headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 23/11/2024 - Ngày 23 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Hơi Thở CHƠN KHÔNG

nisuhanhchieuNS. Thích Nữ Hạnh Chiếu

Ngày xưa con đường dẫn lên núi đối với tôi quen lắm. Mùi đá núi hăng hắc sau một ngày nhuộm nắng hây hây mùi biển. Có hôm về thăm Thầy, Sư phụ dẫn lên mút trên cao nhìn xuống biển. Một non, một nước, một trời riêng. Tôi rất thích.

 Ngọn núi Tương Kỳ này hơn bốn mươi năm về trước, Sư phụ tôi đã dùng đầu gậy thay thế đầu cọ vẽ lên nền sơn trung một từng núi tươi xanh có lá tùng reo, có lan sứ cười. Rồi mái Thiền đường, đồi Tự Tại, đường Tiêu Dao, ngõ Thạch Đầu… sương và hương đầy trời lan tỏa. Thiền viện uy nghiêm trong lặng lẽ, đẹp và hiền như màu núi khiêm cung.

Chơn Không, nơi đã ấp ủ thiền tăng xưa và nay. Những con người tìm vui với chập chùng ghềnh đá chênh vênh, dẫn lên đỉnh núi vắng thị phi. Ở đó thân lòng hỷ xả, thanh nhàn vô sự. Thầy đến rồi đi, đi rồi đến, dạo chơi giữa khung trời sắc sắc không không, mà vẽ nên một cơ đồ thiền tông nước Việt cuối thế kỷ 20.

Thời gian gần đây, Thầy tịnh dưỡng tại Chơn Không, huynh đệ xúm xít về thăm Thầy. Bên cha già, con dù bao nhiêu tuổi cũng vẫn trẻ thơ như thường. Tôi được dịp ngắm nhìn Thầy cùng các bậc huynh trưởng tăng ni mà hạnh phúc ngập tràn. Một nhà hòa vui. Thầy Thường Chiếu ngâm thơ, quý ni sư Viên Chiếu hát, Thầy Thông Thiền đọc thi kệ… tất cả dâng lên cúng dường Ân sư. Thầy cười nụ 90, đệ tử 70, 60, 50… cộng lại cười cũng không dễ thương bằng!

Hơn 90 năm một cuộc đời, Thầy đã hiến dâng trọn vẹn cho Tăng Ni tứ chúng, không hề thấy mệt mỏi. Mấy năm gần đây tuổi cao sức yếu, Thầy nhẫn chịu tứ đại chống trái bất thường, tuy vậy nụ cười vẫn như xưa. Trong sáng, hiền hậu, từ bi. Chỉ nụ cười này, Thầy đã trở thành Ân sư của biết bao chúng đệ tử, đem đến niềm vui an lành cho muôn người. Kính tưởng niệm về một thời, từ thuở còn xuôi ngược trên con nước Rạch Tra, Thầy đã thể hiện ý chí thoát trần, không chịu chôn chân trong mê lộ tử sanh. Thầm lặng xuất gia, thầm lặng lên non, thầm lặng tu thiền. Đốt hương lòng, khêu đèn tuệ, đọc lời Thánh hiền ngàn xưa. Từ đó nhào nặn thành ý chí nghị lực của một bậc đại trượng phu, dũng tiến trên con đường tầm đạo giác ngộ giải thoát. Chủng duyên lớn dần, đường thiền mở lối, trong ngữ ngôn hiện bày vô ngôn, trong huyễn mộng toàn thành phi mộng. Thế là chân lý sắc không rờ rỡ, cửa Chơn Không rộng mở, nạp tử bốn phương đồng tụ về.

Chúng nhân đến với Thầy, dù cương cường hay khiếp nhược tới đâu, đều được Ân sư cảm hóa bằng tấm lòng bi mẫn. Một đời tu hành, Thầy đã chuyên cần bền bỉ như tằm nhả tơ, siêng năng tinh tấn, không phút giây lười mỏi. Khi đã quyết thì chỉ tiến chớ không chịu lùi, làm việc gì nhất định thành tựu mới thôi. Đạo nghiệp của Thầy được kết tinh từ định tuệ tròn sáng, trí dũng song toàn.

Thầy đối với chúng nhân, đạo tình đong đầy theo từng năm tháng đi qua cuộc đời, qua mỗi thời đệ tử té ngã trên đạo lộ về nguồn, mỗi thời cơm không đủ ăn áo không đủ mặc... Thầy bảo bọc chở che, âm thầm ôm hết đàn con vào lòng, mặc muôn duyên thay đổi, chỉ một tấm lòng thiết tha, nuôi dưỡng vóc hình cho những người con Phật, cho thiền tăng Việt Nam đừng quên mất cội nguồn.

Dòng thiền Việt Nam cuối thế kỷ 20 xuất phát từ Chơn Không, Thường Chiếu, Trúc Lâm Phụng Hoàng, rồi chảy ngược về thượng nguồn Yên Tử mang theo hoài bão khôi phục thiền tông năm xưa của Thầy. Sức sống thiền lan tỏa khắp ba miền, mạch Tào Khê tuôn chảy khắp muôn nơi, nhuần gội thân tâm khách hữu duyên. Một đời Thầy, một hành trình hơn 90 năm mãn túc cho mình và người.

Đến bây giờ, Thầy vẫn thường nắm từng bàn tay chúng đệ tử gởi gắm niềm tin tưởng, tâm huyết một đời gầy dựng thiền tông của Thầy, nay trao lại hết cho Tăng Ni. Sứ mệnh thiêng liêng này là di huấn ngàn đời của tổ tông. Đệ tử chúng con xin cúi đầu khấn nguyện, với công đức và tấm lòng vì đạo của Ân sư, cho ngọn đuốc thiền tông Việt Nam sẽ mãi mãi sáng chói và dòng thiền nước Việt sẽ lan tỏa khắp muôn nơi, không bao giờ dứt cạn.

Hướng về cội nguồn Chơn Không cũng có nghĩa là hướng về cội nguồn Yên Tử. Thầy đặt kỳ vọng nơi tăng ni tứ chúng hôm nay cũng như mai sau trong việc giữ gìn gia bảo nhà mình. Ở nơi Thầy có trái tim Bồ-tát. Và dĩ nhiên trái tim ấy không thể là trái tim lạnh lẽo treo trên đỉnh cô liêu, mà đó là trái tim mang cả cuộc đời, ấm áp nhịp đập bi trí tràn đầy. Dòng thiền Trúc Lâm vì thế trở thành hơi thở rất dài và rất sâu của Tăng sĩ Việt Nam, Phật tử Việt Nam, từ nghìn xưa cho đến nghìn sau.

Trong đó, nhất định hiển hiện tròn đầy hơi thở Chơn Không.
 

[ Quay lại ]