headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

PHẬT PHÁP ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY

labodeChúng ta nếu có duyên với nhau thì gặp nhau, từ vô thủy kiếp đến nay do chúng ta gieo căn lành thật sâu nên ngày hôm nay mới ngồi cùng nhau để học hỏi Phật pháp.Chúng ta đủ duyên đến Thiền viện để nghe Phật pháp mà không kiến Phật, ngộ vô sanh thì đau khổ vẫn là đau khổ, phiền não vẫn là phiền não. Thấy ông Phật là chính mình thì tức khắc hết sự đau khổ.Cho nên ngày hôm nay chúng ta học bài pháp “Đạo Phật đến để mà thấy”.

 Đến ở đây là đến bằng con đường trí huệ chứ không phải đến bằng con đường cầu xin.

Đức Phật đã dạy: “Này các Thầy Tỳ Kheo, các thầy hãy tự thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc với Chánh pháp”.

Đạo Phật là con đường giác ngộ. Tại sao trong cuộc đời này chúng ta vẫn còn đau khổ, vẫn còn chấp ngã, vẫn còn vô minh, vẫn còn tật đố, ích kỷ?

Có một vị Tăng đến hỏi Thiền sư Duy Khoan: Bạch Hòa Thượng, đạo ở chỗ nào?

Sư đáp: Ở trước mắt.

Vị Tăng thưa: Sao con không thấy?

Hòa thượng đáp: Vì ngươi có ngã nên không thấy.

Vị tăng lại hỏi: Con có ngã nên không thấy, Hòa Thượng thấy chăng?

Hòa thượng đáp: Có ngươi, có ta nên rồi cũng chẳng thấy.

Vị Tăng hỏi tiếp: Không con, không Ngài, lại thấy chăng?

Hòa thượng đáp: Không ngươi, không ta, lấy gì để thấy?

Như vậy, sở dĩ trong cuộc đời này chúng ta đau khổ, phiền não là do chấp thân là thật, chấp cái tâm duyên theo bóng dáng sáu trần là thật. Muốn dứt khổ, phải đến với đạo Phật bằng con đường trí huệ.

Nói đến đạo Phật là phải nói đến tự thân của Đức Phật. Tự thân của Đức Phật là toàn thể đều là giác. Chúng ta thường nói hành Bồ tát đạo thế này, thế kia nhưng mà tâm mình không cởi mở được, tâm của mình quá nhỏ nên bỏ một nắm muối vào trở nên mặn chát không có ai uống được. Tâm của Phật rộng, bao la như dòng sông nên bỏ nắm muối vào cũng không bị mặn. Cho nên mình đến với cuộc đời này, chẳng hạn sống với người thân, tâm mình phải cởi mở, phải rộng.

Chỗ này rất vi tế, chẳng hạn như có người rất thân với mình, hay rủ mình đi đến chỗ này, chỗ nọ, mà có khi vì vô tình hay cố ý không rủ mình. Quý vị nhớ đây là chỗ công phu quyết liệt của mình. Ngay chỗ đó, nếu mình phân tích, tại sao ngày hôm nay người đó không rủ mình, có vấn đề gì thì tức khắc phiền não đến với mình.

Đạo Phật tuy đơn giản nhưng đi vào thực hành thì chi li, chi tiết, không cẩn thận chính những chỗ này hạt giống xấu của mình nảy mầm, đẩy mình đi đến những con đường xấu sau này. Thành ra tu mãi mà vẫn phiền não, vẫn đau khổ.

Chúng ta đến với Đạo Phật không phải bằng khái niệm, trìu tượng, thuyết minh, phân tích, mà tự thân của mình phải đi sâu vào cuộc đời, vào cuộc sống hiện thực. Còn chấp chặt vào chữ nghĩa, vào khái niệm thì không bao giờ nắm bắt được. Đến với Đạo Phật là phải tự thân của mỗi con người chúng ta vươn lên, nắm bắt. Quý vị nghe câu chuyện Ăn trộm dạy con.

