headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

XUẤT GIA TẠI BÁT NHÃ THUỘC TU VIỆN CHƠN KHÔNG VŨNG TÀU

nisuhanhhueNS. Thích Nữ Hạnh Huệ

Đầu tháng Bảy năm Cọp, tôi tơ lơ mơ ngồi một mình trên chiếc xe đò lớn, mong làm một cuộc phiêu lưu lớn, chẳng phải làm tên giang hồ lãng tử lang thang khắp xứ, áo lấm bụi đường như những cơn mơ ngày cũ mà là một sự chuyển thân, xoay một vòng và nhấc mình ra khỏi ngục tù trói buộc thân phận bằng gông cùm giả dối, thoát khỏi những hệ lụy của đời sống rất ư là phụ bản, để bước vào cuộc đời thật mới, thật tinh khôi bằng những bước chân trọn vẹn.

 Mưa tạt những hạt nặng lách tách vào những khung cửa xe, len qua khe rồi thánh thót rót vào vai, vào lưng thật lạnh. Hành khách trên xe ngủ gà ngủ gật. Tôi trắng mắt nhìn đăm đăm vào vùng trắng xóa trước mặt, mang tâm trạng nửa liều lĩnh, nửa âu lo gửi vào vùng đất mới một lần qua, chẳng đủ để nhớ đường. Trời lại đã về chiều, nghĩ đến việc xách vali quần áo, mò mẫm tìm đường lên núi giữa cơn mưa gió tơi bời này mà nóng lạnh. Nhưng thôi, cũng liều nhắm mắt đưa chân.

Hành khách rơi rụng dần ở dọc đường. Tôi quay người nhìn phía sau xe. Gần phía cuối, một khuôn mặt quen quen dưới nếp khăn nâu đang chăm chăm nhìn ra cửa sổ, chừng cũng sốt ruột vì cơn mưa nặng hạt. Tôi mừng rỡ lách mình chạy xuống, tươi cười thăm hỏi. Cô ngỡ ngàng nhìn lại tôi, có lẽ con người của tôi chưa hề in dấu vào tâm thức cô lần nào chăng? Khi nghe tôi sẽ  lên cùng chỗ với cô thì sự ngạc nhiên tăng lên nhưng cô vẫn lặng thinh không nói. Thật sự tôi hơi cụt hứng. Về sau mới biết cô vốn kín đáo và rất ít nói.

Xe ngừng, tôi khệ nệ xách vali leo xuống. Cô nhìn tôi, hỏi:

- Chị định lên ở luôn trên đó sao?

- Dạ em định vậy, nhưng chưa biết ra sao!

Câu trả lời ấm ớ của tôi làm cô không hiểu, nhưng chính tôi thật tình cũng đã biết chắc gì đâu.

Lên đến Thiền viện, lại bị hỏi nhiều lần, tôi ngại ngùng gật đầu. Vẻ nghi ngờ hiện ra trên mặt nhiều người, nhất là vẻ không bằng lòng của cô Quản chúng. Tôi đoán chừng họ nghĩ mình là một tên chả biết phép tắc và ẩu tả, hay hơi thần kinh chăng! Không thông báo chủ nhà mà sồng sộc mang hành lý xâm nhập gia cư bất hợp pháp. Mà quả là tôi có biết gì đâu! Hai cô Minh Lý, Minh Liễu thầm thì với cô Diệu Thông - Quản viện tạm, đưa tôi lên Thầy, xin xuất gia. Thầy hứa, thế là chạy về nhà thu xếp mà đến, không hề nghĩ phải thưa thỉnh gì với ai ở đây nữa cả.

Sáng hôm sau, tôi lên đảnh lễ Thầy. Quỳ sau lưng cô Thủy, tôi bập bẹ ấp úng trình thư nhà và lập lại quyết ý xuất gia. Thầy chỉ nhìn tôi mỉm cười rồi nói:

 - Để rằm tháng Bảy tới làm lễ.

Thật đơn giản! Đôi khi tôi giận mình quá đỗi. Đứng trước Thầy, những ngôn từ bỗng chấp cánh bay đi xa lăng lắc. Tôi biến những khung cảnh thấm mùi đạo vị, tràn đầy thi vị, đáng lẽ chứa đựng một ý nghĩa thâm trầm đáng nhớ, trở thành cục mịch, rời rạc, cộc lốc. Đã lâu, tôi vốn yêu vô cùng cái tính “thẳng ruột ngựa” của mình và ghét cay ghét đắng những trau chuốt vẽ vời, những sắp xếp, những lễ nghi; yêu những mộc mạc hồn nhiên và bực mình những điểm tô uốn éo. Bởi thế thường thường, tôi thấy mình rừng chi lạ. Cho nên mặc dù thành tâm hết sức, tôi vẫn cảm thấy lập cập, ngập ngừng khi chấp tay, cúi đầu trước Thầy, hoàn toàn bị động bởi sự thức nhắc của quý cô. Tôi mất hết sự bén nhạy để nhận hưởng trọn vẹn những sự việc được cho là quan trọng của cả đời mình, chẳng hạn như trong ngày xuất gia sau đó.

