lại không thể thành lời, vì tôi sợ viết thành lời thì hồn Chơn Không tan mất. Nhưng đã là Chơn Không thì làm sao tan mất được, tôi thật là vớ vẩn!

“Chơn không thể bất biến,

Huyễn hữu thường đổi thay”.

Chơn Không hôm nay, huyễn hữu đã đổi thay nhiều. Nhưng với tôi, Chơn Không vẫn là Chơn Không ngày ấy, đơn sơ giản dị mà tịch tĩnh trầm hùng. Nét đẹp ấy không lẫn vào đâu được, chỉ có thể nói là cô minh vậy.

Tôi đến Chơn Không vào cuối năm 1979. Thiền đường không chung cổ, chỉ thỉnh thoảng ngân lên tiếng chuông gia trì trầm mặc, núi rừng cô tịch, tôi như lọt thỏm vào không gian im lắng ấy. Chân dẫm lên từng bậc đá uốn quanh theo con đường rợp bóng Đại, tôi mải bước và bất chợt dừng lại, ngẩng đầu.

Thầy đứng đó, uy nghiêm từ ái. Giữa cỏ cây nối liền trời xanh mây bạc, ngôi thất nhỏ đơn sơ với phiến đá to rêu non điểm xuyết. Thầy nhẹ nhàng cười hỏi: “Con đi đâu?” Giây phút ấy, đất dưới chân dường như biến mất. Tôi, một cùng tử lang thang, bụi luân hồi phủ nặng đôi vai, chân lấm bùn lục đạo, bỗng dưng hổ thẹn cúi đầu. Từ đấy tôi theo Thầy học đạo.

Lối Đại Mai, đường Thạch Đầu, cửa Tổ sư dễ thấy lại khó vào. Con đường Thiền sinh thật cam go đầy thử thách. Uống sữa pháp nơi Thầy mà sống, nương gậy thiền Thầy mà đi, núp bóng mây từ của Thầy che chở mà từng bước trưởng thành. Để đến hôm nay, trong lòng mỗi Thiền sinh, nơi đó có tôi và tất cả những ai đủ duyên hạnh ngộ Thầy, đều cảm nhận được rằng, cội nguồn Chơn Không bất tận.

Từ cội Bồ Đề, chiến thắng ma quân Thế Tôn thành đạo. Nơi hội Linh sơn, đưa hoa cười mỉm chánh pháp trao truyền. Trải qua năm tháng lối thiền cỏ dậy, Thầy độc bước khai thông, dựng dậy những gì đổ ngã. Gậy thiền đưa lên, khí thiền bừng dậy, tâm tông khơi nguồn, suối Tào tuôn chảy nơi nơi. Nước pháp đến đâu, nơi đó sỏi đá biến thành đạo tràng, hố sâu trở thành tĩnh xứ. Nụ cười trên đỉnh Tương Kỳ vang xa, hòa vào hư không vô tận. Chốn không lời chuông giác ngân lên, nơi vô thinh trống thiền trỗi dậy. Thầy tâm nguyện vừa tròn, non Phụng ẩn thân tháng ngày tiêu sái, thong dong nhìn từng đàn con cháu tiếp tục trao nhau gậy thiền Chơn Không ngày ấy. Miệng vẫn nụ cười từ ái bao dung.

Bóng trúc quét thềm, thềm chẳng động,

Vầng trăng soi nước, nước không xao.

Tâm Thầy bao la, trí Thầy vô tận, nguyện Thầy trùm khắp. Chính vì thế mà dấu ấn Chơn Không từ Thầy đã in sâu vào tâm khảm của những ai một lần đặt bước đến đây. Để rồi, dù huyễn hữu có chuyển xoay theo vô thường biến dịch tới đâu, thế sự có ngổn ngang rộn ràng đến mấy, thì đạo nhân Chơn Không vẫn mãi một nụ cười.

Dòng đời duyên biến đổi,

Bệ đá đạo nhân ngồi.

Cội nguồn Chơn Không quả nhiên bất tận.
 

[ Quay lại ]