Đạo Phật không phải là con đường suy luận, những cái gì thêu dệt bằng khái niệm, bằng suy lý, bằng những khuôn phép cơ cấu giáo điều thì chúng ta không bao giờ nắm bắt được thực tại, mà một khi trong đầu óc đã có khái niệm, suy lý thì khi sự thật đến mình cũng không chấp nhận. Cho nên đến với đạo Phật là đến bằng con đường trí huệ, thấy đúng như sự thật.

Trong Kinh A Hàm, có vị du sĩ đến hỏi Phật:

Sa môn Gô ta ma, thế giới này là còn mãi hay sẽ hoại diệt?

Đức Phật: Này du sĩ, Như Lai không trả lời câu hỏi đó.

(còn hay mất là thấy hai, là con đường nhị nguyên phân biệt).

Du sĩ lại hỏi: Thế giới là biên giới hay không có biên giới?

Như Lai cũng không trả lời câu hỏi đó.

Vậy thân thể và linh hồn là một hay là hai?

Câu hỏi này Như Lai cũng không trả lời.

Sau khi chết, Gô ta ma còn hay mất?

Câu hỏi này Như Lai không trả lời.

Hay Ngài nghĩ rằng sau khi chết, Ngài vừa còn cũng vừa mất?

Câu hỏi này Như Lai cũng không trả lời.

Như vậy chắc Ngài cho rằng sau khi chết Ngài cũng không còn, cũng không mất?

Này du sĩ, câu hỏi đó Như Lai cũng không trả lời.

Du sĩ lộ vẻ ngạc nhiên, ông nói: “Câu nào tôi hỏi, sa môn Gô ta ma cũng không trả lời. Tại sao thế? Vậy câu hỏi nào sa môn mới chịu trả lời?

Ta chỉ trả lời những câu hỏi nào về đạo pháp, có liên hệ tới công phu tu tập nhằm gạn lọc thân tâm, vượt thẳng lo âu, sầu khổ, thẳng đến con đường Niết Bàn.

Cho dù người nào biết thế giới còn hay diệt thì đau khổ vẫn hoàn đau khổ.

Đi vào cuộc đời này, trong mỗi giờ, trong mỗi phút, trong mỗi giấy, chúng ta phải tỉnh, thấy được chỗ đó mới không bị cảnh bên ngoài lôi kéo, làm cho đắm chìm.

Muốn được như vậy, phải nhớ câu “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”, có nghĩa là phàm cái gì có tướng đều là giả dối, nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng, thì tức là thấy Như Lai.

Vậy, chỗ “phi tướng” là chỗ nào?

Ví dụ như có người đưa cái ly cho mình, nếu mình thấy nó xấu mình không thích, hoặc nó đẹp liền lao theo. Có cái ly đưa ra mình vẫn thấy, mà cái ly không có mặt mình vẫn thấy. Thấy được chỗ đó gọi là “phi tướng”. Thấy được chỗ đó thì với gia đình, mình vẫn có tâm hỷ xả, tâm bao dung, tha thứ. Đối với xã hội, đối với người lạ, mình cũng có tâm bao dung tha thứ vì tất cả tướng đều là phi tướng.

Chỉ cần mình thông được một pháp thì tất cả các pháp đều thông. Chỉ cần tâm mình buông xả, bao dung, tha thứ đối với người này thì đối với những người khác mình cũng có thể buông xả, bao dung, tha thứ được. Nhưng tại sao, có người mình cởi mở, bao dung, tha thứ được, còn có người không? Tại vì còn ngã chấp, thấy còn có cái ta nên không buông xả được. đây là nói cho người đang tu, đang trên bước đường đến để mà thấy.

