Người Xưa và CHỐN CŨ
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 09 Tháng ba 2019 09:00
Thích Nữ Hòa Đức
Chắc hẳn những ai đã đọc và nghe qua những bài giảng của Sư Ông cũng đều nghe Sư Ông nhắc đến Chơn Không, và những tên như là Pháp Lạc Thất, Đường Thạch Đầu hay Đồi Tự Tại, ... Những địa danh đó như muốn nhắc cho người đọc biết rằng những nơi đó đã trải qua một thời kỳ vang bóng và là cái nôi đầu tiên ghi dấu ấn vàng son của dòng Thiền Chơn Không bắt đầu thời kỳ khôi phục.
Những địa danh đó giờ đã đi vào lịch sử. Nó trở thành những thánh tích ở Chơn Không và là nơi kỷ niệm những ngày đầu gian khó đã khai mở Thiền Tông mà Sư Ông không bao giờ quên được.
Thật vậy! Thời gian thắm thoát trôi qua, trôi qua thoáng đó mà đã mấy mươi năm. Những tưởng bao nhiêu thăng trầm biến đổi, chuyển hóa của dòng đời sẽ làm mờ nhạt những gì xưa cũ. Nhưng không, Sư Ông đối với Chơn Không vẫn như ngày nào. Dù cảnh vật Chơn Không xưa và nay đã có nhiều thay đổi nhưng những dấu tích mà Sư Ông đã tạo dựng thì vẫn còn đó và nó trở thành kỷ niệm sâu sắc trong lòng của Sư Ông.
Có phải chăng, đối với những vị đã đạt được đạo thì trí tuệ và lòng từ bi đối với chúng sanh đều giống nhau không khác, mà lòng tri ân đối với nơi chốn mà các Ngài đã ở trong thời gian dụng công tu hành cho đến ngày đạt đạo cũng giống nhau không khác gì. Thời Phật, khi Phật thành đạo, Ngài cũng tỏ lòng tri ân đến những nơi mà Ngài đã ngụ ở đó để suy nghiệm về Chánh Pháp. Đến cây Bồ Đề mà Phật cũng tỏ lòng tri ân bằng cách Ngài rời khỏi cội Bồ Đề di chuyển đến hướng Đông Bắc cách cội Bồ Đề không xa để ngắm nhìn lại nó suốt cả tuần không hề chớp mắt nhằm tỏ lòng tri ân cội cây này đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian qua. Lòng tri ân của Phật là như thế đó còn Sư Ông của chúng ta thì sao? Cũng không khác Phật.
Vâng! Con còn nhớ vào những năm 2008-2009 Sư Ông về thăm Chơn Không. Chúng con đón Sư Ông những tưởng như mấy năm trước đó. Sư Ông chỉ ghé thăm trong một sáng một chiều là vội vã đi ngay.
Nhưng năm nay lại khác. Sư Ông ghé Chơn Không, cho Tăng Ni Phật tử đảnh lễ thăm Sư Ông. Song Quý Thầy thị giả thỉnh Sư Ông vào thất nghỉ ngơi nhưng Sư Ông bảo: “Tôi muốn đi thăm chốn cũ”. Quý Thầy thị giả bất ngờ nhưng đâu dám cản, mặc dầu rất lo sức khỏe Sư Ông. Thế là tay gậy tay nón Sư Ông cùng với Quý Thầy thị giả đi thăm hết vùng đất ở Chơn Không. Những người có mặt ở nơi đó cũng được đi theo Sư Ông (Dĩ nhiên là có con nữa đó).
Những năm đó, sức khỏe của Sư Ông không như những năm trước, nhưng Sư Ông không bỏ sót nơi nào. Dẫn đến đâu, Sư Ông chỉ đến đó. Đây là đồi Tự Tại, chỗ này là Đường Đại Mai, rồi qua Thạch Đầu, chỗ nào là Sư Ông đọc thơ của chỗ đó. Thế mới biết đâu đâu cũng là kỷ niệm sâu sắc trong ký ức của Sư Ông về chốn cũ. Con thật vô cùng hổ thẹn là một thiền sinh ở tại Chơn Không mà những thánh tích nổi tiếng trong các bài giảng đã nghe qua mà không hề biết đến. Ở gần mà không nhận ra, nay được phúc duyên theo chân Sư Ông mà biết được chốn cũ của người xưa gầy dựng.
Một địa điểm đặc biệt nữa đó là Đỉnh An Nhiên, là một tảng đá lớn dài phẳng nằm trước thất. Nay là khu thiền thất của chư Tăng nằm trên cao. Thế mà Sư Ông chẳng ngại đường dốc cheo leo cao vút, không bỏ sót quyết định cho bằng được. Thế là người trước dẫn người sau leo lên điểm cuối cùng. Đến nơi Sư Ông ngồi trên tảng đá và vui vẻ như về nhà bao năm xa cách. Sư Ông nói: Tảng đá này, ngày xưa Sư Ông hay ra đây nằm để ngắm trời mây và trăng sao sau những giờ thiền tọa ở Chơn Không. Con thật ngỡ ngàng vì cảnh đẹp như vậy mà có bao giờ được đặt chân đến mà biết, vì đó là khu vực của Chư Tăng là nơi Ni Chúng không được vào. Nay nhờ có Sư Ông che chở nên được qua cổng không cần trình giấy, khám phá được tất cả. Thật hạnh phúc thay!
Một điều hạnh phúc bất ngờ. Sư Ông bảo chiều nay Sư Ông quan lâm bên Chư Ni để thăm và nhắc nhở Ni Chúng. Chúng con vô cùng cảm động vì được Sư Ông chiếu cố do thương tưởng đến đàn cháu nhỏ dại khờ này. Chúng con vui lắm. Ngồi bên võng quanh Sư Ông xúm xít đọc thơ trả bài cho Sư Ông nghe mà lòng đầy hỷ lạc. Đâu có hạnh phúc nào đổi lấy được những giây phút đó.
Giờ đây những nơi đó đã đi vào lịch sử Thiền Tông. Tuy đã có những đổi thay về cảnh vật nhưng nơi chốn thì không khác nên “Thánh Địa” này cũng có âm hưởng đạo hạnh của người xưa và người xưa còn để lại khí phách hào hùng cho thế hệ chúng con noi theo. Chúng con nguyện cố gắng tiến tu để không có phụ công ơn của Sư Ông đã khôi phục lại Thiền Tông, mở ra con đường cho mọi tâm hồn đang lạc lõng không biết lối đi có chỗ để quay về. Chúng con tuy không làm rạng rỡ tông phong nhưng chúng con vững niềm tin vào pháp môn mà Sư Ông đã chỉ dạy và tin nơi thân vô thường sinh diệt
này, có cái thường hằng, không sanh không diệt, cố gắng tu để sống với cái bất sanh bất diệt đó để không cô phụ lòng Người Xưa với chốn cũ.
Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni