headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THEO BƯỚC SƯ ÔNG

thichnuhoakinhThích Nữ Hòa Kính

Nếu người con Phật đến Ấn Độ, đã nghe tâm mình rúng động với thánh tích của Như Lai, thì con một thiền sinh của Chơn Không, không khỏi bồi hồi sau một lần theo Sư Ông về thăm quê xưa chùa cũ.

Con còn nhớ mãi ngày hôm đó Sư Ông về Trà Ôn, Thầy cho Ni chúng được đi theo - vui làm sao! Huynh đệ quá đỗi hoan hỷ, đứa nào cũng mở cờ trong bụng đăng ký đi liền.

Từ Vũng Tàu xe về Thường Chiếu để cả đoàn nối bước Sư Ông, nhưng xe của Sư Ông và quí thầy nhanh lắm, tụi con nhỏ phải bao chót lại là xe “Dzỏm” thế là mất bóng, nhiều người mặt mày buồn so, bỗng xe Sư Ông chạy chậm lại, xe đuổi kịp rồi! Cả bọn cười reo: “Ôi! Sư Ông có thần thông hay sao biết mình theo không kịp nên chậm lại chờ mình kìa, Sư Ông thương cháu lắm mà...”. Xe xuống Trung Lương quẹo lên đường qua cầu Mỹ Thuận sang Vĩnh Long vùng đất thiêng của hai trưởng lão: Sư Bác Sơn Thắng - Sư Bác Giác Thiên, cùng một trưởng lão ni trong nhóm quí Thầy bảy Huệ đó là Thầy Long Thạnh. Quí ngài cùng theo bước Sư Ông để viếng “Cố hương”. Đoàn qua sông Hậu trực chỉ Trà Ôn và kia chùa Phước Hậu bấy lâu nghe kể đã hiện trước mắt của chúng con. Quí Sư Bác, Thượng tọa, quí Thầy các Chiếu cùng Tăng Ni, Phật tử quả là quyết tâm “Theo bước Sư Ông”. Có một chú Tây cũng quyết lòng “Theo bước Sư Ông” nên đã đồng hành không lìa đoàn nửa bước. Đây phải chăng là “Nhân duyên từ nhiều kiếp” đã khéo gieo trồng!

Thượng tọa Phước Cẩn đón tiếp Sư Ông và phái đoàn hết sức chu đáo. Cả đoàn vào chùa ăn uống nghỉ ngơi xong, được Sư Ông dẫn đi tham quan chung quanh và kể chuyện ngày xưa cho mọi người biết. Vâng! thật khó mà quên dòng sông từ chùa Phước Hậu qua đến Phật Quang. Dòng sông này năm xưa Sư Ông từng đưa khách qua sông, nhưng bây giờ người vẫn lái đò đưa chúng sanh qua dòng sông sanh tử của muôn đời! Rồi chúng con được viếng Phật Quang nơi năm xưa Sư Ông đã từng tu học, Người dẫn đi quanh chùa, đến một nhà mát Sư Ông ngồi xuống kể lại thuở chiến tranh và quãng đời tu học, hành đạo của Ngài, ai cũng im lặng say sưa theo dõi như cảnh xưa hiện trước mắt mình. Thượng tọa Thông Hải của khóa II ở núi Tương Kỳ từ nước ngoài về tiếp lời Sư Ông, kể lại những kỉ niệm thời đầu của Chơn Không đầy hào hứng: nào là chuyện thầy trò trên núi ấm áp vui vẻ, chuyện tu học, chuyện lao động, .v.v...Với tài khôi hài của thầy làm Sư Ông và tất cả đều bật cười, nhất là chuyện tiếp khách mỗi lần khách đến chỉ được tiếp 30 phút thôi, ai ngồi lâu quá giờ thầy tri khách hiền lành không nói chỉ đi qua, đi lại ngầm nhắc nhở nhưng nếu quên thì chiêu cuối cùng là...lắc chuông để báo hết giờ. Chơn Không ngày xưa, mỗi Thiền sinh đều quyết một phen sống chết để nhận lại chính mình nên khí thế thật hào hùng! Không nghe chuyện về quê! Không đi chơi xuống phố! Cuộc sống tu học tuy khó khăn nhưng Thiền sinh với ý chí ngất trời đã khiến Thiền Chơn Không đi vào lịch sử Thiền tông Việt Nam. Rồi Bát Nhã ra đời cũng là tiền thân của Viên Chiếu sau này.