Đến với đạo Phật, trọn một ngày tu là phải có giá trị, phải hơn người không đến một ngày. Học Phật pháp có được lợi ích, đó là Thất thánh tài.

Thấy được ông Phật của mình thì kiếp này cho đến kiếp sau, quý vị đặt được nền móng Chánh pháp.

Trong Kinh Trung bộ, có một vị du sĩ đến hỏi Phật:

Sa môn Gô ta ma, xin Ngài cho biết là có ngã hay không?

Thế Tôn im lặng không đáp.

Sau khi vị du sĩ đi khỏi, Tôn giả A Nan hỏi:

– Bạch Thế Tôn, trong các buổi pháp thoại, Thế Tôn đã từng giảng dạy về đạo lý vô ngã. Tại sao hôm nay Thế Tôn không trả lời câu hỏi về ngã của du sĩ?

– Này Ananda, đạo lý vô ngã mà Thế Tôn chỉ dạy cho các Thầy là một pháp môn hướng dẫn thiền quán mà không phải là chủ thuyết. Hiểu nó như một chủ thuyết thì các Thầy sẽ bị kẹt vào nó.

Cho nên nói Đạo Phật là vô ngã, vô thường, nếu chỉ nghe vậy thì chỉ là khái niệm, là suy lý, phải hiểu đó là con đường để thiền quán, để thực tập quán chiếu trong từng giờ, từng phút, từng giây về thân thể con người mình.

Một hôm có một vị ngoại đạo Sibaka đến hỏi Phật: “Phật pháp thiết thực, không có thời gian, đến để mà thấy. Làm sao chứng minh được cái nghĩa đó?”

Phật trả lời: “Này Sibaka, nếu nội tâm ông không có tham biết nội tâm ông không có tham, nếu nội tâm ông không có sân biết nội tâm ông không có sân, nếu nội tâm ông không có si biết nội tâm ông không có si. Và nếu nội tâm ông không có tham, sân, si biết nội tâm ông không có tham, sân, si”.

Có câu chuyện các vị Thiền sư thường nhắc, một hôm Thần Quang đến hỏi Tổ Đạt Ma, xin được chỉ dạy về pháp an tâm. Tại sao Ngài Thần Quang không hỏi Tổ để chỉ về cảnh giới Niết Bàn, Cực Lạc, cũng không hỏi về chân như, Phật tánh mà chỉ tha thiết mong cầu Tổ chỉ cho pháp an tâm? Cho nên mình đến với đạo Phật phải bằng con đường như thật tri kiến. Tâm mình như thế nào biết rõ như thế ấy. Tâm mình còn đang lộn xộn, tâm phải an là nhân đức thì Niết Bàn, Cực Lạc, pháp thân … là quả đức. Tu tập nhiều mà không thấy điểm đó thì ngã chấp vẫn hoàn ngã chấp, tham đắm vẫn hoàn tham đắm.

Trong Kinh A Hàm, có một vị đến trình với Đức Phật như thế này:

“Luôn luôn chế ngự ý
Trong tất cả mọi thời
Chỗ nào chế ngự ý
Chỗ ấy được an vui”.

Đức Phật nói:

“Không nên chế ngự
Trong tất cả mọi thời
Chỉ nên chế ngự ý
Chỗ nào tham, sân khởi”.

THẤY ĐƯỢC ĐỂ DỪNG

Kinh Viên Giác: “Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác”. Biết huyễn là lìa, mà lìa tức là giác. Đi làm vẫn bình thường, một niệm tham sân khởi, biết có niệm tham, sân khởi. Vẫn làm, vẫn sinh hoạt giống như mọi người nhưng mình tỉnh. Việc làm mà luôn luôn tỉnh giác là tâm thiện. Còn việc làm mà tâm bất giác là tâm ác. Mỗi hành động đều luôn tỉnh giác là kiến Phật, ngộ vô sanh.