Ngày hôm đó, tôi lững thững qua Chơn Không, rồi lững thững theo sau mâm đèn hoa, do một anh chàng cũng cùng xuất gia với tôi đang lóng ngóng bưng lên từng bậc cấp đến thất Thầy, vừa đi vừa nghe ngóng xem lòng mình thế nào. Chỉ thấy một sự thản nhiên, nửa phần dửng dưng, nửa phần như muốn đùa cợt (Tôi vốn mang đời mình làm trò chơi lâu rồi, bởi thế khi nghe tôi tuyên bố đi tu, tất cả bạn bè đều rũ ra cười vì tin chẳng nổi). Thế rồi cứ thế mà lạy Thầy, rồi lẽo đẽo theo sau đoàn người xuống Thiền đường. Chú Thị giả tỏ vẻ thương hại vì tôi đi sau chót:

- Làm đàn bà thiệt thòi hỉ!

Tôi mỉm cười gật đầu cho qua chuyện. Cái gì cũng đàn bà, đàn bà. Chán mớ đời!

Trước sân chùa, các cô và một ít cư sĩ tới dự lễ đã ngồi xếp hàng đằng trước. Ai nấy đều có vẻ quan sát mình kỹ lưỡng. Có người cười cười vì thấy buổi xuất gia khá ngộ nghĩnh, một nam một nữ. Chẳng có thân nhân.

Tôi lạy như cái máy theo sự hướng dẫn của một Thầy, quỳ đó lắng nghe, nhưng những lời Thầy thoảng tới như mơ như hồ; nghe lòng mình không buồn, không vui. Sau khi yết-ma, Thầy làm lễ xuống tóc, lát dao cạo nhẹ trên da đầu, tôi bỗng lo là nó không đứt. Chẳng biết tại sao lại lo thế nữa! Thầy cạo ba đường thì chúng tôi rời khỏi Thiền đường để ra ngoài cạo tiếp. Ngoài sân có tiếng nức nở sụt sùi. Đầu tôi được cô Thuần Trí bào láng ngay sau đó. Tôi băn khoăn không biết đầu mình có tròn không, có thẹo không và hỏi luôn miệng khiến quý cô phì cười. Tôi vào lại Thiền đường với một chút hổ ngươi, tôi đã từng không muốn dòm chiếc đầu trọc khi quý cô giở khăn ra, chưa quen nổi!

Xong lễ, tôi ù té chạy về Bát Nhã, người người lay động trước mặt, tôi chẳng còn phân biệt ra ai với ai. Hôm sau cô Minh Liễu lên, cô nhìn tôi thất vọng:

 - Thấy chi chi mô á!

Mặt thì đen thui, đầu thì trắng hếu, cái đường ngôi vàng khè trông thật dị hợm. Mấy cô an ủi:

- Không sao, dang nắng vài bữa là đều ngay.

Nửa tháng sau tôi làm lễ nhập chúng, bắt đầu nhập vào dòng sinh hoạt thực sự của một Thiền viện. Đã tới lúc tôi có thể thở phào nhẹ nhõm, thẳng tay buông bỏ tất cả những gì mà ngày xưa ngần ngừ chẳng dám. Nào những sách vở, những hiểu biết tầm phào, nào những sở hữu riêng tư, những danh vọng hão huyền, những đuổi bắt cuồng điên, những ganh đua rồ dại. Tôi muốn sống hết sức mình và nghĩ rằng nơi đây mình có thể thực hiện được điều đó.

Chỉ trong vòng một tháng, tôi bỗng phì ra một cách khó ngờ. Lúc ở nhà, ăn không biết no mà vẫn ốm o nhỏ bé, tôi không thể nào tưởng ra có ngày mình sẽ kiếm thêm được ít ký. Nhưng hỡi ơi! Bây giờ kết quả lại vượt quá sự mong đợi, tôi đã thành một bao gạo chỉ xanh mất rồi!

