headertvtc new


   Hôm nay Thứ hai, 23/12/2024 - Ngày 23 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CHƠN KHÔNG Diệu Hữu

nisuhanhbuuNS. Thích Nữ Linh Bửu

Chơn Không thể bất biến

Huyễn hữu thường đổi thay.

            (Chơn Không - HT Tôn Sư)

Thiền viện Chơn Không được khởi công xây dựng từ tháng giêng năm Canh Tuất (1970), mãi đến hơn một năm sau mới tạm xong. Hòa thượng đã chánh thức khai giảng khóa I vào ngày mùng 8 tháng 4 năm Tân Hợi (1971).

Ngày mồng 7 tháng 4 năm Giáp Dần (1974) là Lễ Mãn Khóa I cũng vừa là Lễ Nhập Khóa II.

Khóa II được mở tại ba nơi:

1- Tu viện Chơn Không (Tăng) - Núi Lớn - Vũng Tàu.

2- Tu viện Bát-nhã (Ni) cạnh bên Chơn Không.

3- Chùa Linh Quang (Tăng) - Cát Lỡ - Vũng Tàu.

Tu viện Chơn Không là chiếc nôi đã chứa đựng biết bao chứng tích thời gian và mang đậm những ý nghĩa đạo lý hết sức thiêng liêng trọng đại.

Tu viện Chơn Không đã trải qua cơn thăng trầm biến động, xin quay đại lược lại cuộn phim năm xưa, bằng trọn vẹn tâm nguyện của lòng con.

Năm xưa

Con đã yêu Chơn Không qua từng cơn mưa pháp

Có bóng Người và bóng dáng chúng Tăng

Lúc thay đổi

Con cũng yêu Chơn Không vì từng viên đá vỡ

Có mồ hôi ướt đẫm nhọc nhằn.

Con chỉ có thể bắt đầu từ ngày mùng 8 tháng 7 (AL) năm 1981 để nói về Chơn Không vào thời điểm năm xưa.

Núi đá chập chùng, trúc dày đan lối

Người về đây, gầy dựng Tông phong. (TKS Chơn Không)

Chúng con không khỏi bồi hồi xúc cảm, khi quanh đây biết bao kỷ niệm của cội nguồn Thiền tông Việt Nam mà gần 40 năm qua Sư Ông đã dày công xây dựng, khôi phục và truyền bá. Chúng con nhớ mãi ngôi Pháp Lạc thất đơn sơ ngày nào mà Sư Ông đã từng thầm lặng ẩn thân. Ngọn đồi Tự Tại cho đến con đường Tiêu Dao, Đại Mai, Thạch Đầu đá lót gập ghềnh. Ngôi trượng thất nằm khiêm cung trên triền núi, trước sân mỏm đá Thanh Long và tảng đá Bạch Hổ, chen mình giữa hai cây sứ, đạo lý nơi đây đã tuôn tràn bất tận cho những người hữu duyên tìm đến.

Con nhớ từng khoảnh đất, khóm cây chan hòa từng giọt mồ hôi lao động để khai phá non thiêng, rừng rậm của Sư Ông và quý Thầy Bảy Huệ (Dược Sư) năm ấy, hàng tuần cũng ra Núi Lớn - Vũng Tàu góp chút công sức. Chúng con không thể nào quên cũng chính nơi đây đã hứng từng giọt nước mắt cô độc lặng lẽ của Sư Ông khi dụng công bị bế tắc và cũng chính nơi đây đã xuất hiện đầu tiên nỗi vui mừng vô hạn với nụ cười chân nhân khi Sư Ông nhận lại được trí tuệ của chính mình.

Vào thời điểm đó trước mùa an cư 1982, như thông lệ hàng tháng Sư Ông xuống thăm các Thiền viện (Phước Thái - Long Thành). Sau An cư năm ấy, Sư Ông nhập thất. Trong thời gian này Thiền viện Chơn không đã không còn những thời giảng đạo lý nữa. Mỗi chiều thường mở băng kinh nơi Thiền đường để Tăng Ni đồng qui tụ lại nghe. Con chỉ còn được nhìn thấy bóng vàng lại qua trước sân phương trượng sau mỗi giờ tọa thiền. Ngày giỗ Tổ, Tết Nguyên Đán, Sư Ông lại vì môn đệ ban pháp âm, không khí thiền tiếp sức cho từng nhịp thở, dòng máu, sức sống của những người con Chơn Không thuở ấy. Lòng vẫn còn tưởng tượng lại khung cảnh của ngày đầu xuân năm xưa tại Chơn Không:

Mỗi khi xuân về theo thông lệ của Tu viện Chơn Không, Vũng Tàu. Đến ngày 30 Tết quý Tăng Ni và Phật tử tụ hội về để nghe lời chỉ dạy quý báu của Sư Ông trong đêm Giao thừa. Sư Ông đến khai mạc buổi trà Tất niên tại Thiền đường. Thiền đường của Tu viện giữ nguyên bộ mặt xưa nay, lặng lẽ tôn nghiêm giữa những hàng cây cổ thụ. Những tảng đá biến thành những băng ngồi, nay vẫn đang phơi mình dưới nắng sương. Bên trong Thiền đường cũng vẫn là cái giản dị thường nhật của Tu viện. Tượng đức Phật Thích-ca bằng xi-măng, mỉm cười nhìn xuống; hai bên là hoa, quả, lò hương đang nghi ngút trước đài. Tối hôm nay những bình hoa, đĩa bánh ngọt xếp hàng dài dưới đất và quý Tăng Ni, Phật tử cùng theo thứ lớp mà ngồi.

Sư Ông đến an vị trước điện Phật. Phía trước Sư Ông là một cái bàn thấp nhỏ, trên ấy là một lọ hoa, đồng hồ và ly nước uống. Buổi tiệc trà thật đơn giản trong bầu không khí hân hoan, ấm cúng giữa tình Thầy trò và huynh đệ.

Sau phần tiệc trà, Sư Ông bắt đầu nói chuyện, mọi người lắng nghe một cách thích thú và vui mừng như được uống nước cam lồ. Trong Thiền đường, không một tiếng động nào ngoài tiếng hòa dịu và rõ ràng của Sư Ông. Từng cơn gió thổi mạnh xuyên qua lưới cửa, chiếc lá cây xào xạc bên ngoài cùng với tiếng pháo văng vẳng từ dưới núi vọng lên tạo thành một âm điệu không thể nào quên được. Xa xa phía dưới là thị xã Vũng Tàu, xa hơn nữa là biển cả với một bầu trời mênh mông bát ngát, những ngọn đèn li ti của nhiều ghe thuyền đánh cá lóng lánh trong đêm chẳng khác nào như những hạt chuỗi kim cương.

Sáng Mùng 1 tết, Sư Ông đã ngồi nơi phương trượng tự lúc nào. Sau phần nghi lễ và chúc thọ, Sư Ông ban đạo từ. Những lời ân cần nhắc nhở mọi người phải tin tâm mình để tu hành. Ai trong chúng hội còn chưa hiểu một lần nữa Sư Ông lại chỉ điểm thêm một cách tường tận, đâu là tâm vọng, đâu là tâm chơn. Trước lòng từ bi thương xót người hậu học, chúng con nghe những lời quý báu ấy mà xúc động.

Mùng 10 tháng 3 năm 1983, con được về Thiền viện Linh Chiếu. Cũng bắt đầu từ năm đó, các Thiền sinh nơi am cốc Chơn Không cũng lần lượt xuống núi.

Ngày mùng 7 tháng 4 năm 1983 Sư Ông đã ra thất về làm lễ xuất gia và truyền giới Sa Di cho chư Tăng Thường chiếu. Thời gian này Sư Ông lại thường xuyên về thăm các Chiếu.

Năm 1984, trước mùa An cư năm này, một số Thiền sinh nơi Viện Bát-nhã: Sư cô Trí Nhẫn, Sư cô Thuần Hòa, Sư cô Thuần Chánh, Sư cô Thuần Tuệ, Sư cô Như Lý. Cô về trụ am thất, cô về nhập chúng Thiền viện Viên chiếu, sư cô Hạnh Quảng về Linh Chiếu. Bà cô Huệ Hiển về khu am thất sát Linh chiếu.

Sư cô Diệu Vân, sư cô Diệu Thuần, sư cô Hạnh Chứng, sư cô Hạnh Hương về khu Sơn thất Thường chiếu. Bát-nhã lúc ấy chỉ còn lại sư cô Bảo Trụ trì, bà cô Từ Tánh, sư cô Hạnh Đạo, bé Chơn Hoa (Linh Khê).