Một hôm Thiền sư Đức Sơn thượng đường, nói: “Ngày hôm nay ta thượng đường nhưng với một điều kiện, các ông không được ra nói. Nếu các ông mà bước ra nói là ăn ba gậy”. Vừa nói thì có vị Tăng bước ra, Ngài dùng cây gậy quất 3 cái. Vị Tăng thưa: “Bạch Hòa thượng, Ngài nói chừng nào nói thì mới đánh, con chưa nói tại sao Hòa thượng đánh?”

– Ông từ đâu đến?

– Con từ nước Tân La đến.

– Lúc ông chuẩn bị bước xuống thuyền là đáng ăn 30 gậy, hà huống chi đến chỗ này.

Có nghĩa là vừa mống niệm bước xuống thuyền từ Nam Triều Tiên qua Trung Quốc là đáng ăn gậy.

Thiền sư Lâm Tế nói: “Vừa dấy một niệm, ta nói người này là quyến thuộc của Ma vương, là kẻ tục phá giới. Khi chưa có niệm khởi hoặc niệm khởi lên mà dừng lại, không tiếp tục khởi niệm nữa còn hơn ông đi hành cước 10 năm”.

Mình dấy niệm thiện, tạo nghiệp thiện thì sanh về cảnh giới tốt, còn dấy niệm ác, tạo nghiệp ác thì sanh về cảnh giới xấu. Cho nên Đạo Phật chỉ cho mình ngay chỗ niệm khởi phải thấy được.

Đến với đạo Phật bằng con đường tri kiến như thật, tâm như thế nào biết rõ thế ấy. Tu tập nhiều mà không thấy được điểm đó thì vẫn còn ngã chấp, vẫn còn tham đắm.

THIỀN ĐẾN ĐỂ MÀ THẤY

Nói đến Thiền là nói đến cốt tủy của đạo Phật. Thế nên thiền không khác gì một tấm kính soi khắp muôn tượng bằng cái thấy chiếu diệu vào tự tâm. Thiền là hoa trái cuối cùng của cây giác ngộ. Thiền chỉ thẳng vào nội tâm, nội tâm ta như thế nào, biết rõ như thế ấy. Chỉ cần một ngày mình tỉnh thì phiền não không có mặt. chỉ cần quên là phiền não đến.

Chẳng hạn như quý vị ngồi yên, tỉnh táo sáng suốt, không nhớ chuyện quá khứ, không nhớ chuyện tượng lai, luôn luôn đặt tâm trong giờ phút hiện tại, có gì đang diễn tiến đều biết hết, chứ không phải tu một thời gian không biết gì hết, như gỗ, như đá. Những sự việc gì diễn biến trong tự tâm chúng ta đều biết hết. Cho nên nói đến Thiền là nói đến tinh thần phản quan vào tự tâm của mỗi chúng ta, là thấy được giờ phút đương niệm.

Muôn pháp luôn luôn biến chuyển liên tục, không bao giờ dừng. Dừng hay không dừng là trong tâm của mình. Tâm mình dừng thì muôn pháp dừng.

Một hôm, Thiền sư Chân Tịnh trong thất hỏi vị Tăng:

– Ông đã xong chưa? (Ý là xong việc đại sự chưa?)

– Chưa xong.

– Ăn cháo chưa?

– Ăn rồi.

– Sao nói chưa xong?

– Ngoài cửa có tiếng gì?

– Tiếng mưa rơi.

– Sao nói chưa xong?

Hãy nghe ta nói bài kệ:

“Theo duyên mọi việc xong
Hàng ngày dùng đâu thiếu
Tất cả đều tầm thường
Tự nhiên hết điên đảo”.

Thấy được chỗ đó rồi, gọi là Đạo Phật đến để mà thấy. Thấy tất cả đều tầm thường, tự nhiên hết điên đảo, không còn khổ đau trong cuộc sống đời thường nữa.


-ĐĐ. Thích Khế Định-
 

[ Quay lại ]