Thể xác thì rứa đó, nở ra, nở ra nhưng rồi cũng đến lúc dừng lại. Còn tinh thần thì… dường như không kiếm được chỗ dừng. Chơi với nó rồi mới thấy còn lắm đảo điên, vật lộn với nó thật mệt đứ đừ. Những thói quen xa xưa trở về với tôi không ngớt, điểm mặt chẳng kịp. Lúc nhỏ tới giờ, tôi vốn chúa ghét những khuôn khổ, mẫu mực. Í! Để nghĩ xem điều đó có đúng không. Vì dường như có lúc tôi lại ao ước một tôn ty trật tự lắm mà. Sao nhỉ?

Tôi muốn đập phá hết những lớp vỏ cứng ngắc, chết khô của những thành kiến, những tập tục, những điều cứ bắt mình phải thế này, thế nọ; không được thế kia, thế khác... Những tiếng phải, nên, không được, cấm... thật đáng ghét. Cho nên trước khi xuất gia, tôi đã sống một quãng đời vô cùng phúc tạp, đầy mâu thuẫn giữa thiện ác, đúng sai. Tôi cũng từng tham gia những trò chơi mà lứa tuổi mình đang theo đuổi, tôi học võ, học đánh cờ, tập nhảy đầm, nghe nhạc phòng trà, uống cà phê Thủy Tạ. Đà Lạt là thành phố của văn hóa, của nghệ thuật mà. Ăn chơi ở thành phố này không hề mang tính sa đọa tí nào, mà hồn nhiên như tuổi học trò, tuổi sinh viên, nghĩa là tuổi trẻ. Nhưng còn chiến tranh! Sự khốc liệt của nó đã khiến nhiều người bạn của tôi phải từ bỏ những cuộc vui, từ bỏ tuổi thanh xuân với bao mộng đẹp để nạp mình cho chiến tranh, một cuộc nạp mình như nghiệp dĩ, không lý tưởng, không mục đích và không thể phản kháng. Những tin tức về những cái chết của bạn bè, khiến sự ăn chơi hồn nhiên của chúng tôi bỗng rơi vào một khoảng không vô nghĩa, vô nghĩa đến mức những sinh hoạt đoàn thể dù tôn giáo như GĐPT, Thanh Sinh Công, Hướng Đạo v.v... cũng không đủ sức cứu vớt chúng tôi khỏi sự trầm cảm khủng khiếp. Những phong trào du ca, những phong trào phản chiến, mang tiếng nói của sự phản đối chiến tranh, không theo phe phái nào. Nhưng trên thực tế không được như thế. Tuổi trẻ luôn bị lợi dụng.

Rồi tôi về miền quê dạy học. Một vùng quê mà học sinh chỉ toàn người dân tộc miền cao nguyên và cả miền thượng du Bắc phần di cư. Những họ Lò, họ Tăng, họ Điêu..., tên K’ này K’ nọ, đến giờ tôi đã quên sạch. Tôi dạy môn Việt văn một cách tuyệt vọng. Xa nhà, ở trọ trong chùa - cô giáo của trường Bồ Đề mà! Hai sư cô ở Ký nhi viện bên cạnh nhìn những cô giáo nửa vời này - vừa là sinh viên vừa làm cô giáo - với ánh mắt không mấy thiện cảm. Chỉ sau khi biết chúng tôi ăn chay, cũng hăng hái bàn luận về Phật pháp, cũng bênh đạo mình chằm chặp, quý cô mới thấy thương. Đó cũng là một nhân duyên trong chằng chịt nhân duyên cho việc xuất gia của tôi sau này. Hai sư cô Minh Lý Minh Liễu chính là người đã rủ tôi về Chơn Không học thiền với Sư Phụ.

Đời Thiền sinh của chúng tôi đẹp như mơ. Ngày bốn buổi tọa thiền, tháng sáu ngày Thầy giảng. Ba năm hứa không xuống núi. Vì là Thiền sinh mới toe, tôi được ở dưới nhà bếp. Nhà trên gồm ba gian: Phòng Sư Bà, giữa là gian chánh điện và tới gian chúng ở. Nhà bếp của tôi gồm cả bàn quả đường và hai bộ ván dành cho cư sĩ vào những ngày học hàng tháng. Và dĩ nhiên nó là nhà bếp, chụm củi rừng. Chúng tôi, ba chúng nhỏ là Thanh Tịnh, Hạnh Pháp và tôi ngủ trên bộ ván dài. Lao tác chỉ là gánh nước dưới đường lên chùa theo một lối đi cực kỳ gập ghềnh, hay gánh củi từ hang Ông Hổ về. Làm cỏ lai rai quanh viện. Nhờ ở núi, nhìn xuống thành phố dưới chân, đèn sáng như sao mỗi đêm, ngày nhìn mặt trời lên trên mặt biển, thấy hạnh phúc dạt dào. Hơn chín tháng trôi qua, nếu không có tiếng máy bay chiến đấu ì xèo trên đầu, không ánh hỏa châu rơi đêm, không tiếng đại bác vọng về, mình sẽ ngỡ đang sống như các thiền sư ngày xưa. Cũng hẹn ngày xuống núi, nhưng còn lâu kìa!

..-Nhưng bây giờ thì cảnh hoảng loạn dưới phố đã làm rung chuyển khung trời của chúng tôi. Cảnh người di tản rộn ràng, cảnh ghe tàu chạy như điên ngoài biển. Thành phố bỏ trống, người ta ào ra bờ biển chờ đợi rời quê hương, thật lạ lùng đến kinh ngạc. Chúng tôi xuống phố, giày lính và quân phục vứt đầy đường. Phố xá như một thành phố chết. Mộng vừa tan chăng? Còn tương lai… rất mịt mờ.

Thời thế đổi thay. Chúng tôi giã từ Chơn Không trước hẹn rất xa! Dọn đi một cách vội vã, một cách hoang mang. Nhìn về đầu núi để ngậm ngùi. Còn đâu đường Đại Mai, dốc Thạch Đầu, đồi Tự Tại! Còn đâu áo vàng tung gió, gậy trúc cầm tay! Còn đâu mơ với mộng! Tuy thế vẫn ước ao:

Một ngày nào không quá lâu

Ta sẽ gặp nhau giữa lưng núi cao

Dắt bầy trâu dầm trong suối Tào

Lần đến Thạch Đầu.

Thầy thật hiền ra trước hiên

Đứng ngắm đàn con bước trên dốc trơn

Rất bình an

Mùi hương núi ngàn

Quyện áo nhật bình.

Rồi Thầy trò vào trong thất xưa,

Chuyện cũ vài năm thoáng như giấc mơ

Những buồn lo, thịnh suy mất còn

Giờ bỗng nhạt nhòa.

Một chiều vàng những con trâu hoang

Bỗng chợt hiền lành

Nằm trên non xanh

Thương người thị thành

Sống trong đua tranh

Đuổi hình bắt bóng.

Mình thật nghèo manh áo nâu

Ai biết rằng tâm có như ý châu.

Đã từ lâu, ngàn muôn kiếp nào

Dù chẳng tìm cầu.

Rồi thật thà như bé thơ,

Ta sống thật xa những tâm đắn đo.

Tháng ngày qua

 Vần xoay bốn mùa

Từ chối tuổi già.

Mùa Hạ tàn, tiếng ca vang vang

Núi rừng bàng hoàng.

 Trời trăng thênh thang

Với đèn từng hàng

Xóa tan đêm đen tuôn tràn ánh sáng.

Giữa tối hoa đăng

Ta về thị thành

Thắp trong nhân gian

Những ngọn đèn vàng.

 (Phỏng theo Ngày Trở Về của Phạm Duy)

Và thật kỳ diệu. Sau bao năm sống như thời đồ đá, trong góc rừng hoang sơ, áo quần chùm đụp, đèn dầu leo lét, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chúng tôi lại từ trong tối bước ra ánh sáng. Và sự đổi thay cũng gây chóng mặt. Chúng tôi lại bắt đầu sống tiện nghi từ từ, Thiền viện đẹp lên từ từ, người đông lên từ từ.

Chúng tôi lại được về Chơn Không, không phải để lên non tìm đạo như xưa, mà là trở về nơi mang dấu ấn khơi dậy Thiền tông VN của Sư Phụ. Khung cảnh đã đổi khác, phòng ốc khang trang hơn, đồ sộ hơn nên núi dường hẹp hơn. Chúng tôi đã hết tuổi mộng mơ. Những người ngày xưa đã lưu lạc khắp nơi, có người đã đi luôn về cõi khác.

Sư Phụ thì sau khi về Thường Chiếu, lại có duyên xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Dalat nên về quê tôi an dưỡng. Sau khi bệnh già, Thầy lại về Thường Chiếu, nơi khí hậu không được tốt lắm. Thầy Trụ trì Thường Chiếu gắng hết sức mình, huy động đệ tử sửa sang thất Hòa thượng, mong Sư Phụ cảm thấy thoải mái, mát mẻ như cao nguyên. Quý Thầy Chơn Không lại xây thất Thầy để thỉnh Sư Phụ về ngơi nghỉ. Thế là do đàn con hết lòng với Thầy mà Thầy có nhiều chỗ nghỉ ngơi lý tưởng cho tuổi già.

Chúng tôi như những vệ tinh, Thầy đi đâu thì rủ nhau đến đó. Tình nghĩa Thầy trò đậm đà một cách hiếm có. Và dù đời vốn mong manh, chúng tôi vẫn luôn tấy mình tràn đầy hạnh phúc.

[ Quay lại ]