Lần lượt, quí sư cô bên cánh phía trái Thiền viện: Sư cô Tấn về Long Khánh sau về lại Thường chiếu, sư cô Hồng, sư cô Kim, sư cô Tài, sư cô Lợi, sư cô Diệu cũng xuống núi (Các vị này nay đều là Ni Sư). Ni sư Chơn Hiền về lại Huế; Thầy Thiện Phước về khu Đại Tòng Lâm…

Bên Chơn Không lúc ấy trên là Sư Ông, dưới có Thầy Trụ trì Chơn Không, Thầy Tri sự (Thượng tọa Phước Tú), Thầy Kiến Thiện, Thầy Kiến Nguyên, Thầy Thông Phương, Thầy Thông Tạng, Thầy Thông Giáo, đạo hữu Minh Thanh (Thầy Kiến Lộc).

Năm 1985 bé Chơn Hoa về Linh Chiếu, thời gian này Sư Ông nhập thất.

Tại Thiền viện, thời điểm này, mỗi khi nhắc đến Sư Ông, con thấy quí Thầy Linh Chiếu rất thương cảm và lo âu vì hay tin đâu Sư Ông sẽ rời khỏi Chơn Không, rồi lại được nghe sư bác Trụ trì Thường Chiếu (HT Nhật Quang) nói với quý Thầy: “Tôi sẽ theo Ông già, tôi sẽ nấu cơm và giặt quần áo cho Ông già, Ông già đâu tôi đó!”. Những người nhỏ như con lúc ấy cũng cảm nhận được rằng dòng thiền Chơn Không đang gặp lúc thăng trầm.

Cũng trong thời điểm đó, tại Thiền viện Thường Chiếu và Linh Chiếu mỗi tối huynh đệ phải đi ngủ nhờ các am thất vì chưa chuyển được hộ khẩu. Khi ấy, ngày thì hai buổi ngoài đồng, tối lại thấm sương đêm nương nhờ ngủ đậu, phải lao lách từng ngày sống để được tu.

Sư cô Hạnh Duyên nơi am Dương Chi, bà năm Osawa thiền thất Tổng Trì, cô ba Chơn Huệ, sư cô Chơn Tịnh, bà cô Như Lễ, sư cô Trang cũng về khu Sơn thất Thường chiếu. Riêng cô ba Tịnh Viên và cô Hạnh Thuận về chùa ở Chợ Gạo - Mỹ Tho, cô Huệ Hiển cũng về Mỹ Tho. Sư Thuần Đức, Sư Như Trường về chùa quê tại Bến Tre. Sư Huệ Trí về Xuân Sơn sau trở lại am thất Thường Chiếu. Lần lần quí sư Nhà Đá: Sư Thuần Chơn, Sư Thuần Tịnh, cô Nguyên Tuệ (thất Hòa Vân) cũng về Thường Chiếu.

Năm 1985, Bát Nhã được dỡ phá dời về xây chùa Phổ Chiếu. Bà cô Từ Tánh về nương Phổ Chiếu. Sư cô Bảo về lại quê Long Điền.

Hình ảnh Chơn Không đông vầy của ngày xuân, ngày An cư, Tự tứ, ngày thuyết giảng đạo lý rộn ràng người lên xuống đã không còn. Chính đây đã phản ánh trọn vẹn sự thăng trầm biến đổi của nhân gian.

Ngày mùng 6 tháng 3 năm 1986, cô Hạnh Diệu (Sư cô Phó Trúc Lâm Ni), cô Hạnh Nhu và Linh Bửu được quí Thầy Linh Chiếu cho phép lên chùa Viên Phước (thất Thị giả) phụ dời đồ xuống núi.

Lòng nao nao khi đứng trước cảnh cũ, nơi mà một thời chúng con đã đem hết bầu nhiệt huyết của tuổi thanh niên, chí xuất trần hòa quyện vào từng bậc tam cấp lối đi, từng lối nhỏ đường mòn của quanh triền núi đá, những mong phải làm sao cho đời mình làm tuôn chảy mãi cội nguồn Chơn Không xuôi về bất tận.

Ngày ấy, trên gương mặt của những người lớn nơi đây thoáng nét trầm tư, bận rộn, vội vàng cho việc sắp xếp. Nhưng từ đáy mắt quí vị luôn tỏa sáng sự thâm trầm ý tùy duyên. Chơn Không của những ngày đổi dời vẫn mang nét sống thiền trầm mặc, vẫn mãi tuôn tràn thể lý Bát-nhã trước khúc quanh lịch sử.