Quê của Sư Ông ở gần đó, mọi người theo bước Sư Ông đến thăm khu cổ mộ gia tộc, trong đó có mộ bà cụ thân sinh của người. Riêng phần mộ ông cụ thân sinh của Hòa Thượng nằm ở Chơn Không, đó cũng là diễm phúc để mỗi năm Tăng Ni các vùng lân cận cùng về lại với chúng Chơn Không tưởng niệm công ơn của ông cụ. Nơi đây dựng một bia đá to làm kỉ niệm tổ phụ của Sư Ông, để ghi ơn một dòng họ, nhằm đánh dấu mảnh đất đã sinh cho đất nước một bậc hiền nhân, cho cuộc đời một con người ưu tú, cho lịch sử một bậc anh tài và cho đạo pháp một bậc long tượng. Sư Ông đứng trước các mộ trầm ngâm giây lát, rồi chỉ mọi người biết mộ của ai, tên gì..v.v... Bà con chung quanh hay tin Ngài về, họ mừng rỡ chạy ra đón thăm, có cả ông Ba già bạn Sư Ông từ xưa cũng đến. Đây là ông già đặc biệt có nhiều giai thoại vui khi nhắc về ông. Một ông già chân quê nhưng đầy tình nghĩa, vốn rất quí Sư Ông. Hai ông già một tăng một tục nắm tay nhau, mọi người nhìn cảnh này mà cảm xúc dâng trào. Mọi người có mặt lúc đó ai cũng thương Sư Ông với cả tấm lòng tôn kính trân quý, chỉ mong mỏi sao cuộc đời mình được trọn “theo bước sư ông” hành theo pháp hành của Sư Ông. Còn ông Ba, mọi người cũng thương vì tuổi già tiều tụy, vì ông có nghĩa có tình với Sư Ông .... Trời đã xế chiều mọi người quay về Phước Hậu ngủ lại, sáng hôm sau ăn sáng và bắt đầu về.

Vô thường vốn là lẽ đương nhiên. Niềm vui nào cũng qua, nỗi buồn nào cũng lắng dịu và chuyến du hành nào cũng kết thúc, chúng con theo Người trở về Chơn Không, mang theo mình cảm xúc đầy đạo vị:

Sông nước Trà Ôn lắm dịu hòa
Là nơi bậc thánh đã sinh ra
Phật Quang che chở người con Phật
Phước Hậu dang tay ủ tăng tài
Để có hôm nay dòng Thiền chảy
An lành ban rải chẳng riêng ai.
Con về nơi ấy lòng nhớ mãi
Tự nhủ: làm sao đáp ơn Ngài!

Làm sao để đáp ơn Ngài! Làm sao đây khi con đang ở trú xứ Chơn Không, nơi đã đi vào lịch sử Thiền tông. Hòa thượng Thường Chiếu người thường kể cho chúng con biết về Chơn Không là nơi đào tạo những thiền sinh khóa I khóa II, về kỉ niệm tu hành giữa sư Ông và quí thầy, đủ thấy rằng Chơn Không in đậm nét trong lòng quí Ngài thế nào.

“Làm sao để đáp ơn Ngài” đây là cả một tâm tư, hoài bão không phải của riêng con mà của tất cả mọi người khi xuất gia quyết tìm đường giải thoát, trong đó có Ni sư trụ trì, bậc thầy lãnh đạo chúng con. Con nhận ra được nỗi trăn trở này trong ánh mắt của thầy! Thầy là thị giả tận tụy của Sư Ông từ những ngày đầu, đã đem hết cuộc đời mình gắn bó với sự nghiệp hoằng pháp của Sư Ông. Hôm nay Thầy dù tuổi quá thất thập song vẫn lo lắng cho chúng Chơn Không Ni tu học. Với trách nhiệm lãnh đạo Ni chúng Chơn Không đầy bận rộn, mà Thầy vẫn với tấm áo bạc màu, chiếc nón lá cũ kỹ, cùng cái giỏ ni lon đều đều mỗi tuần về Thường Chiếu để làm văn hóa.

Thưa Thầy!