Trưa khoảng 2 giờ, Sư Ông cầm kéo xuống Viên Phước cắt gốc hàng rào bông giấy. Chúng con kéo ra từng chặn dây gai. Người vẫn bình an, vẫn ung dung tháo gỡ từng gốc gai rối. Ba ngày sau, hàng rào bông giấy được dọn sạch, những chướng ngại khi phải di chuyển đồ từ Chơn Không xuống núi sẽ không còn bị nhánh của cành bông giấy vướng qua. Có ai dám bảo đảm được ngày mai sẽ ra sao? Giàn bông giấy được vun trồng theo tháng năm, những tưởng tồn tại lâu dài. Nhưng! Dòng đời tràn đầy duyên biến đổi.

Chiều Sư Ông dùng sữa tại Viên Phước. Bên võng Sư Ông trao đổi những việc bình thường song tràn đầy đạo lý. Mỗi chiều, Người lại theo đường Thạch Đầu về trượng thất.

Rồi Viên Phước được dỡ phần chánh điện. Đồ đạc di chuyển lần xuống núi. Ngày phá dỡ Thiền đường Chơn Không, Thiền sinh 5 Viện đồng về phụ rất đông. Phật tử Vũng Tàu, Phật tử Long Điền đều dốc toàn lực trong công tác. Hai tượng Phật Chơn Không và Viên Phước đưa xuống giữ được nguyên vẹn, tạm thời an vị tại chân núi. Khí trời lúc ấy đã có những cơn mưa rào nhỏ, rồi lại nắng gay gắt của trời tháng ba, hai tượng Bổn Sư phơi bày dưới trời, hai sương một nắng. Quý Thầy lấy hai nón lá và hai khúc vải bông phủ tạm lên tượng, ai nhìn thấy cũng chạnh lòng, thương Phật cũng chung dòng biến động của nhân sinh.

Ôi! Thiền viện Chơn Không nơi mà tiếng gậy thiêng của pháp âm vi diệu từ Sư Ông đã khơi nguồn, cũng đã tan họp theo dòng đời. Toàn thể người hiện diện năm xưa đều xúc động trước hiện tượng đổi thay của thế tình. Giờ đây, ngước mắt nhìn lên:

Cuộc tan họp như bóng câu qua cửa

Cơn vô thường chẳng bỏ sót một ai.

Thật là một cảm xúc sâu xa và thâm trầm trong lòng toàn thể chúng con.

Ngày ấy, Nhà trù Chơn Không do sư cô Hạnh Đạo, sư cô Huệ Nghiêm cùng các Phật tử Vũng Tàu Từ Anh, Từ Cữu, Từ Môn (còn nhiều Phật tử song không nhớ tên) …… ngày đêm trực tiếp cung cấp lương thực gần 100 khẩu phần. Trong giai đoạn khó khăn này, dù mệt nhọc nhưng mọi người đều cố gắng phục vụ, mọi việc đều nhịp nhàng theo từng giai đoạn.

Thiền đường dỡ, mái tôn giữ cẩn thận di chuyển về đồng bằng. Từng viên đá vỡ tung ra, theo nhân duyên qui về tổ ấm Thường Chiếu. Hàng rào người được sắp xếp từ ngay Thiền đường dài đến hang Ông Hổ, theo thứ lớp dây chuyền đá được thảy tung từ người này xuống người khác. Tất cả đều làm việc hăng hái để hoàn thành công việc. Người xưa dời non lấp biển. Còn nơi đây chuyền đá xây chùa.

Khi nhân sự lần lần rút bớt, cuối cùng Thầy Tri sự cho đá lăn thẳng từ cửa cổng Chơn Không xuống theo con đường tam cấp. Con đường bị phá vỡ từ dạo đó.

Con cũng không làm sao quên được, đêm cuối cùng ấy, Sư Ông còn trên đỉnh Tương Kỳ. Tất cả đều tụ họp tại trượng thất. Trăng 17 vừa chếch lên khỏi núi, khí mát từ biển thổi về, lao xao mấy cây đại chung quanh.

Người vẫn ngồi đó, ôn hòa trao đổi với cháu con, hương vị đạo thiền bát ngát khắp trời mây. Con đã thu tất cả trong thầm lặng:

Đâu rồi non đỉnh Chơn Không xưa

Trơ trọi nền chùa vách ngã nghiêng.

Sương gội phôi pha đời dâu bể

Trăng in thấp thoáng cảnh hoang tàn.

Thuở nao chất ngất lời Phật Tổ

Sân bày dáng tỏ bóng trăng xưa

Chùa khuya thiền lắng tâm siêu thoát

Một tiếng chuông ngân thấu biển trời.

Ai hay mấy độ thăng trầm cuộc

Bỗng xóa Chơn Không phút đổi dời.

Dời đổi cơ đồ Thiền tông ấy

Bơ vơ còn lại Mộ Ông thôi.

Oai linh Hộ pháp luôn gìn giữ

Gởi gió đưa hương khắp mọi miền

Khiến dòng sữa pháp càng tuôn chảy

Chung cuộc lá rơi lại cội nguồn.

Xưa, chùa mái đỏ ngời oai Tổ

Chừ nếp chùa nay rạng tâm thiền.

Từ phương trượng Chư Tăng Ni, Phật tử theo đường Đại Mai xuống, tất cả đồng ghé lại nền Thiền đường đổ nát. Trăng mờ nhạt theo mây, che khuất những cặp mắt long lanh nhìn xuống. Ngay phút giây này, mấy ai dấu được cảm xúc của lòng mình. Bài pháp đầu năm “Tùy duyên bất biến” đã thực sự thấm sâu vào lòng người nơi chốn Tổ năm xưa. Để rồi:

Bâng khuâng ai cũng ôn ngày cũ

Lối đó đường kia, ta ở chốn này.

Sáng 18.3.1986, Tăng Ni cùng toàn thể Phật tử hiện diện đồng cung tiễn Sư Ông xuống núi. Buổi sáng hôm ấy, như không bao giờ quên được. Sư Ông tôn nghiêm đốt nén hương trước mộ phần của Ông thân. Không gian đứng lặng, thời gian chợt dừng ….. Sư Ông cúi đầu trước mộ. Một quyết định quan trọng tối hậu: “Lưu mộ phần của Ông lại Chơn Không.”

Rồi gậy trúc quay đi, từng bước, từng bước …. Sư Ông xuống núi. Đoàn người theo sau, tất cả trân trọng qua từng bước chân xuống núi.

Sau đó, phương trượng được dỡ ngay. Hết thảy đồ vật bên trong được chuyển liền khi đó. Tất cả đều được phá dỡ, chỉ còn tạm lưu nhà khách và nhà trù sẽ dỡ sau cùng. Thầy Thị Giả (Ni sư Như Tâm), Sư chú Thuần Nhất, sư cô Thuần Thiện cùng về Linh Chiếu.

Đoàn di chuyển Chơn Không còn ở lại đến ngày 27 cùng tháng mới về Thường Chiếu. Đêm cuối tại Tịnh thất Liên Hoa (thất này bán, không dỡ) chư vị còn lại đồng trú mưa tại thất. Mưa lớn suốt đêm. Sáng sớm, Phật tử Vũng Tàu lên núi xem tình hình sợ quí Thầy Cô không có chỗ trú.

* Đoàn di chuyển Chơn Không cùng về hai chuyến xe:

- Chuyến nhất, xe đò Ngọc Mỹ chở Thầy Trụ trì Chơn Không, Thầy Tri sự ….. 5 vị.

- Chuyến thứ hai, chở ban hậu cần: Sư cô Hạnh Đạo v.v….

Tổ hợp tương Bửu Sơn: Sư cô Trụ trì, sư cô Thuần Thanh, sư cô Thuần Quang sau cũng đồng về Thường Chiếu.

Gia đình Cô Năm (má cô Hạnh Tường) về quê ở Long Khánh.

Chánh điện Thường Chiếu xây cất và khánh thành đầu mùa An cư năm 1986. Ngôi chùa chỉ xây cất trong vòng 21 ngày. Dòng Thiền Chơn Không lại tiếp người không ngần kể. “Ghe chở đầy lúa vàng vẫn chạy bon bon trên đường nhựa”. Quốc lộ 51 lại được rực sáng. Phước Thái - Long Thành vinh dự tiếp nhận linh hồn Đạo pháp, rõ ràng tỏa chiếu khắp mọi nơi. Nơi đó:

Muôn bàn tay chói ngời ý chí

Xây lại ngôi chùa huyết mạch Thiền Tông.

Vào tháng 9/1995 Thiền viện Chơn Không đã khởi công tái thiết. Nếu có lần ghé về thăm Thiền viện hôm nay, tuy hình thức Chơn không thay đổi khác xưa khá nhiều, nhưng về tinh thần thì: “Chơn Không thể bất biến”.
 

[ Quay lại ]