Khi con đến Chơn Không, tuy có đường tráng nhựa nhưng núi rừng còn đậm vẻ nguyên sơ thanh u tịch tĩnh, thú rừng còn xuống chùa cắp trái để ăn. Ni chúng chưa được mười người, dần dần càng ngày càng đông không có chỗ để ngủ. Đơn kê sát nhau, ni đường khoảng 6m2 chứa 18 người, còn gần 10 vị phải ngủ nhà khách vì quí cô chức sự cũng chật chỗ đâu có chen vô được. Mỗi lần Phật tử thọ bát quan trai, Ni chúng phải ôm đồ chạy xuống nhà kho. Thầy trông thấy xót xa nên quyết tâm xây dựng trong khuôn viên chật hẹp của Ni. Thế là Chơn Không Ni mọc lên một dãy nhà cao, bên Tăng thấy hay hay nên cũng xây một tòa cân xứng đối diện với bên Ni, để cho Thiền viện có thêm diện mạo mới, ai đến cũng ngẩn ngơ: “Núi cao hùng vĩ, đượm mùi Thiền vị, lầu các uy nghi, cõi trời nào nhỉ?”

Thể Chơn Không thì bất biến thường hằng, nhưng cảnh Chơn Không thay đổi chỉ vì tùy duyên độ sinh mà thôi. Thầy phải tiếp tục những công trình khi đầu gậy của Sư Ông chỉ nơi xây dựng nhà Tổ, đồng thời xây lại nhà bếp. Ni chúng ở đây đa số mảnh khảnh nhỏ người, nhưng thợ thầy xây dựng phải ngạc nhiên vì nội lực thâm hậu của các cô. Chú thợ hồ hì hục mãi không làm sao đem cục đá mà chú mới đào lên được. Các cô đứng chung quanh nhìn chú loay hoay mãi, Hòa Thanh liền nhào xuống bê lên gọn hơ, làm chú thợ phải giật mình tròn xoe mắt thốt rằng: “ý trời đất ơi!”. Công trình xây dựng nhà Tổ, nhà vòm, nhà bếp có nhiều kỉ niệm đầy đạo vị. Các cư sĩ nam nữ già có, trẻ có, thấy các cô không có phương tiện như quí thầy mà phải vận chuyển vật liệu xây dựng lên dốc cao, nên đã phát tâm gắn bó đồng hành cùng quí cô trong suốt mùa xây dựng. Đặc biệt có hai người từ nước ngoài đến chùa tham quan, thấy quí cô lao động như thế cũng phát tâm lên chùa phụ giúp. Công trình kéo dài 8 tháng, có những lúc nắng dãi mưa dầu, vậy mà Phật tử không bao giờ vắng mặt, dù mồ hôi nhễ nhại mà miệng họ luôn tươi cười. Các em là viên chức nhà nước, thế mà không biết động lực nào khiến họ cũng mạnh như thần, có em ở nhà chưa từng lao động vậy mà chuyền đá ngon ơ! Mỗi khi có việc là các em tự điện thoại cho nhau, có những lần xe gạch về tối cũng ở phụ xong mới về. Các em thường xuyên tụng kinh, sám hối, tập tu, tham gia từ thiện, tạo tượng cúng dường ... Tự hướng mình về ánh sáng tâm linh. Vì vậy mà công trình xây dựng như nhịp cầu kết nối đạo đời. Đó chính là những con người góp phần tạo cho gương mặt mới của Chơn Không Ni, họ là những người trợ duyên đắc lực cho tâm nguyện của Thầy. Thầy muốn cho Ni chúng có thời giờ quay lại chính mình tu hành cho đến bao giờ thành Phật mới thôi. Chắc chắn chỉ có làm như vậy là đền đáp ơn pháp hóa của Sư Ông, ơn Thầy đã nặng lòng lo lắng dạy dỗ cho chúng con và mới là ruộng phước mà các Phật tử bỏ công gieo trồng.

Xin chắp tay nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ cho Sư Ông sức khỏe khương ninh, tuệ đăng Thường Chiếu. Ngài thường trụ ở đời để làm mô phạm cho mọi người qui hướng về Chánh Pháp và chúng con được nương tựa theo bước chân ngài đến đất Như Lai. Chúng con cũng nguyện hành trì theo giáo pháp Sư Ông để Chơn Không được trường tồn như hoài bão của Ngài và tâm nguyện của Ân sư.

[ Quay lại ]